Wednesday, April 1, 2015

Trung Quốc nói láo gần bằng nhà báo (Hùng Tâm/Người Việt)





Wednesday, April 01, 2015 2:50:07 PM

Vài ba sự thật bị báo chí lãng quên khi nói về Trung Quốc

*

Chính quyền Hoa Kỳ đang mắc nợ rất nặng.

Tính đến ngày 30 Tháng Ba vừa qua thì nợ “tư nhân” trong và ngoài nước là hơn 13 ngàn tỷ đô la, khoản nợ của các cơ quan công quyền với nhau là hơn năm ngàn tỷ. Tổng cộng là: 18 ngàn tỷ 152 triệu 327 ngàn 875 đô la và 93 xu. Tại sao chúng ta biết đến tận số lẻ như vậy? Vì đây là con số được Bộ Ngân Khố (Bộ Tài Chánh của các nước khác), tính hàng ngày hàng giờ và niêm yết trên mạng www.treasurydirect.gov/NP/debt/current cho công chúng gần xa cùng biết.

Trung Quốc cũng mắc nợ rất nặng, mà nợ bao nhiêu và ai nợ ai thì chúng ta không biết. Cũng như chẳng biết là khối dự trữ ngoại tệ mà nhà nước Bắc Kinh nắm trong tay là bao nhiêu, đấy là một bí mật quốc gia. Mọi dữ kiện kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (quốc doanh) cũng thế. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế mới phải ước tính bằng các cuộc khảo sát kết hợp với những phương pháp thống kê khá chuyên môn.

Hồ Sơ Người Việt sẽ khởi sự từ sự khác biệt đó, để nói về chuyện khác.

Nợ nần của Trung Quốc

Cách nay một tháng, viện nghiên cứu của tổ hợp tư vấn về quản trị McKinsey (thành lập từ 1926, doanh lợi là gần tám tỷ đô la, cố vấn cho 80% các doanh nghiệp lớn nhất thế giới) vừa công bố một phúc trình về tình hình nợ nần toàn cầu.

McKinsey kết luận là sau vụ khủng hoảng 2008 vì nợ quá nhiều thì tình hình chưa cải thiện, các nước còn mắc nợ hơn trước. Phúc trình mấy trăm trang khá chuyên môn này là tài liệu khó nuốt cho nhà báo. Cho nên chúng ta ít biết về những rủi ro đang tích lũy đâu đó khi người ta mắc nợ quá nhiều.

Ðáng chú ý trong phúc trình của McKinsey Global Institute là tình trạng nợ nần của Trung Quốc. Thứ nhất là tăng vọt, thứ hai là lên tới mức khổng lồ.

Tổng số nợ của Trung Quốc được ước tính khoảng hai ngàn tỷ 100 triệu đô la vào năm 2000, rồi bẩy ngàn tỷ 400 triệu vào năm 2007, trước cuộc khủng hoảng năm 2008. Trong bảy năm mà tăng hơn gấp ba. Nhưng tới cuối năm 2014 thì tổng số trái khoản ấy lên tới 28 ngàn 200 tỷ đô la (cho dễ hiểu thì đấy là số 28 trước 12 con số không); trong bảy năm nhân gấp bốn.

Cho năm 2014, sản lượng kinh tế của Trung Quốc được ước lượng là 10 ngàn tỷ đô la. Nghĩa là một quốc gia sản xuất được 10 ngàn tỷ mà mắc nợ đến 28 ngàn tỷ. Ðấy là vấn đề.

Giới kinh tế thu gọn cho dễ nhớ là tổng số nợ của Trung Quốc cao bằng 282% của Tổng sản lượng Nội địa GDP. Nhà báo thì viết là 282% GDP. Thế rồi thôi. Ðấy là vấn đề khác, của truyền thông.

Ðào sâu vào đó, ta mới thấy ra tình hình còn nghiêm trọng và rắc rối hơn vậy.

Khi phân giải tổng số nợ (28 ngàn tỷ) người ta thấy công trái của Trung Quốc (nợ của khu vực công quyền) lên tới năm ngàn tỷ rưỡi (55% GDP). Nợ của các tổ chức tài chánh, thí dụ dễ hiểu là các ngân hàng hay công ty tín dụng lên tới 65% GDP; của các doanh nghiệp ngoài khu vực tài chánh là 125% GDP; và của các hộ gia đình là 38% GDP.

Ðể so sánh, bốn tỷ lệ ấy của Hoa Kỳ lần lượt là 89% (công trái), 36% (tài chánh), 67% (doanh nghiệp) và 77% (gia đình). Nước Mỹ mang tiếng là mắc nợ, có tổng số nợ lên tới 269% của Tổng sản lượng và nợ nhiều nhất là công quyền và các hộ gia đình. Trung Quốc mắc nợ nặng nhất trong hai khu vực kinh doanh tài chánh và không tài chánh, tổng cộng lên tới 190% GDP.

Khi độc giả đã chịu khó đọc tới dòng chữ đầy số này thì cũng nên biết luôn rằng doanh nghiệp của Trung Quốc không có sổ sách minh bạch và kế toán rõ ràng.

Khoản nợ lên tới 190% GDP hay 19 ngàn tỷ có rất nhiều nợ xấu. Giới tài chánh gọi đó là “nợ không sinh lời” - non performing loan - và có thể mất. Mà xấu tới cỡ nào thì chẳng ai biết, kể cả người trong cuộc là doanh nghiệp hay Ngân Hàng Trung Ương và các bí thư đảng bên trong các tổ chức này. Trong tổ chức của bộ máy nhà nước, kể cả các công ty quốc doanh, đều có chi bộ đảng sinh hoạt, và có một đảng viên giữ vai trò bí thư, để ghi chép và báo cáo mọi sự mà bên ngoài không được biết, thị trường tất nhiên là không.

Thêm một chi tiết nhức đầu khác là hệ thống vay mượn ngoại ngạch của các ngân hàng, ngoài bảng kết toán tài sản, hay shadow banking, được gọi là “ngân hàng chui” cho dễ hiểu. Số nợ này lên tới sáu ngàn tỷ 500 triệu và trút vào các nghiệp vụ đầu cơ đầy rủi ro của các đại gia có quan hệ lớn. Chỉ so sánh riêng khoản nợ bấp bênh ấy (6,500 tỷ của một nền kinh tế 10,000 tỷ), ta thấy ngay rằng dự trữ ngoại tệ bằng gần bốn ngàn tỷ (và đang sụt) của nhà nước thì chẳng có nghĩa lý gì. Khi ấy, có phải tính thêm dự trữ vàng của Trung Quốc ở khoảng 4,500 tỷ nữa không? Bán vàng đem đổ sông Ngô?

Kết luận ở đây là Trung Quốc đang gặp rất nhiều rủi ro về tài chánh. Giới chuyên môn đánh giá là còn nguy ngập hơn Hoa Kỳ thời 2008 hay Nam Hàn thời 1997 hoặc Nhật Bản thời 1991.

Nhà báo nói láo

Thế thì tại năm ngoái các nhà bình luận lại báo động về khả năng khuynh đảo của Bắc Kinh khi họ thành lập “Ngân hàng phát triển mới” của nhóm BRICS là Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi với số vốn 100 tỷ? Thế giới đã có tám ngân hàng phát triển, kể cả Ngân Hàng Thế Giới có tính chất quốc tế và toàn cầu, và nhiều ngân hàng phát triển địa phương khác. Nay sẽ có thêm ngân hàng BRICS. Chẳng có gì là ghê gớm.

Rồi vì sao thế giới lại vừa hốt hoảng rằng Bắc Kinh muốn đẩy lui ảnh hưởng của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân Hàng Thế Giới WB và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB với sáng kiến thành lập Ngân Hàng Ðầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu AIIB?

Các nhà báo vô tình nói láo - vì không hiểu gì hết?

Theo những gì đã được Bắc Kinh trình bày vào Tháng Mười năm 2013 rồi khai triển từ Tháng Sáu năm ngoái thì Ngân Hàng AIIB có chức năng khác với IMF. Nếu có ý cạnh tranh thì AIIB chỉ có thể cạnh tranh với ADB tại Á Châu, một định chế đã có 50 năm hoạt động, trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, với số vốn hiện nay là 165 tỷ và kết hợp với Ngân Hàng Thế Giới về trình độ nghiệp vụ.

Nói về Ngân Hàng Thế Giới thì đấy là định chế được thành lập chủ yếu để tái thiết Âu Châu sau Thế Chiến II. Rồi mới mở rộng hoạt động sang lãnh vực phát triển qua hai địa hạt chính là tài trợ nhẹ lãi và cố vấn kỹ thuật cho các nước nghèo. Trong số các nước đó có Trung Quốc.

Bắc Kinh mà được thế giới ngợi khen là tạo ra phép lạ kinh tế thì một phần cũng nhờ sự cố vấn của Ngân Hàng Thế Giới, và từ khi mở cửa thì được Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu tài trợ tổng cộng 70 tỷ Mỹ kim. Ngày nay Trung Quốc vẫn còn được Ngân Hàng Thế Giới giúp đỡ trong khi đem mồi nhử với “ngân hàng đầu tư” - khác với “ngân hàng phát triển.”

Trình độ thành công của một ngân hàng phát triển - tài trợ nước nghèo với điều kiện ưu đãi theo tôn chỉ vô vụ lợi - tùy vào khả năng thẩm định, thực hiện và quản lý các dự án dài hạn. Khả năng đó của Trung Quốc đã được thấy qua nhiều tai nạn, như trong lãnh vực hỏa xa khiến một bộ trưởng Hỏa Xa đã bị kỷ luật, hay tai họa về môi sinh như trong quá nhiều dự án kiều lộ hay thủy lợi. Và thiện chí phát triển Á Châu của Trung Quốc thì có thể được thấy trên sông Mêkông hay ngoài Ðông Hải.

Kết luận ở đây là báo chí chưa làm đúng chức năng thông tin của mình.

Với mấy chục ngàn tỷ nợ, trong đó có nhiều ngàn tỷ sẽ mất, nếu Bắc Kinh có tung ra vài trăm tỷ để mua chuộc thế giới bằng ngân hàng này hay ngân hàng kia thì cũng chẳng thấm vào đâu. Ý chí chính trị của họ thì có thừa mà khả năng chuyên môn vẫn còn thiếu. Trong mấy tuần qua, chẳng thấy ai nêu lên mấy vấn đề ấy, mà chỉ thấy người ta phê phán Hoa Kỳ và Nhật Bản đã không hưởng ứng sáng kiến của Trung Quốc!

Học phép IMF

Sau Ðại Hội khóa 18 vào Tháng Mười Một năm 2012 rồi hội nghị kỳ ba của Ban Chấp Hành Trung Ương vào năm kia, lãnh đạo Trung Quốc đã nói đến nhu cầu chuyển hướng và cải cách kinh tế cho sát với quy luật thị trường. Trong lần gặp gỡ tại Bắc Kinh vừa qua (hôm Thứ Hai 30 Tháng Ba), tổng trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ than phiền thẳng với lãnh đạo Bắc Kinh rằng Trung Quốc quá chậm cải cách và điều ấy gây rủi ro cho kinh tế Trung Quốc và thế giới, kể cả Hoa Kỳ.

Một trong những điều được Tổng Trưởng Jacob Lew nêu ra một cách ngoại giao là việc Chủ Tịch Tập Cận Bình đã nói tại Thượng Ðỉnh G-20 cuối năm 2010 là sẽ thi hành quy củ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF gọi là Special Data Dissemination Standard để công bố thông tin về dự trữ ngoại tệ.

Tức là các nước tiên tiến có luật chơi rõ rệt cho kinh tế thị trường, là phải có thông tin đầy đủ. Bắc Kinh chưa đi tới trình độ ấy và hứa hẹn sẽ chấp hành - mà chưa. Vậy mà lại muốn lập ra cơ chế cạnh tranh để thay thế IMF. Trò khôi hài.

Phải chăng truyền thông đại chúng cũng chưa đi tới trình độ phơi bày ra chuyện ấy?

Có thể là cũng từ áp lực của Hoa Kỳ mà hôm Thứ Hai vừa qua, Bắc Kinh tạm hoãn áp dụng quy chế mới về kỹ thuật cao cấp cho các ngân hàng. Quy chế này hàm ý là các ngân hàng của Trung Quốc phải được quyền mua các kỹ thuật mới, an toàn và khả tín. Nghĩa là nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc, doanh nghiệp ngoại quốc phải bán các kỹ thuật này, cho Trung Quốc tự tiện ăn cắp.

Vì lẽ đó, các doanh nghiệp Mỹ đã nêu vấn đề với chính quyền và áp lực ấy mới khiến Bắc Kinh hoãn đà ăn cắp.

Kết luận ở đây là gì?

Truyền thông chưa đủ trình độ trình bày vấn đề cho rõ ràng.
Nên làm việc hữu ích cho Bắc Kinh mà không biết.







No comments:

Post a Comment