Monday, March 23, 2015

Lý Quang Diệu, nhà độc tài được yêu mến và ngưỡng mộ nhất thế giới (Nguyễn Hưng Quốc)





Nguyễn Hưng Quốc      
23.03.2015

Trên thế giới, trong nửa sau thế kỷ 20, không có chính khách nào thành công và được ngưỡng mộ như là Lý Quang Diệu (1923-2015).

Thành công đầu tiên là ông nắm quyền lực trong một thời gian rất lâu. Có thể nói ông là một trong những thủ tướng dân cử tại vị lâu nhất trên thế giới, trong hơn 30 năm, từ 1959 đến 1990. Sau đó, với chức bộ trưởng danh dự (senior minister) và người hướng dẫn các bộ trưởng khác (minister mentor), ông tiếp tục có ảnh hưởng lớn trong việc phác hoạ chính sách phát triển cho Singapore. Từ năm 2011, ông chính thức rút lui khỏi bộ máy cầm quyền, nhưng vẫn tiếp tục làm dân biểu Quốc hội, ở đó, tiếng nói của ông vẫn được lắng nghe một cách đặc biệt, một phần vì thủ tướng đương nhiệm, Lý Hiển Long, là con trai của ông, phần khác, quan trọng hơn, vì những ý kiến của ông bao giờ cũng được xem là khôn ngoan và sắc sảo không những chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở tầm quốc tế.

Thành công thứ hai của Lý Quang Diệu là ông đã làm cho đảng Hành động Nhân dân (People's Action Party – PAP) do ông sáng lập với một số bạn bè từ năm 1954 trở thành một đảng cầm quyền có uy tín và sức mạnh hầu như vô địch tại Singapore trong suốt 60 năm qua. Trong cuộc bầu cử năm 1963, đảng của ông chiếm 37 trên tổng số 51 chiếc ghế Quốc hội; trong các cuộc bầu cử sau đó, từ năm 1968 đến 1980, đảng của ông chiếm toàn bộ số ghế. Chỉ từ năm 1984 trở đi, trong Quốc hội mới thấp thoáng có vài ba chiếc ghế thuộc phe đối lập. Cho đến nay, đảng Hành động Nhân dân vẫn giữ ưu thế tuyệt đối trong Quốc hội.
Thành công thứ ba và cũng là thành công to lớn nhất của Lý Quang Diệu là, trong suốt mấy chục năm, ông đã biến Singapore từ một quốc gia nhỏ xíu, nghèo đói và lạc hậu trở thành một trong những quốc gia phát triển và có thu nhập trên đầu người thuộc vào hạng cao nhất trên thế giới.

Xin lưu ý Singapore là một trong vài quốc gia nhỏ và có mật độ dân cư cao nhất thế giới. Với diện tích khoảng 700 cây số vuông, Singapore chỉ bằng một nửa thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Cái đảo quốc này không có đất cho nông nghiệp, thậm chí, không đủ nguồn nước ngọt để sử dụng, hầu như không có bất cứ một thứ tài nguyên nào cả. Vào những năm mới được tự trị cũng là lúc Lý Quang Diệu mới lên làm Thủ tướng, Singapore là một quốc gia rất nghèo nàn với trình độ dân trí rất thấp, hơn nữa, lại bị chia rẽ trầm trọng về sắc tộc. Sự chia rẽ trầm trọng đến độ Malaysia không muốn nhận Singapore làm một thành viên trong Liên bang Malaysia dù hầu hết các chính khách tại Singapore, kể cả Lý Quang Diệu, khao khát điều đó: Hầu như mọi người đều cho, với những bất lợi về phương diện địa lý và một số dân ít ỏi như vậy, Singapore rất khó phát triển và bảo vệ được chủ quyền của mình sau khi được Anh trao trả độc lập.

Thế mà, chỉ mấy chục năm sau, dù dân số vẫn rất thấp (hiện nay khoảng 5 triệu rưỡi), Singapore đã trở thành một trong những quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới. Đó là quốc gia có thu nhập trên đầu người thuộc loại cao nhất trên thế giới; có những trường đại học được xếp vào hạng ưu tú nhất trên thế giới; nơi có môi trường làm ăn thuận lợi và dễ dàng nhất trên thế giới, quốc gia ít tham nhũng và minh bạch nhất thế giới; nơi có hãng hàng không và phi trường được xem là uy tín nhất thế giới; một hải cảng tấp nập nhất thế giới; những đường phố sạch sẽ nhất thế giới, v.v…

Sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của Singapore xuất phát từ nhiều lý do nhưng hầu như tất cả các nhà phân tích chính trị và nghiên cứu lịch sử đều đồng ý với nhau ở một điểm: lý do quan trọng nhất là sự lãnh đạo khôn ngoan của Lý Quang Diệu. Ông được xem là người lập quốc, một vị cha già của dân tộc. Nhắc đến Singapore, nhiều học giả gọi đó là Singapore của Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew’s Singapore).

Khác với các “vị cha già” (founding father) khác, từ Mao Trạch Đông đến Fidel Castro, Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh, những kẻ chỉ đẩy đất nước vào chiến tranh hoặc khốn cùng, “vị cha già” Lý Quang Diệu làm cho đất nước ông càng ngày càng văn minh và giàu có, được cả thế giới kính trọng.

Với tư cách một kiến trúc sư, người xây dựng một nước Singapore hiện đại, không phải Lý Quang Diệu không có khuyết điểm. Khuyết điểm nổi bật nhất của ông là độc tài. Ông trấn áp những người đối lập, tìm mọi cách để ngăn chận sự phát triển của xã hội dân sự, ưu tiên cho những thành phần ưu tú, để cho gia đình ông nắm giữ những chức vụ cao cấp trong bộ máy chính quyền cũng như trong lãnh vực kinh tế, có những chủ trương khắc nghiệt để bảo vệ một Singapore trong sạch và lành mạnh. Tuy nhiên, phần đông dân chúng vẫn hài lòng với sự độc tài ấy. Họ hiểu nguyên nhân của sự độc tài là từ thiện chí muốn, một, tạo nên một hệ thống quản trị tốt và hữu hiệu và hai, đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá đất nước của Lý Quang Diệu. Bởi vậy, biết ông độc tài, người ta vẫn yêu mến và kính trọng ông. Có thể nói, Lý Quang Diệu là một trong những nhà độc tài khả ái và khả kính hiếm hoi trên thế giới. Hầu như tất cả các lãnh tụ trên thế giới, khi nói về ông, bao giờ cũng tỏ vẻ đầy tôn trọng. Các tổng thống Mỹ, từ Richard Nixon đến Bill Clinton và George H.W. Bush; các thủ tướng Anh, từ Margaret Thatcher đến Tony Blair, đều nhiệt liệt khen ngợi ông.

Nhưng sự thành công của Lý Quang Diệu không dừng lại ở phạm vi Singapore. Ông được xem là một nhà chiến lược thiên tài ở châu Á. Nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, thường xin ý kiến của ông trong nỗ lực hiện đại hoá đất nước của họ. Ở phạm vi quốc tế, một trong những đóng góp nổi bật của Lý Quang Diệu là đưa ra khái niệm bảng giá trị Á châu (Asian virtue) với nội dung chính là: khác với Tây phương nơi các bảng giá trị được xây dựng trên chủ nghĩa cá nhân, ở châu Á, dưới ảnh hưởng của Nho giáo và các nền văn hoá bản địa, tinh thần tập thể cao hơn hẳn, ở đó, người ta tìm kiếm sự đồng thuận hơn là cạnh tranh, nhắm đến cái chung hơn cái riêng, đặt quyền lợi của đất nước cao hơn quyền lợi của gia đình và quyền lợi của gia đình cao hơn quyền lợi của bản thân. Dĩ nhiên, người ta thừa biết quan điểm này của Lý Quang Diệu chỉ là một sự biện hộ cho các chính sách bị xem là độc tài và độc đoán của ông. Biết vậy, nhưng người ta cũng không thể không ghi nhận là với quan điểm ấy, ông trở thành một thủ lãnh tinh thần của châu Á, một Kissinger ở Phương Đông, như nhận định của một số học giả.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.







No comments:

Post a Comment