The
Economist
Biên
dịch: Trương Thị Phương Thanh | Hiệu
đính: Lê Hồng Hiệp
Posted
on 14/02/2015
Nguồn: “Why
Islam prohibits images of Muhammad ?”, The Economist, 19/01/2015.
Ngước
đầu nhìn lên trần của một đền thờ nguy nga ở Istanbul, nơi hiện nay là Bảo tàng
Hagia Sophia (ảnh), bạn sẽ thấy hai cách tiếp cận đối với thần thánh khác nhau,
phản ánh những thời kỳ khác nhau trong lịch sử của tòa nhà. Trên đó có những bức
tranh khảm đẹp nhất trong số các bức tranh khảm Cơ-đốc về Chúa Jesus, mẹ của
ngài và những nhân vật thần thánh khác; và những bức thư pháp Hồi giáo uốn lượn
phản ánh quan niệm cho rằng Thượng đế giao tiếp với con người thông qua ngôn ngữ,
nói hoặc viết, thay vì thông qua hình ảnh hay những hình thức vật chất khác.
Trong
phần lớn lịch sử của mình, đạo Hồi đã ác cảm với các chân dung giống như thật về
các sinh vật sống, đặc biệt là con người, và hơn hết là chân dung của Muhammad,
sứ giả của Thượng đế – hay bất kỳ nhà tiên tri nào trước đó, như Nuh (Noah) hay
Isa (Jesus). Đối với một họa sĩ thì chỉ có việc cố gắng vẽ Thượng đế là có thể
thất kính hơn việc vẽ Muhammad. Vì sao?
Đức
tin này bén rễ từ việc Hồi giáo e sợ sự sùng bái các hình tượng, và nói chung hầu
như bất cứ điều gì có thể chen vào giữa con người và Thượng đế, hay làm tổn hại
đến tính duy nhất và bất phân của Thượng đế. Kinh Koran không kết tội cụ thể
nghệ thuật tượng hình, nhưng đề cập nhiều đến chủ nghĩa đa thần và sùng bái
hình tượng. Theo đó, Hồi giáo cảnh giác với bất kỳ điều gì có thể trở thành
hình tượng được tôn sùng hay làm sao lãng sự tôn kính chỉ dành cho Thượng đế.
Hadith, một kho tàng rộng lớn
những lời nói về những việc làm và ngôn từ của Muhammad, là văn bản được trích
dẫn nhiều nhất nhằm bảo vệ cho việc cấm thể hiện hình tượng. Ngài được cho là
đã có những lời gay gắt dành cho một người đàn ông sống dựa vào nghệ thuật. “Bất
kỳ ai vẽ tranh sẽ bị Allah trừng phạt vì anh ta thổi sự sống vào nó, và anh ta
sẽ không thể làm được điều đó.” Điều này có nghĩa là nếu ai cố gắng “tạo ra” một
sự sống mới, đồng nghĩa với việc cố gắng chiếm đoạt vai trò của Thượng đế – thì
cuối cùng phải thất bại
Đức
tin này được những người Hồi giáo dòng Sunni tin tưởng mạnh nhất. Họ là những
người hình thành nên phần đông thế giới của các tín đồ Hồi giáo, đặc biệt là những
nhóm khắt khe và thuần khiết hơn như nhóm Wahhabi, những người thống trị Ả-rập
Saudi. Dòng Hồi giáo Shia cởi mở hơn nhiều đối với sự mô tả về con người, trong
đó bao gồm cả Muhammad.
Sự
khác biệt này kích động tinh thần của những nhóm Hồi giáo Sunni quá khích, như
nhóm Nhà nước Hồi giáo vốn đã phá hủy những đền thờ và hình ảnh của người Shia
và khẳng định rằng họ làm vậy để thanh lọc tôn giáo của họ khỏi sự gia tăng của
việc thờ phụng hình tượng. Trái lại, nhân vật đứng đầu những tín đồ Hồi giáo
Shia ở Iraq, Ayatollah Sistani, đã tuyên bố rằng sự miêu tả thậm chí cả
Muhammad là điều có thể chấp nhận được miễn là sự miêu tả đó được thực hiện với
lòng tôn kính đúng mực.
Nhằm
minh họa cho sự không tuyệt đối của lệnh cấm, người ta thường chỉ ra rằng những
chân dung về con người, bao gồm Muhammad, là trung tâm của những bức tiểu họa
dưới thời cầm quyền của các vua chúa Hồi giáo Sunni lẫn Shia. Trong thời kỳ hiện
đại, sự ngăn cấm về mặt thần học việc khắc họa con người bị thách thức tại nhiều
quốc gia Hồi giáo thông qua sự xuất hiện rộng khắp của hình ảnh con người trong
phim, trên TV và những biểu ngữ vận động chính trị. Ở những nước Arab, những thỏa
hiệp khéo léo giữa miêu tả và không miêu tả thỉnh thoảng được tìm thấy; ví dụ
như trên những biển báo chỉ đường có hình một người không có phần đầu sẽ chỉ
cho người đi đường nên đi đâu.
Ở
mức độ thần học cao hơn, người ta đôi khi cho rằng sự ác cảm của Muhammad đối với
hình ảnh cũng có ngoại lệ (ví dụ như trong những cuộc tranh luận giữa Hồi giáo
và Cơ-đốc giáo). Theo một phiên bản lịch sử về cuộc đời ông, ông đi đến Ka’aba
– tiền thân của thánh địa Mecca. Khi thấy nơi này có rất nhiều tượng thần
(idols), ông đã phá hủy hết chúng. Nhưng có hai hình tượng mà ông cho phép được
lưu lại, mặc dù công chúng không thể nhìn thấy: đó là hình ảnh của Jesus và Đức
mẹ Mary.
No comments:
Post a Comment