Friday, February 27, 2015

TQ nêu học thuyết chính trị của ông Tập Cận Bình (Thái An - theo Ibtimes)





Thái An (theo Ibtimes)
26/02/2015 15:58 GMT+7

Nhân dân Nhật báo TQ có bài xã luận trang nhất về học thuyết “Tứ toàn diện” của ông Tập. Cốt lõi của học thuyết không có gì quá mới mẻ khi xoay quanh “một xã hội thịnh vượng, cải cách, pháp trị và kỷ cương đảng”. Tất cả các thuật ngữ này đều xuất hiện lâu nay trong các cuộc thảo luận chính trị tại TQ. Tuy nhiên, điểm thứ tư dường như trực tiếp nói đến chiến dịch chống tham nhũng mà ông Tập đang tiến hành.

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối 2012, ông Tập Cận Bình đã triển khai một chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay. Một số lãnh đạo cao cấp nhất trong đảng đã sa lưới trong các cuộc điều tra chống tham nhũng.

Trong lịch sử, các nhà lãnh đạo TQ thường đưa ra những khẩu hiệu khái quát theo con số kiểu như "Tam siêu" của ông Hồ Cẩm Đào hay "Ba đại diện" của ông Giang Trạch Dân hoặc “Bốn hiện đại” của ông Chu Ân Lai.

Học thuyết chính trị mới của ông Tập xuất hiện khi phiên họp quốc hội TQ sắp diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng 3. Nhân dân Nhật báo đã tổng kết về “Tứ Toàn diện” gồm xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện, cải tổ sâu sắc toàn diện, thực hiện nhà nước pháp quyền toàn diện, thực hiện kỷ cương đảng toàn diện.
Những khái niệm này thực sự có ý nghĩa thế nào, và chúng sẽ mang lại thay đổi ra sao trong xã hội TQ?

Xã hội thịnh vượng

Cụm từ “xã hội thịnh vượng” xuất hiện đầu tiên năm 1979 thời ông Đặng Tiểu Bình và cũng được coi là tầm nhìn lâu dài cho một TQ hiện đại. Nhân dân Nhật báo nói rằng, ông Tập cũng lựa chọn “câu thần chú” này làm mục tiêu trung tâm cho di sản của mình, cùng với “ba toàn diện khác” hỗ trợ.

Phấn đấu cho một xã hội thịnh vượng thực chất là sự là định nghĩa của “giấc mơ TQ” - một ý tưởng mà ông Tập đưa ra trong năm 2013 mô tả TQ như một cường quốc về kinh tế, chính trị và quân sự. Tuy nhiên, ý tưởng này cho đến nay nhiều người vẫn cho là chưa được xác định rõ ràng.

TQ hiện nay đang đối mặt với khá nhiều vấn nạn trong xã hội như: tham nhũng lan tràn, ô nhiễm trầm trọng, căng thẳng sắc tộc, bất ổn xã hội, tranh chấp lãnh thổ, và những khó khăn kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng GDP ở mức hai con số.

Cải cách sâu rộng

Với ông Tập, điều này được tiến hành ở cả hai lĩnh vực chính sách kinh tế và chính trị. Kể từ khi lên nắm quyền hai năm trước đây, ông đã tiến hành một cuộc “đại tu” đảng cầm quyền bằng cách chống quan tham mạnh tay. Những quan chức cấp cao như cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu phó chủ tịch quân ủy Từ Tài Hậu cùng hàng loạt quan chức cấp thấp đã sa lưới. Họ đều bị cáo buộc nhận hối lộ và các hình thức làm giàu bất chính khác.

Ông Tập cũng khá mạnh tay trong việc kiểm soát nền kinh tế TQ, với kỳ vọng giới thiệu một “chuẩn mực bình thường mới” cho tăng trưởng GDP - giảm xuống còn 7,4% trong năm 2014 so với 14,2% trong năm 2007. Ông hướng tới việc giảm bớt sự tăng trưởng chóng mặt, ấn tượng bằng cách chậm hơn nhưng bền vững hơn, cũng đỡ gây tổn hại hơn cho môi trường. Điều đó cũng có nghĩa là cần dành nhiều thời gian hơn cho phát triển cũng như nguồn lực để xây dựng nền tảng kinh doanh tập trung vào dịch vụ thay vì phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và các ngành công nghiệp khác.

Pháp trị

Lãnh đạo TQ đã nhiều lần nhấn mạnh sự “tuân thủ chặt chẽ của nguyên tắc luật pháp”. Nhân dân Nhật báo viết rằng, kêu gọi pháp trị của ông Tập là một bước hiện đại hóa cần thiết để thắt chặt hệ thống luật pháp của TQ.

Theo International Business Times, điều này đồng nghĩa với việc trao quyền mạnh hơn cho các tòa án địa phương, thiết lập các tòa án bán độc lập để thúc đẩy sự độc lập của hệ thống tư pháp và giảm bớt sự can thiệp của các quan chức địa phương.

Kỷ cương đảng

Điều này liên quan chặt chẽ đến sự cải tổ chính trị của ông Tập. Phần lớn nền tảng học thuyết của ông Tập được đặt trên giả định rằng tham nhũng và những xu hướng can thiệp cải tổ kinh tế là nguy cơ lớn nhất đối với đảng cầm quyền. Theo Michael Schuman, một nhà báo tại bắc Kinh, cho phép cải cách có hiệu lực nghĩa là Bắc Kinh cần phải kiềm chế sự can thiệp từ chính phủ trung ương.

“Ví dụ, để ngân hàng hoạt động đúng chức năng, chính phủ phải tránh xa khỏi các quyết định cho vay. Để lĩnh vực tư nhân phát triển mạnh, các công ty nhà nước buộc phải cạnh tranh lành mạnh”, Schuman nói.

Thái An (theo Ibtimes)







No comments:

Post a Comment