Friday, February 27, 2015

IS tuyển mộ (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 25/02/2015

Việc 3 thiếu nữ quốc tịch Anh, gốc Hồi Giáo -hai cô 15, một cô 16 tuổi- vừa rủ nhau bỏ nhà ra đi, không chỉ tạo lo âu cho gia đình các cô thôi, mà còn làm cả thế giới quan tâm nữa. Họ biết các cô đáp ứng lời vận động tuyển mộ của IS.

3 cô Kadiza Sultana, Amira Abase và Shamima Begum đáp máy bay đi Istanbul
Abase Hussen -ông bố đau khổ

Trung tuần tháng Hai, 3 cô Kadiza Sultana, Amira Abase và Shamima Begum đáp máy bay đi Istanbul -trạm tiếp xúc bí mật để các cô được liên lạc viên đưa vào mật khu IS trong lãnh thổ Syria. Istanbul là một thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Truyền thông biết cảnh sát Anh đã gửi người tới thành phố này, và biết họ đi tìm 3 cô gái vừa bỏ nhà ra đi, nhưng không ai biết gì hơn nữa.

Tuy nhiên điều dễ phỏng đoán là Anh nhờ Thổ can thiệp, bắt giữ 3 thiếu nữ vị thành niên này lại, không cho các cô tiếp tục cuộc hành trình vào mật khu IS nữa. Chuyện các cô bỏ nhà theo IS không phải là một bí mật -chính gia đình các cô đã post lên mạng hai bức thư van nài con họ trở về, đừng đi tiếp con đường nguy hiểm, lỡ vào rồi là không có lối thoát trở ra nữa.

Nhưng dấu hiệu thất bại của cảnh sát Anh là việc phó thủ tướng Thổ Blent Arnc, hôm thứ Hai 2/23 nói với phóng viên, “Người Anh để 3 thiếu nữ đó đến Istanbul 3 ngày, rồi mới gọi nhờ chúng tôi chặn bắt các cô lại; khoảng thời gian 3 ngày đó thừa đủ để các cô vượt biên giới vài ba lần rồi. Chúng tôi không giúp họ được là do lỗi chậm lụt của họ."

Trách cảnh sát Anh chậm lụt là hơi khe khắt, vì chính họ cũng không sớm biết việc 3 thiếu nữ Anh rủ nhau bỏ nhà tìm đường vào mật khu IS.

Cô Amira Abase nói với bố là cô đi dự lễ cưới của một người bạn; đến lúc biết việc cô đi Istanbul, ông Abase Hussen, bố cô, mới đau khổ, rên rỉ, “nó đúng là một con bé điên.” Ông viết lên mạng năn nỉ Amira trở về, “Con cũng biết gia đình thương yêu con thật nhiều; chị con, và thằng em con khóc rưng rức suốt ngày.” Gia đình Abase biết cô Amira không còn bao giờ trở lại được nữa.

Cảnh sát trưởng Luân Đôn Richard Walton nói, “Chúng tôi vừa thực hiện công tác chống khủng bố, vừa lo lắng cho số phận của 3 cô gái còn khờ dại.” Thủ tướng Anh David Cameron cũng tuyên bố, “Cảnh sát không đủ khả năng để ngăn ngừa những mất mát, tổn thất kiểu này; Anh quốc đang lâm chiến với IS, và Anh quốc cần sự tiếp chiến của từng trường học, từng cộng đồng, từng người dân để chận đứng luồng sóng đầu độc tư tưởng mọi người.”

Gia đình cô Shamima cũng nhờ truyền thông bắn tin đến con gái họ, kêu gọi cô Shamima Begum cùng 2 cô bạn cấp tốc tiếp xúc với chính quyền Thổ; họ nhắn con, “cảnh sát Thổ, cảnh sát Anh đang tìm con, con hãy tiếp xúc ngay với họ để được che chở; đừng đi vào lãnh thổ Syria; gia đình không muốn con đến chỗ nguy hiểm đó. Má con nhớ con nhiều lắm, và cả nhà không ai phiền giận gì con hết."

Bà Katherine Brown, một giảng viên tại King's College London, viết trên BBC, “phụ nữ đang bị IS cám dỗ bằng hình ảnh một xã hội lý tưởng, trong đó người đàn bà tham dự thánh chiến, và góp tay vào việc lập quốc -lập ra một tân Hồi Giáo Quốc.

Người Anh gốc Hồi Giáo đang đóng một vai rất phụ trong xã hội Anh -một xã hội tạm dung nạp họ; ngay đến cả người đàn ông Anh gốc Trung Đông cũng chỉ có một chỗ đứng nhỏ bé. Họ sống nhẫn nhục trong cảnh yên thân, rồi cố gắng đè nén, bóp nhỏ lại thèm khát đứng thẳng lên vùng vẫy với đời.

Giới trẻ thiếu sự nhẫn nhục đó; họ bất mãn vì học hành thua kém và thường bị bạn học người da trắng đối xử khác biệt, nên khi họ nhìn cảnh những người đàn ông da trắng mặc đồng phục tù nhân mầu cam, quỳ gối trước mặt một người Hồi Giáo, công dân của nước Hồi Giáo Quốc, rồi chợt cảm thấy nhẹ nhõm, thỏa mãn, như vừa được trả thù.

Thù ghét tiềm tàng, nhưng sâu đậm đến mức một phụ nữ Anh, gốc Hồi Giáo đã xin cái vinh dự được là người đàn bà đầu tiên cắt đầu một con tin da trắng.

Bà Brown viết, “được dự phần xây dựng 'Hồi Giáo Quốc' đặt căn bản trên giáo luật Sharia đang trở thành giấc mơ của phụ nữ gốc Hồi Giáo; họ cảm tưởng có thống thuộc, và có liên hệ với Hồi Giáo nhiều hơn là với Anh quốc -đất nước tạm dung họ.”

Giáo sư Mia Bloom, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khủng Bố tại UMass Lowell (University of Massachusetts Lowell) nhận định, “IS cung cấp cho phụ nữ gốc Hồi Giáo một vai trò rất lãng mạn, rất thơ mộng: cầm súng trong hàng ngũ thánh chiến để xây dựng Hồi Giáo Quốc.”

Họ đánh trúng nhược điểm tự ti của phụ nữ tín đồ Hồi Giáo; nhờ đó họ tạo được hậu thuẫn của một khối quần chúng đang sinh sống trên lãnh thổ các quốc gia Âu, Mỹ.

Dĩ nhiên nhu cầu đối phó với ảnh hưởng tuyên truyền của IS không chỉ là nhu cầu của Anh, mà là nhu cầu chung của thế giới tự do; nhu cầu đó lại càng thúc bách hơn tại Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ là mục tiêu quan trọng nhất mà IS và những lực lượng khủng bố khác muốn tấn công.

Chiến thuật của tổng thống Obama đối phó với nỗ lực tuyên truyền của IS là tách lực lượng cuồng bạo này ra khỏi danh nghĩa Hồi Giáo -ông tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) toàn thế giới, mời nhiều viên chức chính quyền và các nhân vật danh tiếng của Hồi Giáo từ nhiều quốc gia đến Hoa Thịnh Đốn thảo luận về những phương thức đối phó với IS.

Ngày 2/18, trong bài diễn văn khai mạc HNTD, Obama nói, “Chúng ta không lâm chiến với Hồi Giáo, chúng ta lâm chiến với bọn phản giáo;” ông nói tiếp trong một đoạn sau của bài diễn văn, “Không tôn giáo nào chủ trương bạo động và khủng bố. Con người chịu trách nhiệm về bạo động và khủng bố."

Dù câu ông nói rất dễ hiểu, và chỉ chuyên chở dụng ý tách bọn IS ra khỏi Hồi Giáo, không cho chúng lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để lôi kéo sự ủng hộ của giáo dân, nhưng vẫn bị thống đốc Mike Pence, bang Indiana, làm như hiểu lầm để xuyên tạc là ông không dám lên tiếng gọi bọn quá khích Hồi Giáo là Hồi Giáo.

Nhiều chính khách hùa theo và mọi người chấp nhận ông Pence, và những người hùa theo ông có quyền nhân danh đảng đối lập, chỉ trích chiến thuật tách chiếc đũa IS ra khỏi bó đũa Hồi Giáo.

Hy vọng thứ Sáu này -ngày 27 tháng Hai- trong lúc bỏ phiếu cấp ngân khoản điều hành cho bộ Nội An, Quốc Hội Cộng Hòa sẽ thôi không nhắm mắt chống mọi chính sách của hành pháp nữa, vì nếu không được cấp ngân sách, bộ này sẽ không có tiền trả lương cho nhân viên, do đó hiệu năng của bộ, bảo vệ Hoa Kỳ sẽ bị giảm sút.

Giảm đến mức bộ NA sẽ phải cho 30,000 trong tổng số 230,000 nhân viên tạm nghỉ, 200,000 nhân viên khác vẫn đi làm nhưng không có lương định kỳ mỗi nửa tháng. Nha TSA (Transportation Security Administration - Nha Quản Trị An Ninh Chuyển Vận) sẽ phải cho 5,500 trong tổng số gần 60,000 nhân viên tạm nghỉ. Những người này kiểm soát hải cảng, đảm trách việc tuần duyên, và không lưu -mỗi ngày kiểm soát hành trang của 1.8 triệu hành khách hàng không tại các phi trường.

Hạ Viện -bộ phận có quyền cắt hay cấp ngân khoản- viết ra một đạo luật cấp ngân khoản cho bộ NA, nhưng đạo luật này lại cõng thêm khoản tháo gỡ, hủy bỏ những sắc luật tổng thống ký, cho phép đình hoãn việc trục xuất những người di dân đã sống lậu trên đất Mỹ quá 10 năm, và đã có con mang quốc tịch Hoa Kỳ.

Các dân biểu Cộng Hòa cho là nếu tổng thống không ký đạo luật đó, thì chính tay ông ta đã cúp ngân sách NA. Quan điểm này có thể thiếu chín chắn, nên Thượng Viện -cũng do đảng Cộng Hòa kiểm soát- đang tìm một lối thoát khác; lối thoát đó có thể là cấp một ngân sách tạm, ngắn hạn, để bộ NA có thể tiếp tục hoạt động.

Trong lúc “trai cò” Cộng Hòa, Dân Chủ Hoa Kỳ còn đang kềm kẹp, gay cấn với nhau thì IS ra lệnh cho các cảm tình viên địa phương của chúng tấn công các siêu thị lớn trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Nguy cơ “hai quả bom nồi Boston” có thể tái diễn bất cứ lúc nào, và bất cứ tại đâu.

Ai bảo chính sách lưỡng đảng đối lập với nhau, phục vụ sự tiến bộ của Hoa Kỳ, khi mà đối lập có nghĩa là đảng này thuần đánh phá đảng kia -sai cũng đánh, đúng cũng đánh, bất chấp việc IS từ thế thủ đang chuyển qua thế công, khai thác những ngòi nổ nội hóa -những tài xế xe bom made in America, học văn hóa Hoa Kỳ nhưng vẫn sẵn sàng tử vì đạo- đặt bom, lái xe bom vào siêu thị giết người Mỹ.

Nguyễn đạt Thịnh






No comments:

Post a Comment