Monday, February 23, 2015

Tái hiện nghi lễ dựng nêu tại Đại Nội Huế (Việt Đại Kỷ Nguyên)




LT.Ton, Việt Đại Kỷ Nguyên, Nghiên Cứu Sưu Tầm, Hội Đồng Hoàng Tộc Nguyễn Phước hải ngoại.
23 Tháng Hai , 2015

Sáng nay 11/2 (tức 23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tái hiện nghi lễ Thướng Tiêu (dựng nêu) trong Hoàng cung – Đại Nội Huế, một công trình đáng kể của dòng họ Nguyễn Phước tộc.

Sơ lược về dòng họ Nguyễn Phước (theo tài liêu của Hội Đồng Hoàng Tộc Nguyễn Phước hải ngoại).

Trên 400 năm lịch sử dòng họ Nguyễn Phước đã đi vào dòng lịch sử quốc gia dân tộc Việt, trải qua chín đời Chúa và mười ba đời Vua. Khởi đầu cuối thế kỷ 16 khi Đức Triệu Tổ Nguyễn Kim, thủy tổ nhà Nguyễn ở phưong nam khởi quân diệt Mạc, trung hưng nhà Lê, tạo công đức cho đức Thái Tổ Nguyễn Hoàng và các vị Chúa kế tiếp, lập công nghiệp lớn, phát triễn về phương Nam, mở rộng biên cương, xây dựng Vương Triều, và sau cùng lập nên Triều đại Nguyễn Phước, khi Hoàng Đế Gia Long thống nhất đất nước và tức vị năm 1802.

Tục lễ dựng Nêu

Dưới thời nhà Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, thường rơi vào ngày 23 tháng Chạp như là một dấu mốc cho sự ngừng nghỉ các công việc trong năm. Nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước điện Thái Hoà và các miếu trong Đại Nội.

Lễ dựng nêu rất là trang nghiêm và phải là viên quan hàm “Tam phẩm” trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua làm chủ lễ. Đặc biệt, cây tre dựng nêu là loại tre đực, cao, to và khoẻ.

Trên ngọn nêu treo ấn tín, bút lông, đoản kiếm… nên phải cử lính canh cho đến ngày khai hạ.

Ngày dựng nêu lên, triều đình thường cho bắn súng lệnh (súng Thần Công) từ Kỳ Đài để cáo tạ Đất Trời. Tiếng súng lệnh dứt, từ khắp các huyện, phủ và triều đình đều được nghỉ ngơi sau một năm lao lực nhọc nhằn để ăn Tết, chơi Xuân.

Theo Vĩnh Cao, nhà nghiên cứu triều Nguyễn, trong thời quân chủ phong kiến triều Nguyễn, dưới các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, lễ dựng nêu được tiến hành vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm. Từ các triều vua Tự Đức về sau, lễ dựng nêu được tổ chức vào ngày 30 tháng Chạp. Cũng với mục đích như trên, nhưng trong giai đoạn này, lễ dựng cây nêu còn mang ý nghĩa biểu trưng cho một vương quyền. Vì thế mà ta tìm thấy các ấn triện cũng được cất đựng trong chiếc giỏ lồng treo ở đỉnh nêu.

Lễ dựng nêu ngày Tết tại Đại Nội Huế là nghi lễ truyền thống tốt đẹp trong tâm thức của người Việt nói chung và trong văn hóa Huế nói riêng.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, chia sẻ: “Trong tiến trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Huế, ngoài việc bảo tồn các giá trị vật thể về các công trình kiến trúc thì việc khôi phục lễ dựng nêu ngày Tết cũng góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất cố đô” .

Phong tục dựng cây nêu ngày Tết đã dần mất đi trong cộng đồng người Việt thời hiện đại, và được thay thế bằng việc chơi hoa đào, hoa mai, hoa cúc. Cây nêu chỉ còn được bắt gặp tại một số ít vùng quê, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Dựng nêu ngày Tết bao gồm trong nó cả các dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, diệt trừ những điều xấu xa của năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới an lành.

Năm nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế xây dựng một kịch bản có tính nghi thức về lễ Thướng tiêu trong chốn cung đình. Lễ dựng cây nêu tại Đại Nội Huế được tiến hành từ trục Hiển Nhơn đến Thế Miếu. bao gồm 2 phần chính: rước nêu, dựng nêu. Lễ hạ nêu được chọn là ngày 7 tháng Giêng của năm mới Ất Mùi 2015.

Lợi ích của việc trùng tu Đại Nội Huế.

Công việc trùng tu của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế không chỉ có ý nghĩa về văn hóa nghệ thuật, về phong tục tập quán, mà còn có lợi ích về phương diện du lịch, kinh tế và thương mải. Đối với du khách, Đại Nội Huế cũng là điểm dừng chân tốt cho chương trình thăm viếng xuyên Việt từ Hà Nội xuống Sài Gòn.








No comments:

Post a Comment