Monday, February 23, 2015

Hoa Kỳ 'ăn trùm' trong vai trò định đoạt giá dầu lửa (Hà Tường Cát/Người Việt)





HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt (Tổng Hợp)
Friday, February 20, 2015 4:38:18 PM

Ông Alan Greenspan, Chủ Tịch Fed từ 1987 đến 2006 trước khi rút lui để được thay thế bằng ông Ben Bernanke, đã đưa ra nhận định này trong một bài viết trên tờ Financial Times hôm Thứ Năm.

Một giếng dầu của Apache Corporation ở khu mỏ dầu đá phiến Permian Basin, gần Garden City, Texas, sản xuất mỗi ngày 55-70 thùng, tạm ngừng hoạt động từ đầu tháng này trong lúc giá dầu xuống tới dưới $50 một thùng.  (Hình: Spencer Platt/Getty Images)

Theo ông ngoại giao thông thường không thể nào đạt tới  kết quả trên bình diện địa chính trị như là tác đông của việc phát triển khai thác dầu đá phiến (shale oil) ở Mỹ trong mấy năm qua.

Giá dầu thô hạ thấp cùng lúc với sự mất giá của đồng rouble ở Nga do hậu quả của vụ khủng hoảng Ukraine, đồng thời  kinh tế Iran suy sụp làm gia tăng triển vọng thỏa hiệp về vấn đề nguyên tử và chế độ xã hội chủ nghĩa Venezuela tới bờ vực vỡ nợ. Tất cả những sự kiện ấy đem đến chuyển biến trên  toàn cảnh kinh tế và địa chính trị mà phía được thụ hưởng chính là Hoa Kỳ và các đồng minh.

Vai trò ảnh hưởng về giá dầu trên thị trường thế giới của OPEC (Tổ Chức các Quốc Gia Xuất Cảng Dầu Lửa) trong nửa thế kỷ vừa qua, đến nay không còn là quyết định nữa.

OPEC thành lập năm 1960 gốm 12 nước:  Algeria, Angola, Ecuador, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Qatar, Saudi Arabia, the United Arab Emirates và Venezuela,  với sứ mạng được tán dương là “phối hợp và thống nhất chính sách”, bảo đảm ổn định thị trường, nguồn cung cấp cho các nước tiêu thụ, lợi tức công bình cho các thành viên và ngành kỹ nghệ dầu lửa. Cho đến thời gian ấy, chi phối thị trường dầu lửa là một nhóm các công ty đa quốc gia được gọi là “7 đại gia”.

OPEC thể hiện đường quyền lực của mình qua vụ khủng hoảng năng lượng năm, giá dầu từ $3 một thùng lên $12 do quyết định cấm vận dầu thô đến Hoa Kỳ và các nước Tây Phương cùng với tác động của sự hoảng sợ ở thị trường. Những năm sau đó, OPEC ấn định hạn ngạch về sản lượng cho mỗi thành viên và những quyết định về sản lượng chung của OPEC đều có tác động đến tình hình thị trường năng lượng thế giới.

Theo Greenspan, gốc rễ của việc dầu thô mất giá là tiến bộ trong kỹ thuật khai thác – hầu hết là dầu đá phiến – bằng phương pháp khoan ngang và fracking, thêm 3 triệu thùng dầu mỗi ngày từ năm 2012 đến nay. Kết quả là khoảng cách giữa sản lượng toàn cầu và tiêu thụ lớn hơn, dầu dự trữ của Mỹ và thế giới nhiều hơn đáng kể cùng lúc giá cả giảm xuống. Trước tình hình dầu lửa dư giả, Saudi Arabia không muốn mất thị phần, đã chọn việc từ bỏ vai trò là quốc gia sản xuất đứng đầu thế giới và quyết định không giảm sản lượng.

Sau biện pháp cấm vận hồi thập niên 1970, OPEC đã đoạt quyền định giá dầu từ Hoa Kỳ. Nhưng khai thông kỹ thuật về dầu đá phiến tỏ ra thừa đủ hiệu lực để ổn định thị trường hơn là những chính sách của OPEC. Ông Greenspan cũng tin rằng quyền năng định đoạt giá dầu của OPEC đã mất và sẽ không bao giờ lấy lại được.

Kỹ thuật dầu đá phiến cũng đem đến những điều kiện linh hoạt hơn dầu quy ước. Các giếng dầu đá phiến hầu hết có thể đi vào khai thác nhanh hơn dầu quy ước. Tuy nhiên trên phân nửa lượng dầu ở các mỏ này sẽ cạn sau hai năm đầu tiên, trong khi các mỏ dầu bình thường có thể tiếp tục sản xuất tới 20 năm hay hơn nữa. Như thế dầu đá phiến có thể bành trướng sản xuất nhanh và cũng ngưng sản xuất nhanh hơn các giếng dầu quy ước. Do đó khác với những quyết định về sản lượng của OPEC, tình hình thị trường sẽ tự động điều hướng sản xuất nhiều hay ít của dầu đá phiến.

Người ta cho rằng ngoài ý muốn bảo vệ thị phần, khi thuyết phục OPEC quyết định không giảm sản lượng hồi tháng 11, Saudi Arabia muốn dùng chiến lược triệt hạ ngành dầu đá phiến với phí tổn khai thác cao sẽ không thể hoạt động có lời. Nhưng chiến lược này tỏ ra không  hiệu quả, một phần vì phí tổn hiện nay giảm bớt nhanh nhờ tiến bộ kỹ thuật, mặt khác dầu đá phiến có điều kiện linh hoạt hơn trong sự khai thác như đã nói trên.

EDG Resources, công ty lớn nhất của Hoa Kỳ khai thác dầu đá phiến dự trù trong năm nay sẽ giảm bớt mức gia tăng sản xuất và tin rằng khi giá dầu lên trở lại sẽ tiếp tục tăng sản lượng. EDG nói rằng nếu giá dầu từ $50 hiện nay lên tới $65 một thùng trong năm tới, sản xuất sẽ gia tăng từ 15% trở lên. Các công ty dầu đá phiến khác cũng theo cùng một đường lối như vậy.  Khai thác dầu đá phiến là các công ty nhỏ không phải là đại công ty như Exxon Mobil, Chevron hay ConocoPhillips.

EDG giảm chi phí 40% năm nay và tình hình tài chính của công ty này được coi là vững vàng với tổng số nợ cho tới cuối năm ngoái là $3.8 tỷ nghĩa là chỉ bằng 43% thu nhập chưa trừ tiền lãi, thuế và những khấu hao khác. Sản lượng của EDG khoảng 282,000 thùng mỗi ngày trong năm ngoái, sẽ được giảm bớt khoảng 7% khi giá dầu vẫn còn thấp. Năm ngoái sản lượng tăng 33%.

Số giếng dầu hoạt động sẽ bớt một nửa còn 27 và hoạt động nhắm vào những vùng mỏ có lợi nhất tại các khu Eagle Ford và Delaware Basin, cả hai đều ở Texas. Vùng mỏ dầu đá phiến Bakken ở North Dakota vẫn là khu vực chính của EDG nhưng được sẽ giảm bớt chi tiêu và chỉ khoan thêm 25 giếng so với 59 giếng năm ngoái.

Ấn Độ, trong số những quốc gia hàng đầu về nhập cảng dầu lửa, được hưởng lợi lớn trong tình hình giá dầu thấp. Cũng được lợi là Nhật Bản đang phải nhập thêm dầu sau khi đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử do tai nạn ở nhà máy Fukushima năm 2011, Trung Quốc và Âu Châu cũng hưởng lợi nhưng ở mức độ ít hơn.

Hoa Kỳ hưởng lợi trong khi vẫn duy trì được sản lượng nội địa ở mức bình thường, khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày cho đến nay và chiếm vai trò định đoạt giá dầu trên thị trường với nguồn dầu đá phiến linh động có thể nhanh chóng điều chỉnh sản lượng thích ứng với tình thế.





No comments:

Post a Comment