Saturday, December 27, 2014

Nhà văn Nguyễn Quang Lập (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-12-27

Vụ bắt giữ nhà văn Nguyễn Quang Lập còn được biết dưới cái tên Bọ Lập chủ trang blog Quê Choa đã làm dư luận nổi sóng. Mặc dù trong giới văn nghệ sĩ không hiếm người ganh ghét tài năng và sự nổi tiếng của anh nhưng số lớn hơn nhiều lần trong họ lại có thái độ trân trọng nhà văn tài năng này qua hàng trăm bài viết chia sẻ sự bất bình của họ trước một đồng nghiệp bị bắt vì lý do hết sức ngây ngô: tuyên truyền chống đối chế độ.

Nếu một nhà văn bị xem là chống đối chế độ vì loan tải những bài viết phê phán các bất công, tiêu cực trong những công trình xây dựng hay bùa phép gây mất mát hàng ngàn tỷ ngân sách là có tội với quốc gia thì có lẽ cách diễn giải luật pháp của nhà nước qua điều 88 đang dẫm đạp lên chứ không phải thi hành luật pháp.

Bọ Lập nổi tiếng không phải là một người đấu tranh dân chủ. Anh không phải là người hoạt động chính trị và nhất là chưa bao giờ viết bất cứ một văn bản nào cổ súy cho tinh thần đấu tranh mang ý nghĩa của một cuộc cách mạng, cho dù cách mạng mềm hay cứng và dưới hình thức nào. Anh tự nhận là mình thiếu can đảm và chỉ là một nhà văn, một blogger bất bình trước các vấn đề nóng bức của đất nước mà đem trang blog Quê Choa chuyên chở các ý tưởng mà anh thấy không thể có vấn đề nghiêm trọng nào đáng cho nhà nước kết án, dẫn đến việc bắt giữ anh.

Sứ mệnh, trách nhiệm của người cầm bút

Bọ Lập từng nói với chúng tôi:
Nguyễn Quang Lập: Trước đây "Quê Choa" chỉ lập ra để viết văn chương cho vui thôi chứ không nói chuyện thời sự báo chí gì đâu, nhưng dần dà thấy nhiều chuyện chướng tai gai mắt quá, mình là thằng nhà văn mà không lên tiếng thì chẳng ra làm sao cả, thế nên tôi buộc phải lên tiếng thôi chứ còn lúc đầu chỉ làm một blog văn chương cho vui chứ không có ý định làm cái gì cả. Nhưng dần dần cuộc sống nó đập vào mình, nó buộc mình phải lên tiếng. Nếu không lên tiếng thì mình thấy nó thế nào! Không được! Không xứng đáng là một thằng nhà văn! Buộc phải lên tiếng.

Trang blog Quê Choa từ khi khai sinh tới nay đã là vùng đất vun đắp cho biết bao bài viết giá trị bằng số lượng người xem đáng kinh ngạc. Bắt nguồn từ cách tiếp cận với công nghệ thông tin, Bọ Lập đã thấy được ảnh hưởng của một trang blog nếu mang đúng hơi thở thời đại, tức là những sinh hoạt chính trên lòng lề đường thời sự chứ không nằm ở những suy tư có tính triết học: trăn trở một mình, một bóng đêm, hay một số phận.

Bọ Lập mang nhiều số phận, nhiều hình ảnh, nhiều chân dung của từng con người thật vào sách của anh để giới thiệu tới những con người, những “số phận” không kém phần nghiệt ngã khác. Sách của anh đậm đặc nhân văn, blog của anh đầy ắp thời sự, cả hai làm cho người đọc yêu mến và cả hai làm cho không ít người khó chịu, đặc biệt khi họ đánh hơi thấy có hình ảnh của họ trong đó.

Hình ảnh của họ là ai? Là những quan liêu hách dịch, những trợ lý luồn cúi xu nịnh. Những lãnh đạo đầu ngắn nhưng bao tử quá to. Những cấu kết ma quỷ giữa thế lực này với nhóm lợi ích kia. Những con người khi thức dậy việc đầu tiên là nghĩ tới tiền, tới hợp đồng tới lừa lọc.

Những con người ấy chằm chằm theo dõi Quê Choa và dĩ nhiên Bọ Lập phải biết nhưng đề phòng họ đến bắt thì Bọ rất chủ quan vì nghĩ mình tàn tật và không ai có can đảm đi bắt một người vô hại như anh.

Nguyễn Quang Lập: Tôi không bị mọc đuôi! Đơn giản là vì tôi què tôi có chạy đàng trời nếu có ai người ta muốn bắt. Họ theo tôi làm gì! Nhưng tôi biết có một sự khó chịu, một sự khó chịu nào đó, mơ hồ, nhưng cụ thể thì không có.

Dư luận phản ứng

Văn nghệ sĩ là giới nhạy cảm trước thân phận con người, cái làm nên tác phẩm, vì vậy đã rất bất bình với tấm thân xiêu vẹo của anh trong nhà giam. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nguyên Tổng biên tập báo Sông Hương cho việc bắt giữ một người lâm trọng bệnh như thế là ngu muội và tàn nhẫn, ông nói:

-Riêng việc một nhà văn đang bị bệnh, một nhà văn có tiếng đã đóng góp trong văn học nghệ thuật đối với đất nước trong sáng tác, tôi nói về mặt sáng tác cái đã mà bắt họ là hoàn toàn không nên một tí nào và không tốt.
Về mặt sáng tác còn mặt hoạt động xã hội tôi sẽ nói sau, một người có đóng góp lớn, đang bị bệnh mà bắt thì lợi bất cập hại đối với những người bắt. Ngay bản thân nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là người trong Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam mà khi có một bài thơ tâm huyết thậm chí nhạy cảm thì gửi duy nhất cho Quê Choa thì có nghĩa là bản thân của Quê Choa không có gì quá đáng. Cũng có nghĩa là bản thân Quê Choa không có gì là tệ hại và đứng về mặt yêu nước của nó thì Bọ Lập có tâm huyết.
Cho nên nói một cách nhẹ nhàng thì những người chủ trương bắt Lập chỉ có thể nói khù khờ và ngu dại.

Con người của Bọ Lập chắc chắn không thể bị quên lãng cho dù anh có bị buộc phải ngồi tù bao nhiêu năm đi nữa. Lịch sử văn học Việt Nam cho thấy sự bắt bớ, đàn áp và tiêu diệt người sáng tác có tư tưởng đối lập luôn có kết quả ngược lại.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, một người bạn vong niên của Bọ Lập cũng không thể chấp nhận cách bắt người này ông cho biết:

-Việc bắt Nguyễn Quang Lập tôi cũng quá bất ngờ bởi vì anh Lập không những là một nhà văn và một người nổi tiếng mà viết lách rất ôn hòa, có cá tính mạnh nhưng thái độ lại rất ôn hòa. Hai nữa là anh ấy đang bệnh vì liệt nửa người nên tôi vẫn nghĩ cấn phải có cách nào tốt hơn bởi khống chế người ta qua cách họ phát biểu hay đăng những bài viết của người khác có tính phản biện mà bắt người thì làm cho gia đình rất là lo lắng và bạn bè cũng như dư luận người ta thấy là không nên làm mà phải có nhân văn, thiện tâm đối với người bệnh nó gây một chấn động không hay.

Còn nhà thơ Đỗ Trung Quân một trong vài người bạn chân tình của Bọ Lập trước khi bị bắt cho biết ông không ngạc nhiên. Nhà thơ cho rằng không bắt Bọ Lập mới là chuyện đáng ngạc nhiên. Một nhận xét chua chát nhất mà chúng tôi nhận được từ các nhà văn thân hữu của Bọ Lập:

-Tất cả những cái mà Lập đưa lên trang blog mà chúng ta thấy của những người viết khác nhau. Vị trí tên tuổi nghể nghiệp khác nhau như là một con đò chở vấn đề. Có những vấn đề khác nhau rất nhiều nhưng suy cho cùng đó là phản biện đưa đến một kết quả đúng đắn nhất cho một xã hội tốt đẹp. Tôi không có cảm giác bất cứ cái gì về những bài của Lập đưa nhưng nhà nước này không phản ứng tôi mới lấy làm lạ. Phản ứng là đúng bởi vì một nhà nước trong thể chế như thế này, với những điều luật như 258, như 88 thì không có gì mới là chuyện lạ. Cá nhân tôi không thấy là chuyện lạ.
Chúng tôi vẫn đùa với nhau như thế này: Chúng tôi là những tù nhân dự bị. Có một câu chuyện rất hay, trong một bữa tiêc của một người bạn khác anh không làm nghề viết lách mà chỉ là người kinh doanh bình thường anh nói “ngay khi tôi chọn một thái độ im lặng, không phản kháng không xuống đường thì thật ra tôi đã ngồi trong một nhà tù nhỏ trong nhà tù lớn. Bởi vì khi tôi chọn thái độ đó thì nỗi sợ hãi đã giam cầm tôi rồi”. Câu chuyện đó có thể khái quát lên rằng chúng tôi tự hiểu mỗi người tự cố làm hết sức mình cho đất nước cho xã hội còn điều gì nó đến thì phải đón nhận nó một cách bình tĩnh bởi vì chúng tôi ở cái tuổi không còn nông nỗi mà không suy nghĩ. Mà khi cái gì thấy đúng, lẽ phải thì chúng tôi chọn lựa nó và sự chọn lựa nào cũng có giá của nó cả.

Nỗi sợ của người cầm quyền

Nguyễn Quang Lập không đề phòng được người vào thăm trang blog Quê Choa tăng lên tới con số 100 triệu lượt người xem. Con số khổng lồ này có lẽ là nguyên nhân trực tiếp việc bắt chủ nhân của nó và bắt đầu từ ngày 6 tháng 12 Quê Choa đã trở thành quá khứ.

Nhà văn Thùy Linh nhận xét việc bắt Bọ Lập chỉ do tâm lý hoảng loạn của những người đang nắm quyền lực và bà cũng nhận xét rằng việc bắt bớ ấy sẽ không làm cho những người có cách làm việc như Bọ Lập chùn bước:

-Việc nhà nước bắt anh Nguyễn Quang Lập đúng là nó gây ra chấn động bởi vì anh Lập thực sự không đáng là người phải chịu sự đối xử bất công đến mức như thế. Bởi vì nếu theo con mắt nhà nước thì sự nguy hiểm có lẽ nhiều người con nguy hiểm hơn anh Lập nhiều nhưng không hiểu sao họ lại lựa chọn anh Lập. Có thể một phần vì ảnh hưởng của blog Quê Choa nó đến được rất đông đảo độc giả. Chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng của cá nhân anh Lập đối với tiếng nói phản biện trong nước cho nên họ hoảng sợ, lo sợ.
Trong chừng mực nào đó nó giống như hành vi trả thù. Trả thù những tiếng nói, con người không chịu khuất phục. Việc này trong ngắn hạn có thể sẽ gây ra những lo âu trong giới cầm bút hay giới đấu tranh dân chủ nói chung nhưng về lâu dài tôi nghĩ điều đó không khiến người ta sợ hãi, chùn bước.
Thực tế cho tới giớ phút này có rất nhiều vụ bắt bớ đã xảy ra nhưng mà những tiếng nói đấu tranh dân chủ hay những hoạt động thì không hề có sự giảm bớt mà thậm chí có xu hướng ngày càng nhân rộng ra vì vậy việc bắt bớ của chính quyền đương nhiên phản tác dụng và người ta càng thấy rõ sự bế tắc trong biện pháp đối thoại của chính quyền đối với tiếng nói dân chủ. Cái sự bắt bớ này hoàn toàn là sự bế tắc.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập từng nhận xét nhiều văn nghệ sĩ đã bị đối xử rất bất công như Phùng Quán trước đây hay Tống Văn Công ngày nay. Hai con người này đã khiến anh băn khoăn cho số phận của những ngòi bút chân chính. Lấy sự thật làm căn bản và khát khao mang sự thật ấy ra ánh sáng là lẽ sống của họ lại bị nhìn một cách méo mó và bất công:

Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Cá nhân tôi nhận xét Phùng Quán ngoài là một nhà thơ ông là người có tính công dân rất mạnh. Và tất cả những bài thơ anh hay nói mạnh mẽ ví dụ như “Chống tham ô lãng phí” hay “Lời mẹ dặn”, chỉ vì tính công dân mạnh và anh ấy muốn góp ý cho Đảng, cho xã hội những tiếng nói trung thực nhất của một nghệ sĩ. Thế nhưng có người đã cố tình hiểu nhầm ý tốt đẹp của Phùng Quán.
Riêng điều này tôi có nghĩ đến Tống Văn Công, một đảng viên, một tổng biên tập làm cách mạng bao nhiêu năm chứ có xa lạ gì, rất có tâm huyết mà cũng bị người khác cố tình hiểu sai hiểu chệch nó đi và quy kết ông ta quá nặng nề (là mưu đồ, thù nghịch…). Nếu làm như thế thì tất cả những kẻ sĩ ở nước Nam này mà muốn có tiếng nói trung thực với Đảng sẽ sợ không dám nói gì cả. Bản thân tôi cũng sợ không dám nói nữa, thật sự là thế. Khi trung thực góp ý thì có ý sai ý đúng. Ý đúng thì xem xét, ý sai thì không nghe và cùng lắm thì mắng lại người ta chứ quy kết người ta là không được.

Dù cẩn thận và đề phòng nhưng Bọ Lập vẫn chủ quan nghĩ mình đang làm những việc đúng đắn, cần làm trong guồng máy đang thiếu những nhân tố như anh. Anh không biết rằng chính anh là nhân tố cản đường thăng tiến của quyền lực chứ không phải ngược lại như anh và hàng triệu người đang nghĩ.

Thật đáng buồn cho thân phận nhà văn Việt Nam, nhất là những nhà văn tốt, có tâm huyết với ngòi bút và nhân vật của mình.



No comments:

Post a Comment