Saturday, December 27, 2014

Giải cải lương thời Đệ Nhứt và Đệ Nhị Cộng Hòa (Ngành Mai - RFA)





Ngành Mai, thông tín viên RFA
2014-12-27

Nhân dịp ở miền Nam California Hoa Kỳ, Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại vừa phát giải Phụng Hoàng tổ chức thành công tốt đẹp với 1 tuồng cải lương và 3 bài vọng cổ sáng tác trúng giải, mà báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình tường thuật khá nhiều.

Trước sự việc trên, người ta nhớ lại khi xưa thời kỳ trước 1975, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, trong công cuộc bảo tồn văn hóa, đã ban hành nghị định thiết lập giải thưởng, lấy tên “Giải Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống”, để hàng năm phát cho nhiều bộ môn văn hóa nghệ thuật, mà trong đó có tuồng hát bội và tuồng cải lương.

Người được trúng giải ngoài phần danh dự được lãnh văn bằng, huy chương, và tiền thưởng khá cao, chỉ nội giải khuyến khích cũng được tiền thưởng 100 ngàn đồng (thời điểm này vàng y khoảng 20 ngàn một lượng).

Thế nhưng, rất hiếm tuồng cải lương tham dự giải, bởi năm đó (1971) chỉ duy nhứt có một tuồng “Thân Gái Dặm Trường” của soạn giả Ngọc Điệp tham dự và được lãnh giải khuyến khích.

Hôm lễ phát giải được tổ chức trọng thể tại phòng khánh tiết Dinh Độc Lập, chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân trao giải cho từng người.

Nghệ sĩ lão thành Năm Châu với tư cách chánh chủ khảo, trong ban giám khảo chấm giải bộ môn cải lương, ông có mặt trong buổi lễ và được Tổng Thống Thiệu hỏi:
- Tại sao cải lương không có nhiều tuồng tham dự?
Nghệ sĩ Năm Châu đáp bằng một câu thật chí lý:
- Thưa Tổng Thống, đào ở đâu cho ra tuồng cải lương hay mà tham dự giải.
- Không có tuồng thì cải lương lấy cái chi để hát?
- Cải lương có bao nhiêu tuồng hay thì giải Thanh Tâm đã chấm điểm hết rồi.

Năm Châu nói rõ hơn là tuồng cải lương được gọi là hay, xuất hiện trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1968 (Mậu Thân) chỉ có khoảng hơn 20 tuồng được coi như có ý nghĩa, đạt tiêu chuẩn để chấm điểm, còn bao nhiêu tuồng khác gọi là “hương xa” thì không mang ý nghĩa gì hết, cốt truyện từ đâu đâu chẳng biết của quốc gia nào, mà đa số là dựa vào phim Tàu, phim Nhựt ghép lung tung.

Mấy năm nay các gánh chỉ hát đi hát lại tuồng cũ, hoặc ghép tuồng này sang tuồng nọ rồi đổi tên tựa, chớ tuồng mới thực sự thì không có. Những tuồng hay, đạt tiêu chuẩn thì một số lớn đã từng tham dự giải Thanh Tâm, và một số tuồng hay khác thì soạn giả đã vào mật khu, đâu ai dám đem tuồng đi tham dự giải của Tổng Thống.

Kể từ năm Mậu Thân 1968 cải lương xuống dốc trầm trọng, các soạn giả lớn ngưng viết tuồng. Giờ đây cải lương chỉ có những tuồng chấp vá loạn xị, hoặc sao chép từ phim Tàu thì có ra hồn gì đâu mà tham dự giải.

Còn lý do vì sao mà soạn giả lớn ngưng viết tuồng thì rất dễ hiểu, bởi cải lương xuống dốc, nếu bỏ công sức, tim óc để hoàn thành cho ra đời một vở hát mà không tiêu thụ được. Gánh hát ế, một ngày hát 4, 5 ngày nghỉ, lỗ lã là thường thì đâu có tiền dư trả tiền bản quyền cho soạn giả.

Vậy thì soạn giả lấy gì lo cho cuộc sống để mà tiếp tục viết tuồng. Những soạn giả mà nghiệp dĩ còn mang, người ta thấy có Thu An thì anh này vốn là thầy tuồng, một thời làm mưa làm gió trên sân khấu đoàn Thủ Đô, từng viết tuồng Tiếng Trống Sang Canh, Con Cò Trắng, Gánh Cỏ Sông Hàn... rồi nhảy ra lập gánh Hương Mùa Thu. Vì là gánh hát nhà buộc lòng phải viết lách lai rai cho Ngọc Hương hát cho vui, chớ chẳng phải là muốn tranh tài với ai nữa cả.

Riêng về hai soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng vang danh tên tuổi, có thế đứng mạnh nhứt trong số soạn giả lớn danh, thì đã kẻ trước người sau xa lánh Sài Gòn để tạo cho mình một sân khấu nhỏ sống đắp đổi ngoài Trung, và dĩ nhiên nghiệp dĩ bắt buộc các anh phải viết tuồng cho gánh của các anh hát như Thu An vậy. Thời điểm này liên danh Hà Triều – Hoa Phượng chỉ còn lại trong lòng khán giả như chuyện vang bóng một thời vậy thôi.

Những tuồng cải lương đang diễn hiện nay trên các sân khấu, trên truyền hình là của các soạn giả nhỏ trước đây chỉ sống được với các gánh hạng B, hạng C, nay nghiễm nhiên trở thành trụ cột của các gánh lớn, để rồi chỉ cần đi coi phim kiếm hiệp Tàu rồi cóp lại làm tuồng kiếm hiệp, hoặc xào nấu lại những vở tuồng cũ trên chục năm trước đây cho hát kiếm cơm đắp đổi, thì làm sao có tuồng mới để mà tham dự giải.

Lời trần tình của nghệ sĩ Năm Châu trước Tổng Thống Thiệu rất đúng với thực tại của cải lương lúc bấy giờ, đó là cải lương thiếu tuồng tích nên ngày một suy yếu, mà càng suy yếu thì lại càng không có tuồng hay. Cái vòng lẩn quẩn đó cứ kéo dài hết năm nầy sang năm nọ, thành thử ra nhiều năm qua cải lương chưa có một tuồng hay nào xuất hiện, thì lấy đâu ra tuồng để tham dự giải.

Vấn đề đã cho thấy rằng ngay cả giải văn học nghệ thuật của Tổng Thống, đầy đủ phương tiện tổ chức, giải thưởng lớn lao cả về tinh thần lẫn vất chất, vậy mà cũng thiếu tuồng cải lương tham dự, thì các tổ chức sau này đứng ra làm cái công việc trên thì không thể nào mà không gặp khó khăn.

Không phải chỉ thời Tổng Thống Nguyến Văn Thiệu mới có giải văn học nghệ thuật phát cho cải lương, mà trước kia chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng có phát giải cho cải lương, và cũng rất ít tuồng tham dự giải. Trước khi nói về giải thưởng cải lương thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, thì phải nói đến các gánh hát trong khu kháng chiến của những năm 1946 – 1947 để rồi dẫn đến câu chuyện này.

Số là thời ấy trong vùng kháng chiến, gánh hát Lam Sơn của nhạc sĩ Chín Điều có vở hát “Chén Cháo Chí Linh” tức Lam Sơn khởi nghĩa được coi như là tuồng chủ lực. Sau 1954 Chín Điều về thành làm soạn giả lấy bút hiệu là Điêu Huyền, và lúc xảy ra câu chuyện thì ông đang cộng tác với đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ của vợ chồng đào Hoài Dung và soạn giả Nguyễn Huỳnh. Gánh hát do đào Hoài Dung đứng tên làm giám đốc, bởi soạn giả Nguyễn Huỳnh đang là viên chức cảnh sát cấp lớn ở Đô Thành (ông Cò Huỳnh).

Năm 1957, Phủ Tổng Thống có mở ra cuộc thi văn nghệ trình diễn toàn quốc, chú trọng vào hai bộ môn kịch nói và ca kịch. Thông cáo về cuộc thi đó được đưa tới Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu để nhờ hội này phổ biến và khích lệ giới sáng tác ca kịch tham gia. Hội Nghệ Sĩ thấy mình phải làm gương trước hơn ai hết, nên tổng thơ ký của hội lúc đó là soạn giả Duy Lân mới hỏi số anh em soạn giả hiện diện rằng ai có tuồng hát lành mạnh thì nên gởi dự thí.

Lúc bấy giờ soạn giả Điêu Huyền liền thưa thiệt rằng anh có sẵn vở hát “Chén Cháo Chí Linh” mà anh coi ra như có đủ yếu tố dự thi, nhưng ngặt cái là nó được sáng tác hồi còn trong khu kháng chiến, chẳng biết là có nên gởi dự thi hay không? Tổng thơ ký Duy Lân cho rằng chẳng làm sao hết, xin miễn rằng nó chỉ đề cao tinh thần dân tộc chiến đấu mà chẳng có điểm nào tuyên truyền cho cộng sản thì thôi.

Cũng cần nói thêm dù rằng tuồng được hát từ lâu trong khu kháng chiến, nhưng chỉ viết tay trong cuốn tập học trò giống như bản thảo. Nghe vậy soạn giả Điêu Huyền đánh máy vở hát trên giao qua cho Hội Nghệ Sĩ gởi đi dự thi, và sau đó thì vở hát này được trúng giải của Quốc Hội ban phát.

Khi kết quả được công bố và soạn giả nhà ta vừa lãnh giải xong thì oái oăm thay, đài Hà Nội lại cho truyền thanh liền vở hát đó, mà soạn giả Điêu Huyền nào có hay. Cho tới phiên các ông mật vụ ở Phủ Tổng Thống tìm hiểu tại sao có chuyện kỳ cục như vậy thì soạn giả Điêu Huyền mới... phát rét. Tuy nhiên cũng may nhờ bầu gánh Hoài Dung – Hoài Mỹ là soạn giả Nguyễn Huỳnh trần tình giùm cho Điêu Huyền hết mực cho nên anh này mới thoát khỏi tai bay vạ gió. Ai nấy đều hú hồn cho Điêu Huyền!

Thời Đệ Nhứt Công Hòa, cuộc thi đó cũng chỉ có 2 tuồng dự thi, nhưng một tuồng bị loại không cho thi, đó là tuồng “Mắng Việt Gian” của nghệ sĩ Bảy Nam (thân mẫu của kỳ nữ Kim Cương). Không biết nội dung tuồng ấy là những gì mà bị loại. Như vậy chỉ có tuồng “Chén Cháo Chí Linh” tham dự và trúng giải.

Tuồng tích cải lương khó khăn như vậy, nên hiện nay tổ chức nào làm được công việc khuyến khích soạn giả viết tuồng mới, là được giới mộ điệu hoan nghinh cũng đúng thôi.
Vậy nếu như muốn thực hiện công cuộc bảo tồn văn hóa, duy trì bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc, phải được sự ủng hộ của nhiều phía, cùng góp tay với Hội Cổ Nhạc, thì mới mong làm được việc.

Về phía tổ chức đứng ra làm, phải đồng tâm hiệp lực, tôn trọng lẫn nhau, ý kiến không tương phản thì công việc mới trôi chảy, mới đưa đến thành công.

Một cô trưởng đoàn nghệ thuật từng nói: Một ban tổ chức phải thực sự có uy tín “nói mà người ta nghe” thì mới hy vọng làm được việc. Lễ phát giải Phụng Hoàng kỳ 7 vừa qua cũng nhờ uy tín mà Hội Cổ Nhạc tổ chức thành công. Chớ nếu chưa đủ uy tín “nói mà người ta chẳng nghe”, thì chuyện nhỏ cũng không xong, chớ đừng nói chi đến chuyện tổ chức phát giải văn học nghệ thuật.




No comments:

Post a Comment