Saturday, November 29, 2014

CẢNH GIÁC TRUNG QUỐC ĐANG VUNG TIỀN MUA BẤT ĐỘNG SẢN (Tô Văn Trường)



Tô Văn Trường
Posted by adminbasam on 29/11/2014

Các nhà làm luật, làm chính sách, các vị đã quyết nhiều cái để lại hậu quả hiện nay không biết con cháu đời nào mới gỡ ra được. Văn hóa cộng đồng làng xã là “bong ke” ngăn làn sóng nô dịch và đồng hóa hàng ngàn năm trước từ người Hán. Từ khi chủ nghiã thực dân, tư bản thực dụng “xâm thực” và cách quản trị thực dụng về nhiều mặt rất cơ bản của ta từ sau cách mạng Tháng Tám đến nay…cái “bong ke” ấy nó cũng bị long lay, bong tróc và đang vỡ vụn từng phần!

Trung Quốc đang vung tiền mua bất động sản ở nhiều nơi ngon lành và di dân vì có thừa tiền và đủ mạnh. Aucland giá nhà tăng khủng khiếp mấy năm nay do Trung Quốc nhào mua vì so với giá nhà và môi trường sống ở Bắc Kinh thì mọi nơi trên thế giới này đều rẻ và tốt hơn rất nhiều.

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi với điểm mới đáng chú ý là cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam nhằm thu hút FDI và kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ ấm lên!?

Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua chiều 25/11 dành riêng một chương (Chương IX) quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức và cá nhân nước ngoài. Bên cạnh hai đối tượng được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam đã quy định lâu nay, Luật bổ sung các cá nhân được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Quy định này được ghi tại Điều 159 của Luật.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhận định, việc mở cửa thông thoáng cho người nước ngoài được mua nhà ở chính là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng tổng tài sản quốc gia, tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường thứ cấp.

Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành thì tỏ ra khá sốt ruột khi những lo ngại về quyền sở hữu nhà dành cho người nước ngoài được một số đại biểu Quốc hội đặt ra. Ông Thành nói: “Lịch sử có nhiều người Pháp sở hữu nhà ở Canada cả 100 năm nay, họ về Pháp, họ sang Mỹ sống, họ đâu có bê nhà đi được. Ngay tôi từng là nhà đầu tư bất động sản ở Pháp, tôi được tạo mọi điều kiện tối đa để phát triển, nay tôi về Việt Nam, dự án của tôi vẫn còn bên đó. Chúng ta đang chứng minh với thế giới một VN thân thiện, cởi mở, thông thoáng và cầu thị, nhưng tư duy mở cửa he hé khiến chúng ta mất điểm ngay trên sân nhà. Nếu bấm nút thông qua luật này, chúng ta đã cởi trói về tư duy của chính chúng ta trong quan điểm nhìn người nước ngoài chứ chưa hẳn là cởi trói giúp họ, những người nước ngoài”.

Qua thảo luận với chuyên gia Việt kiều Vũ Quang Việt và số người am hiểu về việc mua bán nhà cho người nước ngoài, chúng tôi có chung nhận xét ý kiến phát biểu ở trên rất phiến diện vì đừng quên là ở Thái Lan, Singapore, Malaysia xem họ có cho người nước ngoài mua nhà đất không, hay là họ chỉ cho mua condo, trên mảnh đất được cho thuê có thời hạn? Hãy thử sang Trung Đông xem có người nước  ngoài nào được quyền mua nhà đất? Vấn đề là không thể so sánh Việt Nam ở thời điểm này với Mỹ, Pháp và các nước phát triển vì họ làm chủ được vận mệnh của mình. Hơn nữa trình độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ quan chức nước ta sẽ bị tư bản Trung Quốc mua chuộc để chiếm thị trường bất động sản Việt Nam và mua hết cả những nơi nhạy cảm.

Việc cho phép người nước ngoài mua nhà có lợi ích cho những người hiện có tài sản nhà không bán được và những người có sở hữu lớn về đất đai, nhà cửa. Tuy nhiên, việc cho người nước ngoài mua nhà cần được xem xét trên các yếu tố nước ta đất chật, người đông nếu để người nước ngoài vào mua thì việc mua bán sẽ đảy giá lên và làm hạn chế khả năng mua nhà của người Việt Nam, nhất là người nghèo, khi đồng lương rất thấp so với khu vực.

Trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, cần phải xem xét những vấn đề sau:

  1. Có thể để người Trung Quốc đổ tiền vào mua nhà đất ở Việt Nam không, trong lúc mà không người Việt Nam nào có thể cạnh tranh nổi?
  2. Biện pháp này có đẩy giá địa ốc lên mà  người Việt Nam bình thường sẽ không thể cạnh tranh được không? Người hưởng lợi trực tiếp thấy rõ là những nhóm lợi ích đầu cơ bất động sản !
  3. Điều quan trọng cần định nghĩa rõ ràng, minh bạch “mua nhà” là gì? Là có số đỏ đối với đất đai? Điều này sẽ có ý nghĩa gì khi bản thân nông dân cũng không có sổ đỏ đối với nhà cửa và ruộng đất của mình?
Một số vị đại biểu Quốc hội phát biểu ủng hộ (kể cả lập luận của ông Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý) luôn lấy Singapore ra làm ví dụ nhưng lại không hiểu bản chất là Singapore cũng không cho phép người nước ngoài mua đất hay nhà mà chỉ cho phép mua condo trong cao ốc. Thái Lan cũng chặt chẽ như vậy. Ở Thái Lan người nước ngoài cũng chỉ có thể thuê đất dài hạn nhất là 30 năm để phát triển nhà.

Ở Việt Nam mua nhà khác với mua đất. Mà mua đất thực chất cũng chỉ là mua quyền sử dụng đất. Khi mua nhà có đất là được quyền làm chủ đất thực sự, được coi là tương đương với đất thổ cư. Đất ruộng chính quyền có thể lấy lại dễ dàng nhưng đất thổ cư, nhất là trong thành phố thì lại hoàn toàn khác. Sổ đỏ, tức giấy chứng nhận sở hữu, cũng chỉ là chứng nhận quyền sở hữu đất thôi vì theo luật đất đai vẫn là sở hữu toàn dân. Đây là lỗ hổng dễ nhập nhằng! Ngay cả nhiều chuyên gia Việt Kiều và lão thành cánh mạng cũng ngửi thấy “mùi khét” cần cảnh giác với với “nhóm lợi ích” muốn cứu đám đầu cơ bất động sản và nguy cơ về bàn tay “lông lá” của Trung Quốc !

Ở nước ngoài về mặt nguyên tắc dù đất không thuộc về nhà nước nhưng nhà nước có quyền thu hồi vì lợi ích công, với điều kiện phải trả giá thị trường, tức là hai bên đồng ý, nếu không đồng ý thì quan tòa sẽ quyết định giá dựa vào đánh giá của giới chuyên môn.

Có ý kiến cho rằng các chính sách kinh tế đối ngoại trước khi quyết định ban hành phải ý thức đến sự tồn tại của Trung Quốc, phải lường trước những tác động, hậu quả đến từ nước láng giềng khổng lồ phía bắc. Phương châm nầy không hàm ý nghĩa kỳ thị với Trung Quốc nếu nhìn từ lý luận về địa kinh tế và kinh nghiệm của thế giới.

Hầu hết Việt kiều không quan tâm đến việc mua nhà hay sở hữu nhà ở Việt Nam. Về mặt pháp luật nếu không có quốc tịch Việt Nam thì là người ngoại quốc, và nên đối xử như người ngoại quốc về mặt pháp luật.

Cảnh báo sớm là việc cho phép người nước ngoài mua nhà dễ dàng có thể sẽ mở cửa cho người Trung Quốc sẽ tung tiền làm lũng đoạn thị trường bất động sản và khiến người Việt các thế hệ sau khó mua nhà kể cả ở những nơi trọng điểm mà người Việt dù giầu có cũng khó lòng cạnh tranh lại. Đây vừa là vấn đề chính trị vừa là vấn đề kinh tế.

Lịch sử thì không có “nếu như”, nhưng tương lai thì “có thể” trong tình huống hiểm nghèo của dân tộc thì cái hào khí “Đông A” liệu có còn không và gần nhất là ai sẽ “xẻ dọc Trường Sơn”, ai sẽ “phá nhà” để sửa đường cho xe bộ đội ta ra chiến trường nữa đây?. Người dân đã đòi được đất một lần rồi và đang cầm cái quyền sử dụng trên tay cũng không chắc chắn như anh em nhà Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng  và biết bao “dân oan” khác. Cảnh báo! Một đất nước muốn ổn định và phát triển thì phải thuận lòng dân nhưng mà đất đai không phải là của họ thì họ giữ cái gì đây?






No comments:

Post a Comment