Friday, October 31, 2014

Nhân "Trường hợp Võ Phiến" nhìn lại sự kiện "Luận văn Nhã Thuyên" (Phùng Nguyễn - Da Màu)





31.10.2014

Trong bài "Trường hợp Võ Phiến hay câu chuyện Tái ông thất mã" (1) đăng tải gần đây, tôi cho rằng bằng cách cáo buộc một “tổ chức phi chính quyền trong nước” đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm Võ Phiến “chứa nội dung chính trị sai lầm,” Thu Tứ đã cố tình mượn tay nhà cầm quyền để triệt hạ văn đoàn Độc lập, cái tổ chức mà Thu Tứ ám chỉ. Tôi cũng cho rằng ban Tuyên giáo sẽ nắm lấy cơ hội này để làm khó dễ văn đoàn Độc lập và các tổ chức dân sự khác, và chiến dịch đánh phá của ban Tuyên giáo, nếu phát động, sẽ có những bước tương tự cái chiến thuật đã áp dụng cho vụ án “Luận văn Nhã Thuyên” trước đây.

Những bạn đọc không quen thuộc với “Luận văn Nhã Thuyên” có thể đọc qua “Lược sử Kỳ án Nhã Thuyên” (2) để có một khái niệm về diễn tiến của sự kiện một thời sôi động này. Một cách ngắn gọn, câu chuyện bắt đầu với loạt bài của Chu Giang Nguyễn văn Lưu trên báo Văn Nghệ TP HCM cuối tháng 5/2013 nhằm lên án luận văn thạc sĩ “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa" (3) của Đỗ thị Thoan tức nhà văn Nhã Thuyên và chuỗi tiểu luận “Những tiếng nói ngầm” (4) đăng trên tạp chí Da Màu của cô. Luận điệu truy chụp của Chu Giang, bắt đầu với cái tựa "Một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối," được nhanh chóng phụ họa bởi các bài viết khác trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, và hàng loạt những cái loa tuyên truyền khác của nhà cầm quyền. Điều này thu hút sự chú ý của những người quan tâm, và một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các phe bênh và chống Nhã Thuyên xảy ra trên các phương tiện truyền thông. Gần như là một thông lệ, những bài viết nhằm cáo buộc Nhã Thuyên được rầm rộ giới thiệu trên các báo lề phải, và những bài viết trái chiều, vì không được phép xuất hiện trên báo đảng, chỉ được phổ biến trên các mạng/blog tư nhân. Vào đầu tháng 11/2013, hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh của trường Đại học Sư Phạm Hà nội ra quyết định thu hồi bằng thạc sĩ khoa học ngữ văn của Nhã Thuyên và buộc PGS Tiến sĩ Nguyễn thị Bình, người đỡ đầu cho bản luận văn sóng gió của Nhã Thuyên, về hưu non. Quyết định này bị phản đối bởi nhiều chuyên gia giáo dục dưới hình thức kiến nghị hoặc thư ngỏ, nhưng phản ứng của họ không mang đến kết quả cụ thể nào. Câu chuyện rồi cũng chìm dần vào quên lãng cùng với tháng ngày; thỉnh thoảng nếu được nhắc đến đâu đó, người ta thường chỉ nghĩ đến những nạn nhân trực tiếp của nó, thạc sĩ mất bằng Đỗ thị Thoan và tiến sĩ về hưu non Nguyễn Thị Bình, với chút ái ngại. Riêng những người đã tham gia tranh luận để giành lẽ phải cho luận văn Nhã Thuyên và tác giả của nó, tôi chắc rằng họ có thêm chút phiền muộn vì đã không thay đổi được số phận của nạn nhân, nhưng trong cùng một lúc, cảm thấy an tâm vì đã thực hiện xong phần vụ của mình. Đã đành là có những tổn thất không thể cứu vãn, nhưng câu chuyện đã có thể được xếp lại.

Tôi, trái lại, chưa nhìn thấy dấu chấm hết trong danh sách những nạn nhân của "kỳ án" Nhã Thuyên. Bởi vì nạn nhân không chỉ có Nhã Thuyên và Nguyễn Thị Bình. Ở vào thời điểm sôi động nhất của sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên,” cuộc tranh luận xem ra có phần cân bằng. Phe bênh phe chống đều có cơ hội lên tiếng bày bỏ quan điểm của mình. Nếu chỉ tính riêng trên liên mạng, phe bênh vực Nhã Thuyên có vẻ thắng thế cả về phẩm chẩt lẫn số lượng bài phản biện. Một cách êm thấm, tuy vậy, ban tuyên giáo của đảng và các quan chức văn hóa giáo dục của nhà nước đã thắng lớn, rất lớn. Bằng cách áp dụng các “biện pháp hành chính” nhằm trừng phạt thầy trò Nhã Thuyên, họ, trên thực tế, đã gởi ra một tín hiệu không thể lầm lẫn về những hậu quả nghiêm trọng mà những kẻ toan tính “xé rào” sẽ phải gánh chịu. Hành động mang tính răn đe, dọa dẫm này xem ra vô cùng hiệu quả. Gần đây, trong một lần nói chuyện cùng một người bạn hiện là giảng viên của một trường đại học trong nước, người viết được cho biết: “Người ta bảo thơ Tố Hữu, thơ Nguyễn Đình Thi không hay hay sao mà không thấy nghiên cứu! Hôm trước mới rút tên đề tài về thơ Nguyên Sa… Họ coi là đề tài nhạy cảm, cần tránh để khỏi rắc rối, không chỉ cho sinh viên, người hướng dẫn mà cả khoa nữa!” Chắc chắn đây không phải là lời than thở duy nhất! Như vậy, có thể xác định ngay là bên cạnh Nhã Thuyên và phó giáo sư Nguyễn Thị Bình, nạn nhân còn là các nhà giáo dục và sinh viên học sinh trong nước. Và như một tình cờ bất hạnh, một số các cây bút của văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 cũng nằm trong danh sách các nạn nhân của “Luận văn Nhã Thuyên.”

Văn chương miền Nam giai đoạn 54-75, qua những tên tuổi như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Mộng Giác… trong vài năm sau này đã, một cách rất không ồn ào, xuất hiện trong một số những luận văn sau đại học của sinh viên khoa văn ở một vài trường đại học, nhờ vào một phần không ít ở niềm tin vào điều chưa được thử thách, “tự do học thuật.” Niềm tin này nhanh chóng bốc hơi ngay cả khi cuộc tranh luận về bản luận văn của Nhã Thuyên vẫn chưa bị “chìm xuồng.” Chỉ cần nhìn vào những biện pháp chế tài áp đặt lên Nhã Thuyên và thầy hướng dẫn của cô, sinh viên và các nhà giáo dục khoa văn và các khoa liên hệ nhận ra việc lựa chọn tác phẩm của các cây bút từng “có vấn đề” của Văn Học Miền Nam thời kỳ 54-75 làm đề tài cho luận văn là điều gần như không thể thực hiện được. Có quá nhiều trở ngại để một luận văn với đề tài “nhạy cảm” có thể sống sót, bắt đầu với ý thức về những gì chờ đợi mình của cá nhân mỗi sinh viên, của giáo sư hướng dẫn, của lãnh đạo khoa, và cả của hội đồng giám khảo. Nỗi hiểm nghèo quá lớn và dính líu đến quá nhiều người để cho một luận văn táo bạo, “xé rào” có cơ may trót lọt. Trong một tình thế như vậy, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, hoặc một cái tên quen thuộc, vô thưởng vô phạt nào đó là một lựa chọn thông minh và an toàn. Những tác phẩm đáng được tìm đọc, nghiên cứu, và phổ biến của Văn Học Miền Nam 54-75 thôi hãy [tiếp tục] chờ!

Như là một hậu quả tai hại của “Luận văn Nhã Thuyên,” những thành quả nếu có về tự do học thuật giành giật được trong nhiều năm trước đó đã bị tước đoạt một cách trắng trợn. Và chúng ta thật sự nói về điều gì khi nói về tự do học thuật? Theo tôi, chúng ta đang nói về tự do tư tưởng và cái quyền được diễn đạt tư tưởng của mình, tự do ngôn luận. Những quyền hạn được cả loài người công nhận và tôn trọng này, qua sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên,” ngày càng xa rời tầm tay của nhân dân Việt nam. Đây là một thắng lợi to lớn nhưng không ồn ào của chế độ toàn trị! Nhà cầm quyền trong nước không mong muốn gì hơn là sự kiện “Luận văn Nhã Thuyên” sẽ nhanh chóng “chìm xuồng,” và cũng chìm theo là tiếng kêu cứu của những nạn nhân, nhiều hơn người ta có thể tưởng tượng. Hy vọng những người quan tâm đến  "Luận văn Nhã Thuyên" sẽ không cho phép sự kiện này trôi tuột vào quên lãng.

*
Khi cuộc tranh luận về luận văn Nhã Thuyên mới nổ ra, tôi chia sẻ niềm lạc quan của nhà văn Phạm Thị Hoài trong “Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn.” Chỉ là những tiếng kêu lạc lõng và vô lực của “một nhúm vô danh và ẩn danh” nào đó. Tôi đã hy vọng sau khi bị mắng như tát nước (điều này có xảy ra), cái nhúm vô danh này sẽ tẽn tò cuốn gói bỏ đi (điều này không xảy ra), và thạc sĩ Đỗ Thị Thoan tức nhà văn Nhã Thuyên sẽ bình yên vô sự (điều này không xảy ra) ngoại trừ việc cô sẽ nổi tiếng như cồn (điều này có xảy ra)! Khi những tổn thất nghiêm trọng đã trở nên rõ ràng, tôi chỉ có thể tự trách vì cái nhìn ngây ngô của mình. Hóa ra cú giãy của nền phê bình chỉnh huấn, với sự đỡ đầu của bạo lực, có thể gây thương tích trầm trọng cho nạn nhân. Trong trường hợp “Luận văn Nhã Thuyên,” tầm sát thương rất rộng, rất sâu. Và điều tệ hại hơn nữa, e rằng đây không phải là cú giãy cuối cùng. Vì hiệu quả đạt hoặc vượt quá mong muốn của nhà đạo diễn ẩn mặt, sẽ không có gì ngăn cản một hay nhiều cú giãy khác trong tương lai gần nếu người ta có cơ hội.

“Trường hợp Võ Phiến” của Thu Tứ là một cơ hội tốt không dễ bỏ qua. Việc nhật báo Nhân Dân và ngay sau đó, tờ Tuyên Giáo, những cái loa với công suất cao nhất của đảng CSVN, đã đăng lại “Trường hợp Võ Phiến” (5) của Thu Tứ có thể là một tín hiệu nhằm phát động chiến dịch mà tôi tạm đặt tên là “Trường hợp Võ Phiến.” Mục tiêu đánh phá có nhiều phần là các “tổ chức phi chính quyền trong nước,” và Võ Phiến và các tác phẩm với nội dung “chính trị sai lầm” của ông sẽ là cái cớ.

Cũng có thể tôi đã quá lo xa. Có lẽ nên tiếp tục lạc quan như nhà văn Phạm Thị Hoài, lần này trong bài binh luận "Ngày Về" (6)  đăng trên mạng Pro&Contra gần đây. Đội quân đấu tranh tư tưởng của chính quyền Việt Nam có thể cả cười: nó sẽ tế nhị rút lui, khi gia đình đã đủ là trận tuyến. Nếu là như thế, chúng ta có thể yên tâm thưởng thức cú rụng ngoạn mục của chiếc lá vàng đơn độc có tên Thu Tứ ở cuối mùa Thu trưởng lão.
 
 
Ghi chú:
(1) Trường hợp Võ Phiến hay câu chuyện Tái ông thất mã, Phùng Nguyễn – tạp chí Da Màu
(2) Lược sử Kỳ án Nhã Thuyên – Blog Sông Quê
(4) Những tiếng nói ngầm, Nhã Thuyên – tạp chí Da Màu
(5) Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn, Phạm Thị Hoài – Pro&Contra
(6) Trường hợp Võ Phiến, Thu Tứ – Nhật báo Nhân Dân Online
(7) Ngày về , Phạm Thị Hoài – Pro&Contra  




No comments:

Post a Comment