Saturday, March 24, 2012

NGUYỄN ĐỨC QUANG & TÍNH NĂNG ĐỘNG CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ VIỆT NAM (Đoàn Thanh Liêm)



Đoàn Thanh Liêm
March 23, 2012 11:50 PM

Bài viết nhân Kỷ niệm Giỗ Đầu của Quang (3/2011 – 3/2012)

Nhân ngày Giỗ Đầu của Nguyễn Đức Quang vào cuối tháng Ba năm 2012 này, tôi muốn ghi lại một vài suy nghĩ nho nhỏ về sinh họat của Quang trong lãnh vực Xã hội Dân sự của dân tộc Việt nam chúng ta trong mấy chục năm gần đây.

Có thể nói họat động chính yếu của Quang từ thời niên thiếu cho đến cuối đời, thì hầu như hòan tòan là ở trong khu vực Xã hội Dân sự, mà điển hình là thông qua Phong trào Hướng Đạo và Phong trào Du Ca. Để bạn đọc dễ bề theo dõi câu chuyện, người viết xin trình bày tóm lược về các giai đọan họat động của Nguyễn Đức Quang – trước khi phân tích chi tiết về các sinh họat của anh trong hai Phong trào này.

I – Sơ lược về cuộc đời họat động của Nguyễn Đức Quang

1 – Một Ngày là Hướng Đạo – cả Đời vẫn là Hướng Đạo.

Vào năm 1954, khi đi theo gia đình từ miền Bắc di cư vào miền Nam, thì Quang mới có 10 tuổi. Nhờ thân phụ là một nhà giáo, nên Quang đã được hướng dẫn chu đáo trong việc học hành cũng như trong lề lối sinh họat ngăn nắp lương hảo. Năm 1956 lúc mới có 12 tuổi, Quang đã gia nhập làm một Hướng đạo sinh ở Đà lạt, và ở vào tuổi 15 – 16, Quang đã sáng tác được vài bài ca để cho các bạn cùng hát trong những buổi sinh họat của Đoàn. Cả đến khi ra tới hải ngọai, lúc đã ở vào tuổi 50 rồi, thì Quang cũng vẫn còn gắn bó mật thiết với các sinh họat của phong trào Hướng Đạo Việt nam ở nước ngoài.

Vào lứa tuổi 20, lúc là sinh viên của Trường Chính trị Kinh doanh Đại học Đà lạt hồi giữa thập niên 1960, Quang đã lăn xả hết mình vào công cuộc xây dựng phong trào Du Ca. Với trách nhiệm là vị Trưởng Xưởng của Phong trào, Quang vừa sáng tác vừa trình diễn, lại vừa đảm trách việc huấn luyện cho các du ca viên qua rất nhiều lớp đào tạo được tổ chức ở khắp các địa phương tại miền Nam Việt nam. Nhiều bạn vẫn còn nhớ cái Xưởng Du ca này được cho tá túc trong căn phòng nhỏ của nhà chứa xe của Dược sĩ Hòang Ngọc Tuệ trên đường Sương Nguyệt Anh Saigon – trong những năm tháng Nguyễn Đức Quang và Ngô Mạnh Thu đều miệt mài sáng tác và tập dượt cho mấy đàn em hát thử những ca khúc thật là mới mẻ thời ấy.

2 – Họat động của Nguyễn Đức Quang trong hàng ngũ Quân lực Việt nam Cộng hòa (1968 – 1975).

Quang tốt nghiệp Đại học vào năm 1968, lại cũng đúng vào thời gian lệnh Tổng động viên được ban hành trong tòan lãnh thổ miền Nam – sau cuộc Tổng tấn công hồi Tết Mậu thân khiến cho chiến cuộc càng thêm sôi động tàn khốc ở khắp nơi, nhất là tại các vùng nông thôn. Nhưng vì là một nhạc sĩ có tài năng, nên sau khi tốt nghiệp khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức, thì Quang được bố trí làm việc cho Cục Chính Huấn trong ngành Tâm lý chiến. Trong thời gian này, thiếu úy Nguyễn Đức Quang đã cùng với nhiều đồng đội chuyên viên âm nhạc hợp nhau sáng tác những bản nhạc hùng có tác dụng động viên nâng cao tinh thần chiến đấu của anh em binh sĩ ngòai mặt trận. Các bản nhạc này là công trình của cả một tập thể, nên đã không hề đề tên ai là tác giả cả – nhưng đã được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, điển hình như bài: “Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu… ”

Sau đó ít lâu, thì Quang được biệt phái về làm công việc chuyên môn tại cơ sở cũ là Ngân Hàng Phát triển Nông nghiệp ở Sài gòn. Vị thủ trưởng của Quang tại cơ sở này lại chính là ông Đỗ Khắc Siêm thân phụ của học giả Đỗ Thông Minh. Và sau năm 1975, thì Quang phải đi “ở tù cải tạo” như bao nhiêu sĩ quan khác của Quân đội miền Nam.

3 – Họat động của Nguyễn Đức Quang tại hải ngọai kể từ năm 1979.

Sau khi được trả tự do khỏi trại tù, Quang về gặp lại Dược sĩ Hòang Ngọc Tuệ và hai người lại chung nhau tổ chức làm ăn với dịch vụ chuyên chở xe đò phục vụ bà con đi lại giữa Saigon với các tỉnh Long An, Mỹ Tho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng coi bộ chuyện kinh doanh này không khá, nên Quang đã phải đưa gia đình lên ghe để vượt biên qua Mỹ vào năm 1979.

Sau khi tạm ổn định cuộc sống cho gia đình tại California, Quang đã lăn xả vào lãnh vực truyền thông báo chí, cụ thể là cộng tác với tờ nhật báo Người Việt – mà người khởi xướng là Đỗ Ngọc Yến vốn trước năm 1975 đã từng là một nhân vật nòng cốt của trong phong trào sinh họat thanh thiếu niên tại miền Nam Việt nam. Rồi qua thập niên 1990, Quang lại đứng ra thành lập cơ sở mới là tờ báo Viễn Đông – bắt đầu mỗi tuần ra 4 số báo, rồi sau tăng lên đến 6 số báo mỗi tuần. Tiếp theo vào đầu thập niên 2000, thì Quang cùng với các bạn khai sinh ra cơ sở truyền thông QMS gồm có hai tạp chí là tuần báo Chí Linh và nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn, cùng với một số chương trình phát thanh và truyền hình. Có thể nói Quang đã dành ra đến trên 20 năm riêng cho công việc trong ngành truyền thông báo chí ở hải ngoại.

Một số bạn thân thiết với gia đình thì cho biết là: Ông Quang với tính nghệ sĩ, mà lại say mê với công tác xã hội, cho nên mọi chuyện về kinh tế gia đình đều do một mình bà Minh Thông là người bạn đời của chàng ra tay lo toan đảm đang trọn vẹn hết. Đúng là chàng nhạc sĩ này có cung mệnh “Thân cư Thê” vậy đó. Mà cũng nhờ thế, thế hệ chúng ta mới có được những bài ca tuyệt đẹp phát xuất từ con chim đầu đàn của Phong trào Du Ca.

II – Sự đóng góp của Nguyễn Đức Quang với Phong trào Sinh hoạt Thanh Thiếu Niên Việt nam.

1 – Trưởng thành từ lò luyện Hướng đạo.

Như đã ghi ở trên, Nguyễn Đức Quang được đào tạo trong hàng ngũ Hướng đạo sinh từ hồi còn là một thiếu niên mới được 12 tuổi. Và sau này vào tuổi trưởng thành, từ giữa thập niên 1960 Quang đã cùng với số đông bạn hữu khác dấn thân hết mình với sinh hoạt của giới thanh thiếu niên tại khắp miền Nam, điển hình là qua Phong trào Du Ca được phát triển mạnh mẽ cả ở trung tâm Saigon và cả ở rất nhiều địa phương các tỉnh miền quê nữa.
Quang đã trưởng thành qua sự đào tạo huấn luyện trong Phong trào Hướng Đạo được khởi sự từ một tổ chức thiện nguyện tư nhân chuyên phục vụ giới thanh thiếu niên trong công cuộc mưu tìm một lối sống lành mạnh cho bản thân và cho cộng đồng xã hội nơi mình sinh sống.

Có thể nói tổ chức Hướng đạo là một trong những cơ sở nòng cốt của Xã hội Dân sự mà có kinh nghiệm đào tạo huấn luyện cho giới trẻ ở khắp nơi trên thế giới ngay từ đầu thế kỷ XX. Tổ chức này được du nhập vào Việt nam từ đầu thập niên 1930 và đã phát triển rộng rãi tại nhiều địa phương trong nước ta trước năm 1945. Trong thời kỳ chiến tranh 1946 – 54, sinh họat Hướng đạo bị gián đọan tại các vùng do Việt minh kiểm sóat. Nhưng từ năm 1950, tại vùng đô thị do phe quốc gia quản lý, thì các hướng đạo sinh lại có thể bắt đầu quy tụ tập hợp sinh họat với nhau được. Và chỉ sau năm 1954, khi hòa bình được vãn hồi, thì tại khắp các tỉnh ở miền Nam Việt nam, Phong trào Hướng đạo mới lại được phục hồi một cách khởi sắc mạnh mẽ.

Và một số khá đông các huynh trưởng của Phong trào sinh họat thanh thiếu niên trong các thập niên 1960 – 70, thì đều xuất thân từ hàng ngũ hướng đạo sinh như Nguyễn Đức Quang – điển hình như các chị Phạm Thị Thân, Lê Thị Dung, Hà Dương Thị Quyên, các anh Hòang Ngọc Tuệ, Trần Văn Ngô, Đỗ Quý Tòan, Trần Đại Lộc, Đỗ Ngọc Yến v.v…

2 – Phong trào Sinh họat Thanh thiếu niên nở rộ vào giữa thập niên 1960.

Vào giữa thập niên 1960, thì tổng số sinh viên đại học và học sinh trung học trên tòan lãnh thổ miền Nam đã lên đến con số quá nửa triệu người. Nhờ sự yểm trợ và khích lệ của các cơ quan chính quyền như Bộ Giáo Dục, Bộ Thanh Niên, Bộ Xã Hội, cũng như của các đòan thể hiệp hội tư nhân hay của các tổ chức tôn giáo – thì sinh họat của giới thanh thiếu niên học đường càng có điều kiện phát triển thật đa dạng khởi sắc. Một trong những hình thức sinh họat được giới trẻ thích thú và nhiệt thành tham gia đông đảo nhất, đó là các trại công tác xã hội nhằm phục vụ cộng đồng địa phương – cụ thể như dọn dẹp rác rưởi, khai thông nước đọng, làm vệ sinh nơi các xóm hẻm, sửa chữa lớp học tại các trường ở ngọai ô thành phố… Đồng thời các bạn trẻ cũng tổ chức những màn trình diễn văn nghệ và ca hát tập thể để vừa phục vụ bà con ở địa phương, vừa vui chơi giải trí lành mạnh với nhau nữa. Và chính là để đáp ứng nhu cầu sinh họat tập thể như thế đó, mà kể từ năm 1966, Nguyễn Đức Quang và các bạn hữu thân thiết đã hợp với nhau phát động thành Phong trào Du Ca với hàng mấy chục cơ sở ở Saigon và các tỉnh miền quê.
Lịch sử phát triển của Phong trào Du Ca này cũng như của Phong trào Hướng Đạo sẽ cho các thế hệ sau này biết rõ ràng hơn về sự dấn thân nhập cuộc của biết bao nhiêu huynh trưởng thanh niên đã miệt mài và kiên trì trong suốt bao nhiêu năm tháng để khơi động khai mở được một nếp sống lành mạnh cao đẹp cho giới thanh thiếu niên – ngay cả trong giai đọan chiến tranh khói lửa tràn đầy những đau thương tang tóc thuở đó. Đóng góp riêng của Nguyễn Đức Quang cho Phong trào này, thì thật hết sức lớn lao quý báu – mà ta có thể nói như nhạc sĩ Hòang Ngọc Tuấn hiện ở thành phố Sydney bên Úc châu đã có lần trao đổi trực tiếp với Nguyễn Đức Quang rằng: “ Những ca khúc của anh đã gắn liền với một phần lịch sử. Và anh đã làm trọn nhiệm vụ của anh đối với cái phần lịch sử ấy… Những ca khúc của anh đã bám vào trái tim con người…”

Quang không những đã sáng tác được đến hàng mấy trăm ca khúc, mà lại còn đích thân vừa gảy đàn vừa xướng hát cho cả trăm, cả ngàn các bạn trẻ cùng vỗ tay mà say sưa hát theo – trong không biết bao nhiêu cuộc tập họp sinh họat ở khắp các địa phương trong nước và sau này ở nhiều thành phố trên thế giới nữa. Nhân tiện, cũng cần phải ghi ra đây một số thành viên khác mà cũng đã có những sáng tác cho dòng Nhạc Sinh Họat này, điển hình như các nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, Trần Đình Quân, Trầm Tử Thiêng, Bùi Công Thuấn v.v…

III – Tính Năng Động của Xã Hội Dân Sự Việt Nam.

Như ta đã biết tại miền Nam Việt nam trước năm 1975, các tổ chức phi chính phủ, bất vụ lợi được tự do thành lập và sinh họat, điển hình như Phong trào Hướng Đạo và Phong trào Du Ca – là hai tổ chức mà Nguyễn Đức Quang đã tham gia và gắn bó mật thiết trong suốt cuộc đời của anh – thì các tổ chức này đã có sự đóng góp thật đáng kể trong công cuộc rèn luyện giới thanh thiếu niên Việt nam thời đó và cả bây giờ ở hải ngọai nữa.

Những ca khúc Quang sáng tác và trình diễn đã thổi một ngọn lửa nồng cháy nơi tâm hồn của tập thể lớp thanh thiếu niên liên tục từ nhiều năm nay. Điển hình như nơi ca từ trong bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ“ – một bài hát được các bạn trẻ ưa thích nhất – thì có những câu: “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại. Xương da thịt này cha ông miệt mài… Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng… ”

Hay trong bài “Cho Đồng Bào Tôi“, thì Điệp khúc ghi rõ lời kêu gọi hết sức thiết tha nồng nhiệt: “Một địa cầu mới hãy mọc lên. Một thế giới mới hãy ra đời. Một nền hòa bình vĩnh viễn mau đến cùng người. Một đòan người mới hãy vùng lên, bài ca tranh đấu hãy vang rền và người vì người hãy chủ động nuôi lớn quê hương”.

Và như ta đã biết, trên thế giới ngày nay càng ngày sinh họat của khu vực Xã hội Dân sự lại càng thêm phong phú khởi sắc – vì tính chất sáng tạo năng động và dấn thân nhập cuộc của hàng hàng lớp lớp những thiện nguyện viên, đặc biệt là lớp người trẻ tuổi với bàu nhiệt huyết sôi sục. Tại Việt nam lúc này hiện có vô vàn vô số những con người bất khuất như Việt Khang, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hòang Quốc Hùng, Bùi Thị Minh Hằng … Những người bạn trẻ này của thế kỷ XXI hiện đang nối tiếp cái tinh thần nhân bản nhân ái và tấm lòng yêu mến quê hương dân tộc – trong truyền thống kiên cường bất khuất do cha ông chúng ta đã truyền lại cho thế hệ của Nguyễn Đức Quang vào giữa thế kỷ XX.

Xin cảm ơn Nguyễn Đức Quang vì những đóng góp tuyệt vời của anh qua những ca khúc bất hủ và qua những buổi trình diễn say sưa linh họat của anh tại khắp nơi trên quê hương đất nước Việt nam thời trước và cả trên khắp các châu lục có đông đảo người Việt cư ngụ thời nay nữa vậy./

San Clemente California, Tháng Ba 2012
Đoàn Thanh Liêm
.
.
.

No comments:

Post a Comment