Saturday, March 24, 2012

CHÓE - VUA HÝ HỌA THỜI THẾ (Viên Linh)



Viên Linh

Vào tháng 3, 1973, Hòa đàm Ba Lê về cuộc chiến Việt Nam là đề tài lớn của báo chí trong nước, và có thể ở cả mấy thủ đô các nước liên hệ: Hoa Thịnh Ðốn, Bắc Kinh,...

Theo Việt Sử Khảo Luận của Hoàng Cơ Thụy, cuốn 6, trang 3628 thì: “Tháng 3, 1973,... [Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ] Kissinger cho gởi nhiều giác thư đến Hà Nội, đe dọa rằng nếu những xâm nhập Miền Nam ồ ạt còn tiếp diễn,... thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.” Người Việt miền Nam đã thấy nó nghiêm trọng như thế nào, hôm nay từ các phần đất lưu dung chúng ta nhìn lại lịch sử 37 năm trước, nhiều chuyện nghiêm trọng thật ra chỉ là trò khôi hài. Và người đã thể hiện sự khôi hài ấy qua nét vẽ của mình là họa sĩ Chóe mà hôm nay chúng ta có dịp nói đến.

Cuộc hòa đàm Ba Lê, với một bên là Kissinger, bên kia là Lê Ðức Thọ đại diện cho cộng sản Việt Nam, nhìn qua tranh của Chóe, chỉ là những sự thô bỉ. Một trong những bức hí họa diễn tả sự thô bỉ ấy được đăng lại nơi đây.

Hòa đàm Ba Lê giữa Kissinger và Lê Ðức Thọ. Hí họa của Chóe, 1973. (Hình: The World of Chóe, Barry Hilton, N. Carolina, 1973)

Nhưng chúng ta sẽ không nói gì thêm về các diễn tiến của lịch sử trên trang báo này, tuần này chúng ta nói về người họa sĩ. Chóe mất tại Virginia hôm 13 tháng 3, năm 2003. Anh vốn ở Sài Gòn, song qua Mỹ chữa bệnh, và đã từ trần đột ngột. Từ ngày Chóe ra đi, báo chí Việt ngữ chưa có một ngòi bút hí họa thời thế chính trị nào thay thế được anh.

Năm 2010, nhà phê bình Ngô Nguyên Nghiễm đã xuất bản một cuốn sách nhan đề “Tác giả - Tác phẩm, người đồng hành quanh tôi,” trong đó viết về người họa sĩ quá cố như sau: “Tên thật Nguyễn Hải Chí, sinh ngày 11 tháng 11, 1944, nguyên quán tại An Giang, mất ngày 12 tháng 3, 2003 tại Hoa Kỳ trong khi anh đang chữa bệnh hiểm nghèo. Di quan an táng tại đất Thánh Mẫu (Ðịnh Quán, Ðồng Nai) ngày 24 tháng 3, 2003. Hoạt động hội họa và báo chí từ năm 1965. Có tranh đăng và được giới thiệu trên các báo: Khởi Hành, Diễn Ðàn, Tiền Tuyến, Ðộc Lập, Time, New York Times, Chicago Daily News, Courrier International, Register, Asahi Shinbun, The Simotuke-Shinbun, Okinawa-Times, Hoa Nam Nhật Báo, Hãng Kyodo,...” Theo cuốn sách, năm 1993 Chóe vẽ xong 41 tranh sơn dầu khổ 10x140 cm về các tổng thống Hoa Kỳ. Năm 1995 anh tham dự Triển lãm Hí Họa Châu Á tại Tokyo, “gồm 10 nước Châu Á và nước chủ nhà Nhật Bản - mỗi nước một họa sĩ [được mời].”

Một thời gian sau khi Chóe ở Nhật về, Lưu Trọng Văn - con trai Lưu Trọng Lư, đã phỏng vấn “Vua hí họa Việt Nam,” mà bài phỏng vấn đăng trên tờ Văn Hóa-Lao Ðộng, có những đoạn như sau: “Cứ bình tâm mà coi, ở xứ ta từ xưa tới giờ, còn ai vẽ hí họa hơn Chóe? Chóe vẽ hí họa từ năm 1969 lúc hơn hai mươi tuổi. Ðem bức tranh đầu tiên tới tòa báo Diễn Ðàn, nhà văn Viên Linh, chủ bút, bảo: “Cậu tên ‘Chí,’ lấy bút hiệu ‘Chóe’ cho vui.” (số báo 31, ngày 3.81995)...

Nhà phê bình Ngô Nguyên Nghiễm viết chi tiết hơn: “Tôi với Chóe là đồng hương cùng một lứa tuổi, nên sự quý trọng và gần gũi thân nhau như một chuyện tình cảm quê xa. Chóe về Sài Gòn sau tôi một năm, nhưng hầu hết vì lẽ sống và sáng tác, anh dồn hết tâm trí vào những công việc hằng ngày vừa trả nợ áo cơm, vừa tạo dịp để viết lách. Thời gian này, Chóe trong bút danh Nguyễn Hải Chí, vẫn sáng tác thơ văn và vẽ phụ bản cho nhiều tờ báo đương thời, [...]năm 1969 là một định mệnh an bài, tôi gặp Nguyễn Hải Chí tình cờ tại tờ Diễn Ðàn của nhà văn Viên Linh. Anh đến tham gia bài vở như những bạn hữu khác, nhưng đặc biệt với nét nhìn của nhà văn Viên Linh, hầu như anh đã hóa thân một cách tuyệt diệu.”

Câu văn này Ngô Nguyên Nghiễm muốn nói đến việc người viết bài này đưa Nguyễn Hải Chí từ văn thơ vào làng hí họa ra sao. Vốn là Chí chưa từng vẽ hí họa. Ðầu thập niên '70, tuần báo Diễn Ðàn của Liên Minh Á Châu Chống Cộng (chủ tịch là Bác sĩ Thủ tướng Phan Huy Quát), cho liên lạc và mời người viết bài này, lúc ấy đang là Thư ký Tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến, và Tuần báo Khởi Hành, qua kiêm nhiệm làm Chủ bút Diễn Ðàn, với hy vọng cứu tờ báo này, vì “đã lỗ gần một triệu.” Cụ Thuần trong Ban Trị Sự chỉ nhắn nhủ: Ông Viên Linh làm sao thì làm, nhưng cần giữ lại họa sĩ Tuýt (tức Ngọc Dũng), vì tranh hí họa của Tuýt rất được ưa chuộng. Họa sĩ chính của Khởi Hành lúc ấy là Nguyễn Hải Chí, tôi bàn với Chí thử vẽ hí họa xem sao. Chí nói chưa biết vẽ hí họa làm sao. Lúc ấy làm nhiều báo, nơi nào tôi cũng đề nghị, và đạt được yêu cầu, là phải cung cấp cho Bộ Biên Tập một số báo ngoại quốc Time hay New Week, L'Express, Elle hay Nouvel Observateur, Ciné Monde hay Ciné Revue, Nouvelle Literaire hay Le Figaro... Tôi đưa một xấp báo Tây cho Chí, nói: “Cậu cầm về nghiên cứu mấy thằng Tây nó vẽ... Tôi có học làm báo từ trường nào đâu. Tôi học trình bày báo từ lúc làm tờ Ðiện Ảnh cho ông Nguyễn Ngọc Nhạ, (1960) mỗi tuần trên bàn có cả xấp báo ngoại quốc, tôi học từ đó. Ðể ý mà xem: họ vẽ hí họa từng nét tỉ mỉ như ta dùng dao khắc vào gỗ, chứ có nguệch ngoạc như con nít vẽ đâu? Mình làm báo tuần, mỗi tuần chỉ vẽ một bức, to cả trang, vẽ cho kỹ. Tôi trả các anh Bình Nguyên Lộc, Tam Ích, Mai Thảo, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền mỗi bài báo tuần bao nhiêu, tôi trả cậu bằng từng ấy.” (1000 đồng 1 tr. Diễn Ðàn).

Ðầu thập niên '70 làng báo Sài gòn chưa có ai tên là Chóe như có vài vị viết tưởng tượng là Chóe nổi tiếng trên báo của họ. Chỉ hai ngày sau Chí cầm đến tòa báo trên đường Nguyễn An Ninh (bên hông Chợ Bến Thành), ở lầu hai, một bức hí họa. Tôi cười ngất. Chóe vẽ đúng những điều tôi hy vọng: vẽ như dùng dao khắc vào gỗ. Tôi ngắm đi ngắm lại bức hí họa đầu đời của Nguyễn Hải Chí:
“Cậu chưa ký tên.”
“Tôi không biết ký tên gì.”
“Mấy thằng Tây vẽ hí họa chỉ ký tên có một chữ. Như thằng Tim. Tên cậu là Chí. Ký là Chóe đi.”

Nguyễn Hải Chí ngồi xuống, viết chữ Chóe ở góc dưới tấm tranh. Từ đó làng báo Việt ngữ có một nhà vẽ hí họa xuất hiện. Năm 1973 một cuốn sách Anh ngữ in toàn tranh Chóe, do Glade Publications xuất bản ở North Carolina, Hoa Kỳ, ngoài bìa đề: The World of Chóe, Vietnam's Numberone Editorial Cartoonist. (Thế giới của Chóe, nhà hí họa thời chính số 1 Việt Nam). Tác giả cuốn sách không in tên ngoài bìa nhất, mà ở bìa 4: Barry Hilton. Chóe vẽ biếm họa từ Diễn Ðàn, và ngay đó trên Khởi Hành, song Nguyễn Hải Chí xuất thân từ Khởi Hành, 1969. Từ đó bút hiệu Chóe như một tinh quang đã chói ngời với thời gian... (Viết bổ sung, tháng 3, 2012)

-----------------------------

Đọc thêm :


.
.
.

No comments:

Post a Comment