Friday, March 2, 2012

NGOẠI GIAO hay NGOẠI DAO ? (Đàn Chim Việt)




Câu chuyện lùm xùm quanh quyển hộ chiếu của ông Đỗ Xuân Cang chắc chắn chưa đến hồi kết. Sự việc được hâm nóng trở lại sau 2 bài báo ‘trái chiều’ đăng trên Đàn Chim Việt và một số trang mạng khác. Cùng với nó là hàng chục ý kiến bạn đọc và các bài bình luận liên quan.

Là công dân Việt Nam đang sinh sống hợp pháp ở nước ngoài, khi hộ chiếu hết hạn, ông Cang đã đến bộ phận lãnh sự xin đổi hay cấp mới hộ chiếu. Đây là một đòi hỏi đúng đắn và tự nhiên của mỗi công dân.

Cơ quan ngoại giao Việt Nam đáng lý nên cư xử bình thường với ông Cang như mọi công dân khác thì đã không có chuyện gì để nói. Nhưng họ lại bắt ông phải viết cam kết từ bỏ các hoạt động bấy lâu nay của mình. Nếu là người khác, có thể ông cang cứ cam kết (đại) đi, kiếm quyển hộ chiếu, rồi thực hiện theo cam kết hay không cũng chẳng chết ai. Nhưng ông Cang đã hành động thẳng thắn và trung thực, với lòng mình và với cả nhà chức trách. Ông không cam kết. Kết quả ra sao thì tất cả mọi người đều đã rõ.

Vấn đề là, sau khi đòi hỏi chính đáng không được đáp ứng, ông Cang đã biểu tình và nêu ra công luận hàng loạt những khuất tất chồng chất nhiều năm nay của Đại sứ quán và Lãnh sự quán tại Séc. Việc này, theo nhiều phản ảnh, là tình trạng chung ở nhiều nước đông Âu và các nước khác, chứ không riêng gì Séc.

Ngoại giao hay ngoại dao?

Nhiều người đã nhân chuyện của ông Cang mà tố khổ việc bị lạm thu lâu nay.

Thông tư số 236/2009/TT-BTC ngày 15/12/2009 của Bộ Tài chính quy định mức phí lãnh sự như sau:
- Cấp hộ chiếu phổ thông 70usd
- Cấp hộ chiếu phổ thông do hỏng,mất: 150 usd
- Bổ sung, sửa đổi hộ chiếu phổ thông: 15 usd
- Giấy miễn thị thực lần đầu: 20 usd
- Giấy miễn thị thực lần hai: 10 usd
- Chứng nhận con dấu, chữ ký: 2 usd
- Đăng ký khai sinh cho trẻ em: 5 usd
- Đăng ký kết hôn: 70 usd
- Xác nhận nguồn gốc ViêtNam: 0 usd
- Giấy công chứng: 10 usd

Việc thực thu tại Séc, theo phản ánh của những người dân tới giải quyết giấy tờ, thủ tục như sau:
- Cấp hộ chiếu phổ thông 3600 kc
- Cấp hộ chiếu phổ thông do hỏng, mất: 4000kc
- Giấy miễn thị thực dài hạn 1000kc
- Đăng ký khai sinh cho trẻ em: 500kc
- Đăng ký kết hôn: 4000kc- 4500kc
- Giấy chứng nhận chưa đăng ký kết hôn 2000kc
- Giấy đủ điều kiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài 5000 kc
- Giấy chứng nhận không phạm tội: 1000kc
Tỉ giá hối đoái hiện nay là 1 USD= 19 kc. Bằng phép tính số học thông thường có thể thấy sự gian lận của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Séc như thế nào.

Việc ‘chặt’, ‘chém’ của các cơ quan ngoại giao với giá cao hơn nhiều lần giá quy định là chuyện bất kỳ ai sinh sông ở đông Âu đều đã kinh qua.

Ngoài các cá nhân làm giấy tờ bị ‘chém’ các doanh nghiệp hay các doanh nhân thành đạt gần như bị sứ quán cưỡng bức đóng góp trong những dịp họ tổ chức lễ lạt. Theo một số thông tin, những lễ kỉ niệm mang tính quốc gia như ngày quốc khánh đều có kinh phí từ bộ Ngoại giao nhưng các ĐSQ vẫn thường xuyên áp dụng bài ‘xin đểu’ các doanh nghiệp, các quán ăn. Mặc dù những người này đều móc ví theo kiểu ‘tự nguyện’ nhưng không phải ai cũng hài lòng.

Chặt chém đồng bào như vậy thì các cơ quan này nên hiểu là ngoại giao hay ngoại dao đây?

Công ước Viên

Trong bài “Thầy bói mù xem voi tác giả Nguyễn Thành Vĩnh “tốt nghiệp đại học ngoại giao” đã có ý chê bai một số người mù mờ trong lĩnh vực này khi đánh giá bức công hàm không ký của LSQ Việt Nam gửi cho sở di trú Séc. “Cử nhân đại học ngoại giao” viết: “Theo Công ước Wien và thông lệ quốc tế, trong quan hệ song phương và đa phương (về ngoại giao) không bắt buộc công hàm của Sứ quán phải có chữ ký, nó được ký gọi theo thuật ngữ chuyên ngành là “ký nháy” ở dấu chấm hết nội dung sau cùng của văn bản. Như thế, không nhất thiết bắt buộc phải có chữ ký tên người soạn thảo công hàm”.

Vậy công ước Viên là gì? Công ước Viên được công bố trên trang web của bộ Ngoại Giao Việt Nam bao gồm có 5 chương và 79 điều khoản.

Công ước Viên được ký ngày 24/4/1963 quy định về các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan lãnh sự với nhau và với nước sở tại; việc thành lập một cơ quan lãnh sự ra sao và chức năng nhiệm vụ của cơ quan này là gì…

Đọc toàn bộ công ước Viên dài 21 trang này, không thấy bất kỳ chỗ nào cho phép công hàm hay thư ngoại giao có thể không cần chữ ký như lời ‘phán’ của ông “cử nhân ngoại giao” kể trên!

Tiếp tục tìm hiểu qua Google bằng từ khóa “letter of embassy”, ta có hơn 5 triệu kết quả trong 0,20 giây.

Các công hàm hay thư ngoại giao được tìm thấy từ kết quả trên của Ấn Độ, Nga, Mỹ, Congo, Angola, Singapore, Trung Quốc, Nhật, Mỹ.v.v. đều có chữ ký. Bạn đọc có thể tự tra cứu để tìm hiểu thêm.

Các công hàm ngoại giao được tìm kiếm trên mạng đều có chữ ký, vậy công hàm này, theo công ước gì?

Vậy 2 công hàm mà công luận được chiêm ngưỡng gần đây do DSQ Việt Nam tại Ba lan và tại Séc cấp ra cho bà Tôn Vân Anh, ông Đỗ Xuân Cang không có ký tá gì, là dựa theo công ước nào đây, công ước hòn hay công ước cục? Mong bác “cử nhân ngoại giao” Nguyễn Thành Vĩnh giải thích thêm.

Không làm tròn phận sự

Công ước Viên, khoản d và e của điều 5 chương I quy định về nhiệm vụ của cơ quan lãnh sự như sau:
d) Cấp hộ chiếu và giấy tờ đi lại cho công dân Nước cử và cấp thị thực hoặc các giấy tờ thích hợp cho những người muốn đến Nước cử;
e) Giúp đỡ công dân bao gồm cả thể nhân và pháp nhân của Nước cử;

“Nước cử” trong trường hợp này là Việt Nam và công dân mà bài viết muốn đề cập tới là ông Đỗ Xuân Cang.

Chiếu theo khoản d, bộ phận lãnh sự không cấp cho ông Cang hộ chiếu, giấy thông hành, thậm chí một văn bản từ chối là họ đã không hoàn thành phận sự của mình.

Khoản e cho biết, ĐSQ hay LSQ phải giúp đỡ công dân của mình về thể nhân cũng như pháp nhân. LSQ tại Séc đã không giúp ông Cang, và còn tệ hại hơn nữa, khi cuốn hộ chiếu của ông còn 2 ngày nữa mới hết hạn họ đã đánh một công hàm cho sở di trú nhằm với nội dung dối trá nhằm hãm hại công dân của mình, công dân của nước đã cử họ đi.

Về việc này, thiết nghĩ, ông Cang có thể tham khảo ý kiến của luật sư về việc khởi kiện việc vi phạm công ước Viên của bộ phận lãnh sự tại đây ra Tòa án quốc tế, Thực tế đã cho thấy, nhiều vụ công dân thắng kiện nhà nước ngay tại châu Âu này.

Việt Nam đã ký các công ước quốc tế, cụ thể ở đây là công ước Viên và họ đã có những dấu hiệu vi phạm không thể chối cãi kể trên.

Đọc toàn bộ Công ước Viên về Ngoại giao tại đây

Nguyệt Anh (Gửi tới từ Cộng Hòa Séc)

--------------------------------

Bài liên quan :


.
.
.

No comments:

Post a Comment