Friday, March 2, 2012

CÁCH MẠNG TƯ HỮU (Thùy Linh)



Cách mạng tư hữu
Thùy Linh
3-3-2012

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, chính K. Marx đã viết “Người cộng sản có thểthâu tóm lý thuyết của mình qua một câu duy nhất : Bãi bỏ quyền tư hữu” (K. Marx – Manifeste du Parti communiste – trang 43 – Edition www. Librio.net – 2005). Như vậy, chủ trương Bãi bỏ quyền Tư hữu chính là xương sống của chủ nghĩa Marx.

Nhưng cả về lý thuyết cũng như trên thực tế đều chứng minh QUYỀN TƯ HỮU là yếu tố nằm trong bản thể và xã hội loài người và xa hơn, là cả ở động vật bậc cao. Cho nên, chống lại bản thể đó khác nào húc đầu vào núi Thái Sơn và chắc chắn thất bại. Bản thể thì không thể tiêu diệt, mà chỉ có thể làm sao để cho bản thể được đáp ứng một cách văn minh. Đói thì ăn, nhưng ăn sao cho ra người, chứ không phải theo kiểu luật rừng kiểu thú vật, mạnh được yếu thua. Một vấn đề căn bản như vậy tất nhiên phải được các nhà khoa học khắp năm châu cày xới rất kỹ, đến nay vấn đề đã trở nên rất dễ hiểu, chẳng tin mời các bạn đọc bài “Cách mạng tư hữu” sau đây của Thuỳ Linh, rất thuyết phục mà chẳng cần viện dẫn sách vở cao siêu gì.

Cũng như Thuỳ Linh, 5 năm trước đây một tác giả khác đã viết trên trang Talawas ‘Người cộng sản có thể thâu tóm lý thuyết của mình trong một câu duy nhất: Bãi bỏ quyền tư hữu!’. Nhưng bỏ tư hữu thì làm gì có Kinh tế thị trường? Nay chấp nhận Kinh tế thị trường thì phải chấp nhận tư hữu, vậy đối chiếu với câu duy nhất nói trên thì hết chủ nghĩa Mác rồi còn gì?”.

Dù tiếp cận từ vấn đề nông dân hay từ kinh tế thị trường, đều thấy chủ trương Bãi bỏ quyền tư hữu quả thực không còn chỗ đứng!. Thế là một câu hỏi khác phải đặt ra: Chân lý đã hiển nhiên, sao chính quyền tiếp tục chống tư hữu, điều này là “vì dân” hay “vì quan”?

Nay nước CHXHCNVN chúng ta tiếp tục chủ trương công hữu hoá đất đai do nhà nước thống nhất quản lý chính là thực hiện cái điều căn bản nhất của chủ nghĩa Marx là “Bãi bỏ Tư hữu”, vậy chẳng hiểu sao lại có ý kiến bảo chính sách của Việt Nam hiện nay “không liên quan gì” đến chủ nghĩa Marx, cứ làm như Đảng ta không chịu đọc và làm theo hòn đá tảng của Marx, thật vô lý.

Trong đoạn kết tác giả Thuỳ Linh lại trở về với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nhưng cập nhật với vụ Đoàn Văn Vươn để chứng minh rằng “Những người vô sản như anh em anh Đoàn Văn Vươn thực chất làm đúng như lời tuyên ngôn (Cộng sản) này.” Như vậy Đoàn Văn Vươn đang lặp lại động tác của những người vô sản cách mạng hồi còn mồ ma cụ Marx, anh chính là đệ tử chân truyền của Marx hoặc học trò xuất sắc của Marx, chẳng lẽ lại bị những người “Mác-xít” (cũng xuất sắc) bỏ tù? Lại cũng vô lý!

Hay là, chẳng phải lỗi của anh Vươn, cũng chẳng phải lỗi của nhà nước mà do con đường “Cách mạng” của ta có lỗi thiết kế nên con tàu cứ chạy vòng tròn, đi chán lại về chốn cũ? Cứ cho là như thế, thì “sai đâu sửa đó” , sai hệ thống thì sửa hệ thống, lo gì?

Hà Sĩ Phu
--------------------------------

Ngay sau khi ra đời, có lẽ đức tính đầu tiên con người xác lập là tính tư hữu. Sở hữu đầu tiên là bầu sữa mẹ. Nó độc quyền bầu vú mẹ ít nhất một năm.
Lớn lên chút biết nói thì là giành tất cả những gì thuộc về nó hay tưởng là của nó: mẹ là sở hữu đầu tiên đứa bé muốn là của riêng nó, sau đến các đồ vật quanh nó.

Đi học sẽ thường xuyên dùng đến cụm từ: trường của tôi, lớp học của tôi, bạn bè của tôi, quyển sách, vở của tôi…
Đi làm sẽ thêm: công việc của tôi, cơ quan, công ty của tôi, đồng nghịêp của tôi, lương của tôi, thu nhập của tôi, ngôi nhà của tôi…
Trong đời sống tình cảm thì là: người yêu của tôi, vợ tôi, chồng tôi, gia đình tôi, con tôi, người thầy tâm linh của tôi…
Đến cái chết cũng là của riêng từng người, không ai giống ai. Dù sự lí về cái chết thì chả thể khác được.

Vì thế tính tư hữu ăn sâu vào tiềm thức của con người. Như thể nó tạo ra không gian cần thiết để người ta sống, suy tư, phấn đấu, thành công hay thất bại, tử tế hay xấu xa… Không còn ý thức về sự tư hữu thì con người gần như không còn đối tượng để họ thể hiện tình cảm nữa. Ái, ố, hỉ, nộ cùng Tham – Sân – Si cũng từ tình cảm tư hữu mà ra. Và đó là cuộc sống hồn nhiên. Đó là con người hồn nhiên. Đó cũng là động lực để phát triển. Thậm chí cũng là nền tảng để người ta học TU. Tước bỏ tính tư hữu là tước bỏ nền tảng cuộc sống. Nhưng thực sự có tước bỏ được không? Chưa bao giờ và không khi nào làm được. Thế nên mới sai lầm, hỗn loạn, đổ máu, hận thù…Và cũng từ đó sinh ra các cuộc cách mạng, các khái niệm mù mờ, gây hấn: giai cấp, bạo lực, đấu tranh giai cấp, quốc hữu hóa, sở hữu toàn dân…

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời tháng 2 năm 1848, Engels và Karl Marx xác lập mục tiêu và chương trình hành động của tổ chức này. Bản tuyên ngôn này kêu gọi hành động cho một cuộc cách mạng vô sản để lật đổ trật tự xã hội tư sản và cuối cùng sẽ mang lại một xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tuyên ngôn nêu ra 10 phương pháp nhằm xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản như sau:

1. Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao nộp tô vào quỹ chi tiêu của nhà nước.
2. áp dụng thuế luỹ tiến cao.
3. Xoá bỏ quyền thừa kế
4. Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn
5. Tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn.
6. Tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước.
7. Tăng thêm số công xưởng nhà nước và công cụ sản xuất; khai khẩn đất đai để cấy cầy và cải tạo ruộng đất trong một kế hoạch chung.
8. Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp.
9. Kết hợp nông nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt thành thị và nông thôn.
10. Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xoá bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất.

Vậy là ngay từ đầu, chủ nghĩa Marx đã xác định phải thủ tiêu tư hữu. Tức là đánh thẳng vào tiềm thức, vào tình cảm của con người. Bảo sao không được lòng dân chúng? Bảo sao chỉ có ông vô sản thích học thuyết của Marx? Mà các vô sản cũng chỉ thích khi còn vô sản, chứ khi hữu sản rồi thì đừng hòng mà theo Marx… Mình mới nghe trên báo chí nói cô gái tên là Nguyễn Thanh Phượng, giỏi giang ghê cơ, mới ngoài 30 tuổi đã nắm trong tay 4 công ty thuộc hàng khủng: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Mình không bàn cô ấy tài giỏi ra sao để có được thành công ấy vì nhiều người nói rồi… Cũng là tư hữu đấy. Bây giờ bảo cô ấy và những cổ đông của cô ấy từ bỏ tư hữu xem họ nói gì? Cho nên con đường mà Engels và Marx vạch ra mãi mãi là không tưởng. Và chỉ gây nhiều tai họa cho con người.

Ngôi nhà của Pasternak ở Peredelkino

Đọc Bác sĩ Zhivago của nhà văn Nga Pasternak, có một đoạn viết thế này: “Chủ nghĩa Marx là khoa học ư? Chủ nghĩa Marx làm chủ bản thân nó còn quá kém, chưa đến mức trở thành một khoa học. Các khoa học thường ôn hòa hơn. Chủ nghĩa Marx và tính khách quan ư? Tôi chưa thấy trào lưu nào lại tự bịêt lập mình và xa rời các sự kiện thực tế như chủ nghĩa Marx. Mỗi người chỉ lo kiểm trả bản thân mình qua kinh nghịêm, còn những người nắm quyền hành thì tìm cách né tránh sự thật, vì cái câu chuyện hão huyền là cá nhân họ không bao giờ phạm sai lầm. Tôi không thích những người thờ ơ với chân lý”.

Đám tang của ông

Từ những năm giữa thế kỷ 20 ông đã viết ra những dòng này, khi mà chủ nghĩa xã hội như dòng thác lũ cuốn trôi bao đất nước, số phận con người vào cuộc cách mạng bạo lực giành chính quyền. Vì thế mà Bác sĩ Zhivago mãi đến năm 1988 mới được xuất bản ở Nga. Vì thế mà Pasternak bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Xô Viết, bị buộc viết thư từ chối giải Nobel văn học trao cho ông, bị hắt hủi nhiều năm trời: “Nhìn nhận ý nghĩa của giải thưởng với xã hội mà tôi đang sống, tôi buộc phải từ chối giải thưởng này. Đề nghị không phật ý với sự tự nguyện từ chối của tôi”.

Mình đã được đến ngôi nhà của ông ở Peredelkino, ngoại ô Maxcơva. Một ngôi nhà gỗ giản dị. Trong ngôi nhà đó giá trị nhất là chiếc đàn piano để vợ ông chơi. Còn phòng làm vịêc của ông chỉ có một chiếc bàn gỗ mộc, kê bên cửa sổ. Đôi ủng dạ dựng góc nhà như thể ông vừa đi đâu ngoài trời tuyết về và vào bếp uống ly trà nóng. Chiếc giường đơn, nơi ông trút hơi thở cuối cùng ở cuộc đời gian truân, đau khổ cũng chỉ vì các cuộc cách mạng, các cuộc đấu tranh giai cấp trải tấm drap hoa giản dị. Bức ảnh chụp đám tang ông treo ở trong phòng khách màu đen trắng ngả màu. Chỉ vài người bạn thân thiết đến đưa ông về nơi an nghỉ tại nghĩa trang của làng, không xa ngôi nhà đó lắm. Ông không vào nghĩa trang danh nhân ở Maxcơva cũng như nhà thơ Esenin và nhạc sĩ tài ba yểu mệnh Vysotsky. Nhưng ngày nào cũng có hoa người đem đến viếng. Ngôi nhà gỗ đó giờ vẫn lặng lẽ buồn như chính cuộc đời gian truân của ông vậy dù ông đã đi xa hơn 50 năm…

Ngôi mộ Pasternak ở nghĩa trang làng

Có chuyện kể rằng: Khi Marina Tsvetaeva chuẩn bị đi sơ tán ở Elabuga, ông đã đến giúp bà thu xếp hành lý. Ông đem theo sợi dây thừng, giúp Marina buộc vali. Khi buộc xong, ông nói đùa: “Sợi dây này rất chắc, cho dù có treo bà lên cũng không đứt được”. Sau này khi nghe mọi người kể lại, Marina treo cổ tự tử bằng chính sợi dây đó, Pasternak đã rất ân hận về câu nói đùa của mình. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nghệ sĩ đã tự sát thời Stalin… Pasternak không tự sát nhưng cuộc sống của ông thì như bị giam cầm cho đến lúc từ giã cõi đời. Pasternak đã đúng. Nếu ngày đó nhiều người còn nghi ngờ những lời ông nói thì đến giờ đã chứng minh: con đường mà Engels và Marx vạch ra vẫn chưa hé lộ bất cứ thành công nào vì chủ nghĩa Marx chưa bao giờ là một khoa học. Tính tư hữu vẫn ngự trị con người và cuộc sống. Chủ nghĩa tư bản vẫn phát triển mạnh trên tính tư hữu ấy một cách hợp lý.

Xã hội Việt Nam tính tư hữu còn mãnh liệt hơn hết vì đó là xã hội tiểu nông. Nông dân bám chặt vào mảnh ruộng của họ. Gia đình chăm chăm thu vén cho gia tộc, luôn ngó nghiêng xem họ tộc nào hơn mình chưa để phấn đấu hoặc chiến đấu, “dìm hàng” nhau. Làng nọ lại kèn cựa với làng kia để tồn tại… Cứ thế tính tư hữu luôn luôn nét tinh thần trên gương mặt Việt. Nhớ hồi sơ tán, các bà muốn đi tiểu còn phải cố chạy về tận góc vườn nhà mình mới hành sự vì sợ tiểu chỗ khác phí mất… Bãi phân trâu cũng đánh dấu để thằng (con) khác không lấy mất. Mảnh ruộng cũng phải ăn chia cho đều. Bờ xôi ruộng mật mỗi nhà một miếng con con. Ruộng xấu cũng phải nhận lấy một mẩu kẻo tị nạnh. Thế nên đồng ruộng mới manh mún như miếng vải vá chằng vá đụp như thế. Đã có thời lập ra các HTX, nhất là HTX bậc cao nên mới ra nông nỗi thiếu ăn, sản lượng lúa thấp vì là của chung nên chả ai lo làm. Mới có một Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc dám “vượt rào” chia ruộng và công cụ cho nông dân tự quản. Thực chất là xác lập tính tư hữu của nông dân dựa trên bản tính thâm căn cố đế đó của họ. Mình tự hỏi: nếu thời đó có lãnh tụ nào ủng hộ bác Kim Ngọc và biến thành cương lĩnh hành động cho miền Bắc thì sẽ như thế nào nhỉ? Chắc chắn sẽ không có tịch thu tài sản và cải tạo tư sản sau 75. Và từ đó bao nhiêu vận hội của đất nước đã được hình thành và phát triển? Thôi, để nhâm nhi trong giấc mơ về một ngày mai vậy…

Mình không nhớ đọc được ở đâu đó câu nói của Deninkin (tướng Bạch vệ hồi cách mạng tháng 10 Nga): “Mơ ước của tôi là tới được Matxcơva, giao quyền lực lại cho chính phủ và sẽ được lập ra ở đó. Và hãy cho tôi 15 đêxichin đất, tôi sẽ ngồi trong khoảnh đất đó, gieo trồng bắp cải và táo”. Mình đọc cách đây hơn 20 năm câu này. Lúc đó mình xúc động về lời bộc bạch giản dị của một tướng Bạch vệ mà người ta thường nói xấu trong các sách mình được đọc trước đó. Đúng là một ông tướng nông dân, không tham quyền cố vị và yêu đất đai đến mức nào…

Cũng là một văn hào Nga, trải qua những biến cố đau thương của dân tộc Nga nên Dostoyevsky đã đúc kết: “Ý tưởng về sự thủ tiêu tư hữu – đó là tư tưởng cổ xưa và tự nó rất hào hiệp. Nó có cả trong đạo Kitô giáo, nhưng với một điều kiện nhỏ bé đặt trước là từ bỏ tư hữu cần phải diễn ra một cách tự giác. Không thể thực hiện nó bằng con đường bạo lực. Vấn đề không phải là trong sự tư hữu như vậy mà là ở tình cảm của sự tư hữu. Vấn đề ấy sẽ trở thành cuộc cách mạng của tâm hồn chứ không phải là cuộc cách mạng chính trị”.

Vậy bao giờ thì người dân nước Việt được thừa nhận quyền tư hữu mảnh đất nuôi dưỡng mình và giúp mình sinh sống? Thừa nhận tư hữu mảnh đất mà ngôi nhà mình ở? Tất nhiên lúc này chuyển đổi tư hữu thì người có tiền, có quyền chức là lợi lộc hơn cả vì họ mới có đất đai, thậm chí nhiều như lá thu rơi… Nhưng không phải vì thế mà cứ tiếp tục các quan có quyền phán xét tịch thu, mua rẻ, thu hồi, đền bù… của người dân bất cứ khi nào các quan muốn, nhân danh “sở hữu toàn dân”. Người dân vẫn nhớ câu kết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Engels và Marx viết ra: Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới. Những người vô sản như anh em anh Đoàn Văn Vươn thực chất làm đúng như lời tuyên ngôn này…

Tặng bạn bè hai bài thơ của Boris Pasternak. Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng.

Giải Nobel
Tôi mất hút, sa vào như con thú
Đâu đó tự do, ánh sáng, con người
Tiếng thét gào, xua đuổi sau lưng tôi
Nhưng lối thoát bên ngoài không hiện rõ.
Khu rừng tối và bên hồ nước
Gỗ thông già chất đống khắp nơi
Cả bốn phía chặn bước con đường tôi
Tôi chịu đựng, dù thế nào cũng được.
Có phải tôi làm điều chi thô bỉ
Tôi là tên ác độc, kẻ giết người?
Tôi chỉ làm cho lệ thế gian rơi
Trước vẻ tuyệt vời của đất đai quê mẹ.
Cái chết đã cận kề, nhưng dù thế
Tôi vẫn tin rồi sẽ đến một thời
Khi tinh thần thánh thiện sẽ lên ngôi
Sẽ chiến thắng thói đê hèn, phẫn nộ.

Làm người nổi tiếng là không đẹp
Làm người nổi tiếng là không đẹp
Đâu phải vì nổi tiếng mới lên cao
Những giấy tờ, lưu trữ đừng tích cóp
Trước những trang bản thảo chớ nôn nao.
Mục đích của sáng tạo là dâng hiến
Đâu phải vì thành tích, tiếng ồn ào
Đem biến mình thành những lời truyền miệng
Cho người đời, thật xấu hổ làm sao.
Ta cần sống khiêm nhường, không tự bạch
Phải sống sao, bởi suy xét cho cùng
Để tiếng gọi tương lai nghe thấy hết
Nhận về tình luyến ái của không trung.
Cần phải biết để chừa ra khoảng trống
Trong số phận mình, không phải trong thơ
Trong cuộc đời có những chương, những đoạn
Cần tô đậm lên cho khỏi lu mờ.
Và phải biết đắm chìm vào quên lãng
Trong vô danh giấu những bước chân ta
Như làng mạc ẩn mình trong sương sớm
Sương khói mịt mù không thể nhìn ra.
Những kẻ khác theo bước chân sống động
Bám gót ta đi qua chặng đường mình
Nhưng đành ngậm ngùi nhìn lên chiến thắng
Mặc người đời, ta không phải bận tâm.
Và phải biết không một tấc ngắn ngủi
Đừng để đánh mất gương mặt con người
Cần phải sống làm một người sôi nổi
Và vui tươi cho đến cuối cuộc đời.

T. L.

.
.
.

No comments:

Post a Comment