Monday, February 27, 2012

ỦY BAN CÔNG ƯỚC CHỐNG PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC XEM XÉT VẤN ĐỀ VIỆT NAM (Ỷ Lan, RFA)



Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2012-02-27

Khóa họp lần thứ 80 của Ủy ban Công ước Chống phân biệt chủng tộc xem xét vấn đề Việt Nam tại Điện Wilson LHQ ở Genève từ ngày 20 đến 22.2 vừa qua.

Vi phạm nhân quyền

Ông Võ Văn Ái tại buổi họp của Ủy ban Công ước Chống phân biệt chủng tộc hôm 20/2/2012. Photo courtesy of queme

Ủy ban lắng nghe các phái đoàn Phi chính phủ, như Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, Tổ chức các Quốc gia và Dân tộc không được quyền đại diện, Sáng hội Người Thượng Tây nguyên, Tổ chức Nhân quyền Thượng, và Liên minh người Khmers Krom.

Lời phát biểu của ông Võ Văn Ái trình bày bản Báo cáo phản biện 30 trang dưới đề mục « Những vi phạm các quyền cơ bản đối với các Dân tộc thiểu số và tôn giáo tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam » của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã được Pháp tấn xã AFP loan tải cùng ngày cho biết “các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo tại Việt Nam là nạn nhân của chính sách kỳ thị có chủ trương của nhà cầm quyền”. Ông Ái đưa ra các ví dụ “những người Thiên chúa giáo Hmong, Thượng Tây nguyên, tín đồ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa Hảo, Cao Đài, và Phật giáo Khmers krom là những nạn nhân của sự cầm tù, tra tấn, quản chế, công an theo dõi, hăm dọa và sách nhiễu trong đời sống hằng ngày”, đồng thời nêu trường hợp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ vẫn bị quản chế sau gần 30 năm tù đày chỉ vì ôn hòa đòi hỏi cho tự do tôn giáo”. Ông Ái cũng nhắc tới định kiến hằn sâu trong chính sách của nhà nước khi gọi các dân tộc thiểu số là “mọi”.
Ông báo động tình trạng nghèo đói và cho biết “Năm 1990 dân số nghèo trong các nhóm dân tộc thiểu số là 19 %, thì nay tăng lên 56%”.

Ngoài ra, ông Võ Văn Ái cũng yêu cầu hủy bỏ cơ chế hộ khẩu, là nền tảng của mọi sự kỳ thị trong xã hội Kinh – Thượng, cũng như lợi dụng Điều 87 trong bộ Luật Hình sự để bắt bớ những người biểu tình ôn hòa. Đồng thời yêu cầu Việt Nam áp dụng Điều 14 trong Công ước, để Ủy ban LHQ có quyền trực tiếp nhận các kháng thư của các nạn nhân tại Việt Nam.

Đại diện Sáng hội Người Thượng Tây nguyên tố cáo “tình trạng cưỡng bức phụ nữ ngừa thai”. Đại diện Liên minh người Khmers Krom tố cáo việc trẻ em không được học tiếng nước mình, nhân dân Khmers Krom bị xem như công dân hạng hai và bị tước đoạt mọi quyền cơ bản.

Sang chiều ngày 21.2 và sáng ngày 22, Ủy ban LHQ lắng nghe bản Phúc trình của Phái đoàn Việt Nam, gồm 16 thành viên, đại diện các Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Tài chính, do ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, làm Trưởng đoàn.

Bản phúc trình của ông Hà Hùng là một danh sách liệt kê các văn kiện pháp lý đã thông qua nhằm bảo vệ các dân tộc thiểu số, các số liệu báo chí, đài phát thanh, truyền hình, trường ốc, đào tạo giáo dục, công ăn việc làm, lao động xuất cảnh, y tế, v.v… dành cho các dân tộc thiểu số. Nhìn chung trong số 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, có 53 dân tộc thiểu số, khoảng 10 triệu người, chiếm 14,3% dân số, so với người Kinh đa số là 85,7% dân số, thì bản phúc trình của ông Hà Hùng là thiên đường hạ giới cho các dân tộc thiểu số bằng chính sách chung sống hòa hợp của Đảng và Nhà nước, và không một quyền cơ bản nào bị xâm phạm.

Tuy nhiên sau danh sách liệt kê nói trên, ông Hà Hùng cũng tiết lộ một số khó khăn như sau :
"Tuy đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng việc thực hiện “Chính sách bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số” vẫn còn tồi tại nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện chính sách này. Một số văn bản chờ sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế, tốc độ giảm nghèo của người dân tộc còn chậm, thiếu bền vững.
Tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo còn khá cao ở một số vùng người dân tộc sinh sống, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ đạt 200 USD / người. Tỷ lệ trẻ em gái bỏ học và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế đòi hỏi về số lượng và trình độ chuyên môn, nhất là người cán bộ dân tộc tại chỗ."

Phần chất vấn tổng cộng 40 câu của 18 thành viên Ủy ban LHQ đặt nặng trên một số cứ liệu rút từ bản Báo cáo phản biện của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, như Ủy viên Regis De Gouttes, người Pháp, chất vấn về cơ chế Hộ khẩu là cơ chế kỳ thị trong xã hội, cũng như kỳ thị tôn giáo. Ông nói :
“Mong Phái đoàn cho chúng tôi được biết các phản ứng của Việt Nam trước những luận cứ về các vi phạm tái diễn mà đối tượng là dân tộc thiểu số, như trưng dụng đất đai của tổ tiên, cưỡng bức di dân, giới hạn các quyền tự do đi lại và ngôn luận, bạo hành và đàn áp tôn giáo cũng như bắt bớ tùy tiện. Những phê phán mà một tổ chức Phi chính phủ gửi đến chúng tôi về cơ chế Hộ khầu. Còn cả những vấn đề song phương kỳ thị, vừa là dân tộc vừa là tôn giáo, cho một số nhóm như Phật giáo Khmers Krom liên hệ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, những người Thượng, người Hmong mà đa số theo Thiên chúa giáo”.

Kỳ thị dân tộc và tôn giáo


Ủy viên Huang Yong’an, người Trung quốc, trong phần nhận xét bản Phúc trình của Việt Nam cũng như kết luận sơ khởi lúc bế mạc phát biểu rằng :
“Người Trung quốc nói rằng “Bạo quyền đẩy nhân dân nổi loạn”. Khi chúng ta nhìn vào các tranh chấp trong các vùng dân tộc thiểu số của quốc gia thành viên, chúng ta thấy đa số đến từ quyền đất đai. Có một Báo cáo nói rằng, tôi xin trích, “Những cuộc biểu tình ôn hòa trên vấn đề tranh chấp đất đai đã bị nhà cầm quyền sử dụng bạo lực và bắt bớ”.

Ủy viên Amir, người Algerie, ca tụng nhân dân Việt Nam anh hùng, đánh thắng hai cuộc chiến thực dân và đế quốc, và hiện nay đã thống nhất đất nước. Tuy nhiên ông xót xa trước thực trạng đối với nhóm yếu thế, như nạn phụ nữ và thiếu nhi bán dâm vì không có gì để sống, cùng các chuyến du lịch tình dục.

Một số vấn đề mà các Ủy viên rút từ bản Báo cáo phản biện của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam bị phái đoàn Việt Nam làm ngơ, khiến ông Vazquez, chuyên viên người Mỹ, phải đặt lại câu hỏi của mình. Ông nói :
“Tôi không nghe Phái đoàn trả lời câu hỏi của tôi về Điều 87 trong bộ Luật Hình sự. Tôi đã nói lên sự quan tâm của tôi, rằng Điều mà bản Phúc trình của Phái đoàn cho là ban hành để bảo vệ người thiểu số, nhưng rất mơ hồ, sử dụng để đàn áp các dân tộc thiểu số. Đặc biệt được sử dụng để bắt bớ người thiểu số khi họ tham gia những cuộc biểu tình ôn hòa. Tôi khuyến nghị Việt Nam sửa đổi Điều 87 cho phù hợp với các công ước LHQ”.

Phái đoàn Việt Nam hãnh diện nhắc nhở sự kiện đã mời hai chuyên gia LHQ, bà Gay McDougall, Chuyên gia LHQ về Dân tộc thiểu số, và bà Magdalena Sepulveda, Chuyên gia LHQ về Nhân quyền và Đói nghèo cùng cực, đến Việt Nam tháng 7 và tháng 8 năm 2010. Nhưng Phái đoàn lại im lặng trước các phê phán, chỉ trích Việt Nam trong việc cấm bà McDougall không cho gặp gỡ các lãnh đạo tôn giáo, hay bà Sepulveda khuyến nghị Việt Nam phải cải tổ chính trị mới có thể bảo vệ nhân quyền hữu hiệu. Bà còn nói “Ký kết các công ước chưa đủ, Việt Nam phải đưa các tiêu chuẩn quốc tế vào luật pháp Việt Nam”.

Trả lời các câu hỏi về những cuộc đàn áp biểu tình tôn giáo và dân tộc thiểu số, Trung tướng Nông Văn Lưu, Bộ Công an bác bỏ :
"Một số tổ chức NGO, nhất là các tổ chức ở nuớc ngoài cho rằng Việt Nam đàn áp, phân biệt đối xử với dân tộc thiểu số, tôn giáo...
Xin khẳng định ngay rằng hoàn toàn không có sự phân biệt vì lý do dân tộc, tôn giáo. Tuy nhiên cũng có những người lợi dụng tôn giáo để tụ tập hoạt động vi phạm pháp luật thì phải áp dụng các biện pháp theo luật để ngăn chặn."

Việt Nam tham gia ký kết Công ước quốc tế về loại bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc từ năm 1982. Trên nguyên tắc, Việt Nam phải đến phúc trình về sự thực hiện công ước tại nước mình mỗi 2 năm một lần. Nhưng 30 năm qua thay vì phải phúc trình 15 lần, thì Việt Nam chỉ đến Genève có 4 lần để phúc trình.

Nhân dịp tham dự Khóa họp lần thứ 80 của Ủy ban Công ước Chống phân biệt chủng tộc, được biết Phái đoàn Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã trực tiếp gặp gỡ các Báo cáo viên Đặc nhiệm LHQ để cập nhật hồ sơ và bênh vực cho các trường hợp bị bắt giam, mất tích hay quản chế, như các vị Trần Huỳnh Duy Thức, Điếu Cày, Ca sĩ Việt Khang, nhà báo Hoàng Khương, bà Bùi Thị Minh Hằng, và Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ.


Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved

----------------------------------



.
.
.

No comments:

Post a Comment