Monday, February 27, 2012

BỊ "TRẤN LỘT" BỞI "CƠ QUAN TRẤN LỘT HỢP PHÁP THEO QĐ CỦA PHÁP LUẬT" (Me. Nâ'm 's Blog)



Me. Nâ'm 's Blog

Không cần biết bạn là ai, mọi sự quyết định đều nằm ở “họ”.

Bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất “họ” chặn bạn lại, lục tung hành lý, TRẤN và LỘT bạn. Chẳng có gì!? Họ niêm phong thẻ nhớ máy ảnh, USB, laptop của bạn.

Nghe tả lại hình ảnh trên, đừng nghĩ chủ thể bạn ở đây là một “Việt kiều yêu nước” đã quên kẹp 10 USD trong hộ chiếu. Bạn - ở đây - chỉ là một công dân bình thường của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Và bạn vừa mới bị “trấn lột” bởi “cơ quan trấn lột hợp pháp theo quy định của pháp luật”.

Nghị định số 88/2002/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 7/11/2002 để quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

1. Nghị định này quy định về quản lý các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.

Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (sau đây gọi là xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm) là hoạt động đưa từ Việt Nam ra nước ngoài, đưa từ nước ngoài vào Việt Nam các loại văn hóa phẩm để sử dụng riêng, biếu, tặng, tham gia triển lãm, hội chợ, dự thi, hợp tác trao đổi, phục vụ hội thảo, liên hoan, viện trợ hoặc các mục đích khác không để bán hoặc thu lợi nhuận.

2. Văn hóa phẩm quy định trong Nghị định này bao gồm:

A) Sách, báo, tạp chí, tài liệu, ca-ta-lô, tranh, ảnh, áp phích, lịch, bản đồ;

B) Các loại băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình; các loại phim, các loại băng từ, đĩa mềm, đĩa cứng, đĩa quang đã ghi nội dung; các sản phẩm công nghệ nghe nhìn khác đã ghi thông tin ở dạng chữ viết, âm thanh, hoặc hình ảnh;

C) Tác phẩm mỹ thuật.

3. Việc xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm là di sản văn hóa thực hiện theo các quy định của Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001.

Sở dĩ tôi tìm hiểu nghị định này, vì trong một chia sẻ trên Facebook, một người bạn của tôi đã kể lại “Chuyện bị trấn lột tại sân bay", trong đó, người ta viện dẫn nghị định 88/2002/NĐ-CP như một lý do chính yếu.

Trong biên bản làm việc ngày 20/02/2012 giữa Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất Quốc tế – Đội thủ tục hành lý nhập khẩu và Nguyễn Hồ Nhật Thành có thể hiện nội dung sau:



Sau khi “kiểm tra thủ công” toàn bộ hành lý thì “cơ quan trấn lột hợp pháp theo quy định của pháp luật” phát hiện ra ông Thành mang theo:

- 01 USB Transcend 4GB không rõ nội dung.
- 01 thẻ nhớ SDHC Transcend 4GB không rõ nội dung.

Được biết, trước đó lực lượng này đã tiến hành các thao tác kiểm tra USB và thẻ nhớ của Thành trên máy vi tính, không phát hiện ra file văn bản nào, chỉ có hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam có dòng chữ HS-TS-VN và một số hình ảnh cá nhân.

Dựa vào Nghị định số 88/2002/NĐ-CP cơ quan chức năng tại Phi trường Tân Sơn Nhất đã vi phạm pháp luật, hành động tịch thu và lập biên bản với lý do: “nội dung không rõ ràng” đối với usb và thẻ nhớ đã tạm thu giữ hoàn toàn không nằm trong quy định pháp lý của Nghị định 88/2002/NĐ-CP.

Theo thông tin trên Website của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì nghị định 88/2002/ NĐ-CP áp dụng cho các văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh: đã thực sự đi vào đời sống của người dân, phát huy được hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, góp phần mở rộng giao lưu văn hóa, phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; góp phần cải cách thủ tục hành chính, số lượng cấp giấy phép xuất nhập khẩu văn hóa phẩm của Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã giảm khoảng 80%, ở nhiều địa phương giảm tới hơn 90%. Các quy định trong Nghị định đã giúp giảm tải được các thủ tục phiền hà, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc xuất nhập văn hóa phẩm, tham gia giao lưu và hội nhập văn hóa thế giới.

Do đó, hành động tự tung tự tác, lạm dụng vai trò và chức năng của Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất Quốc tế – Đội thủ tục hành lý nhập khẩu chỉ thể hiện một điều: xâm phạm quyền Tự Do cá nhân, sách nhiễu công dân.

Không biết lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất, dựa trên điều khoản, quy định nào của Nghị định 88/2002/NĐ-CP để tiến hành lục soát, khám xét đồ đạc, thân thể của Thành như một tội phạm tại cửa khẩu?

Phải chăng, đó là cách hành xử của lực lượng an ninh, đối với những người đã từng tham gia biểu tình phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam?

Câu nói từ miệng của nhân viên an ninh tham gia lục soát: “Đồng bọn nó đó, tụi mặc áo lưỡi bò!” có lẽ là câu trả lời rõ nhất cho những hành xử vi phạm pháp luật trên.


Mặc áo in logo phản đối đường lưỡi bò tham lam của Trung Quốc trên biển Đông, là tội phạm ngay tại Việt Nam hay sao?

Rõ ràng đây là một hành xử có định hướng nhắm vào những đối tượng là những người Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược.

Do đó, không thể nói Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất có những hành động tự tung tự tác. Phải nói đây là những hành động vi phạm luật pháp được thi hành theo mệnh lệnh.

Vậy thì ai, thuộc cơ quan nào đã ban hành những chỉ thị này?

Tôi nghĩ, hỏi tức là trả lời.


.
.
.

No comments:

Post a Comment