Friday, January 27, 2012

VẤN ĐỀ TRÍ THỨC & PHẢN TRÍ THỨC - Phần 3/3 (Hoàng Ngọc Tuấn)




14.02.2000

V. Quan niệm trí thức nô bộc ở Trung Hoa và Việt Nam ngày xưa

Trong thời đại liên hành tinh hôm nay -- thời đại hậu phong kiến, thời đại hậu kỹ nghệ, thời đại mà ý thức dân chủ đã thấm nhuần đến cao độ vào tinh thần nhân loại, thời đại mà các nguồn tri thức trên khắp hoàn cầu đã tràn ngập siêu xa lộ thông tin -- những đất nước đang nằm trong tình trạng khủng hoảng trí thức là những đất nước trong đó thành phần có học vấn gồm đa số người bạc nhược và bảo thủ. Đất nước Việt Nam chúng ta đang chứng tỏ có nỗ lực vươn lên về nhiều phương diện, nhưng thành thực mà nói, cuộc vươn lên của chúng ta khó khăn cực kỳ vì đa số người trong thành phần có học vấn vẫn còn đang giãy giụa trong mớ tàn dư của tinh thần phong kiến, một tinh thần gắn liền với quan niệm trí thức nô bộc ngày xưa mà gốc rễ của nó xuất phát từ Trung Hoa. Bên cạnh Nhật Bản, các nước Đông Á và Đông Nam Á chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa cũng đều còn phải giãy giụa với tàn dư ấy mãi cho đến hôm nay ở những mức độ khác nhau (rất ít, như Nhật Bản hay Đại Hàn, chẳng hạn; và rất nhiều, như Trung Quốc và Việt Nam, chẳng hạn).

Thực vậy, Việt Nam -- một đất nước vốn chậm tiến nhất trong những quốc gia này -- tất nhiên phải giãy giụa với tàn dư ấy một cách nhọc nhằn và dài lâu hơn cả. Để thấy rõ vấn đề, chúng ta hãy xem lại quan niệm trí thức nô bộc ngày xưa ở Trung Hoa và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam.

Ở Trung Hoa cổ đại, lực lượng thống lĩnh chia xã hội thành bốn hạng người là "sĩ", "nông", "công", và "thương". "Sĩ" là hạng người trí thức của thời ấy, và là hạng cao nhất trong bốn hạng; và trong Luận Ngữ, Khổng Tử đã tốn bao nhiêu lời để nói về người "quân tử", tức là người tối hảo của hạng "sĩ". Thời ấy, sự nể phục của quần chúng đối với hạng "sĩ" dường như còn có thêm một vài lý do nữa. Theo Lý Lạc Nghị, từ thời Ngũ Đế, "sĩ" là quan coi ngục. Sách Thượng Thư có ghi: "Nhữ tác sĩ, ngũ hình hữu phục". Như thế, quan coi ngục này có nhiệm vụ thực hiện năm hình phạt đối với tù nhân. Lý Lạc Nghị còn giải thích về hình chữ "sĩ" như sau: "Hình dạng Kim văn rõ ràng là một cái rìu to, đó là tượng trưng hình quan. Còn cùng nghĩa với sĩ (là làm quan)."[33] Còn chữ "quân" trong "quân tử" cũng rất đáng sợ. Chữ "quân" do chữ "doãn" (là một tay cầm gậy, tượng trưng quyền lực), ghép với chữ "khẩu" (chỉ việc phát lệnh).[34]

Người "quân tử" và kẻ "sĩ" được trọng dụng như thế, vì họ là những người có học. Vậy chúng ta thử xem họ học như thế nào.

Trước hết, cái học của họ không xem trọng cái trí. Trong các đức cần phải thực hành để thành người quân tử, Khổng Tử xem trọng nhất là "lễ" và "nhân" và xem nhẹ nhất là "trí". Trong Luận Ngữ [35] , ông chỉ nhắc đến "trí" có 7 lần, và trong cả 7 lần, ông hoàn toàn không hề nói đến cái trí như khả năng tư duy trừu tượng, như điều kiện của lý luận, mà hầu như chỉ nói đến "trí" như cái "khôn" trong việc ứng xử: 1/ trí là biết đức nhân có lợi cho mình và người nên làm điều nhân (IV.2); 2/ trí là biết tôn trọng thiên tử, và không xa hoa; 3/ trí là biết ứng xử tùy thời thế chính trị, lúc tỏ ra khôn, lúc làm ra vẻ ngu (V.20); 4/ trí là siêng làm việc và biết kính nhi viễn chi (VI.20); 5/ trí là thích nước, thích động, vui sống; còn nhân là thích núi, thích tĩnh, sống lâu (như vậy nhân cao hơn trí) (VI.21); 6/ trí là không mê hoặc (IX.28); 7/ trí là biết người (XII.22). Như vậy, trong cái học của người quân tử, khả năng tư duy trừu tượng, khả năng lý luận, là những điều không cần thiết. Trần Trọng Kim nhận xét rằng chữ "trí" của Khổng Tử không phải là "lý trí". Ông giải thích:

Chữ "lý trí" là chữ người ta mới đặt ra để dịch chữ "raison" của Tây. Tôi đã từng giải nghĩa chữ "lý trí". Chữ "lý trí" không có trong sách Nho giáo, nhưng cứ theo lời Mạnh Tử, thì "lý trí" là cái "trí xuyên tạc" của người, chứ không phải là cái trí công nhiên như cái trí của vua Vũ trị thủy.[36]

Đã không xem trọng lý trí, họ lại chủ yếu nhai đi nhai lại những cái cũ, chứ không nghĩ đến việc sáng tạo cái mới. Khổng Tử nói: "Ta đã có lần suốt ngày không ăn, trọn đêm không ngủ, để suy nghĩ, nhưng vô ích, không bằng học"(XV.30). Tất nhiên, ở lúc khác, Khổng Tử lại cho rằng: "Học mà không suy nghĩ thì mờ tối, suy nghĩ mà không học thì nguy hại."(II.15). Tuy nhiên, sự suy nghĩ này không phải là suy nghĩ mang tính lý luận, phê bình và sáng tạo, mà chỉ tìm cách lĩnh hội giá trị cũ, vì Khổng Tử chủ trương học theo kiểu "thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ"(VII.1). Học như thế chỉ thích hợp để làm quan như một kẻ phục vụ và bảo vệ quyền lực quân chủ phong kiến. Và rõ ràng, Khổng Tử không thích cách mạng; ông khen Bá Di, Thúc Tề, mà chê Võ vương, là vì thế. Khi Khổng Tử nói "ôn cố nhi tri tân"(II.11), rõ ràng ông nhấn mạnh vào "ôn cố", còn "tri tân" là điều rất đáng ngờ. Nếu ai cũng chỉ tin vào cái cũ, yêu chuộng cái cũ, truyền thuật cái cũ, mà không sáng tác cái mới, thì làm gì có cái mới mà "tri"? Mà rõ ràng trong toàn bộ Luận Ngữ, ông chỉ một lần nói "tri tân", rồi thôi, và không hề nói đến điều gì là "tân" nữa cả.

Họ chủ yếu học những cái cũ, mà di sản cũ kỹ của họ cũng chẳng có là bao. Nhận định về vốn sách vở Khổng Tử đã đọc, Nguyễn Hiến Lê viết:

Tóm lại, các học giả ngày nay cho rằng những sách đời Xuân Thu mà Khổng được đọc chỉ có ít bộ sử của một số nước (nhất là Lỗ, có thể Chu nữa), Kinh Thi, mươi thiên trong Kinh Thư, một số thiên trong Kinh Lễ (không biết những thiên nào), Kinh Nhạc, và bộ sách bói tức Kinh Dịch. Di sản đời Tây Chu để lại cho ông đại khái có bấy nhiêu. Còn công ông san định các kinh đó thì chưa có gì chắc chắn cả.[37]

Di sản cũ đã nghèo, mà họ lại chỉ "thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ". Suốt đời, Khổng Tử chỉ viết được bộ Kinh Xuân Thu, mà trong đó ông không đưa ra được một ý tưởng mới nào. Đó chỉ là một bộ biên niên sử về đời Lỗ, từ năm đầu tiên đời Lỗ Ấn Công đến năm thứ 14 đời Lỗ Ai Công. Nguyễn Hiến Lê nhận định:

Ông chỉ có việc lấy sử của Lỗ, lựa những việc quan trọng (theo ý ông) hằng năm rồi chép một cách rất vắn tắt trong một hai câu [...]. Lời rất khô khan, đọc rất chán [...] Ông chép sử với quan niệm đạo đức mà phải che giấu sự thực đi, như vậy, chính là áp dụng thuyết chính danh của ông.[38]

(Tôi hy vọng sẽ có dịp bàn thêm trong một tiểu luận khác về thái độ che giấu sự thực để giữ sự "chính danh" trong khi chép sử).

Chúng ta thông cảm rằng vào thời Xuân Thu sách vở quá thiếu thốn, trình độ tư duy của con người còn sơ lậu, nên học hành và suy nghĩ như thế là điều tự nhiên. Nhưng chúng ta khó thông cảm với sự kiện rằng thái độ học hành và suy nghĩ như thế mà có thể tiếp tục kéo dài mãi suốt hai ngàn năm sau đó. Suốt thời quân chủ phong kiến, kẻ sĩ ở Trung Hoa và Việt Nam chỉ chủ yếu nhai đi nhai lại tứ thư ngũ kinh và một mớ sách Trung Hoa xưa cũ. Học xong, đến trường thi, phải viết sao cho đẹp lòng nhà cầm quyền, tránh phạm húy, thuần thành với ý thức hệ quân chủ phong kiến, là đạt. Ở nước ta, nội dung cái học đã thảm hại như thế, mà tổ chức thi cử lại càng thảm hại. Từ khoa thi đầu tiên, năm 1075, đời Lý Nhân Tông, đến khoa thi cuối cùng, năm 1919, đời Khải Định, nghĩa là gần 10 thế kỷ, đất nước ta chỉ có 185 khoa thi và 2.875 người thi đỗ từ cấp Tú Tài đến Tiến Sĩ.[39] Thảm hại hơn nữa, cấp Tiến Sĩ ngày xưa của ta không nghiên cứu luận án độc lập mà chỉ làm bài thi theo đề ra sẵn. Do đó, tất cả bài thi của 56 Trạng Nguyên trong một ngàn năm văn hiến đều không được lưu lại, vì chỉ toàn là những điều nhai lại và vô dụng.
Học đi học lại những cái cũ ít ỏi, và xem rẻ cái trí, nên họ được nhà nước phong kiến trọng dụng. (Tất nhiên, nếu họ là kẻ cầm quyền phong kiến, họ cũng chỉ trọng dụng những học giả bảo thủ.) Trọng dụng là ban tước quan và cho bổng lộc. Khổng Tử nói: "Học dã, lộc tại kì trung hĩ"(XV.31) Ông khuyên Tử Trương cẩn thận trong việc học, vì "lời nói ít lỗi lầm, việc làm ít ăn năn; bổng lộc tự nhiên ở trong đó"(II.18) Học vì bổng lộc, nên thời ấy người ta nôn nóng lắm. Khổng Tử nói: "Học ba năm mà không có ý cầu bổng lộc, dễ được mấy người?"(VIII.12). Học, tất nhiên là có bổng lộc, vì người có học thì được bổ quan. Và thú vị thay, người có học, mà không chịu hưởng bổng lộc, tức là không chịu ra làm quan, lại bị chê trách. Tử Lộ nói: "Không ra làm quan mà ở ẩn là không hợp đạo nghĩa"; và "người quân tử ra làm quan là làm nghĩa vụ của mình."[40]

Học là để làm quan và hưởng bổng lộc, nên họ rất "hiếu học". Trong Vân Đài Loại Ngữ, thiên "Sĩ Quy Loại", đoạn 1, Lê Quý Đôn ghi:

Kinh Thư chép: "Trước học sách của cổ nhân, sau mới ra làm quan". Sách Luận Ngữ dạy rằng: "Học cho giỏi giang, hãy ra làm quan". Sách Tả Truyện nói: "Muốn làm chính sự, hãy học đã".[41]

Gia Huấn Ca, tương truyền là của Nguyễn Trãi, cũng dạy rằng:

Một ngày treo biển tên đề,
Khôi khoa lại gặp được kỳ thánh minh.
Lộc trời tước nước hiển vinh,
Báo đền đôi đức dưỡng sinh bấy chầy.
Bõ khi nghèo khổ chua cay,
Bõ khi đèn sách, bõ ngày gian truân.
Bệ rồng gang tấc chín lần,
Trong triều mực thước, ngoài dân quyền hành.
Một triều là một thanh danh,
Bởi chưng có chí học hành thì nên.
Bao nhiêu là gái thuyền quyên,
Lưng ong má phấn cũng chen chân vào.
Đã má đỏ lại má đào,
Thơm tho mùi xạ ngạt ngào mùi hương.
Đủ mùi những thức cao lương,
Sơn hào hải vị bực thường đổi trao,
Lợn quay xôi gấc chè tàu,
Ai ai là chẳng đến hầu làm tôi.
Quạt lông gối xếp thảnh thơi,
Một lời dạy đến trăm người dạ vâng... [42]

"Hiếu học" là phải, vì làm quan chẳng những chỉ được "quyền hành", được "thanh danh", được "bao nhiêu là gái thuyền quyên lưng ong má phấn", được "những thức cao lương sơn hào hải vị", được bao nhiêu người "hầu làm tôi", mà lắm khi chẳng phải làm gì cả, chỉ "quạt lông ngồi xếp thảnh thơi". (Tất nhiên Nguyễn Trãi không phải là loại quan này, nhưng ông dạy con cái gắng học để được như thế).

Mà dạy như thế cũng chẳng sai, bởi làm quan ngày xưa quả thật lắm khi có nghĩa là chẳng phải làm gì cả. Trong Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, ở thiên "Thư Tịch Loại", mục 5, có ghi:

Đời Đường, triều đình hạ chiếu cho ai thông hiểu Tam Truyện [tức là ba truyện trong kinh Xuân Thu: "Tả Thị Truyện", "Công Dương Truyện" và "Cốc Lương Truyện"] và Nghi Lễ, đều được phong làm tán quan (người nhàn tản, có quan hàm, mà không chức việc). Ấy, đời xưa trọng học là vậy.[43]

Như vậy, để làm người quân tử có đặc quyền đặc lợi ở đời Đường không phải là điều khó khăn gì. Quân tử loại đó là loại "trí thức" vô dụng đối với đời sống, nhưng lại hữu dụng đối với nhà cầm quyền. Sau khi được vỗ béo rồi để ngồi làm cảnh, đám tán quan này, thay vì suy nghĩ lao lung về tiền đồ thế sự, chỉ cúc cung ăn cây nào rào cây ấy, làm thơ, viết phú ca ngợi triều đình.

Khi đã được bổ làm quan, nếu muốn giữ được tính mạng và sự nghiệp, người quân tử dường như phải thuộc nằm lòng cái tư cách ứng xử được chính bậc "vạn thế sư biểu" Khổng Tử thể hiện trong Luận Ngữ, như sau:

Khi vua (Lỗ) triệu ông tiếp khách (nước ngoài) thì ông biến sắc, chân bước run run. Khách cùng đứng với ông thì ông chắp tay vái người bên tả, người bên hữu; vạt trước, vạt sau của áo phiêu động khi ông cúi, ông ngửng. Khi ông rảo bước tiến tới, ông đi mau, hai cánh tay đưa ra thẳng như cánh chim. Khách lui rồi, ông tất vào tâu với vua: 'Khách không quay đầu lại (đã đi rồi)'."(X.3) "Khi vô cửa lớn của triều đình, ông khom khom như cửa thấp quá. Ông không đứng ở giữa cửa; khi đi, không dẫm lên ngạch cửa. Đi ngang qua ngai vua (ngai trống), ông biến sắc, chân bước run run, nói như chẳng ra lời. Khi ông vén áo bước lên thềm, ông khom khom, nín hơi như khó thở. Khi lui, bước xuống một bực, sắc mặt ông lại hoà hoãn, vui vẻ. Xuống đến bực cuối, ông đi mau, hai cánh tay đưa thẳng ra như cánh chim. Trở về chỗ cũ thì ông lại cung kính, có vẻ như không yên tâm."(X.4) "(Khi đi sứ nước ngoài) cầm thẻ ngọc Khuê thì ông khom khom như bưng chẳng nổi, đưa ngọc Khuê lên như vái chào, hạ xuống tới ngực như trao cho ai. Ông biến sắc như sợ sệt, chân ren rén bước từng bước như noi theo một vật gì. Khi dâng lễ vật, thì dáng mạo ôn hoà. (Lễ xong rồi) lấy tư cách cá nhân yết kiến vua quan nước ngoài thì nét mặt thoải mái, vui vẻ.(X.5)

Tư cách người quân tử như thế thì sao mà nhà vua chẳng hài lòng? Cái tư cách đó được truyền từ bậc "vạn thế sư biểu" ở Trung Hoa thời cổ đại xuống đến bậc trí thức tài hoa Nguyễn Du ở nước Việt Nam đầu thế kỷ 19 không mảy may sa sút.[44] Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện chép:

Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến, sợ hãi như không nói được. Vua thường bảo rằng nhà nước dùng người, chỉ cần người hiền, vốn không phân biệt Nam Bắc, ngươi cùng với Ngô Vị đã được đối đãi hậu, làm quan đến á khanh, nên biết thì phải nói, để hết chức phận, há nên do dự rụt rè chỉ cốt dạ vâng làm gì.[45]

Gia Long nói rất chí lý, "nhà nước dùng người, chỉ cần người hiền". Lý Lạc Nghị giải thích hình Giáp Cốt văn của chữ "hiền" là con mắt nhìn xuống, có thêm bàn tay đảm, được coi là nô bộc tốt.[46] Trong chữ "hiền", có chữ "thần" (với nghĩa "thần phục"). Chữ này được giải thích như sau:

Nghĩa gốc là nô lệ. Những người này trước chủ không dám ngẩng đầu lên. Khi người nô lệ cúi đầu xuống, mắt trông như là thẳng đứng. Vì thế người xưa dùng con mắt trong tư thế đó làm chữ "thần".[47]

Nhà nước dùng người, chỉ cần người "hiền", tức là nô bộc tốt. Mà muốn được xem là nô bộc tốt, phải biết ứng xử sao cho ra nô bộc. Muốn ứng xử sao cho ra nô bộc, không gì hay bằng làm theo đúng tư cách người quân tử như bậc vạn thế sư biểu đã làm.

Chúng ta có thể biện hộ cho cái thái độ khúm núm run sợ trước vua như thế là đóng kịch (!) để biểu lộ sự cung kính tột bậc với thiên tử, và có làm thế thì thiên tử mới tin dùng; và nếu thiên tử có tin dùng thì người quân tử mới có thể lấy sự hiểu biết của mình để khuyên can và cảm hoá thiên tử. Nhưng Khổng Tử khúm núm như thế mà có cảm hoá gì được đâu. Sau 6 năm làm quan, lên tới chức tướng quốc thứ nhì, ông phải ra đi vì vua Lỗ Định Công và tướng quốc thứ nhất là Quý Hoàn tử vì mê gái đẹp nên cải trang làm thường dân để đi ra cổng thành xem vũ nữ nước Tề, xem mải mê nhiều ngày đến độ quên việc triều chính, và không còn trọng dụng ông nữa. Chỉ đến khi bị bỏ rơi như thế, rồi lang thang lưu lạc qua nhiều nước, rồi bị vây khổn, tuyệt lương, rồi mòn mỏi vì không còn được quân vương nào tin dùng, đến độ hình vóc thảm hại như "con chó nhà có tang",[48] Khổng Tử mới bắt đầu thấp thoáng có tư tưởng muốn độc lập: "Đạo của ta không thi hành được, ta sẽ cưỡi bè vượt biển..." (thiên "Công Dã Tràng", V.6).

Suốt đời, Khổng Tử chỉ thỉnh thoảng có lời khuyên can thiên tử, chứ ông chưa bao giờ dám thẳng thắn phê phán về họ. Có chăng, ông chỉ thỉnh thoảng phê phán những nhân vật đã chết từ xưa trong lịch sử, mà cũng không phê phán thẳng thắn, chỉ nói ngụ ý quanh co (ví dụ: muốn phê phán Võ vương, ông giả vờ khen Bá Di, Thúc Tề). Từ Khổng Tử cho đến cuối thời phong kiến, và thậm chí mãi đến bây giờ, ở Trung Hoa và Việt Nam, số lượng người có học dám phê phán nhà cầm quyền hay phê phán truyền thống văn hoá rất ít. Có thể tận đáy lòng, nhiều người cũng đã nghĩ ra những ý tưởng mới, cũng muốn phê phán nhà cầm quyền và xã hội, nhưng có lẽ họ đã học thuộc lời Lão Tử khuyên Khổng Tử rằng:

Kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình người; kẻ giỏi biện luận, biết nhiều, thì nguy tới thân vì hay nêu cái xấu của người. Kẻ làm con và làm tôi đều không có cách gì giữ mình cả.

Và:

Người quân tử đức cao thì dong mạo như ngu độn.[49]

Có lẽ vì thế mà đa số người "trí thức" của Trung Hoa và Việt Nam thường ngạo mạn đối với quần chúng bình dân, nhưng luôn luôn tỏ vẻ nhu mì, chìu chuộng, hay ngu dại trước nhà cầm quyền, và luôn luôn lải nhải những lời sáo rỗng để ca ngợi văn hoá truyền thống. Loại "đức hạnh" này, cho đến hôm nay, vẫn còn nhan nhản.

Dẫu sao, trong thời phong kiến, nước ta thỉnh thoảng cũng đã có những người đứng ở vị thế độc lập để nhìn thấy và phê phán cái học nô bộc. Thử đọc một bài thơ của Cao Bá Quát (do Trúc Khê dịch ra Việt ngữ):

Tân Gia từ vượt con tàu,
mới hay vũ trụ một màu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.

Chúng ta thấy khi Cao Bá Quát bất ngờ có được cái khoảng cách cụ thể và tạm thời giữa bản thân và xã hội truyền thống chung quanh (nhờ có cơ hội đi ra khỏi nước và nhìn lại), ông mới "giật mình" về cái học nô bộc. Nguyễn Trường Tộ cũng thế: khi đi Pháp, ông mới có điều kiện tư duy độc lập[50]. Chúng ta thử đọc lại một số điều ông viết trong Tế Cấp Bát Điều:

Đến ngày nay mà còn có nhiều người không lãnh hội được sự thế biến thiên qua đời xưa và đời nay, mà lại cực lực khen ngợi đời thượng cổ, cho rằng đời sau không theo kịp, họ làm cái gì cũng muốn trở về xưa.
Thật rõ đời xưa mọi việc đều kém xa đời nay. Phàm cổ nhân nói những điều thái bình thịnh trị, tài trí phú cường, v.v... cũng bất quá là biết được một cái hay mà không biết được trăm cái dở đó mà thôi [...]. Sao người đời nay mà lại chỉ nói rằng trị bình không bằng đời xưa, hơi xẩy ra tai biến và những việc bất như ý thì vin vào đời xưa mà chê bai đời nay, rồi sinh lòng oán trách. Hạng người ấy sao chẳng tìm về đời thượng cổ để hưởng cái thịnh trị của đời ấy, sao chẳng nghĩ thân mình, đời mình hôm nay là ở chỗ nào [...] mà lại miệt thị thực tế, vọng tưởng quá khứ đến như vậy?
Học là để tìm cái biết (tri) mà phát ra việc làm.
Thế mà cái học đời nay, thầy dạy gì, trò học gì, đều là những việc đã qua [...]. Cái sở học của thuở bé là văn chương thi phú, mà cái sở hành của tráng niên lại là luật, lịch, binh, hình. Cái sở học của thuở bé là Sơn Đông, Sơn Tây (của Trung Quốc), mắt chưa từng thấy, mà cái sở hành của tráng niên là Nam Kỳ, Bắc Kỳ, chân đi đến nơi. Cái sở học của thuở bé là thiên văn, địa lý, chính sự của Bắc quốc, nay đã đổi cả rồi, mà cái sở hành của tráng niên là thiên văn, địa lý, chính sự, phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn. Cái sở học của thuở bé là lễ nhạc, ẩm thực, cư xử, chiến đấu, doanh trại trong dĩ vãng của Bắc quốc, mà cái sở hành của tráng niên là lễ nhạc, chiến phạt, khởi cư, cần dùng trong hiện tại của quan dân nước Nam. Những điều như thế, tuy bút trọc hết lông, môi ráo hết nước, cũng không kể được muôn một. Cổ lai, các nước trong thiên hạ chưa từng có cái học như thế, thật là lạ lùng.[51]

Phê phán đường lối tư tưởng và học thuật nô bộc của đất nước vào thời ấy, Nguyễn Trường Tộ tất nhiên phải lo ngại cho tính mạng của mình. Do đó, ông không thể nói hết. Ông viết:

Nói chung, thì học thuật sở dĩ không được sáng tỏ, một nửa là vì sách vở, một nửa là vì triều đình, nhưng tôi cũng chưa muốn đi sâu vào điều đó, vì sợ có quan ngại.

Và:

Còn như cái "Nho phong", thì tệ lớn mà nó đã gây nên cho Trung Quốc và nước ta hiện nay, nếu muốn nói cho thật rõ, thì phải nói đến mấy trăm khoản cũng chưa đủ. Nhưng mà nói ra thì tôi không dám về nước. Triều đình có muốn nghe không?[52]

Hành trạng của ông kỳ vĩ ở chỗ, ngay dưới thời quân chủ phong kiến, mà ông đã sớm biểu hiện những đặc tính của người trí thức hiện đại qua tư duy độc lập, phê phán văn hóa, và khát vọng cách tân. Ông kêu gọi:

Kẻ trí giả không ngoái cổ về dĩ vãng mà chỉ chăm lo việc tương lai.[53]

Rất tiếc, suốt mấy ngàn năm lịch sử cho đến hôm nay, Việt Nam đã có quá ít người như thế. Tất nhiên chúng ta không thể đứng trên quan điểm trí thức hiện đại để xét rằng thái độ học vấn và hành động của đa số quân tử và kẻ sĩ ngày xưa là phản trí thức. Mỗi thời đại có những hạn chế riêng của nó. Do đó, tôi đã dùng nhóm chữ "trí thức nô bộc" để định danh cho thái độ chủ yếu của thành phần có học vấn thời quân chủ phong kiến. Tuy nhiên, đến hôm nay, thời quân chủ phong kiến đã qua, mà thành phần có học của chúng ta vẫn còn kéo dài thái độ đó thì đúng là phản trí thức.


VI. Trí thức và phản trí thức: vấn đề trước mắt của chúng ta

Lúc chế độ phong kiến vừa suy tàn, những tàn dư của nó còn đậm nét trong tâm trí của thành phần có học vấn là điều tất nhiên. Năm 1936, Hoài Thanh đưa ra lời phê phán thẳng thắn đối với cái học nô bộc còn tồn đọng trong tâm lý dân tộc như sau:

Nước ta từ xưa vốn không có một nền quốc học; nhưng từ giờ về sau thì sao? Nếu dân tộc này không bao giờ tự mình dựng nên được nền học thuật thì chẳng nói hai mươi triệu, có đông đến hai trăm triệu cũng là một dân tộc bỏ đi, một dân tộc không có trên pho lịch sử văn minh của loài người. [...] Quang cảnh học giới ta buồn tẻ tiêu điều làm sao! Dễ thường thế giới không có nước nào mà những người tự nhận là học giả lại lạnh lùng với việc học như ở nước mình. Người mình được tiếng là hiếu học nhưng đúng ra chỉ hiếu lợi và hiếu danh. Khi sự học không đưa đến cho mình lợi và danh thì ít ai còn thèm màng đến nó nữa. Ít ai biết ham học vì sự học. Cái nguy là ở đó. [...] Vậy ta muốn nước ta sau này cũng có một nền học thuật, trước hết cần phải đổi hẳn cái tâm lý ấy đi và quả quyết theo một nền luân lý mới. Ta thường nghe nói rằng về phương diện cách trí người mình có thể hoàn toàn chịu ảnh hưởng Tây phương mà vô hại. Còn về phương diện tâm lý và luân lý thì phải giữ lấy tinh thần của riêng ta. Nói như vậy cũng đúng nếu người mình đời đời chỉ là những cậu học trò dễ bảo ngày đêm lo học lại những điều người ta đã phát minh ra. Nhưng nếu ngoài sự hấp thụ văn hoá của người, mình cũng muốn phát minh, cũng muốn sáng tạo thì không thể chỉ giữ lấy tâm lý và luân lý của chủng tộc.[54]

Nhận định của Hoài Thanh thực đúng đắn (và, thực ra, vẫn còn đúng đắn mãi đến hôm nay): ông phê phán cái học nô lệ, giả tạo, cầu danh, cầu lợi; cái tinh thần bảo thủ, hiếu cổ, không phát minh, thiếu sáng tạo.

Khổ thay, chính ông cũng chưa từ bỏ được một trong những nét chính của tinh thần ấy. Đó là tâm lý sợ lý thuyết. Năm 1935, bàn về văn học, ông viết: "[...] chẳng giấu gì các bạn, tôi nhát gan lắm, cứ thấy bóng lý thuyết là sợ"[55]; và năm 1936, ông (cùng Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư) viết:

Một trăm quyển sách khảo cứu về hoa hường không thể sinh được ra được một bông hường [...] một trăm pho sách nói về lý thuyết văn chương chẳng có thể giúp người ta sáng tạo được một tác phẩm văn chương có giá trị. Cho hay những lý thuyết về văn chương chẳng có nghĩa lý gì, chẳng ăn thua gì.[56]

Ở đây, chúng ta thấy cung cách tư duy cố hữu của dân tộc còn sót trong tâm lý nên ông còn vướng phải ba điểm sai lầm. Hai điểm sai lầm đầu tiên xuất phát từ thói quen suy nghĩ theo cảm tính. Một là: ông đề cao phát minh, nhưng ông lại sợ lý thuyết. Không lý thuyết làm sao phát minh? Hai là: ông nhầm lẫn giữa công trình tự nhiên (hoa hường) và công trình nhân tạo (tác phẩm văn chương). Hoa hường sinh ra từ tự nhiên, không cần lý thuyết; nhưng tác phẩm văn chương sinh ra từ ý tưởng của con người, tất nhiên phải mang những dấu ấn của một hay những lý thuyết nào đó có sẵn trước đó, hoặc chính nó hàm chứa một hay những lý thuyết mới nào đó, hoặc ít nhất, mầm mống của một hay những lý thuyết mới nào đó. Thực vậy, chính câu nói trên của ông (cùng Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư) nằm trong lời mở đầu cuốn Văn Chương và Hành Động, một cuốn sách chuyên chở nhiều giả thuyết và lý thuyết về ý nghĩa đời người, về ý nghĩa văn chương, về thiên chức của một nhà văn hoàn toàn, về sự thành thực và tự do, về nội dung và hình thức, về quan niệm văn chương của André Gide, v.v...

Điểm sai lầm thứ ba là điểm nặng nhất. Nó thể hiện bản chất của nền học vấn nô bộc: Hoài Thanh (cùng Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư) đòi hỏi rằng các công trình lý thuyết văn chương phải là những cuốn cẩm nang dạy cách viết văn làm thơ một cách cụ thể; họ cho rằng nếu lý thuyết không làm được như thế thì "chẳng có nghĩa lý gì, chẳng ăn thua gì".

Nhận xét như thế, nhưng tôi hoàn toàn thông cảm với những hạn chế của Hoài Thanh và những người đương thời với ông trong những năm 1930. Những hạn chế ấy tất nhiên phải có trong tâm lý của con người Việt Nam ở giai đoạn đó. Nhưng, khốn khổ thay, chế độ quân chủ phong kiến vừa qua đi, các chế độ độc tài trên cả hai miền Nam Bắc lại nối liền sau đó, khiến ý thức nô bộc lại có điều kiện và có cớ để tiếp tục tồn tại mạnh mẽ. Thậm chí, một người như Hoài Thanh -- người đã có lần thẳng thắn phê phán thái độ học vấn nô lệ, cầu lợi cầu danh thời phong kiến -- lại rơi trở về ngay trung tâm của ý thức đó. Chúng ta hãy đọc lại một đoạn văn trong một cuốn sách xuất bản năm 1982, do chính Hoài Thanh viết với tư cách một nhà phê bình văn học dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, để nhìn thấy ý thức nô bộc từ thời cổ đại đến hậu bán thế kỷ 20 vẫn còn nguyên trong một người "trí thức" nổi tiếng của Việt Nam:

Những câu thơ chúc Tết của Bác nhiều khi chỉ là lời nói thường:
Chúc hoà bình thống nhất thành công
Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi
("Tết 1961")
Nhưng rõ ràng không thể xem những lời ấy như bất kỳ lời nói thường nào. Ở đây không chỉ có vấn đề lời nói mà còn vấn đề người nói. Đằng sau lời nói có một con người vô song, một cuộc đời vô song, có cái sáng suốt, cái kiên gan của một chính đảng Mác-Lênin đã được tôi rèn trong chiến đấu, có ý chí sức mạnh của một dân tộc anh hùng, có cả những ý tưởng cao đẹp nhất của hàng trăm triệu người trên thế giới. Do đó, mà từng chữ, từng câu dầu bình thường thôi vẫn có một sức nặng khác thường trong lời thơ Bác.[57]

Nếu Chủ Tịch Hồ Chí Minh người trí thức cách mạng như Antonio Gramsci hẳn ông phải cảm thấy rất chán chường và khinh bỉ đối với những câu tán tụng sáo rỗng và rẻ tiền như vậy. Tuy nhiên, điều hết sức thảm hại là mãi cho đến cuối thế kỷ 20 mà nhiều người có học vấn ở Việt Nam vẫn xem thái độ tán tụng sáo rỗng và rẻ tiền như vậy là điều tốt đẹp, khả kính, đáng noi gương.

Sự thật đau đớn là đa số thành phần "trí thức" Việt Nam (kể cả ở miền Nam trước 1975) đã có thái độ tán tụng chính phủ và thoả hiệp với quần chúng ở những mức độ khác nhau. Đa số họ không giữ được cái khoảng cách cần thiết giữa tư duy cá nhân và các hệ thống quyền lực và lợi nhuận. Thậm chí, đa số biểu lộ rõ rệt những đặc tính của mẫu người phản trí thức (như đã trình bày ở phần IV của tiểu luận này).

Những đặc tính phản trí thức của thành phần "trí thức" Việt Nam không chỉ được biểu lộ trong quan hệ chính trị, mà còn được nhìn thấy trong mọi lĩnh vực hoạt động văn hoá. Do đó, gọi là từ bỏ chế độ phong kiến đã hơn nửa thế kỷ, mà đa số những người có học vấn của đất nước chúng ta (kể cả nhiều người Việt Nam có học vấn ở hải ngoại) vẫn không thoát nổi óc bảo thủ, hiếu cổ, giáo điều, tự hào rởm, cầu an, xu nịnh quyền lực hay chìu chuộng quần chúng để mua danh lợi.

Tất nhiên, trong nửa thế kỷ qua, đã có những lúc chúng ta nhìn thấy những nhóm người có thái độ trí thức dám vùng lên, và lập tức bị chính quyền tiêu diệt. Đó luôn luôn là những nhóm rất ít người, thậm chí chỉ một vài cá nhân so với một đất nước quá sức đông dân. Do đó, những cá nhân ít ỏi và sớm bị tiêu diệt ấy không thể đủ sức tạo ảnh hưởng lên tinh thần của đại khối dân tộc. Mặt khác, phải thấy rằng những cá nhân ấy chỉ thường biểu lộ thái độ trí thức về phương diện chính trị, mà ít khi biểu lộ thái độ trí thức về phương diện văn hoá. Hầu hết họ phê phán chế độ chính trị, chứ ít khi phê phán bản chất của văn hoá dân tộc. Để đấu tranh chính trị với nhà cầm quyền, họ thường lấy lòng quần chúng bằng những lời lẽ tán tụng đối với "truyền thống văn hoá đẹp đẽ lâu đời của dân tộc". Nghe mãi những lời vuốt ve đầy tính tự hào rởm này, đa số quần chúng tưởng rằng, để đất nước đổi thay, điều tiên quyết là cải tạo chế độ chính trị, chứ không phải cải tạo văn hoá.

Kỳ thực, người trí thức chỉ lưu ý đến việc cải tổ chính trị chỉ là người trí thức nửa mùa, vì trong tư duy của y có thể đã chứa sẵn những mầm mống phản trí thức: để chống lại hệ thống quyền lực này, y sẵn sàng mù quáng đứng vào một hệ thống quyền lực khác. Tệ hơn nữa, khi một hệ thống quyền lực nào đó của y thành công, y có thể trở thành một kẻ độc tài chuyên chế vì y tin rằng đường lối chính trị của y là hoàn hảo: y không có được cái khoảng cách cần thiết giữa tư duy của y và chính cái hệ thống quyền lực của y.

Cải tạo văn hoá mới chạm đến gốc rễ của vấn đề.[58] Nếu văn hoá chúng ta thể hiện được sự bứt thoát khỏi truyền thống tinh thần nô bộc phong kiến cố hữu, thì chế độ chính trị độc tài và bảo thủ tất phải thay đổi, vì lực lượng hùng hậu của thành phần trí thức (một kết quả tất yếu của những vận động tư duy cá nhân để bứt thoát khỏi truyền thống tinh thần nô bộc) sẽ không để yên cho một chế độ chính trị độc tài và bảo thủ tiếp tục ung dung tồn tại. Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu của nhân loại hôm nay, đã luôn luôn là một đất nước hết sức may mắn. Quan sát suốt tiến trình lịch sử Hoa Kỳ, Arthur M. Schlesinger, Jr. nhận thấy "tuyệt đại đa số những người trí thức Hoa Kỳ đều đã phát biểu sự bất mãn và đã tranh luận cho sự thay đổi". [59] Trong một đất nước không ngừng phát triển về mọi mặt và tự do như Hoa Kỳ, tuyệt đại đa số thành phần trí thức vẫn luôn luôn không hài lòng và đòi hỏi cải cách. Ngược lại, trong một đất nước chậm tiến và có hệ thống quyền lực độc đoán như Việt Nam, mà tuyệt đại đa số thành phần có học vấn đều có vẻ bạc nhược, cầu an, bảo thủ, xu nịnh, thoả hiệp và nghĩ đến danh lợi cá nhân, thì một tương lai tốt đẹp cho đất nước vẫn còn là một ảo ảnh xa vời; thì một thành tựu thực sự đáng tự hào về bất cứ phương diện nào, từ văn chương đến khoa học, vẫn chỉ là một giấc mơ.

Chúng ta hay ưu tư về chính trị. Điều này rất cần thiết. Nhưng nếu đa số chúng ta không tự xây dựng bản thân thành những người trí thức đúng nghĩa -- một lực lượng vững mạnh của những người thực sự nỗ lực phê phán và cải tạo văn hoá -- thì sự thay đổi chính trị, nếu có xảy ra, cũng chỉ xảy ra ngoài vỏ, mà trong đó óc phong kiến chuyên chế vẫn còn nguyên vẹn, và tinh thần nô bộc vẫn còn nguyên vẹn. Thiếu cơ sở trí thức trong tinh thần văn hoá, một chế độ chính trị mới chỉ thay thế một chế độ chính trị cũ ở danh xưng, mà bản chất vẫn mãi mãi chỉ là một.

(02/2000)

[Bài này đăng lần đầu dưới nhan đề "Trí thức và phản trí thức: vấn đề trước mắt của chúng ta", trên Hợp Lưu số 52, tháng 4 và 5, năm 2000 (trang 16-48), sau đó được in lại (có sửa chữa và bổ sung) dưới nhan đề "Vấn đề trí thức và phản trí thức" trong cuốn Văn Học Hiện Ðại và Hậu Hiện Ðại Qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết (California:Văn Nghệ, 2002) 517-565.]

_________________________

[1]Xem chú thích số 33 dưới đây.
[2]James V. Schall, "Books and the Intellectual Life: We Are Capable of Knowing All Things", Vital Speeches 65.10 (01 March 1999):316.
[3]R. Hofstadter, Anti-intellectualism in American Life (New York: Knopf, 1963), 25.
[4]Arthur M. Schlesinger, Jr., "Intellectuals in American Politics", Great Ideas Today (Chicago: William Benton Publisher, 1968), 54.
[5]Như trên, 61.
[6]Như trên, 61-62.
[7]Về quan niệm của Gramsci đối với lý thuyết của Marx, xin đọc: Antonio Gramsci, Selections from the Prison Notebook, trans. and ed. Quintin Hoare and Goffrey Nowell Smith (London: Lawrence and Wishart, 1971); Paul Ransome, Antonio Gramsci: A New Introduction (Hertfordshire: Harvester Wheatsheaf, 1992); và Roger Simon, Gramsci's Political Thought: An Introduction (London: Lawrence and Wishart, 1991).
[8]Xem Abdallah , La crise des intellectuelles arabes: traditionalisme ou historicisme? (Paris: Librairie Francois Maspero, 1974).
[9]Christopher Lasch, The New Radicalism in America (1889-1963): The Intellectual as a Social Type (New York: Alfred A. Knopf, 1966), ix.
[10]Edward Said, "Secular Criticism", The World, the Text, and the Critic (Cambridge: Harvard University Press, 1983), 14.
[11]Như trên, 15.
[12]Edward Said, "Intellectual Exile: Expatriates and Marginals", Representations of the Intellectual, the 1993 Reith Lectures (London: Vintage, 1994), 39.
[13]Như trên, 39.
[14]William Little et al., The Shorter Oxford English Dictionary (Oxford: Oxford University Press, 1973), 1089.
[15]Theo Roger Scruton, A Dictionary of Political Thought (London: Pan Books, 1983), 227.
[16]Theo Arthur M. Schlesinger, Jr., 50.
[17]Như trên, 51.
[18]Harry Harootunian and Naoki Sakai, "Japan Studies and Cultural Studies", Positions: East Asia Cultures Critiques 7.2 (1999) 625.
[19]Như trên, 594.
[20]Như trên, 611.
[21]Như trên, 620.
[22]Như trên, 617-618.
[23]Như trên, 610.
[24]Như trên, 611.
[25]Như trên, 609.
[26]Như trên, 609.
[27]Như trên, 618.
[28]Xem website: http://www.semcoop.com/fronttable/special.asp?special=specials/mitchellinterview.txt
[29]Thomas M. Kavanagh (ed.), The Limits of Theory (Stanford: Stanford University Press, 1989), 2.
[30]W.J.T. Mitchell (ed.), Against Theory (Chicago: The University of Chicago Press, 1985), 1.
[31]Theo Arthur M. Schlesinger, Jr., 56.
[32]1990 Britannica Book of the Year (Chicago: Encyclopaedia, Inc., 1990), 90.
[33]Lý Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán: gồm nhiều từ đã gia nhập vào kho tiếng Việt, Jim Waters biên soạn, Nguyễn Văn Đổng dịch (Hà Nội: Thế Giới, 1997), 585. Ở đây, Lý Lạc Nghị không giải thích bằng lối "chiết tự" từ mặt chữ Khải thư (cách viết có từ cuối đời nhà Hán), mà giải thích từ những hình Giáp Cốt văn (hình khắc trên mai rùa hoặc xương thú, có từ đời nhà Thương), hoặc từ những hình Kim văn (hình khắc trên đồng, còn gọi là Chung Đỉnh văn, có từ đời Thương-Chu). Những lối viết chữ về sau dần dần giản lược hoá và trừu tượng hoá từ các hình khắc ấy mà thành. Ví dụ: chữ "nhật" theo lối Khải thư là cách giản lược hoá và trừu tượng hoá hình vẽ mặt trời (vòng tròn có chấm ở giữa) trong Giáp Cốt văn; và chữ "viết" theo lối Khải thư xuất phát từ hình vẽ cái miệng có nét gạch ở trên để chỉ lời nói trong Giáp Cốt văn. Như thế, trong lối Khải thư, hai chữ "nhật" và "viết" có vẻ rất giống nhau, nhưng kỳ thực rất khác nhau trong hình Giáp Cốt văn. Trong tiểu luận này, tôi sử dụng những nghĩa gốc theo nghiên cứu từ nguyên của Lý Lạc Nghị (hiện là giáo sư Chủ Nhiệm bộ môn nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Ứng Dụng Ngôn Ngữ Văn Tự của Viện Khoa Học Xã Hội, Trung Quốc). Tất nhiên, qua lịch sử, nghĩa gốc của mỗi chữ có thể biến đổi tùy theo những ứng dụng cập thời trong xã hội. Tuy nhiên, có những nghĩa gốc của một số chữ đã hoàn toàn không biến đổi (ví dụ: chữ "khẩu" là cái miệng); hoặc biến đổi rất chậm vì phải gắn liền với ý thức hệ phong kiến kéo dài suốt mấy ngàn năm ở Trung Quốc.
[34]Như trên, 562.
[35]Độc giả có thể tìm đọc Luận Ngữ bản Việt ngữ do Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu (Thành phố HCM: Văn Học, 1995). Sách này chia thành các thiên và mục, rất dễ tìm. Do đó, tôi sẽ không dùng số trang, mà dùng số La Mã để chỉ thiên, đi kèm với số Ả Rập để chỉ mục. Ví dụ: IV.2 là thiên IV, mục 2.
[36]Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển hạ (Sài Gòn: Tân Việt, không đề năm xuất bản), 405.
[37]Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử (Hà Nội: Văn Hoá, 1994), 33.
[38]Như trên, 81-83.
[39]Mai Hồng, "Khái quát về khoa cử thời xưa", Văn Hoá Việt Nam (Hà Nội: Ban Văn Hoá Văn Nghệ Trung Ương, 1989), 208.
[40]Trích theo Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, 67.
[41]Như trên, 366.
[42]Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca, trích theo Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên [tập 2, Văn Học Lịch Triều: Việt Văn] (Sài Gòn: Quốc Học Tùng Thư, 1962), 97-98.
[43]Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ, Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải (Sài Gòn: Nhà Sách Tự Lực xuất bản, không đề năm), 310.
[44]Ở đây, tôi chỉ phê phán tư cách của ông quan Nguyễn Du, chứ không phê phán tư cách và tài hoa của nghệ sĩ sáng tạo văn chương Nguyễn Du. Cũng thế, tôi chỉ phê phán cách hiểu về chữ "trí", chữ "học" và tư cách ông quan Khổng Tử, chứ chưa bàn bạc hoặc phủ nhận những giá trị tư tưởng của Khổng Tử ở những mặt khác.
[45]Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Ngô Hữu Tạo và Đỗ Mộng Khương dịch (Huế: Thuận Hoá, 1993), 336.
[46]Lý Lạc Nghị, sách đã dẫn, 261.
[47]Như trên, 665.
[48]Trích theo Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, 58.
[49]Như trên, 39-40.
[50]Điều kiện xuất ngoại chỉ có thể làm tăng thêm sự thuận lợi cho khoảng cách trong tư duy, chứ không phải là đủ để làm sinh ra khoảng cách ấy. Đa số người xuất ngoại, nếu không có sẵn mầm mống tư duy độc lập, vẫn mang theo cái "nhà" cố hữu trong tư duy của họ. Về điều này, xin đọc Văn Học Hiện Ðại và Hậu Hiện Ðại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết, trang 595, tiểu luận "Tiến tới một nền văn chương Việt Nam hoàn cầu hoá".
[51]Trích theo Cao Xuân Huy, Tư Tưởng Phương Đông: Gợi Những Điểm Nhìn Tham Chiếu (Hà Nội: Văn Học, 1995), xem chương "Chủ Thuyết Canh Tân của Nguyễn Trường Tộ", ở các trang 304, 305, 320 và 325.
[52]Như trên, 328.
[53]Như trên, 305.
[54]Hoài Thanh, "Vấn đề học thuật nước ta chỉ là một vấn đề tâm lý và luân lý", trong Hoài Thanh Toàn Tập (Hà Nội: Văn Học, 1999), 72-76.
[55]Hoài Thanh, "Tiếp Theo Bài: Văn Chương là Văn Chương", sách đã dẫn, 42.
[56]Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư, Văn Chương và Hành Động (Hà Nội: Hội Nhà Văn, 1999), 13-14.
[57]Tuyển Tập Hoài Thanh, tập 1 (Hà Nội: Văn Học, 1982), 106. Đoạn văn và chú thích này trích theo Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản (California: Văn Nghệ, 1991), 303.
[58]Vấn đề cải tạo văn hoá như thế nào và bằng cách nào đòi hỏi một cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn.
[59]Theo Arthur M. Schlesinger, Jr., 62.

.
.
.

No comments:

Post a Comment