Sunday, January 22, 2012

TRÍ THỨC VIỆT NAM VÀ CHẾ ĐỘ ? (Phạm Viết Đào)



Phạm Viết Đào
Chủ nhật, ngày 22 tháng một năm 2012

Băn khoăn về hiện tình đất nước là một nỗi lo lớn đang canh cánh trong lòng của rất nhiều con dân đất Việt, nhất là đội ngũ trí thức; Thế nhưng lịch sử, thời đại đã có những tác động khắc nghiệt vào đội ngũ trí thức Việt Nam, làm cho họ bị phân hóa, phân cực, bị phân thân do vậy nên đội ngũ này không được phát triển thuần khiết, thuần chất, thuần chủng…

Hiện tại, trong thực tế đất nước đang hình thành 2 loại người mang danh trí thức: số nằm trong guồng máy công quyền và số lớn khác nằm ngoài bộ máy công quyền; loại nằm ngoài bộ máy công quyền như trong các cơ quan nghiên cứu, các hiệp hội, đoàn thể nên loại này thường bị coi là loại trí thức “ kinh nhi viễn chi “; một số khác họ là trí thức đấy nhưng những công việc kiếm sống không liên quan tới sở học của họ, họ sắm vai trí thức, họ chứng mình mình là trí thức cho đỡ nhớ nghề, cho khỏi hổ với sở học còn vai trò và sự tác động của họ vào xã hội, vào bộ máy công quyền hết sức hạn chế…

Số trí thức nằm trong guồng máy công quyền thì phần lớn hoặc là họ viên mãn với vị trí, quyền lợi bổng lộc mà guồng máy, cơ chế mang lại cho họ họ, định vị họ, mặc định họ; vì thế nên thường thấy đội ngũ này hoặc vào hùa, thỏa hiệp dễ dàng với cái trật tự xã hội hiện có do chế độ tạo nên, họ tự kiểm duyệt, “ biên tập “ chất phản biện, một thuộc tính cố hữu thuộc về bản chất của trí thức; Số thứ 2 thì họ nhận thấy những điều bất ổn của guồng máy, của cơ chế, của chế độ nhưng vì vị thế, vì miếng cơm manh áo mà họ cũng “mũ ni che tai”, chấp nhận kiếp tầm gửi “ sớm vác ô đi, tối vác ô về “cho qua ngày để yên ổn với đồng lương và bổng lộc mà họ đang thụ hưởng; Còn số nữa thì bám vào cơ chế để trổ “ tài lẻ “ để “ vinh thân phì gia “ làm trọng…

Giới trí thức này phần lớn có thể xếp họ vào tầng lớp “ trí ngủ “, họ buông xuôi, họ làm ngơ, họ thờ ơ với thời cuộc với vận mệnh đất nước; nếu thảng hoặc họ có lên tiếng đâu đó thì họ phải đo đón đủ đường, đủ điều để phù hợp với vai trò “ công bộc “, một dạng giống như “ công công “( hoạn quan ) thời phong kiến; họ cam phận “ vào triều thì đi theo bước cung phi”…
Trong lớp trí thức này được bổ sung thêm những thành phần kiểu như Giáo sư Ngô Bảo Châu, người được đích thân Thủ tướng săn đón, tạo điều kiện tối đa nhưng xem chừng việc săn đón, chăm sóc Ngô Bảo Châu là một động thái chính trị hơn là một hành động thể chế hóa chính sách trọng dụng trí thức; việc làm của Thủ tướng không khác hơn việc chăm sóc cây cảnh để trang trí cái mặt tiền của chế độ đang mang tiếng là không biết cách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài…Thực ra Ngô Bảo Châu thành đạt là nhờ môi trường “ đào tạo” Pháp, Đặng Thái Sơn nổi danh là nhờ Liên Xô, còn về Việt Nam thì không biết chừng đang lang thang ở các quan bar…

Còn một loại trí thức nữa đó là những vị như cái nhà anh gì con ông Nguyễn Tấn Dũng và con ông Nguyễn Văn Chi, đó là loại trí thức thuộc tầng lớp con ông cháu cha; tuy không phai là tất cả, nhưng nhiều trường hợp họ thăng tiến như diều gặp gió nhiều khi lại không do tài năng; trong số này không ít vị thật sự là “trí giả” khoác áo trí thức…
Số trí thức ngoài guồng thì hiện đang xuất hiện một số người đang lăn xả vào nhiều vấn đề của xã hội, đất nước song họ lại bị những hạn chế rất cơ bản: thiếu thông tin; họ không có điều kiện để chui vào “cái chăn” chế độ để biết được đường đi nước bước và cách sống ký sinh của “loài rận” người…Thành ra tiếng nói của họ có thể gây được áp lực nào đó nhưng rất dễ bị những anh “ trí giả “ và cả cơ quan tuyên giáo, an ninh vô hiệu các ý kiến phát biểu, phản biện của họ; những ý kiến của họ dễ dàng bị chụp cho “cái mũ” là hàm hồ, thiếu xây dựng, là thiếu căn cứ khoa học…Điều này chúng ta dễ dàng nhận ra qua bài phỏng vấn 5 trí thức của Đài BBC: Cảm quan và Dự báo 2012…Đây thật sự là khối mâu thuẫn lớn, bi kịch lớn của môi trường sinh thái của trí thức Việt Nam

Hiện nay, dư luận rất chú ý tới ý kiến phản biện của một số vị từng một thời là công bộc của chế độ, chui ra từ trong chăn chế độ, nghỉ hưu nên ý kiến của họ dễ thấy là gần với thực tế vì họ từng là người trong cuộc…
Việc bắt mạch các con bệnh của chế độ để kê đơn, để chữa trị, để phản biện, để phản tỉnh là việc được nhiều ý kiến đưa ra nhưng xem chừng chưa tạo ra được chuyển biến tích cực; Điều này có 2 khả năng: Bắt chưa đúng bệnh hoặc bắt đúng bệnh nhưng con bệnh đã vào diện vô phương cứu chữa; Do vậy nên các toa thuốc đặc trị chỉ có thể giúp con bệnh kéo dài thời gian ngoắc ngoảy chứ không mong khỏi bệnh, phục hồi sức khỏe…

Theo người viết bài này, hiện nay một mối nguy nhất, thiệt hại lớn nhất nơi đẻ ra các tệ nạn xã hội làm suy yếu nguồn lực quốc gia, phát sinh các tệ nạn xã hội: Đó là khu vực đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí thất thoát nhiều; nguyên nhân là do chưa sử dụng đủ hàm lượng chất xám của trí thức; nói cách khác: nền kinh tế của chúng ta chứa đựng hàm lượng trí thức thấp, nó là kết quả của những mánh mung, cơ hội, chụp giật, ăn may theo mùa, theo thời nhiều hơn…

Hàm lượng tri thức thấp của nền kinh tế xuất phát từ nguyên nhân: Chế độ đã chưa tạo ra được cơ chế để làm tốt công việc đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài; để nhưng nhân tài có tài kinh bang tế thế tham gia thiết kế, vận hàng guồng máy, mô hình quản trị, tạo ra một với tay nghề cao, thuần chất, thuần chủng…

Điều này chúng ta có thể thấy trong guồng máy chế độ thỉnh thoảng ta cũng thấy thành quả này nọ của giới trí thức, nhưng phần lớn thuộc vào chuyên môn hẹp, tài lẻ; Trong khi đó đất nước cần những bộ óc lớn, có đầu óc kinh bang tế thế, những cỗ máy đầu tàu cái có khả năng hoạch định, thiết kế ra những mô hình quản trị xã hội có khả năng phát huy nội lực của gần một trăm triệu dân của một đất nước chưa đến nỗi bị thiên nhiên đối xử tàn tệ. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta thường thấy những mô hình quản trị xã hội Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua, phần lớn đều là những mô hình sao chép, rập khuôn xơ cứng nhiều khi chẳng ăn nhập với bối cảnh kinh tế-xã hội-văn hóa Việt Nam. Về nguyên lý, về nguyên tắc cơ học: chỉ khi nào anh đứng và đi bằng đôi chân của mình; anh suy nghĩ bằng cái đầu của mình; anh hành đập theo sự thôi thúc của nhịp đập con tim của anh thì anh mới có thể coi mình là một bộ máy hoàn chỉnh, sinh thể người hoàn thiện. Một quốc gia cũng vậy; mô mình quản trị xã hội cũng vậy; Một người lo bằng cả kho người làm…Sự suy thoái xuống cấp, sự bế tắc trong các lĩnh vực kinh tế-chính trị-xã hội hiện tại đều có nguyên nhân từ sự bất cập, hụt hẫng về “ hàm lượng” trí thức mà chế độ thu hút, tinh luyện đưa vào guồng máy…

Lịch sử nước nhà đã có những trí thức tạo thời thế, can dự làm xoay chuyển cả một giai đoạn lịch sử như Nguyễn Trãi; loại này hàng trăm năm mới có một hai; thế nhưng bản thân Nguyễn Trãi tuy là một trí thức lừng danh nhưng cuối cùng cũng có bảo tồn được chân mạng của ông đâu ? Nên nhớ có lúc Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi chức Nhập nội hành khiển, tương tự như Thủ tướng bây giờ, người đứng đầu bộ máy hành pháp thế mà cuối cùng ông vẫn bị bật ra khỏi guồng may và bị cái guồng máy đó nghiến nát…

Đội ngũ trí thức Việt Nam không thể không đặt những dấu hỏi về nhân vật Trần Văn Giàu là một tấm gương trí thức Việt Nam. Xin hãy đọc tiểu sử của ông được viết trong cuốn Trí thức Nam Bộ (1945-1954) NXB Đại học Quốc gia TP.HCM :” Trần Văn Giàu sinh năm 1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Trường trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, Trần Văn Giàu được gia đình cho sang Pháp du học tại Đại học Toulouse.

Tháng 3 năm 1929, Trần Văn Giàu xin gia nhập và trở thành Đảng viên Đảng CS Pháp. Là một người CS yêu nước đầy nhiệt huyết, ông được anh em du học sinh và thợ thuyền Việt Nam ở thành phố Toulouse cử làm đại biểu lên Paris tham dự cuộc biểu tình đòi xóa an tử hình cho 13 thủ lĩnh Quốc dân Đảng bị Pháp bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Do vậy, ông bị cảnh sát bắt giam tại nhà tù Loa Roquillis và sau đó, ông bị Chính phủ Pháp trục xuất về nước.

Sau khi về nước, Trần Văn Giàu tham gia dạy học tại Trường tư thục Huỳnh Công Phát , đồng thời tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Cũng trong thời gian này, ông được tổ chức Đảng kết nạp và trở thành đảng viên Đảng CSĐD, đồng thời ông được phân công cùng Hải Triều phụ trách Ban Học sinh và Ban Phản đế của Xứ ủy Nam Kỳ

Sau cao trào Xô viết Nghệ tĩnh, được tổ chức Đảng đồng ý, Trần Văn Giàu sang Liên Xô học tại Trường Đại học Đông Phương. Năm 1933, khi bảo vệ thành công đề tài tốt nghiệp “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương”, Trần Văn Giàu nhận bằng Đại học Đông Phương rồi rời Matxcơva về nước.

Trở về Sài Gòn, Trần Văn Giàu tiếp tục hoạt động cách mạng, đặc biệt ông tham gia tổ chức lại Xứ ủy Nam Kỳ, đồng thời tham gia xuất bản tờ báo Cờ đỏ và bộ sách Tùng thư. Là một người yêu nước, uy tín của ông ngày càng tăng trong giới nhân sĩ trí thức Nam Kỳ, chính vì thế , ông bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần, kể cả bị biệt giam tại Côn Đảo, Tà Lài… năm 1941, Trần Văn Giàu lãnh đạo anh em tù chính trị tổ chức vượt ngục Tà Lài (Đồng Nai) thành công. Đến năm 1943, Trần Văn Giàu được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

Ngày 25-8-1945, Cách mạng tháng Tám thành công, tại Sài Gòn, Chính quyền cách mạng được thành lập, Trần Văn Giàu được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Lâm thời nam bộ. Ngày 23-9-1945 , khi tiếng súng kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ , Ủy ban kháng chiến Nam Bộ được thành lập và Trần Văn Giàu được cử giữ chức Chủ tịch.
Từ năm 1946 đến năm 1954, Trần Văn Giàu giữ chức Tổng giám đốc Nha Thông tin Nam Bộ và sau đó, ông được điều động ra chiến khu Việt Bắc tham gia xây dựng, phát triển giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp.”
Trần Văn Giàu từng được đào tạo tại lò Đại học phương Đông của Liên Xô; Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, nhiều năm vào tù ra tội thoát khỏi tù là do vượt ngục thành công; là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ tổ chức cuộc cách mạng Tháng Tám ở Gài Gòn…Với những bề dày chính trường như vậy, đó đáng lý ra ông phải là người có chân trong Bộ Chính trị ? Nhưng không, khi Hồ Chí Minh còn sống, Trần Văn Giàu đã được biệt phái sang làm công tác chuyên môn và không còn được lai vãng tới chính trường? Điều này cho thấy thân phận trí thức của chế độ như thế nào mặc dù trong số những cộng sản gộc, Trần Văn Giàu thuộc diện có học nhất …

Quan hệ Hồ Chí Minh-Trần Văn Giàu đã phần nào minh chứng cho cái quan hệ Trí thức và Chế độ; mặc dù không ai phủ nhận Hồ Chí Minh cũng là một trí thức lớn, một nhân cách lớn nhưng lại không có chỗ cho Trần Văn Giàu ?
Điều lo lắng nhất hiện nay không chỉ là ở cái “ hàm lượng tri thức “ thấp kém trong guồng máy chế độ; guồng máy đó vận hành không đáp ứng, thu hút được nhu cầu phát triển của một quốc gia gần trăm triệu dân; Điều nguy hại hơn: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, khi nguyên khí bị trấn yểm, bị xua, phân… thì đó là cơ hội để cho tà khí, hung khí, thải khi chế

ngự… Những việc làm thất nhân tâm đối với dân chúng của nhiều cấp chính quyền và các quan chức phải chăng là dấu hiệu của tà khí đang lộng hành; những vụ giết người man rợ như thời Trung Cổ: giết hàng loạt, giết đốt xác phi tang, giết người vì những nguyên nhân nhỏ nhặt thậm chí vô cớ cho thấy hung khí đang bùng phát tới mức nào ? Những sự nhiều loạn thông tin, chính kiến, luật pháp phải trải không nghiêm minh là dấu hiệu của thải khí của chế độ quá đậm đặc ?!

Triều đại nào, thể chế nào không làm tốt việc chăm sóc, nâng đỡ và tạo cho nguyên khí hưng thịnh thì sớm muộn chế độ đó của sẽ gặp nguy…

Làm gì để hưng thịnh nguyên khí ? Hy vọng trong những bài viết khai bút đầu xuân, chủ blog sẽ cố gắng nêu một vài kiến giải, tham góp. Hy vọng chủ blog cũng sẽ nhận được nhiều ý kiến tham gia bàn luận vế vấn đề bảo tồn, giữ gìn và phát triển nguyên khí quốc gia.

Kết thúc năm Tân Mão, bước qua năm Rồng, chủ blog xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, động viên, phê bình và cộng tác của quý vị xa gần.

Xin gửi tới toàn thể quý vị từng quan tâm tới blog Phamvietdaonv lời kính chúc nhân ngày Tất Niên năm Mão:
NĂM NHÂM THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý !.
.
.
.

No comments:

Post a Comment