Sunday, January 22, 2012

SỰ SUY THOÁI CHÍNH TRỊ & LỐI THOÁT CHO ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (Trần Minh Khôi)


Friday, January 13, 2012 at 12:46pm

Ngay cả những người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc này cũng phải nhìn nhận rằng đảng của họ đang suy thoái. Sự suy thoái này đã xãy ra từ lâu. Nhưng, cũng như với các tiến trình suy thoái chính trị xưa nay trong lịch sử, người ta chỉ nhận ra chúng ở giai đoạn cuối. Tâm lý phủ nhận suy thoái nằm trong bản năng xã hội của con người, cho đến khi khối ung thư tràn lan…

Có hai dấu hiệu, và cũng là lý do, đưa đến suy thoái chính trị trong lịch sử nhân loại, theo Fukuyama, viết trong cuốn Những Nguồn gốc của Trật tự Chính trị.

Dấu hiệu thứ nhất của suy thoái là ở sự đổ vỡ của các định chế cũ, biểu hiện qua các quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự, và sự thất bại trong việc thiết lập những định chế mới phù hợp với điều kiện xã hội mới.
Dấu hiệu thứ hai của suy thoái là ở tiến trình mà Fukuyama gọi là “tái thân tộc hóa” (repatrimonialization) các vị trí quyền lực trong chính quyền.

Cả hai hiện tượng này đang xãy ra ở Việt Nam và càng lúc càng gia tăng cường độ.

Lấy định chế sở hữu đất đai làm ví dụ. Hàng chục năm nay, số dân oan đi khiếu kiện việc đất đai của họ bị tước đoạt ngày càng tăng. Trường hợp Đoàn Văn Vươn mới đây chỉ là một trong chuỗi những sự kiện liên tục của hiện trạng đổ vỡ của các định chế nhà nước sở hữu đất đai đã trở nên lạc hậu và phản động. Cũng theo Fukuyama, đằng sau sự tồn tại của một định chế cố hữu nào đó là một nhóm đặc quyền. Lý do chính mà những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn dây dưa trong việc xác định quyền tư hữu đất đai không phải là vì lý tưởng “chủ nghĩa xã hội” gì đó của họ. Lý do chính, và lý do quyết định, là nhóm đặc quyền trong Đảng, hoặc cấu kết với Đảng, sẽ không từ bỏ một công cụ tước đoạt tài sản công dân mà Đảng, thông qua nhà nước, đã trao cho họ. Khi cần, những người lãnh đạo của Đảng đã không ngần ngại chia tay với những nguyên tắc nền tảng nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin; đi theo kinh tế thị trường hoặc cấu kết với các thế lực tư bản nước ngoài để bóc lột công nhân chẳng hạn. Việc Đảng không muốn từ bỏ “sở hữu toàn dân” về đất đai chắc chắn không phải là vì trung thành với lý tưởng đã chọn của thế hệ công thần.

Tương tự, những định chế khác trong các lãnh vực như giáo dục, truyền thông, quản lý kinh tế,… đều đã phơi bày những dấu hiệu đổ vỡ vì không thể chuyển hóa được do sức ì của các nhóm đặc quyền.

Thân tộc hóa là một hiện tượng chính trị có nguồn gốc từ trong bản năng xã hội của con người. Con người, khi có quyền lực trong tay, có khuynh hướng đưa thân nhân và những người có quan hệ mật thiết với họ vào nắm các vị trị quan trọng trong chính quyền. Hiện tượng thân tộc hóa xuất hiện trong tất cả các xã hội và hệ thống chính trị khác nhau. Nó lập đi lập lại trong lịch sử. Khi một chính quyền đang lên, nó có khuynh hướng biến mất, thay vào đó là một hệ thống tuyển chọn nhân sự làm việc trong các cơ chế công quyền dựa trên những tiêu chuẩn khách quan, như hệ thống tuyển chọn quan lại mà Tần Thủy Hoàng đã dùng, và được tiếp tục bởi Nhà Tiền Hán, chẳng hạn.

Nhưng cùng với thời gian, và trong sự thiếu vắng các định chế tiến bộ để tuyển chọn nhân sự của chính quyền một cách khách quan, hiện tượng thân tộc hóa dần dần phục hồi. Đây là dấu hiệu của suy thoái. Các thế lực thân tộc này cấu kết thành một lực lượng đặc quyền phản động, ngăn cản sự chuyển hóa và phát triển của các định chế xã hội mà họ đang được hưởng lợi, đưa đến suy thoái và sụp đổ. Sự suy thoái và sụp đổ của nhà Đông Hán, đưa đến loạn Vương Mãn, của Vương triều Louis XVI, đưa đến Cách mạng Pháp, đều có lý do này. Sự suy thoái hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng vì lý do này.

Một người ngày trước không thể vào đại học vì lý lịch của cha anh thì ngày nay có thể trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Đây là một ví dụ cho thấy các tiêu chuẩn chính thống, dựa vào nguồn gốc xuất thân chẳng hạn, có thể coi là một tiêu chuẩn “khách quan”, đã không còn được ủng hộ nữa. Ngày nay cơ chế tuyển người vào các vị trí công quyền hoàn toàn dựa trên quan hệ thân tộc và quan hệ cá nhân. Hiện tượng mua bán chức quyền, từ những vị trí rất cao trong chính quyền như bộ trưởng, được mặc nhận như một thực tế. Hiện tượng tái thân tộc hóa xãy ra ở những vị trí quyền lực nhất của nhà nước Việt Nam.

Các định chế xã hội không chuyển hóa và phát triển để phù hợp với điều kiện mới được là vì sự khống chế của các nhóm đặc quyền. Sự hình thành các nhóm đặc quyền là từ trong tiến trình tái thân tộc hóa cơ chế nhà nước. Do đó, để thoát ra khỏi suy thoái chính trị, những người có tâm huyết trong Đảng Cộng sản (những người tâm huyết chứ không phải những người lãnh đạo vì những người lãnh đạo đã là một bộ phận không tách rời của tiến trình tái thân tộc hóa và nhóm đặc quyền phản động) cần có bản lĩnh chính trị để giải quyết cùng một lúc hai vấn đề:

- Chặn đứng tiến trình tái thân tộc hóa các cơ cấu quyền lực của nhà nước.
- Dũng cảm bước ra khỏi sự chi phối của các nhóm đặc quyền để vận động thay đổi các định chế đã trở nên lạc hậu.
Sự suy thoái chính trị của Đảng và của nhà nước sẽ tiếp tục cho đến khi sụp đổ nếu hai vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng.

Đó là lối thoát duy nhất để Đảng Cộng sản có thể tiếp tục cầm quyền. Tiếng nổ Đoàn Văn Vươn có thể là lời cảnh báo cuối cùng về sự đổ vỡ của định chế và về mối nguy từ các thế lực đặc quyền trong việc ngăn chặn tiến trình chuyển hóa của các định chế nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Đảng Cộng sản cũng chỉ có một cửa sổ cơ hội rất hẹp để thực hiện những điều này. Lúc này đây, chỉ còn một lực lượng rất nhỏ của thế hệ công thần còn sống. Họ là những người có đủ bản lĩnh chính trị và thẩm quyền đạo đức trong nội bộ Đảng để giúp Đảng vượt ra khỏi suy thoái. Một khi thế hệ công thần này ra đi thì Đảng Cộng sản không còn ai có khả năng làm điều này nữa. Các thế hệ sau của Đảng, thế hệ con cha cháu ông, sản phẩm của tiến trình tái thân tộc hóa, không có sự chính đáng và thẩm quyền đạo đức để thực hiện một cuộc chuyển hóa chính trị để cứu Đảng.

Sự suy thoái, lúc đó, sẽ đưa đến sụp đổ. Hoàn tất một cuộc cách mạng khứ hồi.
.
.
Monday, January 16, 2012 at 5:23am

Lại nói về hiện tượng thân tộc hóa cơ cấu quyền lực nhà nước, dẫn đến sự bế tắc của các định chế xã hội trong việc giải quyết các vấn đề công lý, đưa Đảng đến bên bờ vực của sự sụp đổ.

Đối với những người thuộc thế hệ công thần, thế hệ đã tạo dựng nên Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Đảng ngày nay đã là một đứa con hư. Họ biết rất rõ những bê bối của nó những họ vẫn bảo vệ nó như con đẻ của họ. Nhiều người đã lên tiếng báo động về sự hư đốn của Đảng nhưng trong thâm tâm họ vẫn nghĩ rằng đảng của họ vẫn có khả năng thay đổi để vượt qua sự suy thoái hiện nay. Dù sao đi nữa thì đảng của họ cũng đã thay đổi nhiều lần để vượt ra những thử thách sống còn như thế; phải tuyên bố giải tán đảng để trở thành một tổ chức nghiên cứu chủ nghĩa Marx ngay trước kháng chiến chống Pháp hay từ bỏ niềm tin căn bản của chủ nghĩa Mác để đi theo kinh tế thị trường hồi những năm ’80 chẳng hạn.

Và đây chính là bi kịch lớn nhất của họ, bi kịch của một người làm mẹ khi sắp qua đời biết mình đã để lại những đứa con hư. Đảng Cộng sản, với những người lãnh đạo nó hiện nay, không còn khả năng thay đổi nữa. Các thế lực đặc quyền, không tồn tại ở những thời điểm Đảng thay đổi trước đây, sẽ làm tất cả những gì trong phạm vi quyền lực không giới hạn của họ, kể cả giết người và bỏ tù, để chống lại thay đổi và bảo vệ những định chế mà họ đang được hưởng lợi. Năm 1986, khi Đảng quyết định chia tay với kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa đang tàn phá đất nước để chuyển sang kinh tế thị trường thì trong Đảng không có một lực lượng đặc quyền nào đang hưởng lợi vì các định chế của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đó cả. Ngày nay nếu Đảng muốn chia tay với “sơ hữu toàn dân” về đất đai để thiết lập quyền tư hữu, và qua đó thiết lập công lý, thì Đảng phải đối diện mới những thế lực đặc quyền còn mạnh hơn chính bản thân Đảng. Nếu Đảng muốn trở về lại với vai trò lãnh đạo và bảo vệ giai cấp công nhân, một lực lượng đông đảo đang bán sức lao động rẻ mạt cho tư bản nước ngoài ở các khu công nghiệp, thì Đảng phải đối diện với những thế lực âm binh hùng mạnh đang hưởng lợi từ các thương vụ buôn bán này. Cái logic làm sụp đổ các vương triều trong lịch sử, và gần đây hơn là các quốc gia cộng sản và độc tài các loại, có khả năng làm sụp đổ Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam.

Hiện tượng thân tộc hóa ngày càng làm trầm trọng thêm sự bất công đã tồn tại trong bản chất của nhà nước Việt Nam. Công lý, ở tầm mức nền tảng nhất trên phương diện chính trị, là sự công bằng về cơ hội thăng tiến trong các cơ cấu quyền lực nhà nước. Hai đứa trẻ được sinh ra một thời điểm, bất kể hoàn cảnh thân tộc, môi trường sống, vùng miền, tôn giáo, sắc tộc, điều kiện kinh tế như thế nào, phải có những cơ hội được thăng tiến ngang nhau trong các cơ cấu công quyền, ít nhất là trên phương diện lý luận. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên của công lý cho một nhà nước. Nhà nước cộng sản, dựa trên sự phân chia và duy trì ranh giới giai cấp cố hữu, tự trong bản chất đã là bất công. Một nhà nước theo mô hình cộng sản, do đó, là một nhà nước thất bại ngay từ đầu vì nó đã thất bại trong trách nhiệm đầu tiên của nó là thiết lập và bảo vệ công lý. Hệ thống thi hương thi hội, hình thức thực thi loại công lý này ở mức sơ đẳng nhất, trong việc chọn người vào các cơ cấu công quyền của các triều đại phong kiến cũng không tồn tại ở nhà nước hiện nay.

Cái hệ thống lý luận theo kiểu “mục đích biện minh cho phương tiện” cho một "nhà nước xã hội chủ nghĩa" công bằng không tưởng nào đó, từ trước đến nay, trang bị cho Đảng một công cụ tín lý để áp dụng bạo lực và duy trì sự bất công này. Trong sự khiếp sợ quyền lực nhà nước truyền thống của một xã hội thần dân, các lý luận đó, cùng sự hỗ tương của bạo lực, đã tìm thấy sự chính đáng của chúng. Công lý chính trị vẫn tồn tại trong nội bộ của một đảng, ít nhất là trong cảm nhận của xã hội. Nhưng ngày nay điều này cũng đã bị các thế lực đặc quyền phản bội. Hiện tượng thân tộc hóa đem sự bất công này vào ngay chính trong nội bộ của Đảng, thậm chí vào trong nội bộ của các cơ cấu lãnh đạo cao cấp của Đảng. Cơ hội thăng tiến của đảng viên hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ thân tộc của họ. Hai đảng viên, cùng năng lực, không có cơ hội thăng tiến ngang nhau trong Đảng. Một đảng chính trị có thể tồn tại và cai trị trong sự bất công đối với xã hội, trong chừng mực mà xã hội có thể dung thứ sự bất công đó, đặc biệt là những xã hội mà ở đó công dân chưa coi trọng các quyền tự do chính trị của họ, nhưng nó không thể tồn tại trong sự bất công đối với chính nó: nó đã đánh mất sự chính đáng đạo đức ở đảng viên để giữ cho nó tồn tại. Đây là đe dọa lớn nhất của Đảng.

Và nó cũng là đe dọa lớn nhất cho xã hội. Sự sụp đổ của một đảng cầm quyền, và cái nhà nước nó thiết lập để cai trị, ngoài việc làm thỏa mản những uất ức do sự bất công kéo dài quá lâu, hoặc có thể đem lại lợi ích cho một vài nhóm nào đó (và các nhóm này ngay lập tức trở thành các nhóm đặc quyền), không phục vụ quyền lợi lâu dài của một quốc gia. Hiện tượng thân tộc hóa nhà nước đưa tình trạng bất công lên một tầm mức mà bất cứ xúc tác nào, ngay cả những sự kiện không ăn nhập gì, cũng có có thể gây nên bất ổn chính trị. Một khi điều đó xãy ra thì bạo lực và cách mạng là điều không thể tránh khỏi. Cách mạng xưa nay trong lịch sử luôn phản bội. Các định chế, thay vì chuyển hóa, bị đập bỏ và được thiết lập lại. Một tầng lớp đặc quyền mới sẽ thay thế.

Những dân tộc khôn ngoan không làm cách mạng, mà tìm cách để chuyển hóa các định chế nhà nước và xã hội, do đó, tránh được những đổ vỡ máu me, tiết kiệm được nhân lực và tài nguyên để phát triển. Vấn đề trở nên: liệu có thể hóa giải các thế lực đặc quyền trong Đảng hiện nay để chuyển hóa các định chế theo hướng phù hợp với các điều kiện xã hội đang đòi hỏi hay không? Nói cách khác, có thể tránh đổ vỡ không? Không ai biết chắc câu trả lời cho câu hỏi này. Sự sụp đổ của khối cộng sản, và gần đây hơn, sự ra đi của các chính thể độc tài ở Bắc Phi, làm ngạc nhiên ngay cả những bộ não uyên bác nhất của khoa học chính trị thế giới.

Có thể đã quá trễ để cứu Đảng. Có thể các thế lực thân tộc đặc quyền trong Đảng đã làm Đảng thối rữa quá mức có thể cứu vãn được. Có thể Đảng sẽ ra đi trong sự sụp đổ như các vương triều trong lịch sử đã ra đi trong sự sụp đổ. Trần Nghệ Tông, những ngày cuối cùng của Nhà Trần, đã mặc nhận sự suy thoái và băng hoại không thể cứu vãn nổi của vương tộc và không muốn làm gì thêm nữa, ngoài chuyện đi tu. Hiện nay cũng đã có không ít đảng viên thuộc thế hệ công thần, tính luôn thế hệ “Trường Sơn”, đã mặc nhận và đi tu như thế. Và đó là điều rất đáng tiếc. Sự chính đáng đạo đức luôn bao gồm thái độ dũng cảm nhìn nhận, chịu trách nhiệm, và nếu cần thì từ bỏ, những đứa con hư đốn của mình. Có thể Đảng là không cứu được nữa nhưng đất nước thì phải cứu.

Sự lựa chọn một ý thức hệ, một phe nhóm, một chiến tuyến, ở một thời điểm nào đó, có thể đúng có thể sai. Lịch sử không phán xét điều đó. Nhưng lịch sử sẽ không tha thứ cho bất cứ ai ngồi nhìn quốc gia băng hoại vì một nhóm sa đọa, do chính mình tạo dựng nên, mà không làm gì. Nếu sự sụp đổ của Đảng là không tránh khỏi thì phải chấp nhận sụp đổ. Nhưng cho đến khi đó, những người có ý thức trách nhiệm đối với quốc gia trong Đảng phải làm tất cả những gì có thể làm được để tránh cho Đảng Cộng sản sụp đổ.

Và bằng cách đó, họ giúp tránh cho sự sụp đổ của nhà nước, và tránh được bạo lực của một cuộc cách mạng không cần thiết cho quốc gia.
.
.
.

No comments:

Post a Comment