Monday, January 2, 2012

THƯ KIẾN NGHỊ TẬP THỂ - MỘT XU HƯỚNG MỚI (Quỳnh Chi, RFA)



Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-01-02

Thời gian gần đây, tại Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều những lá thư nhiều người ký tên.
Đặc điểm của những lá thư này là gì và phải chăng đây là một xu hướng mới để nói rằng người dân bắt đầu quan tâm đến tình hình đất nước? Quỳnh Chi tường trình trong phần sau.

Một xu thế cần thiết
Việc viết thư, kiến nghị với nhiều người ký tên không phải là một hình thức xa lạ nhưng nó chưa thật sự phổ biến ở Việt Nam cho đến những năm gần đây khi tình hình đất nước ngày càng đáng quan tâm. Cùng với sự phát triển của internet và các trang mạng xã hội, bắt đầy hai năm trở lại đây, việc thu thập chữ ký càng trở nên dễ dàng.

Trước hết, phải kể đến bức thư “Kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên” yêu cầu chính phủ dừng việc khai thác bauxite, được viết vào năm 2009, 2010 bởi nhóm chủ trương trang mạng Bauxite Việt Nam gồm Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn, cùng Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng.

Trong năm 2011 vừa qua, nhiều bức thư thu thập chữ ký cũng lần lượt xuất hiện một cách thường xuyên. Có thể kể đến “Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ”, bản tuyên cáo chung về tình hình Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, “Kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay”, thư gởi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc “bắt giam trái phép công dân Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày)… và gần đây nhất là thư ngỏ gởi Chủ tịch nước về “công dân Bùi Thị Minh Hằng”.

Hầu hết các bức thư được viết dưới dạng thông cáo hoặc kiến nghị gởi đến các vị lãnh đạo nhằm nêu lên những quan ngại chung về những vấn đề hệ trọng của đất nước trong bối cảnh mà người dân ý thức rõ ràng hơn vai trò của một công dân.
Nhà giáo Phạm Toàn, một trong những người khởi xướng kiến nghị ngừng khai thác bauxite tại Tây nguyên cho biết:
“Những lá thư ấy xuất hiện ngày càng nhiều vì người dân ngày càng có ý thức về vai trò, năng lực và sứ mệnh của họ. Trước đây thì họ quay lưng lại với những việc này trừ một số trí thức thức thời. Trước đây thì người dân cho rằng mọi việc đã có “người khác” lo rồi. Tuy nhiên, bây giờ họ bắt đầu nhận ra những 'người khác' ấy là 'vô tích sự'."


Vì lợi ích dân tộc
Đặc điểm chung của các lá nhiều người ký tên là nó được viết bởi các vị trí thức, nhân sĩ và những người có quan tâm sâu sắc đến tình hình đất nước; với lời lẽ khiêm cung nhưng rạch ròi, chuẩn mực; lấy pháp luật và tính minh bạch làm chỗ dựa. Cẩn thận hơn, thư kiến nghị yêu cầu ngừng khai thác bauxite còn ghi rõ “Việc ký Kiến nghị là minh bạch, phù hợp với pháp luật”.

Bất kể là viết để gởi cho vị lãnh đạo nào, mục đích nhằm kêu gọi trả tự do cho một cá nhân hay thể hiện quan điểm, các bức thư này luôn lấy lợi ích dân tộc làm trọng như các vấn đề tài nguyên – môi trường, vấn đề biển Đông, vấn đề pháp luật... Đặc biệt, “Kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay” được viết vào tháng 7 năm 2011 tại Hà Nội cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của trí thức trong và ngoài nước do phân tích khá chi tiết tình hình đất nước trên mọi phương diện, cũng như vạch ra những mối có thể xảy ra cho dân tộc.
Có lẽ nhờ những đặc điểm trên và cũng do các bức thư được viết trong hoàn cảnh đất nước cần được quan tâm, mỗi bức thư thu thập chữ ký đều nhận được sự đồng thuận của hàng ngàn người với các tầng lớp và vai trò khác nhau: từ trí thức đến nông dân, từ người làm nghề tự do cho đến một vị nguyên phó chủ tịch nước.

Hồi năm 2010, người ta ngạc nhiên khi thấy bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước đứng trong danh sách những người ký tên phản đối khai thác bauxite tại Tây Nguyên cùng với các tên tuổi khác như Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư Ngô Bảo Châu… cùng nhiều vị tướng lãnh với trên 60 năm tuổi Đảng khác.

Một trong những đặc điểm nổi trội hình thức thu thập chữ ký qua các bức thư là tính minh bạch – một yếu tố không thể thiếu của hình thức “trưng cầu ý kiến”. Nội dung các bức thư được công khai, thư cũng được truyền đi rộng rãi và thông tin cơ bản về những người tham gia ký tên cũng được ghi rõ. Hơn nữa, những người tham gia ký kết ý thức được những gì mình làm.

Khi chủ xướng thư kiến nghị về việc bắt giam trái pháp luật blogger Điếu Cày, blogger Mẹ Nấm cũng đã liên lạc từng người gởi chữ ký để đảm bảo rằng những người ký tên ý thức được hành động của mình:
“Lá thư công bố trên mạng chỉ công bố tên và thành phố sinh sống để bảo đảm bí mật thông tin cá nhân. Nhưng tôi đã nói với những người ký tên rằng trong lá thư cuối cùng gởi đi cho ông Trương Tấn Sang thì tôi sẽ ghi địa chỉ cụ thể từng người. Và tất cả đều nói với tôi là họ ý thức được việc họ làm và không ngại khó khăn gì cả.”

Tiếng nói của số đông
Có lẽ xét về một phương diện nào đó, việc công khai thông tin cá nhân trên các bức thư chung là một yếu tố bất lợi cho những ai tham gia ký tên. Bởi vì trong thời gian vừa qua, một số người bị áp lực từ phía chính quyền, phía công ty và gia đình để rút tên khỏi những lá thư chung. Điển hình là các trường hợp viết thư đến trang Bauxite Việt Nam xin rút tên khỏi danh sách yêu cầu trả tự do cho TS luật Cù Huy Hà Vũ như đăng trên Bauxite Việt Nam. Hay gần đây nhất là cựu nhà giáo Tô Oanh cũng phải rút tên khỏi danh sách yêu cầu trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ và blogger Điếu Cày.

Tuy nhiên, lợi thế rất lớn của những lá thư như thế là việc nêu lên được vấn đề trong dư luận, cũng như tập trung được sức mạnh, tiếng nói của số đông.

Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù nhận được nhiều đồng thuận từ nhiều trí thức và những người quan tâm đến tình đất nước, các bức thư chung này đều có cùng một số phận là không nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía chính phủ. Dự án Bauxite vẫn diễn ra mà không có thêm khảo sát khoa học nào, LS Cù Huy Hà Vũ, Blogger Điếu Cày vẫn còn ngồi tù, bà Bùi Thị Minh Hằng vẫn còn trong trại phục hồi nhân phẩm... Thậm chí, dư luận cũng chưa thấy phản hồi nào từ phía nhà nước, dù là một thông báo nhận thư - như một việc làm đầu tiên và cơ bản của quy luật phản biện.

Ông Phạm Toàn nói thêm:
“Người ta” coi như là không có ai kiến nghị cả. Thế nhưng mà đối với anh em trong Bauxite Việt Nam thì cho rằng những lá thư này nhằm giúp người dân ý thức hơn chứ không phải muốn thắng lợi”.

Chỉ tính riêng năm 2011, cứ cách vài tháng, một lá thư thu thập chữ ký lại xuất hiện. Mặc dù các lá thư có nội dung và mục đích khác nhau nhưng đều xuất phát từ việc nêu lên những bất cập của đất nước.

Một khi công nghệ tiên tiến còn phát triển, một khi việc phản biện còn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và một khi còn những người “biết sống, họ biết suy nghĩ và họ biết quyền của họ” (như GS Nguyễn Huệ Chi trả lời trên BBC về bức thư kiến nghị trả tự do cho bà Bùi Hằng) thì những lá thư nhiều chữ ký sẽ còn xuất hiện như một xu thế cần thiết.

Xét cho cùng, người ta chỉ có thể cố tình làm ngơ đối với những lá thư có vài ngàn chữ ký; tuy nhiên một khi một lá thư có 10 ngàn hoặc 100 ngàn chữ ký, tầm quan trọng của nó khó có thể xem nhẹ. Bởi vì từ xưa đến nay, có ai dám nói rằng nhân dân không quan trọng?

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments:

Post a Comment