Monday, January 2, 2012

QUÊ HƯƠNG LÀ CHÙM KHẾ NGỌT ? (Thạch Đạt Lang, DCVOnline)



Thạch Đạt Lang
02-01-2012

Tôi trở lại Đức, đất nước đã sống gần 27 năm, vào một ngày đầu mùa đông. Trời u ám, lạnh lẽo và ẩm ướt.

Ngồi trên xe điện ICE (Inter-City-Europa) (1) từ Frankfurt đi Hamburg thăm người bạn cũ, sau khi đọc bài Quê Hương Không Ký Ức của Trần Minh Khôi trên laptop, tôi đưa mắt nhìn ra ngoài không gian mờ mịt, nghe những giọt mưa tuyết rơi, đập lên khung cửa kính, tan đi thành những giọt nước, chợt thấy lòng mình se lạnh, trống vắng.
Tôi không quen, biết, cũng không hận thù gì Đỗ Trung Quân, tác giả bài thơ Quê Hương hay Trần Minh Khôi, tác giả bài viết Quê Hương Không Ký Ức; tôi cũng không thích dậy dỗ hay khơi lại hận thù, nhưng tôi phải nói lên những điều nghịch lý với hai tác giả trên.

Bài thơ của Đỗ Trung Quân với tựa đề Bài Học Đầu Cho Con xuất hiện lần đầu tiên năm 1986 trên báo Khăn Quàng Đỏ. Đó là một bài thơ hay, lời lẽ giản dị, trong sáng, dễ nhớ, khơi dậy tình tự dân tộc, tình yêu quê hương… nhưng không thật. Nó không phản ảnh được thực trạng của đất nước, của tuổi thơ Việt Nam vào thập niên 80.

Chiếc ICE vẫn lướt đi với tốc độ gần 200 km/giờ, cảnh vật bên ngoài chạy giật lùi thật nhanh, kéo ký ức tôi trở về 30 năm trước. Nhớ lại ngày đó, còn đang ở trong trại tị nạn, vừa nhận được sổ thông hành (passport) hôm trước, bữa sau Hữu gọi điện thoại rủ tôi xuống hắn chơi.

Không thân nhân, không bạn bè chung quanh, tất cả đều xa lạ trong cái lạnh cắt da dưới bầu trời ảm đạm, buồn như chấu cắn, tôi quyết định đi thăm Hữu.

May mắn vừa lãnh được tiền trợ cấp thất nghiệp của sở lao động cấp cho, mới có tiền mua vé làm chuyến du lịch đầu tiên vào mùa đông ở xứ người. Trên xe vắng người, dạo đó chưa cấm hẳn hút thuốc trên xe điện, phi cơ…, trong toa hạng hai dành cho người hút thuốc, chỉ có mình tôi.

Hút hết mấy điếu thuốc, tôi thấy lòng mình chùng xuống, trống trải lạ thường. Nhắm mắt, dựa lưng vào thành ghế, thả hồn lơ mơ, nhớ về Việt Nam. Những hình ảnh như một cuốn phim chạy lộn xộn, đứt quãng trong đầu, cái nọ phủ chụp lên cái kia.
Sài Gòn! Sài Gòn!

Thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên, nếu gọi đó là quê hương thì quê hương giờ đã quá xa! Cả cái tên cũng không còn. Còn đâu nữa những người bạn cũ dưới mái trường Petrus Ký, Đại Học Khoa học, những ngày đi khảo sát địa chất với thầy Trần Kim Thạch hay hí hoáy ghi chép lời giảng của cô Bùi Thị Lạng dạy động vật hoặc vào phòng thí nghiệm với thầy Phương , cô Hương…?
Thấp thoáng, chập chờn trong ký ức, cảnh hỗn loạn, nhốn nháo diễn ra khắp nơi ở Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4/1975. Cuộc chiến Quốc-Cộng đã đến giai đoạn kết thúc, mở đầu cho đất nước một trang sử mới, một nền hòa bình đen tối, ô nhục nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Tuổi trẻ không biết sợ là gì, bỏ ngoài tai những lời can gián, la rầy của bố mẹ, không đến trường từ những ngày trước, tôi lấy xe Honda chạy khắp nơi, hang cùng, ngõ hẻm…, đến người bạn này hỏi thăm tin tức, đến nhà người kia hỏi đi hay ở… Đa số những người tôi gặp hay nhìn thấy ngoài đường, mặt mũi đều thất thần, lo sợ hay ngơ ngác…, ít người giữ được vẻ tự nhiên.

Rồi ngày 30/4/1975 cũng qua đi, Sài Gòn bắt đầu sinh hoat trở lại, trật tự và yên ắng. Cái trật tự, yên ắng ngấm ngầm mang một sự đe dọa, nặng nề. Những người anh của tôi, không kể những người thoát đi được vào mấy ngày cuối khi tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, lần lượt đi vào các trại tù mang mỹ danh cải tạo.

Chợ búa, các quán ăn, quán cóc, tiệm cà phê…lác đác mở cửa lại. Đa số người dân Sài Gòn đều hoang mang, chờ đợi một điều gì đó bất an không hình dung được. Họ không phải chờ đợi lâu. Sau bước đầu tiên, gom hết các sĩ quan, cán bộ, công chức cao cấp, cảnh sát…tống vào trong các trại tập trung, tháng 9/1975, chế độ cộng sản đi bước thứ hai, cải tạo công thương nghiệp, đổi tiền.

Nhiều nhà tư sản, thương gia bị đánh gục, bị tịch thu tài sản, bắt bớ, giam cầm... Không ít người nhẩy lầu, uống thuốc độc, tự tử.

Rồi kinh tế mới, các công trình thủy lợi, chính sách ngăn sông, cấm chợ, phía Nam chiến tranh với Kampuchia, phía Bắc với Tầu, đẩy chế độ CS cũng như đất nước vào chỗ bế tắc, bị cô lập hoàn toàn với thế giới, phải bám vào Liên bang Nga để sống còn.

Chính sách bài Hoa, xua đẩy người Tầu về nước, tạo thành một làn sóng vượt biên ồn ào, náo động. Thời gian từ cuối năm 1978 đến lúc bước chân xuống ghe ra đi giữa năm 81, chẳng ngày nào tôi không nghe nói về những chuyện vượt biên, chuyện hải tặc, chuyện bị bắt, bị gạt mất vàng, mất tiền, mất mạng…

Hơn 6 năm sống dưới chế độ công sản, dù không thấy tận mắt những hình ảnh chết chóc, kinh hoàng của chiến tranh với Kampuchia, với Tầu, những khổ cực, đau đớn, đọa đầy của những người tù cải tạo hay những ê chề, dầy vò nhục nhã.. của những phụ nữ, những cô gái bị hãm hiếp, bắt cóc trên đường vượt biên tìm tự do.., tôi vẫn cảm nhận được nỗi đau của họ, nỗi đau của dân tộc Việt Nam.

Chiếc ICE giảm dần tốc độ khi vào nhà ga Kassel kéo tôi về thực tại. Đọc lại bài viết của Trần Minh Khôi lần nữa, tôi vào google search tìm Đỗ Trung Quân. Thấy nhiều bài nói về ông, tôi chọn bài Mặc Lâm của đài RFI phỏng vấn ông.

Theo lời Đỗ Trung Quân thì Việt Nga và Giáp Văn Thạch đã thêm bớt, sửa lời bài thơ của ông khi đăng báo Khăn Quàng Đỏ cũng như lúc phổ nhạc. Hai người này ngày nay đã chết, chỉ còn lại Đỗ Trung Quân là chính tác giả bài thơ biết đâu là sự thật.

Thôi thì cứ tin như thế. Duy có điều vô lý khi Đỗ Trung Quân cho biết bài thơ được sáng tác để làm quà sinh nhật cho Quỳnh Anh, con gái một người bạn khi đó vừa được 1 tuổi. Tôi sẽ tin điều này nếu lúc đó cô bé Quỳnh Anh khoảng 6-7 tuổi hay lớn hơn, trí khôn, hiểu biết đã phát triển để có thể hiểu được phần nào lời thơ, điệu nhạc.

Như vậy, bài hát mà Giáp Văn Thạch phổ nhạc và bài thơ cho dù thật hay cũng chỉ có giá trị hoặc nhằm mục đích tuyên truyền. Lứa tuổi trẻ ngày đó đã bị lừa gạt, lợi dụng, dậy dỗ, nhồi sọ hận thù quá nhiều, làm gì có chùm khế ngọt để trèo hái mỗi ngày, có cầu tre nhỏ mẹ về nón lá nghiêng che…

Để diễn tả về quê hương Việt Nam cho thật đúng vào thời điểm từ 1975-1986 xin được giới thiệu những vần thơ tôi đọc được đâu đó trên Net, còn nhớ lại:

Em tập hát vỗ tay, chân nhịp bước
Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng
Chiều hôm qua kế hoạch nhỏ thành công
Em hãnh diện nhận bằng khen dũng sĩ
Em quên mất cha em đang gục ngã
Giữa rừng thiêng với nước độc, lao tù
Tội Mỹ ngụy cần phải đem xử bắn
Nay khoan hồng cho cải tạo thât lâu
Em không nhớ ngày hôm nao trên bãi
Những xác thân bè bạn tung nổ giữa trời cao
Đạp phải mìn lúc bới tìm giấy vụn, đồng thau
Cho kế hoạch lũ sài lang mong muốn… (2)

Trở lại với Trần Minh Khôi, tác giả Quê Hương Không Ký Ức, thú thật nhiều đoạn trong bài viết của ông tôi cũng không hiểu ông muốn nói lên điều gì. Cách diễn đạt của Trần Minh Khôi khiến tôi có cảm tưởng ông là một Nguyễn Hữu Liêm thứ hai.
Thí dụ:

“Những lý giải siêu hình về một cội nguồn dân tộc nào đó gắn kết cá nhân với cộng đồng không lý giải được sự gắn bó của tôi đối với cái đất nước nơi tôi đã sinh ra. Không có khái niệm đất nước sinh ra tôi. Tôi có viết đâu đó (dịch lại một đoạn của Milton Friedman), là một người tự do, đất nước đối với tôi chỉ là một tập hợp những cá nhân đã tạo nên nó mà không phải một thực thể nào ở trên họ”.

Hay:

“Đó là sự gắn bó có tính căn cước; tôi lựa chọn tồn tại trong không gian hiện sinh của họ. (Tôi có thể lựa chọn tồn tại ngoài không gian hiện sinh này - nhiều người đã lựa chọn như thế - nhưng đó là một giả định khác cho một khả năng khác.) Không gian hiện sinh này, với ngôn ngữ, ký ức, ý chí, và thân phận từng cá nhân của nó, xác định một phần tôi là ai. Với sự lựa chọn đó, tôi chia sẻ ký ức, ý chí, và thân phận mình với nó.”

Hai đoạn này dường như tác giả chỉ muốn làm mổ xẻ một định nghĩa nào đó về quê hương mà chính ông cũng không hiểu phát xuất từ đâu.
Ở một đoạn khác, tác giả cho biết ông không có ký ức về quê hương.

“Sự gắn bó của tôi đối với Việt Nam rõ ràng không mang tính ký ức. Thỉnh thoảng lúc trà dư tửu hậu với bạn cũ tôi cũng nhắc lại đôi ba kỷ niệm nơi mình lớn lên. Nhưng cũng chỉ là nhắc lại a dua cực chẳng đã thế thôi. Sự rung động quê hương kiểu Đỗ Trung Quân không còn ở đó nữa. Nói cho công bằng với chính mình, tôi không còn ký ức về một nơi chốn cụ thể nào đó ở Việt Nam.”

Với cá nhân tôi, điều này hơi bất bình thường. Con người, thường chỉ gắn bó một nơi nào đó khi họ có những kỷ niệm khó quên trong đời, nhất là ở tuổi thơ.

Tuổi thơ như tờ giấy trắng chưa bị lấm mực đời, kỷ niệm có thể nhỏ nhặt, có thể sâu đậm, kết thành một chuỗi ký ức tạo nên tình cảm thân yêu, ăn sâu vào tiềm thức như những nét chữ đầu tiên viết lên tờ giấy trắng đó, khó có thể bị bôi xóa, khiến mỗi khi phải xa rời, người ta đều có ước vọng tìm về.

Tôi ở Đức 27 năm, sống qua nhiều thành phố lớn như Stuttgart, München (trước năm 1972 là Munich, thành phố tổ chức Thế Vận Hội Olympic) Regensburg, Nürnberg (nơi thành lập tòa án quốc tế xử các tội phạm chiến tranh thời Quốc Xã), Frankfurt… Khi qua Mỹ sinh sống, nước Đức không để lại cho tôi một kỷ niệm nào. Rời nước Đức ra đi, tôi không hề thấy luyến tiếc, nhớ nhung…

Từ tiệm cà phê Văn Hoa, Thu Hương, Năm Dưỡng… đến hủ tiếu Mỹ Tho Thanh Xuân đường Tôn Thất Đạm, kem Phương Lan, nước mía Viễn Đông, sân trường Petrus Ký, ĐHKH, những nụ hôn vội vã, cuống quít với những mối tình đầu đời trong bóng tối những rạp ciné như Văn Hoa, Rex, Đại Nam, Casino Sài Gòn, Đa Kao, Thăng Long…

Sài Gòn! Quê hương của tôi khi xưa là như vậy. Đã 3 lần tôi về lại Sài Gòn, lần đầu 4 tuần vì công việc, lần thứ hai 3 tuần vì tang cha, lần cuối cách đây đúng 2 năm, dự tính ở lâu để đi đây đó, nhưng cuối cùng chỉ ở được 4 tuần phải quay trở về Mỹ vì chán ngán tình người, cảnh vật, môi trường… Ba lần về Sài Gòn, chưa lần nào tôi tìm lại được quê hương của mình.

Tất cả đều đã thay đổi, từ đường xá, kiến trúc, nhà cửa, nhân số, môi trường sống… nhưng điều quan trọng nhất chính là tình cảm, cách đối xử con người với nhau. Tôi không còn cảm giác thoải mái, bình an như xưa. Tôi đã trở thành một người xa lạ ngay chính trên quê hương mình.

Không hiểu tâm trạng Hạ Chí Trương ra sao khi trở về quê hương vì trong bài Hồi Hương Ngẫu Thư không thấy ông diễn tả cảm xúc rõ ràng. Riêng tôi, tôi không còn thấy yêu mến Sài Gòn nữa, còn lại chăng chỉ là những cảm giác tiếc nuối, những kỷ niệm. Khác với Trần Minh Khôi, đi tìm cái mà ông không biết là cái gì cho nên vẫn cứ đi, còn tôi biết rõ điều mình muốn tìm, nhưng không thấy và biết sẽ chẳng bao giờ gặp lại.

Vậy tìm về để làm gì khi điều muốn tìm không còn nữa?

© DCVOnline



DCVOnline (1) Theo trang "Rail Euorope" (http://www.raileurope.ca) và trang "ICE InterCity Express trains . . ." InterCity Express trains . . . (http://www.seat61.com/ice.htm) thì ICE là viết tắt của "Inter-City-Express".

(2) Trên Net, BBT chỉ tìm được một bản dài hơn bài thơ trên do một bạn đọc DCVOnline đăng trong phần ý kiến dưới bài “Con rể... ông Kẹ” (8/6/2006) đề tên tác giả là Ngọn Cờ Hồng, Frankfurt, Germany.
Em tập hát vỗ tay chân nhịp bước
Ai yêu bác Hồ hơn chúng em nhi đồng?
Chiều hôm qua kế hoạch nhỏ thành công
Em hãnh diện nhận bằng khen dũng sĩ
Em quên mất ngày hôm nao trên bãi
Những xác thân bè bạ tung nổ giữa trời cao
Trong lúc bới tìm giấy vụn, đồng thau
Cho kế hoạch mà lũ sài lang mong muốn
Em quên mất cha em vừa gục ngã
Giữa rừng thiêng với nước đục, lao tù
Tội Mỹ, ngụy cần phải đem xử bắn
Nay khoan hồng cho học tập thật lâu
Em chưa thấy những nụ cười đê tiện
Của một loài mãi quốc cầu vinh
Đem tuổi thơ, nhiệt huyết chân tình
Làm chất liệu cho bậc thang danh vọng


Em đến trường một buổi sáng mùa đông
Trên đất khách trời tuyết rơi trắng xóa
Dưới mắt em tất cả đều xa lạ
Không nụ cười không chào hỏi ân tình
Em chợt nhớ và thèm nghe tiếng nói
Của bạn bè thân thuộc ở quê hương
Những xôn xao đùa giỡn buổi đến trương
Vang vọng mãi trên cánh đồng trĩu lúa
Nay đã thành những đồng hoang vàng úa
Thưa thớt người trên manh đất quê thân thương.

Ngọn Cờ Hồng,

Frankfurt, Germany.
.
.
.

No comments:

Post a Comment