Tuesday, January 3, 2012

ĐÒN THÙ CỦA CÔNG AN ẬP LÊN NHÀ BÁO HOÀNG KHƯƠNG (Nhã Nam)



Nhã Nam
Thứ ba, 03 Tháng 1 2012 15:46

Như nhiều người đã dự đoán, phóng viên Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ đã bị công an bắt khẩn cấp ngay trong ngày nghỉ lễ đầu năm dương lịch (02/01/2012). Người viết báo dũng cảm, bản lĩnh và can trường ấy đã bị chính lực lượng mà anh đã vạch mặt nay còng tay đưa anh vào tù.

Báo Thanh Niên Online trong bản tin buổi chiều 02/01 đã chạy tin nóng về vụ việc này như sau: "Chiều 2.1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đồng thời thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương, phóng viên Báo Tuổi Trẻ) để điều tra, làm rõ hành vi “đưa hối lộ”. Khám xét nhà riêng của ông Khương tại đường Chiến Thắng, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Cơ quan CSĐT đã thu giữ một số tài liệu liên quan là tang vật của vụ án được đựng trong hai thùng cạc tông".

Sở dĩ nói "nhiều người dự đoán" vì cách đây hơn một tháng, qua đề nghị của công an gửi Cục Báo chí, Hoàng Khương đã bị báo Tuổi Trẻ nơi mà anh đang làm việc kiểm điểm, thu hồi thẻ nhà báo với lý do anh "liên quan đến vụ án Huỳnh Minh Đức (cán bộ Đội CSGT trật tự, phản ứng nhanh thuộc Công an Q.Bình Thạnh), ông cán bộ Huỳnh Minh Đức bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 18.11.2011 về hành vi “nhận hối lộ”. Việc một nhà báo viết bài về hành vi "nhận hối lộ" là chuyện thường tình vì đó chính là chức năng "giám sát xã hội" của báo chí bên cạnh các cơ quan giám sát pháp luật khác. Nhiều nhà báo là bạn bè hoặc chỗ quen biết với Hoàng Khương đã úp mở nói về vụ này trên blog cá nhân hoặc mạng xã hội Facebook.

Nhiều năm nay, chuyện công an (nhất là công an giao thông) nhận hối lộ vốn đã không phải là chuyện lạ, công an mà trong sạch mới là chuyện hiếm, báo chí đã viết nhiều, quá nhiều. Trước Hoàng Khương, nhiều phóng viên đã ngủ bờ ngủ bụi, núp lùm cỏ, leo cành cây để quay phim, chụp ảnh cảnh các ông công an nhận tiền "mãi lộ", đăng báo... và các thủ phạm hầu hết đều được xử lý nhẹ nhàng, êm ru. Công an giao thông vẫn vô tư tiếp tục bóp cổ người tham gia giao thông. Nhưng với loạt bài phóng sự, điều tra về tệ nạn nhũng nhiễu của cảnh sát giao thông mà Hoàng Khương thực hiện đã thực sự có tiếng vang lớn. Loạt bài của Hoàng Khương đã "bắt tận tay day tận mặt" công an không thể chối cãi, mới là đáng nể.

Sau khi bị công an "cho vào tầm ngắm" và BBT báo Tuổi Trẻ thu thẻ nhà báo, Hoàng Khương đã viết bản tường trình rất chi tiết, đọc bản tường trình ta có thể hiểu, anh đã viết cho cả công an lẫn BBT Tuổi Trẻ, trong đó có đoạn anh viết: “Tôi cam đoan những biện pháp nghiệp vụ và tình huống cấp bách buộc phải xử lý nêu trên chỉ nhằm mục đích hoạt động nghiệp vụ báo chí, thu thập thông tin, chứng cứ chứ không hề có động cơ vụ lợi nào khác. Mặt khác, những hiện tượng tiêu cực, vi phạm nói trên đã được Khương thể hiện trong các bài viết và được tòa soạn đồng ý cho đăng tải”. Thế nhưng bản tường trình của Hoàng Khương đã không được xét đến. Báo Tuổi Trẻ dường như đã rất sốt sắng hợp tác với công an để "xử" phóng viên của mình. Trong khi báo ngành công an để dọn dường dư luận đã đăng vài bài "đề nghị xử lý hình sự" với Hoàng Khương.

Vụ bắt bớ này đã làm làng báo Việt Nam, đặc biệt tại Sài Gòn náo động. Người ta liên tưởng đến những vụ bắt các nhà báo khác trước đây. Đặc biệt là vụ hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải hai ngòi bút chủ lực về mảng nội chính của báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ trong vụ khui ổ tham nhũng PMU18. Họ đã phải trả giá bằng nhiều tháng tù tội vì những bài viết "đụng chạm" đến những đường dây tham nhũng cao cấp.

Gần hơn, là nhà báo Hương Trà vốn là cộng tác viên của báo Công An, cô nổi tiếng vì viết chuyện hậu trường giới biểu diễn với nickname Cô gái Đồ Long trên thế giới blog. Cách đây hơn một năm cô đã bị bắt vì bài viết trên blog cũng đã "đụng chạm" đến gia đình tướng Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng Bộ Công An. Dù Hương Trà đã được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến đã được giảm án, trả tự do. Nhưng dư luận thừa hiểu đó là những đòn răn đe giới cầm bút của công an. Có tin tiết lộ rằng những bài báo của Hoàng Khương đã làm bay chức khoảng 50 cán bộ công an. Một người giấu tên khác nhận xét:

 "Cuối cùng thì lực lượng công an phải lộ nguyên hình khi hèn hạ bắt giam nhà báo Hoàng Khương. Nực cười là năm 2010, nhà báo Hoàng Khương được nhận giải báo chí Tp HCM (giải nhì) với loạt bài "trả giá chung chi" nói về nạn nhũng nhiễu, hối lộ của ngành Hải quan Tp. Sau loạt bào này một loạt cán bộ Hải quan bị kỷ luật đuổi việc, trong đó có một cậu ấm con của một thiếu tướng công an. Trong làng báo chí lúc đó ai cũng nghĩ trước sau gì Hoàng Khương cũng phải trả giá trước đòn trả thù của lực lượng công an. Tiếp sau đó, Hoàng Khương có loạt bài về nạn mãi lộ trên tuyến đường Bắc Nam trong đó công khai gọi CSGT là "ghê hơn cướp cạn". Đây có lẽ là lần đầu tiên một tờ báo Đảng gọi lực lượng công an "còn đảng còn mình" một cách khinh bỉ như vậy".

Khi nhận được tin Hoàng Khương bị bắt, Cô Gái Đồ Long viết trên trang Facebook của mình:

"ngay sau khi các Tổng biên tập họp giao ban báo chí về và thông báo: thiếu tướng Phan Anh Minh – phó giám đốc Công An tpHCM đã tuyên bố trước cuộc họp là “sẽ khởi tố Hoàng Khương”. Ngày 30.12 giới báo chí cả nước sốc trước thông tin “Hoàng Khương đã bị bắt”, tuy nhiên đó chỉ là một nhóm gồm 4 người mặc thường phục và một công an phường mặc sắc phục đến nhà tìm Hoàng Khương. Lúc này Hoàng Khương không có ở Sài Gòn, do đó một người đã kéo qua báo Tuổi Trẻ - gần bên nhà Hoàng Khương; tại đây người này đã rút ra thư mời triệu tập làm việc vào thứ ba, tức ngày mai 3.1.2012 sau khi kết thúc kỳ nghĩ Tết Tây. Nhưng, đó chỉ là một động tác giả!" .... "Tuy nhiên, bất ngờ diễn ra vào lúc 12h00 trưa nay, Phòng CSĐT Công an TP.HCM đã ập đến sớm hơn dự định - tiến hành khám xét và tống đạt quyết định bắt khẩn cấp Hoàng Khương. Có rất nhiều công an bao quanh khu nhà Hoàng Khương, lúc anh bị đưa đi có đại diện báo Tuổi Trẻ và luật sư Phan Trung Hoài chứng kiến".

Đòn ra tay bạo liệt của công an đã làm cư dân mạng (có rất nhiều nhà báo) thêm rúng động, một trang mạng trên Facebook lập tức ra đời với tên gọi "Phản đối việc bắt giữ nhà báo chống tiêu cực Hoàng Khương" và được nhiều người hưởng ứng. "Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo", làng báo Sài Gòn khá im lặng, ngoại trừ bài báo "Từ vụ PV Hoàng Khương bị bắt: Cần làm rõ động cơ hối lộ" có ý bênh vực của báo Pháp luật & Xã hội (báo Người Lao Động có đăng lại):

"Một nhà báo xin giấu tên nêu quan điểm: "Tôi cũng nhận thấy trong quá trình điều tra vụ việc, PV Hoàng Khương đã cố ý hợp tác với những người bị giữ xe để hối lộ cảnh sát Đức. Nhưng xét cho cùng, nếu không làm vậy thì sẽ rất khó để có bằng chứng về việc ông Đức nhận hối lộ. Cơ quan chức năng cần làm rõ ai là người đưa tiền cho ông Đức, ông Khương đưa tiền hay chỉ là người có mặt tại đó. Nếu ông Khương trực tiếp đưa tiền cho ông Đức thì đó là hành vi không thể chấp nhận. Cá nhân tôi cho rằng, sử dụng biện pháp mật phục để ghi hình, ghi âm sẽ tốt hơn. Cần phải phân biệt rõ việc PV Hoàng Khương có động cơ gì khi phối hợp với ông Hòa để đưa hối lộ cho ông Đức hay không? Theo tôi, PV Hoàng Khương không phải là người có phương tiện bị tạm giữ nên anh ta chỉ có động cơ là cố gắng lấy bằng chứng về việc ông Đức nhận hối lộ. Nếu PV Hoàng Khương không vờ hợp tác với ông Hòa thì không thể tiếp cận với ông Đức. Có người cho rằng, khi phát hiện vụ việc, PV Khương phải tố cáo vụ việc tới CQCA. Cần nói lại rằng, Hoàng Khương là PV nên việc "tố cáo" của Hoàng Khương là viết bài phản ánh vụ việc một cách công khai"...

Một luật sư thì nhận xét: "Luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Cty Luật Hòa - Lợi cho rằng: "PV Hoàng Khương không có động cơ phạm tội. Hoàng Khương đã thâm nhập vụ việc với mục đích chống tiêu cực. Tôi xin lấy ví dụ, một PV khi đi điều tra để viết bài về một tụ điểm đánh bạc chẳng hạn. Để bài viết có hồn, để nhận diện được các mánh khóe của chủ sới, để ghi hình các con bạc để làm bằng chứng, PV phải nhập vai một con bạc. Nếu việc đó đã được báo cáo Ban biên tập thì không thể nói rằng PV đó vào sới để đánh bạc. Nếu Hoàng Khương không báo cáo Ban biên tập thì cũng chỉ là sai sót về qui trình…".

Sáng nay, công an lại ra tay bắt em vợ của Hoàng Khương, báo Thanh Niên Online tiếp tục đưa tin: "Lúc 9 giờ 30 ngày 3.1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét nơi ở đối với Nguyễn Đức Đông Anh (tên gọi khác là Pe, ngụ hẻm 96 Đỗ Tấn Phong, P.9, Q.Phú Nhuận) để điều tra hành vi “đưa hối lộ”. Đông Anh là em vợ của nhà báo Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương, PV Báo Tuổi Trẻ TP.HCM), người vừa bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM bắt tạm giam vào hôm qua (2.1) cũng về hành vi trên. Đọc tiếp bài báo có thể thấy hành vi của Đông Anh trong vụ này khá mờ nhạt, tại sao cần thiết phải "bắt khẩn cấp" như thế?

Hẳn nhiên, khi thực hiện đòn thù, công an đã bất chấp pháp luật và sẽ không thèm trả lời công luận.

Nhã Nam

Điều 81, Bộ Luật Tố tụng Hình sự: "có ba trường hợp được phép thực hiện lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng.

Thứ nhất là khi đã có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ hai là khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

Thứ ba là khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cầnngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

---------------------------------


.
.
.

No comments:

Post a Comment