Tuesday, January 3, 2012

CHÍNH SÁCH VÔ CẢM hiển thị qua vụ CHÌM TÀU VINALINES QUEEN (Xích Tử)



Xích Tử
Thứ Ba, 03/01/2012

Vụ tàu Vinalines Queen bị chìm cùng với 22 con người trong thuỷ thủ đoàn đến nay đã bước vào ngày thứ 10. Những cố gắng tìm kiếm người cùng với việc xác định vị trí con tàu vẫn mù mịt, vô vọng. Qua cuộc tiếp xúc với đại diện gia đình của nạn nhân, cho thấy có những thiếu sót, vô trách nhiệm của chủ tàu cùng với những cơ quan liên quan về kỹ thuật và xử lý sự cố của hàng hải khi tai nạn xảy ra.

Đây là một sự cố lớn và nghiêm trọng. Trong những ngày qua, thông tin từng giờ trên các phương tiện đăng tải, phát sóng thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Cả 22 con người có trình độ đào tạo chuyên nghiệp về hàng hải viễn dương, có khả năng thực hiện những hợp đồng dịch vụ vận tải quốc tế cùng với khối tài sản vật chất khổng lồ là con tàu có trọng tải lớn, được mua bằng tiền thuế của dân đã bỗng dưng biến mất trong tình huống của một tai nạn. Sự việc xảy ra không phải trên lãnh thổ quốc gia mà là tại vùng biển quốc tế; không phải trên đất liền để có thể dễ dàng tìm kiếm mà là ở một vùng nước có độ sâu đến 5000m. Bối cảnh kinh tế khi sự việc xảy ra cũng không lấy gì sáng sủa qua con số thống kê giảm về tỉ lệ tăng GDP, tỉ lệ tăng của lạm phát, qua một loạt các sai phạm, lỗ lã, nợ nần của hệ thống cách doanh nghiệp kinh tế nhà nước.

Thông thường, trong những sự việc gây chết nhiều người do tai nạn như sập cầu, sập hầm mỏ, cháy nổ, tàu cao tốc đụng nhau, rơi máy bay v.v…, nguyên thủ hoặc những người điều hành hành pháp của quốc gia phải trực tiếp chỉ đạo xử lý, đến thăm hiện trường, phát biểu thăm hỏi thân nhân người bị nạn, có khi phải tuyên bố quốc tang, từ chức. Tuy nhiên, với sự việc Vinalines Queen, suốt 10 ngày qua, thông lệ này không được áp dụng, nếu không là tình cảm chân thành thì chí ít cũng là nghi thức trách nhiệm. Tuyệt không có. Cho đến nay, người có trách nhiệm cao nhất thể hiện ý kiến chỉ là Bộ trưởng Giao thông vận tải; và đó cũng chỉ là ý kiến chỉ đạo xử lý sự vụ.

Điều bất thường so với thông lệ đó trong sinh hoạt quốc gia lại hình như là bình thường đối với nước ta. Sự ưu việt có tính đặc thù ở đây là một hệ thống phân công, phân cấp hết sức chặt chẽ, duy lý đến vô cảm; trong đó trước mỗi sự việc xảy ra, trách nhiệm thuộc cấp, ngành/cá nhân hay cơ quan nào thì cứ theo phân công mà thực hiện. Do vậy, việc liên quan đến giao thông vận tải thì ông Bộ trưởng ngành này chiểu theo chức năng nhiệm vụ mà thi hành, chưa bận đến Chủ tịch nước hay Thủ tướng được. Tương tự, đơn, thư, bản kiến nghị của công dân gởi đến Thủ tướng hay Chủ tịch nước, do phạm lỗi vượt cấp, cũng không cần phải có bất cứ phản hồi nào từ các bản chức, quả nhân này được.

Cái hệ thống phân công, phân cấp đó là chỗ dựa, cũng là nơi sinh ra thói ngạo mạn trong quản lý và thực thi quyền lực nhà nước; nó làm cho hệ thống công quyền thành ra xơ cứng, quan liêu một cách thị uy, công khai; nó nuôi dưỡng cho thói vô cảm trong ứng xử chính trị được nâng cấp thành chính sách.

Một đất nước lành mạnh, văn minh, dân chủ, luôn có những khẩu hiệu dân tuý về một nhà nước của dân, do dân, vì dân, đề cao con người và chủ nghĩa nhân văn không chấp nhận với sự xơ cứng, vô cảm trong ứng xử công việc, trong kiểu phân công phân cấp như vậy.

Trong những ngày qua, nếu Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng đăng dàn phát biểu chỉ một câu thôi thể hiện sự quan tâm đến tai nạn, sự chia sẻ mất mát với ngành, với gia đình của người bị nạn thì chắc sẽ tốt đẹp hơn, lại không mất mát gì về uy thế chính trị của các vị ấy; lại cũng không tổn hại gì đến sự phân công phân cấp quyền lực.

Những ngày ấy các vị bận họp để chỉnh đốn, xây dựng, chống suy thoái, sụp đổ cho tổ chức đang nắm quyền lực của mình. Vẫn complet, cravate sang trọng, sáng chói và những nụ cười tươi rói, điệu nghệ; những bàn tay hùng biện chém vào không khí vun vút.

Những con rối đang hục hặc hoặc ve vãn nhau để tự cứu và duy trì cái chính sách vô cảm.

Xích Tử

.
.
.

No comments:

Post a Comment