Friday, November 25, 2011

VỀ Ý KIẾN CỦA 14 TRÍ THỨC VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI (Nguyễn Thanh Giang)



Nguyễn Thanh Giang
Thứ Sáu, 25/11/2011

Tháng 10 vừa qua, một tập thể trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã cho phổ biến một văn bản mang tiêu đề: “Ý kiến chúng tôi: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” dài khoảng 30 trang A4 với trên 21.000 chữ.

Bản văn này có thể xem là một đề án chính trị do 14 giáo sư cùng đứng tên:
Hồ Tú Bảo - Giáo sư Tin học, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, Nhật Bản; Nguyễn Tiến Dũng Giáo sư Toán học, Đại học Toulouse, Pháp; Trần Hữu Dũng - Giáo sư Kinh tế học, Đại học Wright State, Hoa Kỳ; Giáp Văn Dương - Nhà nghiên cứu (Vật lý), Đại học Quốc gia Singapore; Nguyễn Ngọc Giao - Nhà báo, nguyên Giảng viên Toán, Đại học Paris VII, Pháp; Ngô Vĩnh Long - Giáo sư Sử học, Đại học Maine, Hoa Kỳ; Vĩnh Sính - Giáo sư danh dự (Sử học), Đại học Alberta, Canada; Nguyễn Minh Thọ - Giáo sư Hóa học, Đại học Leuven, Bỉ; Trần Văn Thọ - Giáo sư Kinh tế học, Đại học Waseda, Nhật Bản; Cao Huy Thuần - Giáo sư danh dự (Chính trị học), Đại học Picardie, Pháp; Nguyễn Văn Tuấn - Giáo sư Y khoa, Đại học New South Wales, Úc; Hà Dương Tường - Giáo sư danh dự (Toán học), Đại học Công nghệ Compiègne, Pháp; Vũ Quang Việt - Chuyên gia tư vấn Thống kê Kinh tế cho Liên Hiệp Quốc, Myanmar, Philippines và Lào; Phạm Xuân Yêm - Nguyên Giám đốc nghiên cứu Vật lý, Đại học Paris VI và Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học, Pháp.

Tập thể tác giả cho biết, văn bản trên đã được gửi cho Bộ Chính trị ĐCSVN trong tháng 9, sau đó cũng đã gửi Quốc hội nhưng không thấy phản hồi nên đã phổ biến công khai để nhận được sự quan tâm của quảng đại người Việt.

Ông Dương Bắc Giải, trên tập san Tổ Quốc số 123, đã đánh giá như sau:
“Lần đầu tiên, một nhóm trí thức VN dùng sở học chuyên môn để tìm ra giải đáp cho bài toán chính trị VN dù họ không làm chính trị. Các giải pháp đề nghị của những nhà khoa học là chìa khoá vàng để đảng cộng sản lãnh đạo đất nước thực hiện cụ thể hàng ngàn khẩu hiệu chính trị chiêu dụ người dân Bắc Nam Trung trong thời gian chiến tranh và sau khi đã cướp được chính quyền. Chỉ cần đảng cộng sản VN dám cầm lấy chìa khoá để mở ra các cánh cửa kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ và các quan hệ đối ngoại là sẽ thay đổi ngay bộ mặt xấu xí của Việt Nam ngày hôm nay”.

Trên cơ sở đón nhận ý kiến trên, chúng tôi chỉ xin được tham bác bằng một vài thiển ý, rời rạc như sau:

a - Bàn về khoa học và công nghệ, những ý kiến sau đây có thể xem là rất xác đáng:
- “Người làm nghiên cứu trong ngành khoa học xã hội còn luôn nỗi ám ảnh sợ “chệch hướng”, mất lập trường, nên nói chung sáng tạo bị hạn chế, khoảng cách so với cộng đồng khoa học thế giới càng lớn. Ngoài ra, ngược với yêu cầu rất cao về sự bình đẳng, sự tự do tư duy của môi trường khoa học, việc mất dân chủ ở các cơ quan khoa học thường rất lớn, nhiều trường hợp nội bộ mâu thuẫn, giành giật địa vị, hoàn toàn không xứng đáng với phẩm vị của người làm khoa học”.
- “Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN ở Việt Nam còn mờ nhạt: hoạt động nghiên cứu KH&CN có chất lượng thấp và KH&CN chưa có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển đất nước”.
- “Kinh phí đầu tư, chính sách và cách quản lý làm cho KH&CN khó có thể trở thành yếu tố quyết định để Việt Nam thoát ra khỏi nhóm quốc gia chủ yếu chỉ sản xuất sản phẩm đơn giản hay gia công hàng hóa. Hiện tại, phần lớn doanh nghiệp làm ăn chưa dựa trên KH&CN và hầu hết không có liên kết chặt chẽ với các cơ sở KH&CN”.
- “Số người được đào tạo để hoạt động KH&CN tuy rất đông với nhiều bằng cấp, nhưng phần lớn không thật sự hoạt động KH&CN, mà lay lắt hoặc “chân trong chân ngoài” với danh nghĩa làm KH&CN”.
- “Nhiều chính sách và cách quản lý đề tài KH&CN chưa hợp lý cũng góp phần làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của nghiên cứu. Thí dụ tiêu biểu như cách tổ chức đề tài khoa học còn nặng tính xin-cho, làm nhiều người làm nghiên cứu mất nhiều thì giờ chạy dự án; việc tuyển chọn và nghiệm thu đề tài thiếu nghiêm túc nên rất nhiều đề tài không có ý nghĩa và giá trị khoa học. Những quy định, tiêu chuẩn hiện nay về việc phong các chức danh giáo sư, phó giáo sư không khuyến khích các nhà khoa học hướng đến những nghiên cứu quan trọng và thách thức, có giá trị khoa học cao hoặc cần cho sự phát triển, mà dễ hướng đến những nghiên cứu dễ làm, những nơi dễ công bố để có đủ “điểm” thỏa mãn các tiêu chuẩn phong chức danh, vốn không có ở bất kỳ nước nào khác. Đây thật sự là những điều rất không hợp lý đã được nhiều nhà khoa học góp ý gần hai chục năm, nhưng không được thay đổi”.

b – Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không nên đánh giá “Chất lượng thấp này (KH&CN) có thể thấy rõ qua các thước đo khách quan như số lượng các công trình công bố trên các tập san khoa học quốc tế uy tín và số bằng phát minh sáng chế. Trong 10 năm qua, số lượng công bố của các nhà khoa học Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 2/5 của Malaysia. Hơn nữa, ở nhiều lĩnh vực, phần lớn những nghiên cứu này là do hợp tác với nước ngoài, tức còn phụ thuộc vào “ngoại lực” quá nhiều. Trong giai đoạn 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng phát minh, trong khi cùng thời gian này Malaysia có 901 bằng phát minh. Thái Lan (310), Philippines (256) và Indonesia (85) cũng đều có số bằng phát minh nhiều hơn Việt Nam nhiều lần”.

Đánh giá chất lượng khoa học và tài năng các nhà khoa học Việt Nam chủ yếu chỉ thông qua số lượng các công trình công bố trên các tập san khoa học uy tín quốc tế và việc đăng ký bằng phát minh là không thỏa đáng.
Trong các thập
niên 70, 80 thế kỷ trước tôi là người hiếm hoi có công trình khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài và được Phương Tây biết đến vào loại nhiều nhất nhưng thực chất, trong đội ngũ khoa học Việt Nam tôi chỉ ở hạng áp chót. Chính sách đóng cửa với thế giới Phương Tây (vì phải cảnh giác với các thế lực thù địch) và sự hạn chế về trình độ tiếng Anh làm cho nhiều nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi. Tôi bung ra được không chỉ nhờ biết chút tiếng Pháp, tiếng Anh mà còn do dám quả cảm vượt những rào cản rất khắc nghiệt thời đó.

c - Ý kiến “Tuy số lượng cán bộ KH&CN của ta được đào tạo nhiều, nhưng hầu hết chỉ ở mức vừa xong giai đoạn học việc (như có bằng tiến sĩ mới là xong giai đoạn học để thành người làm nghiên cứu), thường không được rèn luyện thêm trong môi trường KH&CN phát triển để thành nhà khoa học trưởng thành” chắc là không đúng. Nhiều nhà khoa học Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, địa chất, tóan học, nông học, khảo cổ, vật lý lý thuyết … không thể xem là chỉ mới “vừa xong giai đoạn học việc”.

d - Nhận định rằng “các nhà khoa học Việt Nam chưa có được môi trường KH&CN thích hợp để có thể làm việc và sáng tạo” là đúng. Nhưng khi nêu yêu cầu bức thiết đối với việc tạo môi trường tốt cho khoa học Việt Nam thì nên đưa yếu tố cơ bản thứ ba lên đầu trong ý kiến “Môi trường này gồm ba yếu tố cơ bản: điều kiện làm việc đủ tốt, lương đủ sống để tập trung cho công việc, các chính sách hợp lý có tác dụng kích thích tinh thần sáng tạo, dấn thân vì khoa học”.

e - Nhận định rằng: “Chính sách phân quyền hoàn toàn hợp lý để tạo sự chủ động, sáng tạo cũng như nhằm giải quyết các vấn đề riêng của địa phương, kể cả tạo cạnh tranh giữa địa phương này và địa phương khác” là đúng; cho nên cần xem xét lại có phải phân quyền là nguyên nhân “mở cửa cho những người có chức có quyền ở địa phương lợi dụng cơ hội đào khoét tài nguyên đất nước để làm giàu cá nhân” hay chính là do “Luật Đất đai coi đất đai là sở hữu công, do đó dành cho chính quyền quyền thu hồi đất của bất cứ ai. Luật lại giao quyền này cho Ủy ban Nhân dân ở mọi cấp, xuống tận cấp quận, huyện, với giá do chính Ủy ban Nhân dân quyết định”.

g - Ý kiến sau đây đã phản ánh đúng thực tế nhưng khó chấp nhận: “sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đi theo hướng hầu như mở toang cửa nền kinh tế mà không kèm theo việc thiết lập một hệ thống pháp lý cần thiết nhằm giám sát các mặt trái của nền kinh tế thị trường. Kết quả là Việt Nam đã vô tình xây dựng và củng cố một nền kinh tế tư bản hoang dã phục vụ các nhóm lợi ích (nhất là các tập đoàn kinh tế), phá hoại tài nguyên thiên nhiên, bòn rút của công làm giàu cho cá nhân trong khi lao động chân chính phải khổ sở với đồng lương thấp trước sự leo thang của vật giá”. Bởi vì, nền kinh tế tư bản hoang dã ở Việt Nam đã xuất hiện từ trước khi gia nhập WTO chứ không phải do mặt trái của kinh tế thị trường.

h - Đối với Trung Quốc, bản khuyến nghị viết: “Thách thức từ Trung Quốc không chỉ trong ngoại thương. Các công ty Trung Quốc thắng thầu phần lớn các dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam. Trung Quốc với lối làm ăn không minh bạch, sẵn sàng mua chuộc, lại quả, nên dễ thắng phần lớn các gói thầu lớn ở Việt Nam. Theo ước tính, Trung Quốc chiếm khoảng 50% giá trị thầu trong vòng 10 năm nay, đặc biệt Trung Quốc thắng thầu tới 90% các dự án trọng điểm về điện, dầu khí, viễn thông, cơ khí, hóa chất và 100% dự án khai khoáng. Trong việc thực hiện các dự án này, Trung Quốc đưa nhiều lao động đi theo, kể cả các hình thức bất hợp pháp, thậm chí hình thành những khu cư trú đặc biệt cho người Hoa. Ngoài ra, nhiều chính quyền địa phương còn cho công ty Trung Quốc thuê rừng, thuê bờ biển hàng nửa thế kỷ, kể cả những nơi nhạy cảm nhìn từ góc độ an ninh quốc gia”.
Ý kiến xác đáng trên tương phản một ý kiến mơ hồ khác: “tính chất của ngoại thương Việt Trung hiện nay là quan hệ của một nước tiên tiến với một nước chậm phát triển. Tính chất này vừa tạo ra khó khăn cho kinh tế Việt Nam vừa làm hình ảnh Việt Nam trên thế giới xấu đi nhiều”.

i - Một vài ý kiến đã không thấu đáo đủ mức cần thiết. Trong mục “Cụ thể hóa các biện pháp làm cho giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu” chỉ viết: “Cần tăng cường mở rộng và xây dựng thêm các trường, các khoa liên quan khoa học tự nhiên và công nghệ, xây dựng nhiều trường cao đẳng công nghệ để cung cấp đủ lao động cho công nghiệp hoá trong giai đoạn tới”. Phê phán nền công nghệ nước nhà, chỉ viết: “Năm 1996 Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chủ trương phấn đấu làm cho Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Từ đó đến nay đã 15 năm, đã đi gần 2/3 đoạn đường dự định mà cái đích còn quá xa vời. Việt Nam chưa có được một ngành công nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến và cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới”
Lẽ ra nên chỉ ra cụ thể: cần xây dựng thêm các trường, các khoa gì?, cần ngành công nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến nào? … Do không có được cái lợi thế nhãn quan quốc tế của các nhà khoa học sống ở nước ngoài, nên người trong nước rất kỳ vọng điểm này.

k - Do quá bức xúc trước thực trạng “nội lực Việt Nam đang suy yếu: Kinh tế bấp bênh, giáo dục và y tế xuống cấp, khoa học và công nghệ non yếu, đạo đức xã hội suy thoái, tham nhũng tràn lan, bộ máy nhà nước nhiều bất cập. Trong lúc đó, kinh tế ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và đe dọa về an ninh từ nước láng giềng phương Bắc ngày càng rõ nét”“Kỷ cương phép nước và nhân phẩm của con người đang bị coi thường. Chưa bao giờ cái xấu, cái giả và cái ác, biểu hiện ở nhiều dạng nhiều mặt, lại xuất hiện nhiều như bây giờ. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại chưa kịp nuôi dưỡng và bén rễ thì đã bị những cái xấu, cái giả lấn át…”, bản dự án chính trị cho rằng “Phải có cuộc cách mạng về thể chế mới tránh được nguy cơ này và đưa đất nước phát triển bền vững”,đồng thời khẳng định: “Chúng tôi cho rằng ở thời điểm này chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực hiện được cuộc cách mạng này”.
Điều khẳng định này vừa đúng, vừa không.
Thật vậy, ở thời điểm này điều mong mỏi ĐCSVN hay một đảng, một thế lực nào lật đổ ĐCSVN đi để làm được cuộc cách mạng thể chế đều là chuyện “rau diếp làm đình, gỗ lim thái ghém”
Nếu coi “Cốt lõi của cuộc cách mạng mới là dứt khoát từ bỏ sự ràng buộc của một chủ nghĩa, một học thuyết đã không còn sức sống ở cả Việt Nam và trên thế giới. Gắn chặt với học thuyết ấy, chủ nghĩa ấy cũng làm nước ta ngày càng lệ thuộc vào quỹ đạo của phương Bắc ngày càng nặng” thì chắc chắn ĐCSVN không làm. ĐCSVN cũng nhất định không chịu từ bỏ Điều 4 Hiến pháp vì họ không muốn tự sát.

Trông mong ở thế lực khác lật đổ ĐCSVN để làm cuộc cách mạng đó cũng hầu như vô vọng. Các lực lượng đối lập mà ta quen gọi là các nhà dân chủ thì rất yếu. Họ không chỉ khác biệt nhau về nhận thức, về chủ trương mà còn ô hợp bởi không ít phần tử gian manh, độc ác. Có “nhà dân chủ” được xem là kỳ cựu đã từng công khai tố giác tôi có máy photocopy đặt tại nhà để ấn hành tập san Tổ Quốc và tán phát “tài liệu phản động”. Khi nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị đánh vỡ đầu thì có “nhà dân chủ” ra sức khuynh lóat dư luận trong ngoài nước rằng TKTT không bị đánh mà chính cô đã đánh công an. Luật sư Cù Huy Hà Vũ lên tiếng bênh vực nhà văn thì liền bị anh ta vu cáo là đã tằng tịu với TKTT. Cũng “nhà dân chủ” này đã mắng Nguyễn Phương Anh là tự quấn băng quanh đầu, tẩm thuốc đỏ để cào mặt ăn vạ, trong khi Vi Đức Hồi đã chứng kiến và viết trong hồi ký rằng hôm ấy NPA bị công an đánh vỡ đầu khi NPA lặn lội từ Hà Nội lên thăm VĐH ở Lạng Sơn vv …
Cho nên, tôi đã phải dày công tạo dựng một con đường thứ ba trong dự án liên minh với Võ văn Kiệt, xin phụ tá cho ông, phục hoạt Đảng Lao Động Việt Nam, tạo thế cạnh tranh với hy vọng tất thắng ĐCSVN mà không cần đổ máu, đồng thời đương nhiên hình thành chế độ đa đảng ở Việt Nam. Tiếc rằng, tôi chưa thể nào tiếp xúc ông, kể cả có lần cụ Nguyễn Hộ đã bảo con gái đèo xe máy cho tôi đến nhà VVK nhưng không may hôm ấy ông đi vắng.
Người có thể thủ vai VVK bây giờ là Nguyễn Văn An, Trần Nhơn … nhưng tôi phần đã già, phần không còn uy tín kể từ khi bị chính mấy “nhà dân chủ” bôi bẩn, vu khống là man khai (không có bằng nhưng tự xưng tiến sỹ), gian lận (ăn chặn tiền nước ngoài gửi về cho các tù nhân lương tâm lấy tiền xây biệt thự)…!

l – Mười bốn vị trong bản dự án chính trị nêu hai nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước lụn bại:

Thứ nhất, là do cơ chế thiếu dân chủ.
“Thứ hai, là hệ quả của nguyên nhân thứ nhất, trong thành phần lãnh đạo đất nước chưa có nhiều người tài giỏi, bản lĩnh, chịu trách nhiệm cao và quy tụ được bên mình những trí thức và cộng sự chân chính. Từ trung ương đến địa phương, nhiều quan chức thiếu cả năng lực và đạo đức cần thiết. Tình trạng bằng cấp giả và chạy chức chạy quyền đã trở thành vấn nạn nhức nhối. Việc lợi dụng vị trí công quyền để trục lợi cá nhân đang là hiện tượng phổ biến ở nhiều cán bộ nhà nước”.
Tôi muốn góp phần chứng minh sự xác đáng của nhận định: “Từ trung ương đến địa phương, nhiều quan chức thiếu cả năng lực và đạo đức cần thiết” bằng vài sự kiện:

- Báo mạng gần đây loan tin cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh vừa lấy một người vợ kém con ông ba tuổi. Chuyện này cũng như chuyện cụ Đỗ Mười tái giá với người giúp việc vì đã ăn nằm với bà ta đến có con, nếu có thật, đều không đáng bàn. Họ thuận mua vưa bán với nhau thì không phạm pháp. Song le, sống trong xã hội không chỉ phải tuân thủ luật pháp mà còn phải hợp đạo lý. Đạo lý Việt Nam quy ước phải sau ba năm tang lễ mới được tái giá. Lấy vợ khác khi vợ chết chưa được một năm là vô đạo. Lại nghe nói con cái ông NĐM viết thư phản đối gửi Bộ Chính trị. Thật là lạ. Ông được coi như có nhiệm vụ chăn dắt, giáo dục tư tưởng cho toàn Đảng, mà sao không thuyết phục nổi con cái trong nhà. Người ta cho rằng muốn tri quốc, bình thiên hạ thì trước hết phải tu thân, tề gia. Không tu nổi thân, không tề nổi gia mà lại trị quốc thì bảo sao quốc không lụn bại.

- Một vài người kể với tôi rằng một cựu Tổng Bí thư khác đã đến thuyết phục một nhà cách mạng kỳ cựu rằng: đừng nên tiếp tục lên án Trung Quốc nữa, phải nhớ ơn Trung Quốc, phải học tập họ như một mẫu mực, phải thần phục họ mới khỏi bị trừng phạt. Tuy mấy người đến kể chuyện đều là những người đứng đắn nhưng tôi vẫn bán tín vì nghĩ rằng không có người Việt Nam nào lại ngu xuẩn một cách khốn nạn như thế.

- Đối với ông Tổng Bí thư đương nhiệm, khi nghe ông trả lời Quốc hội rằng “Biển Đông không có gì mới” và trả lởi cử tri quận Ba Đình rằng “Chuyện Biển Đông chỉ là chuyện mấy cái đảo” tôi lại muốn viết thêm mấy bài “Rất đáng phàn nàn về ông Nguyễn Phú Trọng” nữa. Rất may là các bản tuyên bố chung của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Hà Lan, Nhật Bản …; của chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Ấn Độ, Philipine … đều đang bỏ xa bản tuyên bố chung của ông Nguyễn Phú Trọng với Hồ Cẩm Đào.

Dẫu sao đi nữa cũng không nên quá bi quan, hãy hợp sức kiên cường đấu tranh tạo sức ép đủ mạnh để có tự do ngôn luận và có bầu cử dân chủ công khai thực sự thì ắt sẽ xuất hiện nhân tài đảm đương việc nước thật xứng đáng. Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay không chỉ có Ngô Bảo Châu toán học mà còn có nhiều Ngô Bảo Châu khác đang nung nấu ẩn tàng trong chính trường.

Hà Nội 24 tháng 11 năm 2011
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại: (04) 35 534 370

------------------

CẢI CÁCH TOÀN DIỆN ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC





.
.
.

No comments:

Post a Comment