Friday, November 25, 2011

THƯ NGỎ GỬI ÔNG NGUYỄN TRUNG (Nguyễn Huy Canh)



Nguyễn Huy Canh
25.11.2011

NQL: Làm thế nào để ở chế độ một đảng mà vẫn đảm bảo có được một xã hội dân chủ là câu hỏi khó, cực khó, làm đau đầu nhiều chuyên gia chính trị học. Hầu như không thể có câu trả lời tối ưu, dù là một phương án cải lương. Bài viết của ông Nguyễn Huy Canh cũng cố gắng giải trình một phương án như thế. Tuy lý lẽ của ông Nguyễn Huy Canh không thuyết phục được mình nhưng mình vẫn đưa lên, hy vọng từ đó sẽ có cuộc tranh luận mới, ngõ hầu lộ sáng một giải pháp tối ưu chăng?

---------------------------------

Được đọc phần 3 của ông viết về Đảng và công cuộc đổi mới, tôi ủng hộ khi ông kết luận về quyền lực hiện nay của Đảng là tuyệt đối, và nhà nước chỉ như là công cụ thể hiện, thực hiện quyền lực ấy. Và trong hoàn cảnh ấy nhu cầu xây dựng một nhà nước phân quyền là không thể.

Tôi cũng ủng hộ quan điểm cho rằng ĐCS là lực lượng chính trị lãnh đạo công cuộc duy tân này, và do đó chỉ có được thành quả nếu Đảng trước hết đổi mới được chính mình. Tôi cũng hiểu rằng, dân chủ là một quá trình đầy đau khổ và vào lúc này không thể đặt ra vấn đề nhiều đảng phái chính trị (hiểu theo nghĩa đa đảng) mới cho là có dân chủ. Điều đó dễ đẩy đất nước vào những thảm họa mới…

Vậy con đường nào để khắc phục sự tha hóa quyền lực trong Đảng như ông đã chỉ ra? Con đường nào để Đảng trở thành lực lượng lãnh đạo chân chính mà dân tộc này đang cần đến? Con đường nào để nhà nước trở thành một nhà nước dân chủ dưới chế độ chính trị nhất đảng?

Đây là cốt lõi của v/đ cần giải quyết, nhưng tiếc rằng ông đã không làm được, không đưa ra được một dự án chính trị khả dĩ đáp ứng yêu cầu đó của thời đại ngoài nội dung cho rằng Đảng, nhà nước là 2 thực thể riêng biệt, và do đó chức năng, nhiệm vụ của nó cũng phải rõ ràng, riêng biệt theo qui định của hiến pháp (không chồng chéo như hiện nay). Cùng với điều đó là những lời kêu gọi sáo mòn Đảng phải thực hành dân chủ, phải tự do ngôn luận, tự do báo chí, phải minh bạch, gương mẫu và trí tuệ.v.v.

Tôi xin khẳng định trước rằng toàn bộ giải pháp mà ông đưa ra đều vẫn xây dựng trên một thế giới quan, một tư duy quá cũ về lịch sử không phù hợp với một thực tại của tính đa nguyên về lợi ích, về tư tưởng đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta như một xu thế không cưỡng lại được: lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm phải trở thành trung tâm của mọi chính sách và tư duy mới về lịch sử.

Các giải pháp ấy cũng không động chạm đến bản chất của v/đ quyền lực, của hệ thống quyền lực xã hội.
Nếu chúng ta đã mong muốn như một tiên đề chính trị đã được mặc định: ĐCS là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, thì trong sự vận động của mình, để Đảng không biến mình thành người cai trị, thành đảng trị như ông đã viết “…trở thành lực lượng nắm thực quyền trong hệ thống chính trị một đảng; qua đó hệ thống nhà nước pháp quyền trở thành người thừa hành quyền lực của Đảng. Đảng vận động trong sự phát triển biện chứng như thế nên hôm nay đã trở thành đảng cai trị”, trước hết ở đây, trong giới hạn của v/đ đang được quan tâm,chúng ta cần phải xử lí mối quan hệ giữa Đảng và nhà nước.

Đảng trong mối quan hệ với nhà nước có 2 cách thái, cách thức, hình thức:

1/ Đảng, nhà nước là 2 thực thể khác nhau. Và trong cách thái này, Đảng với tư cách là một lực lượng lãnh đạo, đảng phải có quyền và có công cụ thực hiện, thể hiện sự lãnh đạo của mình, và do đó tất yếu (không thể khác được) nhà nước phải trở thành công cụ để thể chế hóa đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng. Trong trường hợp này Đảng xuất hiện ra với tư cách là một quyền lực chính trị, và nhà nước chỉ còn được hiểu như một công cụ thừa hành mà thôi. Nếu không làm như thế (nghĩa là đòi hỏi Đảng không được lấn sân, bao biện làm thay, quyết định thay cho nhà nước; rằng phải có một sự tách biệt rõ ràng về chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ giữa Đảng và nhà nước) thì quyền lãnh đạo của đảng sẽ dần đến chỗ chỉ là hữu danh vô thực mà tôi gọi là quyền lực trừu tượng. Đây cũng là nội dung nhiều người mong muốn ở việc luật hóa điều 4HP1992. Tôi xin mạnh mẽ khẳng định rằng đó là con đường tự sát của Đảng mà chính ông và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng trên con đường cứu nguy cho chế độ đã vận động, cổ xúy mà không hề hay biết.

2/Đảng, nhà nước với tư cách là quyền lực chính trị của đất nước (tức là tổ chức có quyền quyết định tất cả những v/đ lớn, hệ trọng của đất nước,những v/đ liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc…), Đảng và nhà nước phải là một. Đảng sẽ tìm thấy quyền lực của mình ở nhà nước: nhà nước là hình thức duy nhất của quyền lực Đảng.
Mô hình của thể chế chính trị, của mối quan hệ giữa Đảng và nhà nước mà chúng ta đang vận hành là hình thức 1/của mối quan hệ ấy mà chúng ta đã mô tả ở trên.
Mô hình ấy đang sản sinh ra rất nhiều bất cập, hạn chế. Đó là điều ông và tất cả chúng ta đều đã thấy rõ. Nếu không thay đổi hình thái của mối quan hệ này thì mọi mong muốn, mọi kế sách đổi mới của chúng ta chỉ mang tính chắp vá, bề ngoài, hoặc kêu gọi ý chí đạo đức . Điều này càng làm cho con đường vận động của lịch sử, của nền chính trị nước nhà trở nên rối rắm, lệch lạc.

Để Đảng trở thành lực lượng lãnh đạo có trí tuệ và được nhân dân yêu mến, thì theo tôi ở giai đoạn đầu của lộ trình đổi mới, nhất thiết Đảng phải từ bỏ cấu trúc quyền lực hiện thời. Chính cái cấu trúc quyền lực chính trị tự tổ chức khép kín này đã đem lại cho Đảng vị thế đứng trên nhà nước, trên Hiến pháp và pháp luật, và do đó đứng trên nhân dân-theo cái ý cao hơn, lớn hơn, rằng nhân dân thường chỉ được xem là đối tượng quan tâm, chắm sóc và định hướng. (nhân đây tôi cũng nói thêm điều này: hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật không hoàn toàn có nghĩa là đã đứng dưới pháp luật. Tư tưởng thượng tôn pháp luật đã có từ mấy nghìn năm nay -nếu bắt đầu tính từ thời Hàn Phi Tử. Không thể lấy nó làm chuẩn mực, làm thước đo cho tính dân chủ của xã hội-đây là điều mà nhiều người, trong đó có cả các luật gia còn nhầm lẫn. Tư tưởng ấy dù có được thực hiện cũng không có nghĩa là Đảng và nhà nước đứng dưới nó. Chừng nào Đảng, nhà nước còn làm ra pháp luật thì chừng ấy còn đứng trên nó và luôn có cái khả năng vi hiến và bất chấp pháp luật trong những hoạt động của mình …)

Nếu cấu trúc quyền lực chính trị hiện thời đã được tổ chức hơn 50 năm qua được bỏ đi thì hình thức 1/của mối quan hệ ấy mới được thay đổi. Mối quan hệ này được thay đổi thì bản chất của quyền lực mới được thay đổi. Chỉ có như thế mới có cơ sở thực tiễn hình thành một nhà nước phân quyền và một chế độ dân chủ mới dần được xác lập (dân chủ tức là quyền lực chính trị phải thuộc về nhân dân, của nhân dân ngay từ đầu).

Hình thức 1/của mối quan hệ ấy được xóa bỏ, hình thức thứ 2/ của mối quan hệ được xác lập cho phép chúng ta có một dự án chính trị, một mô hình chính trị giản đơn và minh bạch.

Dự án ấy đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại, phải thay đổi điều 16, chương 3 của Đlđ, rằng Đảng chỉ còn là một tổ chức chính trị thuần túy trong sự tồn tại của mình và xét trong mối liên hệ với xã hội hiện tồn. Với sự tồn tại này, nếu được thiết kế, ông sẽ thấy ngay trong sự tồn tại của chính mình, trong bản chất của mình, Đảng không phải là một lực lượng lãnh đạo xã hội ngay từ đầu. Như vậy cái tư tưởng đầu tiên về cái gọi là “Giành lại quyền lãnh đạo đã bị đánh mất do tha hóa” là một sai lầm nghiêm trọng của tư duy logic chính trị và tư duy “về” lịch sử. Quyền lãnh đạo ấy, theo nội dung của dự án, phải qua quá trình phấn đấu của Đảng và phải được nhân dân trao cho bằng lá phiếu. Có như vậy chúng ta mới hiểu rằng, về bản chất của xã hội tiến bộ (xã hội hiện đại, hiện thời), quyền lực của nhân dân phải là tuyệt đối, là vô hạn. Và do đó quyền lãnh đạo của Đảng chỉ có thể có được khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, và chỉ thông qua cầm quyền Đảng mới thực hiện được, triển khai được sự lãnh đạo của mình với nhà nước và với xã hội. (Tư tưởng này cho chúng ta thấy Tống Văn Công đã rất ấu trĩ khi cho rằng một xã hội dân chủ chỉ có đảng cầm quyền chứ không tồn tại đảng lãnh đạo, cũng siêu hình giống như thế khi ông khuyên Đảng chỉ làm vai trò lãnh đạo chứ không nắm quyền, không can thiệp vào quyền lực nhà nước!)

Điều 16 (Đlđ) được bỏ đi, khi ấy chúng ta sẽ có được một mô hình tổ chức mới của Đảng ở đó công tác nhân sự của các kì Đại Hội không phải là việc chọn lựa để bầu ra BCHTW, BCT,BBT…Và các chức danh từ Tổng bí thư đến các trưởng ban Tổ chức, Tuyên giáo, Kiểm tra…chỉ là những chức vụ của những công việc sự vụ trong Đảng. Từ Tổng bí thư đến tất cả các cán bộ làm công tác đảng chuyên trách đều không phải là công chức nhà nước, không được hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước mà từ ngân quĩ của đảng.

Trong mối quan hệ với nhà nước- giả định nhà nước đã được hiểu là quyền lực chính trị của nhân dân trao cho thông qua Hiến pháp, Đảng giới thiệu người của mình là những đảng viên ưu tú để nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử QH.

Trong QH, tạm phân chia trước mắt có 2 thành phần: Đại biểu là đảng viên và Đại biểu độc lập. Và cũng giả định luật pháp không giới hạn tỉ lệ % cho 2 lực lượng này trong QH. Khi ấy Đảng, nếu chiếm được tỉ lệ quá bán sẽ trở thành Đảng cầm quyền (đương nhiên tỉ lệ này với Đảng sẽ luôn thực hiện được trước lực lượng độc lập vì những điều kiện chính trị sẵn có của mình)

Qua bầu cử QH, trở thành Đảng cầm quyền, Đảng sẽ cử 2 đại biểu (Tổng bí thư không nằm trong danh sách ứng cử viên của chức nguyên thủ quốc gia như một quy định của Điều lệ ) của mình ra tranh cử chức nguyên thủ quốc gia- Chủ tịch nước- nếu luật qui định 2 ứng cử viên cho cuộc bầu cử này.

Trường hợp Đảng không giành được tỉ lệ % quá bán trong bầu cử QH, thì Đảng phải thương lượng, liên danh với lực lượng độc lập trong QH để giới thiệu ứng cử viên chức Chủ thịch nước. (dĩ nhiên điều này chỉ là một giả định vì nó chẳng bao giờ xảy ra ở giai đoạn đầu của lộ trình đổi mới)

Chủ tịch nước có quyền thành lập nội các với các thành viên chủ yếu (quan trọng) sẽ có sự phê chuẩn của QH.
Quyền lực tư pháp là một hệ thống độc lập. Các thẩm phán của tòa án tối cao do Hội đồng thẩm phán quốc gia giới thiệu (trình) và được Chủ tịch nước phê chuẩn. Các thẩm phán làm việc theo chế độ biên chế suốt đời.

Dự án chính trị trên đây chỉ mang ý nghĩa ý tưởng với một số gợi mở của nó. Bởi vì việc thay đổi này là một bước chuyển có phần đau đớn, có nhiều hi sinh đòi hỏi phải có một quyết tâm chính trị rất cao của các nhà lãnh đạo. Và việc hình thành chi tiết nó lại là công việc hệ trọng của Đảng, cũng như nội dung sửa đổi HP1992 như thế nào lại thuộc về quyền của nhân dân.

Có ảo tưởng không khi tôi viết dự án này, bởi vì đã có rất nhiều kinh nghiệm cho thấy rằng không có một đảng phái chính trị nào trên thế giới lại tự nguyện từ bỏ lợi ích của mình vì một cái gì, cho một cái gì cả. Nhưng tôi vẫn tin vì lợi ích quốc gia,dân tộc,vì sự chấn hưng đất nước, ĐCS sẽ tìm thấy ý nghĩa tích cực và tính lựa chọn của nó. Và tôi cũng tin tưởng rằng chỉ có đổi mới theo trình tự mà dự án đã vạch ra, chúng ta mới tạo ra được bước ngoặt cho nền chính trị nước nhà và cho quá trình diễn tiến của dân tộc ta: đó là một Đảng trong sạch, văn minh, nhân ái, một nhà nước phân quyền mang màu sắc riêng biệt VIỆT NAM (không sao chép, không dập khuôn của ai) và một xã hội dân chủ phát triển theo một lộ trình thích hợp.

Khi viết dự án này, tôi nghĩ đến cựu ủy viên BCT Nguyễn Văn An và cũng nghĩ rằng nếu nó được các nhà lãnh đạo cao cấp thảo luận chắc sẽ được nhìn thấy nụ cười hé nở trên môi ông…

Hải Phòng ngày 17/11/011
NHC

Tác giả gửi cho Quê choa
-----------------------------------------

THƯ NGỎ GỬI ÔNG NGUYỄN TRUNG (Phong Uyên)    Wednesday, November 16, 2011

Nguyn Trung
Thứ Ba, 05/10/2010

Thời Đại Mới – số 22, tháng 8 – 2011

Viễn tưởng    -   Nguyễn Trung
Bài 1:
 (viet-studies ngày 1-10-11)
Bài 2:
(viet-studies ngày 25-10-11)
Bài 3 :
(viet-studies 13-11-11)
.
.
.

No comments:

Post a Comment