Thursday, November 3, 2011

THƠ : CÁI HỌA CỦA NGƯỜI VIỆT (Trần Mạnh Hảo, Trương Duy Nhất)



Trần Mạnh Hảo
12:00 pm03 November 2011

Có phải các dân biểu, các trưởng lão của đảng cử dân bầu (bán ?) thấm nhuần cuốn sách vô cùng kinh điển của đại triết gia Hi Lạp cổ Platon là cuốn (Republic:“Cộng hòa”), thấm nhuần câu nói trứ danh của vị hiền triết: “Hãy choàng vào cổ các nhà thơ vòng nguyệt quế rồi đuổi họ ra khỏi nền cộng hòa” mà sinh ra luật nhà thơ chăng ?

------------------------

Trên báo điện tử “Pháp luật TP.HCM” ngày 03-11-2011, có in bài : Luật cần không có, lại thò luật nhà thơ”, nhằm chê bai “cuốc hội” bao nhiêu luật cần có không bàn, lại đâm ra vớ vẩn, thò luật nhà thơ, luật thư viện ra cho rách việc. Đến nỗi, đại biểu quốc hội Trần Du Lịch đã phản ứng rằng: “Tôi không hiểu dự án Luật Nhà thơ nó chế định cái gì mà lại được đưa vào chương trình. Chẳng nhẽ lại bắt ông kia phải làm thơ, ông này không được làm. Trong khi những cái rất cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước, đã được đề nghị đưa vào từ khóa trước đến nay nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn nợ cử tri” – ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) bức xúc.

Theo thiển ý của chúng tôi, báo Pháp luật TP.HCM và đại biểu quốc hội Trần Du Lịch chắc chưa hiểu hết thâm ý của quốc hội, nên mới có ý phản đối luật nhà thơ chăng ?

Riêng bản thân chúng tôi (danh xưng này bị mấy độc giả không hiểu, phản ứng : có nhiều ông Hảo trong một ông Hảo hay sao mà xưng “chúng tôi”? Chẳng qua, khi còn bé đi học, thầy dạy TMH rằng : xưng “tôi” trong bài viết không khiêm nhường, lấc cấc, cái tôi đáng ghét, nên phải xưng “ chúng tôi” cho văn hóa và khiêm tốn), nghe quốc hội bàn luật nhà thơ thì hai tay bèn đưa lên trời mà vỗ đến rát ràn rạt để hoan hô quốc hội.

Trần Mạnh Hảo trở cờ sao mà đột nhiên hoan hô quốc hội của đảng vậy? (98% đại biểu quốc hội là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, 2% đại biểu quốc hội tuy không mang thẻ đảng viên nhưng cũng là những đảng viên ngầm, kết nạp trong bóng tối, giả vờ không đảng viên để thành phần quốc hội của đảng có tí tì ti dận trong đó cho ra vẻ dân…chủ chứ không phải hoàn toàn đảng …chủ )
Xin đừng quy kết vội, xem chúng tôi bàn cái đã, thưa qúy bạn đọc.

Lịch sử nhân loại đã chỉ ra rằng: thi ca bao giờ cũng là yếu tố khai sáng nền văn minh. Hai trường ca vĩ đại của đại thi hào Home : Iliad và Odissey đã mở đầu cho nền văn minh vô tiền khoáng hậu Hi Lạp. Kinh Vệ Đà (veda) một hình thức thi ca truyền miệng đã mở đầu văn minh Ấn Độ. Kinh Thi mở đầu cho nền văn minh Trung Hoa. Ngay cả khi nền văn minh Trung Hoa khi đã phát triển cao độ, thì đại thi hào Khuất Nguyên của nước Sở đã mở màn cho nền văn chương bác học Trung Hoa. Việt Nam ta, ai ai cũng biết, ca dao, dân ca (thi ca) đã khai sáng cho văn hóa dân tộc.

Có lẽ, quốc hội Việt Nam hôm nay với các đại biểu hầu hết đều thông qua bằng cấp của nền văn hóa siêu việt tại chức, hoặc siêu việt chuyên tu (dốt như chuyên tu, ngu như tại chức – ngạn ngữ truyền miệng bố láo của các thế lực thù địch), toàn là thạc sĩ, tiến sĩ (hầu hết mù ngoại ngữ) đã thấy vai trò thi ca là vô cùng quan trọng với dân tộc Việt Nam, nên các vị muốn có trong hiến pháp một đạo luật nhà thơ chăng ?

Hoặc giả các dân biểu, các trưởng lão của đảng cử dân bầu (bán ?) thấm nhuần cuốn sách vô cùng kinh điển của đại triết gia Hi Lạp cổ Platon là cuốn (Republic:“Cộng hòa”), thấm nhuần câu nói trứ danh của vị hiền triết: “Hãy choàng vào cổ các nhà thơ vòng nguyệt quế rồi đuổi họ ra khỏi nền cộng hòa” mà sinh ra luật nhà thơ chăng ?
Các vị dân biểu chắc là nhìn xa trông rộng, thấy mối nguy của dân tộc hiện nay là nhà nhà làm thơ, người người làm thơ, không biết chữ cũng làm thơ, cứ thơ phú thi thi tửu tửu kiểu này quên bố nó chuyện tiến lên thiên đường cộng sản, bèn sinh ra bộ luật này để cấm việc ai cũng có thể biến thành nhà thơ chăng ?

Biết đâu, sau khi luật nhà thơ được ban hành, cấm đưa thơ dở vào sách giáo khoa, cấm đưa thơ dở lên đài truyền hình ca ngợi, cấm những người làm nghề ca ngợi thơ dở thì đất nước được cứu vãn, không còn bị bạn vàng lừa đảo ôm hôn rồi lén cướp biển, cướp đất, cướp đảo, cướp nước nữa ? Chuyện ông Hữu Thỉnh, chủ tịch nhà văn vừa ca ngợi thơ dở của ông Trần Gia Thái (ông HT còn ca ngợi thơ dở của ông Hồng Vinh) tai hại cho văn học, cho văn hóa nước nhà xiết bao. Chuyện ông tiến sĩ nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cũng mượn báo “An Ninh thế giới” mà ca ngợi thơ dở của ông tổng giám độc đài phát thanh & truyền hình Hà Nội Trần Gia Thái là hay lắm lắm, làm công chúng trẻ bị mê lầm, toàn đi tìm thơ dở thưởng thức thì có phải là tiêu diệt mỹ cảm văn chương không nào ?
Việc quốc hội cần có một đạo luật cấm quách việc đưa thơ dở tràn lan vào sách giáo khoa để học, cấm quách việc khen thơ dở tràn lan trên truyền hình, cấm quách việc dạy và quảng bá thơ dở tràn lan trên báo chí là phương cách cứu nước hữu hiệu đó sao ? Vỗ tay !

Một năm, đài truyền hình quốc gia và hàng mấy chục đài truyền hình trong cả nước đưa lên truyền hình ca ngợi ít nhất một trăm ông bà chuyên làm thơ dở, ca ngợi các tập thơ dở, hại cho ngân sách cả nghìn tỉ đồng. Việc mất tiền vào việc đi ca ngợi thơ dở trên truyền hình, trên báo đài là vô cùng to lớn, nhưng việc làm mất mỹ cảm thi ca của lớp trẻ thì còn tai hại khôn lường. Cứ nhìn vào sách giáo khoa văn học xem, hầu hết các bài thơ được dạy cho học sinh học chẳng là những bài thơ dở hay sao ? Tai hại lắm, tai hại lắm. Nên việc quốc hội ra một bộ luật cấm học thơ dở, cấm tuyên truyền, cấm quảng cáo thơ dở thì Trần Mạnh Hảo tôi không chỉ có vỗ tay, mà còn vỗ cả chân nữa.

Nhưng thế nào là thơ hay, thế nào là thơ dở thì rồi đây chắc quốc hội sẽ cho ra một bộ luật khác quy định thơ hay là thế nào, thơ dở là thế nào, ông nào được làm thơ tự do, bà nào được làm thơ ngũ ngôn, cụ nào được mần lục bát…đưa ra thảo luận để những ông nghị loa phường …tha hồ lên truyền hình phản biện, để dân quên đi việc đòi hỏi cần có bộ luật về biển đảo, cần có bộ luật về thế nào là giặc, thế nào là bạn, không được coi giặc là bạn …chẳng hạn.

Có thể, các dân biểu trăm công nghìn việc, vừa một mình kiêm lập pháp, kiêm hành pháp, kiêm tư pháp, vừa đá bóng vừa thổi còi mệt quá, nên thường xuyên ngủ gật khi đăng đàn quốc hội, cần có một bộ luật rất vui nhộn là luật nhà thơ, luật thư viện mang ra bàn để làm thuốc chống buồn ngủ thì cũng là hữu ích cho quốc gia đại sự lắm chứ sao ?

Có thể, các vị dân biểu thấy hiện nay các cán bộ cao cấp về hưu, phát biểu toàn có trái chiều với lề phải, ví như các ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn An, Trần Phương, Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Trọng Vĩnh, Dương Danh Dy, Tống Văn Công, Lê Hiếu Đằng, Trần Nhơn…

Các bố hưu trí, rỗi việc bèn nói toẹt ra sự thật, nói toẹt ra mọi thứ làm dân nó thích như chim chích, rất nguy cho an ninh quốc gia cần phải giấu diếm sự thật mới làm chánh trị được. Quốc hội được đảng rỉ tai : phải có luật cấm các cán bộ cao cấp về hưu làm thơ, in thơ, không thì tai hại cho đảng lắm. Mà quốc hội thì đảng bảo sao làm vậy; vì quốc hội là đày tớ của nhân dân, mà nhân dân thì lại làm đày tớ (xin lỗi, chịu sự lãnh đạo) của đảng. Ví như thơ của nguyên thứ trưởng bộ nông nghiệp Trần Nhơn toàn đả kích vào chủ nghĩa Mác-Lê, toàn nói xấu đảng, thì đảng không thể chịu nổi, mà bắt ông này thì không được, vậy nên chỉ cần luật cấm các bố này làm thơ là thượng sách …
Chưa nói đến bọn làm thơ diễn biến hòa bình (trong khi bạn vàng Tầu Phù bốn tốt, mười sáu chữ vàng thì đang diễn biến chiến tranh) thi ca là món rất phức tạp, rất khó lãnh đạo. Vậy nên quốc hội có luật cấm làm thơ, theo lời khuyên của Platon bỏ ra nghìn tỉ đồng cho tất cả mấy trăm nhà thơ của hội nhà văn Việt Nam được giải thưởng văn học Hồ Chí Minh hết ráo đi, rồi cấm chúng làm thơ ca hò vè rách việc cho yên chuyện, cũng là thượng sách, chứ sao ?

Nhân việc quốc hội bàn về luật nhà thơ, luật thư viện, chúng tôi cũng xin gợi ý quốc hội nên có luật về nhà văn, luật về họa sĩ, luật điện ảnh, luật múa, luật nhiếp ảnh, luật sân khấu, luật ca nhạc, luật chim hót, luật mây bay gió thổi không theo định hướng xã hội chủ nghĩa mới yên bề mà trị dân được.

Thưa quốc hội, việc bảo vệ tình nhân, bảo vệ các ông chồng bị hành hung trong việc chăn gối theo chúng tôi là việc rất hệ trọng, cần được bộ luật của quốc hội bảo vệ. Vì luật pháp sinh ra là để bảo vệ người dân. Hiện nay, cái ác đã lấn vào cả tình yêu, cái ác đã xuất hiện cả khi các cặp tình nhân hôn nhau hoặc cả khi ân ái.

Ngày xưa, tên Juda bán Chúa đã dùng nụ hôn chỉ điểm cho quân dữ bắt Chúa Jesus : ta hôn ai thì các người bắt kẻ đó nha. Hiện nay, có những loài quỷ dữ son phấn giả làm người đẹp mê hồn, mượn cái hôn để cắn đứt lưỡi tình nhân. Vậy quốc hội có cần ra một đạo luật nghiêm khắc: CẤM HÔN LƯỠI để bảo vệ cái lưỡi cho công dân của nền cộng hòa được yên lành mà nói lên sự vui mừng được sống trong thiên đường xã hội chủ nghĩa, có phải thậm hay không ?

Hiện nay, việc các bà vợ (hoặc tình nhân) ghen tuông cắt mất chim các ông chồng đang là chuyện phổ biến, một vấn nạn quốc gia, gây ra sự khiếp hãi cho đàn ông khi vào việc chăn gối. Mà như các vị quốc hội biết đấy, khi vào chuyện ái ân hạnh phúc kia mà đàn ông lo sợ bị mất của qúy, thì chúng tôi xin cam đoan với quốc hội là trăm phần trăm trên bảo dưới không nghe. Nếu cánh đàn ông khi vào cuộc chăn gối mà trên bảo dưới không nghe vì sợ vợ làm liều, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong dân tộc, thưa quốc hội.Việc này dễ gây ra diệt chủng lắm, thưa các vị dân biểu đáng kính.

Nên chúng tôi xin kiến nghị lên quốc hội hãy thương xót nhân dân mà cho ra một đạo luật cấm vợ hay tình nhân cắt đứt chim chồng vì ghen tuông, lấy tên rất dễ hiểu là LUẬT CẤM CẮT CHIM thì có phải là nhân đạo vô cùng, là cứu nguy dân tộc, là mở đường hiếu sinh cho các thế hệ tương lai, hơn là đưa ra đạo luật nhà thơ rất vui nhộn ra bàn, bị ông nghị Trần Du Lịch chê là ấm ớ hay không ?

Sài Gòn ngày 03-11-2011
T.M.H

------------------------------

Trương Duy Nhất
12:13 pm03 November 2011

Dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của quốc hội khóa XIII có luật nhà thơ. Nếu không đọc bản tin này trên báo Pháp Luật TP HCM, tôi sẽ mắng ngay bất kỳ ai nói chuyện “luật nhà thơ” là thằng điên!

Trước khi nói chuyện quốc hội bàn luật nhà thơ, xin kể chuyện vì sao tôi ly dị thơ:
Hồi học khoa văn Tổng hợp Huế, tôi cũng có tập tềnh mần thơ. Thậm chí còn là gã khởi xướng cho các phong trào in thơ và làm MC cho các đêm thơ cư xá. Là thấy đứa nào cũng thơ hết nên chả nhẽ mình không? Nhưng được bài nào thì… xé bài đó! Nhưng tôi đã ly dị thơ hơn 24 năm rồi. Chuyện xảy ra từ một tờ giấy trong nhà vệ sinh.
Một hôm, thằng bạn cùng lớp xồng xộc chạy từ khu nhà xí cư xá về phòng:
– Nhất ơi Nhất ơi, bài thơ hay quá, tuyệt vời quá, thần quá mày ơi!
Hắn cầm cái tờ giấy… gớm giếc trên tay mà nhảy cỡn lên, như thể Ạc-si-mét trần truồng lao lên giữa biển nước khi phát hiện ra lực đẩy kỳ bí.
Tôi tái mặt khi biết tờ giấy có bài thơ mình đã… dùng hôm qua.
Kể từ hôm đó tôi quyết định… ly dị thơ! Còn nó có thói quen vào nhà xí luôn xách theo gàu nước, không bao giờ dám chùi bằng giấy.

Chuyện xảy ra đúng thời nhà thơ Phó Thủ tướng Tố Hữu đang làm giá lương tiền. 24 năm rồi, lại nhớ chuyện tờ giấy chùi đít và thơ này khi nghe quốc hội đang bàn luật nhà thơ.

Dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của quốc hội khóa XIII sẽ có luật nhà thơ. Nếu không đọc bản tin này trên báo Pháp Luật TP HCM, tôi sẽ mắng ngay bất kỳ ai nói chuyện “luật nhà thơ” là thằng điên!
Vậy mà chuyện điên khùng đó đã được đưa vào nghị trình quốc hội. Bao nhiêu luật về quốc kế dân sinh không được bàn đến, lại đi bàn chuyện luật nhà thơ. Chẳng lẽ thơ lại là thứ cần kíp và bức xúc đến vậy? Hay việc phải ban hành luật thơ vì cái nước Việt này là “nước thơ”, bởi đất nước này ai ai cũng là nhà thơ, từ người mù chữ, từ bác hưu trí, gã thợ giầy đến ngài Tổng bí thư cũng làm thơ.

Đã có hẳn một ngày riêng dành cho thơ, gọi là “ngày thơ”. Rồi còn có cả “đại lễ thơ”, và mô Phật có cả… cờ thơ! Không biết trên thế gian này có đất nước nào, dân tộc nào mà ai ai cũng làm thơ, toàn dân làm thơ, toàn dân thành nhà thơ và quốc hội soạn bàn cả luật nhà thơ như cái nước Việt này? Hay đây chính là một biểu hiện bất thường trong tâm sinh lý và tư duy của người Việt?

Nói thật, nếu là một nhà tổ chức, khi làm công tác nhân sự có hai loại tôi cương quyết lắc đầu, đó là cán bộ đoàn và nhà thơ. Tư duy phong trào kiểu đoàn hội “sáng thể dục chiều thể thao tối cất cao lời ca tiếng hát” mà đưa làm kinh tế thì chỉ có… thủ dâm tinh thần mà thôi! Còn tư duy thơ, nhà thơ đem làm kinh tế thì… hãy nhìn vào tấm gương Tố Hữu.

Thơ là loại tư duy mộng mị, siêu thực và hoang tưởng. Nhiều sinh viên văn khoa nuôi ước vọng trở thành nhà thơ hay hỏi tôi câu vầy: nhà thơ là gì và làm thế nào để thành nhà thơ? Tôi hay cười trêu rằng: phải bân bẩn một tí, không quá sạch, tư duy thì phải khờ khạo, dài dại một tí, mộng mị một tí, bay bổng một tí và… tâm thần một tí!
Tôi nhớ lâu rồi, có lần trên tờ Văn nghệ Trẻ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có nói rằng: nhà thơ là phải biết uống rượu, biết say. Nếu nhà thơ nào không biết uống rượu, không biết say thì phải xem lại cái thứ anh ta viết ra ấy có phải là thơ không?

Tôi tin lời anh Tạo như tin chính thơ anh vậy!
Vì thế, khi nghe quan chức nào làm thơ là tôi hoảng. Không hiểu vì sao một nhà thơ như ông Tố Hữu lại được giao làm Phó Thủ tướng (hồi đó gọi là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Suốt đời tôi không bao giờ quên được cảnh nhai sắn lát và bo bo đến trẹo quai hàm khi ông Tố Hữu làm giá lương tiền. Đem áp tư duy thơ để điều hành kinh tế thì cái kết cuộc sắn lát bo bo là hệ quả đương nhiên, làm sao ra gạo mà ăn?

Cứ tưởng bài học Tố Hữu đã qua. Ai dè đến ông Nguyễn Phú Trọng cũng hứng khởi lẩy Kiều từ diễn đàn quốc hội đến bài tuyên thệ nhậm chức Tổng Bí thư. Rồi đến hôm nay quốc hội cũng bàn chuyện ra luật… nhà thơ!

Tôi rất dị ứng thơ, và không tin cái loại tư duy thơ lại có thể điều hành đất nước. Quốc hội bàn luật thơ- không phải tin mừng, mà là mối hiểm nguy, không chỉ nguy cho chính các nhà thơ, mà nguy cho đất nước, cho dân tộc. Hay có phải cái nước này không ngửa mặt lên được vì thơ? Phải chăng thơ chính là một biểu hiện bất thường trong tâm sinh lý và tư duy của người Việt, và nó chính là cái họa của người Việt?

Sẽ có người bảo: Ồ thôi kệ, ai thích thì cứ mần, thơ thẩn cho vui chứ chết chóc ai. Và trong hàng triệu triệu những nhà thơ từ các câu lạc bộ thơ làng- xóm- thôn- xã đến hội… nhà thơ Việt Nam kia cũng sẽ như cái làng Vũ Đại ấy, ai cũng tự nhủ rằng “thằng Nhất nói vậy nhưng chắc nó chừa mình ra”. Xã hội Việt sẽ ra sao, đất nước và dân tộc Việt sẽ bơi ngóc thế nào trong một khung cảnh làng Vũ Đại làm thơ như thế?


bài viết liên quan:

.
.
.

No comments:

Post a Comment