Thursday, November 3, 2011

NHÂN VỤ CHẾ LINH (Đỗ Trung Quân)




Đỗ Trung Quân
03.11.2011

“ Thanh khàn “ – Phạm Việt Thanh phu quân của Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh đặc biệt mê dòng nhạc Bolero . Anh cũng đặc biệt mê bài “xóm đêm” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương . Anh bảo nó giống hệt thời sinh viên ở trọ của mình .Vào Sài Gòn rủ tôi uống rượu là tìm quán có người chơi guitar để nổi hứng thì hát. Anh phải cầm giấy in lời nhạc chữ to, còn tôi cứ thọc tay túi quần nhắm tịt mắt lại hát chả cần giấy má. Hết bài này qua bài nọ cho đến khi thở không nổi thì tạm thôi. Anh hỏi với cái nhìn cực kỳ ngưỡng mộ tôi: “Thế có bài nào của Sài Gòn cũ mà ông không biết không ? “ Tôi nhỏ nhẹ: “ Có chứ ! Tôi đâu phải Bách khoa toàn thư âm nhạc. Bài mà tôi không biết chắc chắn bài đó…chưa có sáng tác ông anh ạ !” Thanh khàn lăn đùng ra đất cười khằng khặc: “Mình tưởng nó khiêm tốn…giời ôi là giời !”.

Trở lại chuyện nhạc Bolero hay nhạc sến. Tôi sinh ở Sài Gòn , suốt thời thanh niên trừ khi đi học , về nhà là suốt ngày ngồi trước cái máy Akai của Nhật , làm người phụ trách mảng “nhạc yêu cầu” cho cái quán cà phê nho nhỏ của bà cụ tôi. Khách đưa giấy vào , tôi lắp băng vào máy , tua cho tới bài hát đó để mở theo yêu cầu. Cứ thế có đến chục năm. Nhạc nó vào tai, từ tai nó chui vào đầu rồi nằm yên ở đấy. Sau 1975 khi chiến dịch tịch thu “ văn hóa phẩm đồi trụy của Mỹ Ngụy” gì đấy , tôi phải nộp hết cái thư viện sách của nhà mình. Chỉ hai thứ có thể học thuộc lòng trước khi giao nộp : Toàn bộ tác giả thơ của thời Tiền chiến và toàn bộ nhạc của Sài Gòn , tất tần tật tác giả, từ sang tới sến. Tuổi trẻ trí nhớ còn tốt nay nhìn lại thấy trong cái “nạn” cũng có cái may. Tôi vô tình đã giữ lại cả một kho tàng nền âm nhạc miền Nam trong đầu mình. Giờ chả cần móc túi. Tại Phạm Việt Thanh không biết ấy thôi . Nguyễn Nhật Ánh , Nguyễn Khắc Nhượng thì quá biết [ Anh Nhượng cũng là một “ bảo tàng Bolero”, anh được bầu là “ Trưởng ban hoằng pháp “ của câu lạc bộ Bolero ở Sài Gòn mà ông Lê Hiếu Đằng là một trong những thành viên thường xuyên và tích cực ].Nguyễn Nhật Ánh đi cá độ âm nhạc thường gọi cho tôi hỏi tên bài hát , tác giả , năm nào ? …

Nên Tuấn Vũ, Chế Linh, Duy Khánh…chả xa lạ gì với người nghe nhạc miền Nam. Mấy mươi năm ca hát ở hải ngoại nay có ngày về hát ngay tại quê nhà , người hát lẫn người nghe hẳn đều vui như nhau . Không chỉ Sài Gòn . Dòng nhạc đươc [ hay bị ] xem là “ sến chảy nước “ ấy bỗng một ngày nhảy phốc vào “ Thánh địa âm nhạc Hàn lâm “ – Nhà hát lớn Hà Nội và làm nó sạch vé , chật ghế suốt mấy ngày liền. .Hiện tượng ấy đáng để giới phê bình âm nhạc có một cái nhìn phân tích không định kiến. Người viết nhớ lại năm 2006 ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng quả là người có cái nhìn nhạy bén , anh có lẽ là người đầu tiên khởi động dự án nhạc Bolero “ Thương hoài ngàn năm”. Suốt ba ngày rạp Quốc Thanh – Quận 1 đông nghẹt khán giả trong lẫn ngoài nước. Việt kiều mua vé máy bay về chỉ để nghe lại những bài hát đã từng nghe thuở hàn vi lưu lạc đến Sài Gòn đi học, rồi lập nghiệp thành đạt vv… Tôi được mời làm người dẫn chuyện cho “ Thương hoài ngàn năm”. Cũng chả cần mảnh giấy nào, cứ lững thững tới giờ ngồi vào ghế mà nói chuyện với khán giả của Hưng. Bỏ túi một mớ tiền kha khá đủ để đóng tiền ăn học cho con.

Hôm nay, không thiếu ca sĩ Hà Nội có nền tảng thanh nhạc, có tên tuổi quay tìm dòng nhạc sến này. Lệ Quyên là một ví dụ. Cũng đã từ lâu ca sĩ trong nước ra Hải ngoại trình diễn là chuyện cơm bữa, bình thường. Nhạc sĩ về ở hẳn như Phạm Duy, ca sĩ hải ngoại trở về hát trong nước như Tuấn Ngọc, Đức Huy, Khánh Hà , Thái Hiền, Duy Quang , Phương Dung , Giao Linh , Quang Lê…kể không hết tên cũng là chuyện bình thường.

Trở lại với vụ ca sĩ Chế Linh bị thu hồi giấy phép . Ông “ vua nhạc sến” một thời của Sài Gòn, người có thể xem như “ giáo chủ “ của hẳn một trường phái “ hát kiểu Chế Linh” cũng lại là người có số lân đận .Xưa thì bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cấm phổ biến một thời gian dài chỉ bởi “Giọng ca sướt mướt đến thế thì chỉ mất nước “ [ À! mà trước kia Chế Linh hay mặc binh phục quân đội Sài Gòn khi hát trên sân khấu nhưng lại là người chưa từng đi lính bao giờ. Suy cho cùng nó cũng như ca sĩ trẻ hôm nay hát nhạc truyền thống thường mặc đồ bộ đội ấy mà .] Nay lại bị thu giấy phép không bởi vì “ sướt mướt “ mà vì vài lý do cỏn con không đáng kể. Xem ra , cách hành xử nặng tay ở những vấn đề có thể thu xếp được ,vô tình làm cho cái tinh thần hòa hợp bằng âm nhạc bỗng thành trở thành lấn cấn. Uổng !

Tôi không phải tín đồ của Chế Linh nhưng dòng nhạc sến cũng đã nằm trong đầu mình từ đời thuở nào rồi . Trên những dăm đường dài qua nhiều tỉnh thành cùng bác T., những đĩa nhạc Bolero của Phương Dung , Hoàng Oanh , Thanh Tuyền , Tuấn Vũ , Duy Khánh , Quang Lê , Trường Vũ cho đường bớt dài …
…và Chế Linh – Bỗng có lúc thấy mình nhổm người trên ghế “ Quỉ thần ơi ! không ai có thể sướt mướt câu này …hay đến thế ! “

Cái gì chính trị chưa giải quyết được thì âm nhạc sẽ làm thay .
Hình như có ai đó từng phát biểu như thế.
Và nó đúng thế !

Tác giả gửi cho Quê choa

Xem bình luận :

--------------------------



.
.
.

No comments:

Post a Comment