Friday, September 30, 2011

NHẬT KÝ NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 2011 : TS NGUYỄN XUÂN DIỆN tiếp VIÊN CHỨC CHÍNH TRỊ TÒA ĐẠI SỨ MỸ (Nguyễn Xuân Diện)



Thứ sáu, ngày 30 tháng chín năm 2011

Thưa chư vị,
Sáng nay, ngài Michael Orona, viên chức chính trị của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ cùng một phiên dịch (ông Vũ Tú Mạnh) tới thăm tôi ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Theo như lịch đã hẹn, 10h00, hai vị khách có mặt. Sau khi trình danh thiếp, nhấp ngụm trà nơi văn phòng, ngài Michael Orona nói về mục đích của chuyến thăm. Trước đó tôi đã mở toang tất cả các cửa lớn nhỏ và nói rằng toàn bộ cuộc nói chuyện hôm nay tôi sẽ trình cả lên Blog cá nhân của tôi. Hai ngài ấy vui lắm, nói rằng việc này rất sáng rõ, xin mặc ý tôi làm.

Tôi vui vẻ tiếp lấy hai tấm danh thiếp và sẵn sàng trả lời những câu hỏi của ngài Michael Orona. Câu chuyện được cả 3 chúng tôi đều ghi vào sổ tay; tôi ghi được như dưới đây:

Hỏi: Thưa ông, xin ông cho biết công việc của ông hiện nay?

Trả lời: Tôi hiện nay làm công tác quản lý thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, là tàng thư lớn nhất lưu trữ các văn bản cổ của Việt Nam. Tôi đang là Phó giám đốc của thư viện. Giám đốc thư viện đã nghỉ hưu từ tháng 12 năm 2009.

Hỏi: Được biết, ông đã tham gia một số cuộc biểu tình ở Hà Nội trong thời gian qua. Ông cho biết công việc của ông có liên quan gì đến các cuộc biểu tình không?

Trả lời: Tôi có tham gia 11 cuộc biểu tình yêu nước tại Hà Nội suốt từ tháng 6 đến tháng 8 vừa rồi ở Hà Nội là để phản đối việc nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn trên Biển Đông. (Chỉ có cuộc hôm 10 tháng 7 là không tham gia, nhưng có đến khu vực biểu tình để quan sát). Ông Giám đốc công an Tp HN cũng khẳng định đó là các cuộc biểu tình yêu nước.

Trước đây, Hoàng Sa – Trường Sa là một đề tài mà báo chí nhà nước không nói đến. Nhưng thật mừng là sau cuộc hội thảo quốc gia về Biển Đông họp ngày 17.3.2009, tại Hà Nội, do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao VN) tổ chức thì báo chí bắt đầu nói nhiều đến Hoàng Sa – Trường Sa. Tôi học về ngành Hán Nôm, tôi cũng muốn tìm hiểu các tài liệu cổ nói gì về Hoàng Sa và Trường Sa. Tài liệu cổ viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, nay ít người còn đọc được, vì vậy tôi cũng muốn dịch và giới thiệu những tài liệu này để mọi người cùng hiểu. Tôi còn mong những tài liệu như thế được dịch sang tiếng Anh để những người Mỹ như ngài có thể hiểu được cha ông chúng tôi nói gì về chủ quyền của VN tại HS – TS.

Ngày 30.03.2009, khi báo chí đưa tin về việc phát hiện một văn bản chữ Hán Nôm được phát hiện ở đảo Lý Sơn có liên quan đến chủ quyền VN, tôi rất mừng. Tôi đã bỏ tiền túi, tự đi vào Quảng Ngãi rồi ra đảo Lý Sơn để tiếp cận văn bản này, dịch và nghiên cứu nó, sau đó công bố trên báo Thanh Niên và cả trong Hội nghị khoa học của Viện tôi.

Văn bản ấy nói rằng vào năm 1834, chính quyền tỉnh lúc đó đã vâng theo sắc lệnh của nhà vua, cử 24 người ra Hoàng Sa để: đo đạc các đảo, thu lượm hải vật (hải sản quý và các vật của các con tàu đắm dạt vào) đưa về triều đình Huế. Mỗi lần đi 6 tháng. Hàng năm đều có đi. Đây là việc mà nhà nước phong kiến VN đã cho làm cả từ mấy trăm năm trước đó. Hay nói khác đi, cha ông chúng tôi đã thực thi chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa lâu đời lắm rồi. Văn bản ấy có câu rằng: Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội.

Hay như cái bản đồ này (tôi chỉ vào bản đồ treo trên tường), do giám mục Taberd (Pháp) lập và xuất bản năm 1838. Bản đồ này có 2 điểm rất quan trọng. Thứ nhất, nó đã vẽ rất chính xác về tọa độ của Hoàng Sa mà đến nay vẫn chính xác. Thứ hai, nó ghi rõ hai chữ tiếng Việt “Cát vàng” chứ không ghi Hoàng Sa, bên cạnh có chữ Pháp là Paracel. Tấm bản đồ này được in hàng loạt và đính đằng sau cuốn từ điển do giám mục Taberd soạn.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam, mặc dù dụng công tìm hiểu nghiên cứu với tấm lòng nồng nhiệt, nhưng lại vẫn rất khách quan, trung thực trong thao tác và trong công bố.

Hỏi: Đề tài mà ông làm luận án Tiến sĩ là gì?

Trả lời: Luận án tiến sĩ của tôi là về Ca trù. Luận án đã được Quỹ Thụy Điển – Việt Nam phát triển văn hóa tài trợ kinh phí để xuất bản ngay sau khi bảo vệ thành công. Khi Việt Nam tiến hành xây dựng hồ sơ để trình lên UNESCO đề nghị vinh danh Ca trù là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại, thì toàn văn luận án tiếng Việt được gửi trong Hồ sơ và kèm theo là bản dịch tiếng Anh tóm tắt luận án, gồm 40 trang.

Hỏi: Ông nghĩ như thế nào về vai trò của người trí thức?

Trả lời: Tôi cũng đã từng nói với BBC về trí thức. Rằng người trí thức có bổn phận phải đem hết hiểu biết của mình để phụng sự đất nước, với tinh thần tự nhiệm (tự gánh vác), trong lĩnh vực và phạm vi của mình, không chờ sai bảo, bổ nhiệm. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, thầy giáo của tôi gọi đó là sự dấn thân. Ông nói: Đã là trí thức thật thì ai cũng dấn thân. Tôi còn nhớ có người nói, thuộc tính của trí thức là phản biện xã hội.

Hỏi: Trong các cuộc biểu tình vừa rồi, những người trí thức tham gia biểu tình có điều gì khác nhau không?

Trả lời: Tôi thấy những nhà trí thức tham gia biểu tình rất nhiều người là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Nhưng có một điểm chung là họ đều là những người yêu nước, đều có mục đích chung là phản đối Trung Quốc gây hấn, xâm phạm lãnh hải Việt Nam trên Biển Đông, bắt giữ tàu thuyền của ngư dân Việt Nam, đánh đập và cướp tài sản của họ.

Hỏi: Vậy khi đi biểu tình, người trí thức nói riêng và mọi người nói chung muốn điều gì?

Trả lời: Họ muốn 3 điều. Một: Hoàng Sa và toàn bộ những gì ở Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép trở về với Việt Nam. Hai là, nhà cầm quyền Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn mọi việc gây hấn, đánh đập, bắt giữ, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam. Và ba là, Trung Quốc hoàn toàn chấm dứt việc tuyên truyền và hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp của mình trên Biển Đông.

Hỏi: Sau khi có Thông báo của UBND Tp HN, theo ông liệu có cuộc biểu tình nào nữa không?

Trả lời: Quyền biểu tình là quyền đã được Hiến pháp nước tôi ghi nhận tại điều 69. Hiến pháp khẳng định quyền này thì ai cũng có quyền thực thi quyền này.

Hiện nay, không một ai có thể dám chắc là có hay không các cuộc biểu tình diễn ra trong tương lai. Vì các cuộc biểu tình không do ai tổ chức. Nếu Trung Quốc chấm dứt gây hấn, chấm dứt việc bắt giữ, đánh đập, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông thì mới chắc là không có biểu tình.

Hỏi: Vì sao lại cấm biểu tình?

Trả lời: Cái này tôi không biết. Nhưng theo lời giải thích của một số người thì các cuộc biểu tình vừa rồi có các thế lực thù địch lợi dụng. Tôi cũng không biết cụ thể là thế lực nào, đến từ đâu và đã lợi dụng được ai và lợi dụng như thế nào. Báo chí Trung Quốc thì cho rằng các cuộc biểu tình vừa rồi ở Hà Nội là do có Hoa Kỳ đứng đằng sau. Tôi nhờ ngài tìm hiểu vấn đề này xem cụ thể ra sao.

Hỏi: Ngoài chuyện biểu tình, các nhà trí thức còn tổ chức các hoạt động khoa học như: hội thảo, tọa đàm, thuyết trình?

Trả lời: Vâng, đúng thế. Nhưng cuộc tọa đàm Vì Hòa bình và công lý trên Biển Đông do CLB Phaolo Nguyễn Văn Bình và NXB Trí thức vừa rồi bị cấm tổ chức. Trước đó, Cụ Nguyễn Đình Đầu (một học giả lão thành, đã 92 tuổi, đi đầu trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn hôm 5.6) tổ chức một cuộc triển lãm các bản đồ cổ tại Thư viện Tổng hợp Tp HCM thì bị dừng, chỉ trước giờ khai mạc vài chục phút. Rồi mới đây là buổi thuyết trình của Tiến sĩ Nguyễn Nhã tại Hà Nội cũng bị ngăn cản, mà ngài đã biết.

Hỏi: Vì sao thế, thưa ông? Các cơ quan của chính quyền có đưa ra lý do gì không?

Trả lời: Tất cả chỉ có hai chữ thôi, thưa ngài. Hai chữ đó là “nhạy cảm”.

Sau đó, tôi thuật lại cuộc thuyết trình của TS Nguyễn Nhã, đúng như đã đưa trên Blog.

Hỏi: Theo ông, thì rồi đây tình hình này có cải thiện được không?

Trả lời: Tôi tin chắc rằng, rồi đây, những ai chưa hiểu về chúng tôi thì sẽ hiểu thôi. Vì sao? Vì chủ quyền là một điều rất thiêng liêng đối với mọi người Việt Nam. Và lòng yêu nước là tự nó có trong lòng rồi, không phải xin ai, cũng chẳng ai có thể cho được. Nó rất thiêng liêng và có trong huyết quản mọi người.
Tôi hy vọng rằng, qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe nhau, rồi thì tất cả mọi người sẽ hiểu nhau hết!

Cuộc trò chuyện bắt đầu từ 10h00, kết thúc lúc 11h45. Nội dung chỉ có từng ấy. Nay xin ghi lại để mọi người cùng rõ.

Có một điều đáng tiếc là hôm nay, vợ tôi mang máy ảnh đi hội nghị Khảo cổ học, nên tôi không chụp được tấm hình nào làm kỷ niệm và các ngài ở Tòa Đại sứ Mỹ cũng không mang theo máy chụp hình, nên chỉ bắt tay nhau rồi ra về mà không có hình lưu niệm.

Hết

Tái bút: Chiều hôm qua (29.09.2011), lãnh đạo công an Tp Hà Nội đã cử cán bộ đến gặp tôi tại Viện Hán Nôm. Buổi làm việc có 2 nội dung:

1- Lấy lý lịch cá nhân của tôi. Mặc dù cơ quan công an Hà Nội đã có 2 lần lấy lý lịch trực tiếp từ tôi. Hai người đã lấy lý lịch của tôi là Trung tá Ngô Văn Đáp và Trung tá Đàm Văn Khanh. Tôi nói sẽ tự khai lý lịch và gửi qua Email để ông nắm được.

Qua việc này, tôi biết công an HN có rất nhiều bộ phận khác nhau, và khi xử lý công việc thì không kết nối được với nhau để tránh mất thời giờ cho cả hai bên.

2 - Chuyển lời mời của Ông Phó Giám đốc Công an Tp Hà Nội Bạch Thành Định mời tôi lên gặp gỡ tại trụ sở CA TPHN, 87 Trần Hưng Đạo, HN vào lúc 10h00 sáng mai (30.09.2011). Tuy nhiên, vì sáng mai có việc bận nên tôi đề nghị sẽ gặp vào đầu tuần tới.

Tôi cũng mong có cuộc gặp với lãnh đạo công an Tp HN để trao đổi thêm, tìm hiểu ý kiến của các anh ấy và trân trọng đề nghị giúp đỡ cho các cuộc thuyết trình khoa học về chủ quyền biển đảo sắp tới.

Cuộc trò chuyện này từ 14h00 đến 16h00.
Nguyễn Xuân Diện

.
.
.

No comments:

Post a Comment