Friday, September 30, 2011

CHO MỘT NIỀM HY VỌNG (Cảm nghĩ của Blogger Mẹ Nấm nhân Sinh Nhật của LS Lê Công Định)


Me. Nâ'm 's Blog
Sep 30, '11  3:03 AM

Ngày 13/06/2009
Không thể diễn tả được cái cảm giác trong lòng tôi, chỉ biết là khi nằm xuống, trằn trọc đến mất ngủ, vì nghĩ đến cảnh lao tù trước mắt của một người mà tôi mến mộ.
Luật sư Lê Công Định, là người mà tôi biết đến qua các bài viết và phát biểu của anh trên BBC. Cách trả lời và cách dùng câu chữ ngắn gọn của anh khiến người đọc cảm thấy an tâm và bị thuyết phục.
Tôi còn nhớ có lần đọc bài "Chuẩn mực văn minh cần tôn trọng" của anh, tôi phấn khích đến độ cầm máy nhắn tin ngay cho người bạn lớn của mình và bảo rằng bài viết đó là những lời lẽ đọc lên thơm tho cả miệng lưỡi.
Anh Định không viết blog, nhưng những việc làm thầm lặng vì tự do của giới blogger không phải ai cũng biết, và tôi nghĩ anh xứng đáng được vinh danh như một biểu tượng vì tự do và nhân quyền.
Không đọc báo chí trong nước, không xem ti vi đưa tin, nhưng tôi đã hình dung ra được phiên tòa trước mắt dành cho Lê Công Định.
Rồi cũng sẽ như những người khao khát sự đổi mới, sự tự do thật sự đi trước khác, người ta lại sẽ vin vào cái thứ tự do xa xỉ đó, để đẩy anh về phía "thế lực thù địch", và biến anh thành thành phần trí thức nguy hiểm.
Khi anh bị bắt, đã có lời nhắn xin gỡ nick và bình luận của vài người ra khỏi bài viết về anh.
Với báo chí, anh từng là người trẻ tâm huyết và giờ đây là tội phạm âm mưu chống phá nhà nước.
Cuộc sống này không hề dễ dàng, nhất là đối với những người có nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi tự do, dân chủ. Chuyện gì đến sẽ đến, chỉ mong anh vững vàng trí lực vì con đường trước mặt còn dài. Mong anh bình an để viết tiếp niềm hy vọng đang dang dở. Tôi sẽ đóng entry này bằng một đoạn comment copy được từ nhà blogger Linh, như một lời cảm ơn đến Lê Công Định, và cũng là lời nhắc nhở chính bản thân mình!
"Thực ra chúng ta đang rất vô trách nhiệm. Chúng ta nhìn người khác đi vào chỗ chết - cho chúng ta sống tử tế hơn. Nhưng chúng ta biết làm gì ngoài việc ngồi đây tranh luận qua mạng, rồi sáng mai, bạn lại đi khắp nước Mỹ chẳng hạn, còn tôi, tôi lại chúi đầu vào công việc. Nhiều lúc ngao ngán là thế thôi"
Entry viết tháng 6/2009, ngày anh Định bị bắt!
-------------------------

Ngày mai 1/10/2011, sinh nhật lần thứ 43 của Lê Công Định, và là sinh nhật thứ 3 ở một nơi xa của anh.
Đến giờ phút này người ta thấy gì ở Lê Công Định?
- Một luật sư ham học và giỏi thật sự (khác xa với hình ảnh những người mang tiền đi du học song lại tạo ra những hình ảnh làm xấu mặt cả trong đời thường lẫn trên mạng).
- Một trí thức nặng lòng với đất nước, có uy tín trong giới luật sư, là người chấp bút bản Tuyên bố về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa của Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh.
- Một luật sư bị xử làm gương vì những hoạt động “ chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Đã có bao nhiêu người bị quy tội chống phá nhà nước tính đến thời điểm này?
Những người như luật sư Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức... lấy gì để chống phá lại một nhà nước tuyệt đối mạnh cả về phương diện "trí tuệ của thời đại, lẫn "sức mạnh toàn diện" vì được "toàn dân nhất trí ủng hộ"???

Tôi đã từng được đọc một bài viết nói rằng dân tộc Việt có quá nhiều người độc ác. Họ không chỉ độc ác với môi trường, sinh vật, mà còn độc ác với chính đồng bào của mình. Hàng ngày trên báo chí người ta có thể đọc được hàng tá tin về ngược đãi trẻ em, về những vụ đâm chém nhau chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, về những vụ vợ giết chồng, cháu giết bà, chú giết cháu thương tâm... Và qua những gì đã diễn ra, dù rất đau lòng nhưng tôi buộc phải thừa nhận rằng, lời nhận xét ấy có lý.
Sự độc ác không chỉ thể hiện trong cách hành xử với người khác, mà nó còn hiểu hiện rõ rệt ngay trong những suy nghĩ tưởng như hiền hoà.
Khi luật sư Lê Công Định và nhiều người khác bị bắt , chỉ cần nghe đài báo lề phải nói "chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chế độ" là hàng loạt người nhao nhao lên xỉa xói những người này là những kẻ phá hoại sự ổn định, trong đầu lúc nào cũng có âm mưu lật đổ chế độ theo phong cách man di mọi rợ. Những người sẵn sàng ném đá tảng vào xã hội ấy không biết rằng chính họ mới là những tín đồ đầy triển vọng cho những cuộc lật đổ đẫm máu, bởi vì trong đầu họ lật đổ phải là như vậy, phải là đào tận gốc trốc tận rễ chứ không thể khác đi được. Với họ lật đổ không bao giờ sẽ đến trong hoà bình và kế thừa.

Một chế độ dân chủ muốn duy trì cần phải được xây dựng trên cơ sở là lòng khoan dung, sự tôn trọng cá nhân con người, khả năng thỏa hiệp và giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình. Điều này đối lập với tính ích kỷ, độc ác và tính thiếu hợp tác đang tồn tại hiện nay trong xã hội Việt Nam ta.

Ba năm đã qua đi, khi ngoài biển Đông, tàu cá ngư dân ta vẫn bị bắn, bị rượt đuổi trên ngư trường Hoàng Sa, tôi lại nhớ da diết những lời dưới đây. Khi mà người viết lên những dòng chữ yêu nước rắn rỏi, người đã khiến cả Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh cùng đứng dậy với anh để nói lên khát vọng bảo vệ giang sơn đã bị chính guồng máy luật pháp ấy tống vào tù cũng vì tội yêu nước.

TUYÊN BỐ
VỀ VẤN ĐỀ HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA
CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

XÉT RẰNG vào ngày 2/12/2007 Quốc vụ viện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý các quần đảo trên biển Đông, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam;
XÉT RẰNG Việt Nam có chủ quyền bất khả xâm phạm đối với Hoàng Sa và Trường Sa cả về phương diện pháp lý (de jure) lẫn phương diện thực tế (de facto) theo Công pháp quốc tế; và
XÉT RẰNG chủ quyền nói trên của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa được ghi nhận rõ ràng trong nhiều tài liệu và chứng cứ lịch sử của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc và quốc tế.

VÌ NHỮNG LẼ NÊU TRÊN
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TUYÊN BỐ

THỨ NHẤT, quyết định phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa của Quốc vụ viện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là sự phủ nhận lịch sử và bất chấp công lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
THỨ HAI, Hoàng Sa và Trường Sa đã, đang và sẽ mãi mãi là lãnh thổ không tách rời và bất khả xâm phạm của Việt Nam cả về phương diện pháp lý (de jure) lẫn phương diện thực tế (de facto).

Ngày 5 tháng 1 năm 2008

Toàn văn “Tuyên bố về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa” do LS Lê Công Định cùng một LS khác chấp bút (1)

Ba năm đã qua đi, tự dưng khi nghĩ về Lê Công Định trong ngày sinh nhật anh, tôi ước gì được nói với anh rằng niềm hy vọng của anh em chúng ta vào một xã hội tốt đẹp sẽ không bị tàn lụi giữa lòng cuộc sống hôm nay mà ngược lại niềm hy vọng đó được ươm mầm bởi chính những con người như anh.

.
.
.

No comments:

Post a Comment