Tuesday, September 27, 2011

ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN . . . HẦM CẦU (Việt Anh, VTC News)



ViỆT Anh (VTC News)
26/09/2011 10:43

(VTC News) - Đó là nhận định rất sốc của Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khi nói về thực trạng của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Sốc không kém là nhận định của NSND Lê Phương: “Bệnh của chúng ta là bệnh bất tài”. Thậm chí ông còn thách thức “có cho 1 tỷ đô la chúng ta cũng không làm được phim hay”, bởi “làm gì có ai có tài mà đòi làm phim, làm làm gì cho phí tiền Nhà nước?”.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và phát biểu gây sốc. Ảnh Nguyễn Hoàng

Sau vụ thất thoát 36,8 tỷ đồng tại Cục Điện ảnh, ngày 25/9, hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi trong ngành đã có cuộc gặp mặt trong một tọa đàm để bàn cách tháo gỡ những khó khăn của nền điện ảnh. Tham dự có không ít các NSND, nguyên Cục trưởng Cục trưởng Cục Điện ảnh và rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của nhiều thế hệ.
Có mặt trong cuộc gặp mặt này có đại diện lãnh đạo Hội Điện ảnh: ông Đặng Xuân Hải – Chủ tịch và bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó Chủ tịch. Về phía Bộ VH-TT&DL có Thứ trưởng Bộ, ông Hồ Anh Tuấn và Cục phó phụ trách Cục Điện ảnh vừa được bổ nhiệm là TS Ngô Phương Lan. Có thể nói từ rất lâu rồi mới có một cuộc hội thảo về điện ảnh sôi nổi như vậy.
Để khai mào cho cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói: “Lãnh đạo Bộ muốn nghe các bác, các anh chị nói gì chứ không phải muốn nghe cái gì. Các bác, các anh chị có ý kiến đóng góp gì, phê bình điều gì, kiến nghị điều gì chúng tôi đều xin lắng nghe, do vậy mọi người có gì muốn nói thì cứ xin nói hết”.
Được những người làm nghề mệnh danh là “Hội nghị Diên Hồng” của ngành điện ảnh, nhưng cũng như biết bao “Hội nghị Diên Hồng” khác, người nói cứ nói cho thỏa, còn chuyện có thay đổi gì không là chuyện: Cần phải xem xét!

“Cho 1 tỷ USD cũng không làm được phim hay”!

NSND Lê Phương bắt bệnh của điện ảnh là bệnh bất tài và ông thách có cho 1 tỷ USD chúng ta cũng không làm được phim hay

Nói như đạo diễn Vũ Xuân Hưng – Phó Giám đốc Hãng phim truyện VN thì: “Cứ nhìn vào những người ngồi đây cũng đã đủ thấy chán ngán. Bởi chúng ta đã quá già để làm được một cái gì đó cho ngành điện ảnh. Hiện nay ở hãng phim tôi làm, không có lớp trẻ kế cận. Nói cụ thể là hiện hãng không tuyển được ai làm phục trang, bối cảnh và rất nhiều khâu khác nữa. Với cơ chế như hiện nay thì các em trẻ có tài khi ra trường sẽ đi về các công ty truyền thông và các đài truyền hình hết. Ai còn dám vào hãng phim?”.

Vụ thất thoát 36,8 tỷ tại Cục Điện ảnh như giọt nước tràn ly khiến cho những người làm nghề dường như không thể cầm lòng được nữa. “Thực trạng của điện ảnh Việt Nam không phải bây giờ mới xảy ra như vậy, mà nó diễn ra âm thầm hàng chục năm nay. Sở dĩ điện ảnh lâu nay vẫn êm đềm bởi tính dĩ hòa vi quý ăn sâu vào nếp sống của từng nghệ sĩ. Ai cũng ngại va chạm, ai cũng sợ mất quyền lợi được làm phim, được khẳng định một chức danh hay một giải thưởng nào đó” – Đạo diễn Phạm Lộc.

Chính vì những uẩn ức đã bị dồn nén mấy chục năm nay nên tại cuộc tọa đàm, các nghệ sĩ như được “tháo cũi sổ lồng”, họ đưa ra các ý kiến rất mạnh bạo, thẳng thắn và trực diện đôi khi làm đau lòng những người quan tâm đến điện ảnh. Như nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã có phát biểu khiến cho cả hội trường sốc khi bà nói: “Điện ảnh Việt Nam đang trên đường đi đến bể phốt”.
Lý do được bà giải thích là: Khi bản thân bà, người từng giữ cương vị Xưởng trưởng Xưởng sản xuất 2 của Hãng phim truyện VN, làm dự toán kinh phí để xin Cục và Hội đồng duyệt phim Quốc gia làm phim thì bao giờ cũng chỉ được cấp 70% kinh phí trên dự toán. Số tiền đưa vào làm phim thật chỉ là 70% của 70% số tiền được cấp do phải trích lại trả lương cho những người không đi làm phim, còn đang ở hãng hàng ngày. Với số tiền đó, cộng với sự rơi rớt trong quá trình làm phim, bộ phim đến khi ra đời chỉ đạt 30% về chất lượng so với tiêu chí nghệ thuật ban đầu đặt ra. Con số 30% về giá trị nghệ thuật này là con số chết của ngành điện ảnh do đó mà theo bà “điện ảnh Việt Nam đang trên đường đến bể phốt”.
Bà Nhã cũng không ngần ngại chia sẻ, ở cương vị Xưởng trưởng Xưởng sản xuất 2 của Hãng Phim truyện VN, bà tự thấy xấu hổ vì không lo được đời sống cho anh em trong xưởng nên đã xin về hưu non.

Một ý kiến khiến người trong nghề cũng đau lòng là ý kiến của Nhà biên kịch, NSND Lê Phương. Ông khẳng định: “Điện ảnh Việt Nam đã đi xuống đến đáy. Và nếu chưa đi đến đáy thì tôi mong nó đi xuống đến đáy”. Bởi theo ông có xuống đến đáy người ta mới tìm cách ngoi lên, chứ cứ lơ lửng lửng lơ thì người ta cũng cứ lơ lửng theo nó. Ông còn bắt bệnh cho điện ảnh nước nhà: “Bệnh của chúng ta là bệnh bất tài. Có cho 1 tỷ USD cũng không thể làm được phim hay. Vì làm gì có ai có tài mà đòi làm phim?”.

NSND Nguyễn Khắc Lợi đồng tình: “Phải nói thẳng là điện ảnh chúng ta hiện nay không có đáy. Qua các phim hiện nay có thể thấy chúng ta làm phim không hết tâm hết sức. Xem những thước phim hiện nay so với trước đây chỉ thấy sự bôi bác. Chính chúng ta đã hạ thấp chúng ta. Những người có kinh nghiệm quản lý và kinh nghiệm làm phim, có thành tích nào đó khi về hưu là đi ra đường. Lãnh đạo không còn đếm xỉa đến những con người này nữa. Lãnh đạo gần nhất là Cục Điện ảnh không thèm hỏi những người đi trước có kinh nghiệm quản lý hay sáng tác, họ coi như chúng tôi là phế phẩm, là những người lạc hậu rồi”.

“Chẳng ai vô lý hơn ngành điện ảnh”

Có thể nhận thấy những ý kiến được phát biểu trong hội thảo tháo gỡ khó khăn của ngành điện ảnh Việt Nam chia ra làm hai phe. Ý kiến của những người đã từng làm lãnh đạo tại các hãng phim và Cục Điện ảnh thì nghiêng về mong muốn Nhà nước tiếp tục bao cấp cho ngành. Những người còn lại thì muốn tư nhân hóa, cổ phần hóa.
NSND Bùi Đình Hạc, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh đề xuất nên có một hội đồng tư vấn cho Bộ trưởng về điện ảnh để chấn hưng ngành này, tránh tình trạng để điện ảnh lộn xộn, “chơi vơi” từ năm này qua năm khác như hiện nay.
Một vị từng ngồi ghế Cục trưởng khác là NSND Lưu Trọng Hồng thì cho rằng cơ chế hoạt động của ngành hiện nay chưa ổn, không nên áp đặt điện ảnh Mỹ hay các nước khác đề gán ghép, buộc điện ảnh VN phải theo họ. Ông này cũng cho rằng điện ảnh VN vẫn cần phải đấu thầu.
Hay một ý kiến bị khá nhiều phản đối là của ông Lê Đức Tiến – Giám đốc Hãng phim Giải Phóng cho rằng cần tiếp tục cơ chế bao cấp của nhà nước với điện ảnh và ông cũng mạnh dạn đề xuất nâng mức đầu tư cho ngành điện ảnh từ 25 tỷ đồng hiện nay lên 50 tỷ.
Theo đạo diễn Đỗ Khánh Toàn thì: “Phải nhìn thực trạng nền điện ảnh hiện nay đang sống dở chết dở như thế nào, phải làm những gì để khôi phục ngành điện ảnh. Điện ảnh cũng giống như bóng đá, phải có khán giả. Điện ảnh cũng vậy, phần nào cần cổ phần hoá thì mạnh dạn cổ phần hoá, phần nào cần đầu tư chính thức của nhà nước thì đầu tư.
Nếu bàn lý thuyết hay kêu gọi chung chung thì không được vì mấy chục năm nay chúng ta đã nói rồi. Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương mỗi năm chỉ được rót tiền làm hơn 10 phim. Trong khi đó, có khi lại bỏ ra hơn 10 tỉ đồng mua thiết bị không cần dùng đến rồi đắp chiếu. Điều này Bộ có biết không? Nếu Bộ thực sự lắng nghe thì chúng tôi sẽ có ý kiến”.
Gay gắt hơn theo đạo diễn Phạm Lộc thì chẳng ai vô lý hơn ngành điện ảnh “cứ đòi cấp tiền, cấp bao nhiêu cũng hết, chỉ có chi không có thu, ai chịu nổi?”.

Nhà nước có muốn nghe hay không?

“Các cấp lãnh đạo có quyết tâm chấn hưng ngành điện ảnh hay không vì mọi hoạt động của ngành đều thống nhất từ Bộ xuống Cục, phải có sự chỉ đạo từ trên xuống. Nếu các cấp lãnh đạo không quyết liệt, không tìm ra nước bước một cách khoa học và hợp lý thì bên dưới chúng tôi cũng không làm gì được ngoài việc than thở mà thôi”, ĐD Vũ Xuân Hưng, phó giám đốc Hãng phim truyện VN, bày tỏ.
Ông này cũng cho rằng ngành điện ảnh VN đã 50 tuổi mà hành xử như đứa trẻ mẫu giáo vì không thể đứng vững trên đôi chân của mình và cái gì cũng đi xin tiền. Nguyên nhân của tình trạng này là do ngành điện ảnh theo cơ chế phân tán, mạnh ai nấy lo.

Ngồi lắng nghe từ đầu đến cuối cuộc tọa đàm, TS Ngô Phương Lan, Cục phó phụ trách mới được bổ nhiệm của Cục Điện ảnh không bày tỏ một ý kiến gì hết trước những tranh cãi cũng như góp ý của các đại biểu. Thậm chí ngay cả khi chồng bà là ông Đinh Trọng Tuấn, TBT Tạp chí Thế giới điện ảnh có ý kiến gay gắt về việc lãnh đạo ngành điện ảnh, tức là chính bản thân bà Ngô Phương Lan là một đại diện, cần phải xem xét lại chuyện quản lý của mình khi bỏ tiền ra cho các dự án làm phim như Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, một số tiền khá lớn. Nhưng khi được giải thưởng người ta sổ toẹt số tiền mà ngành điện ảnh đã cấp cho họ. Ông Tuấn đặt câu hỏi: Ngành điện ảnh đã làm gì đến nỗi để cho người ta tiền mà còn bị người ta khinh thường đến thế?

Kết thúc buổi tọa đàm, TS Ngô Phương Lan mới lên tiếng: “Tôi hứa với Thứ trưởng, với các nghệ sĩ, với sức lực của mình, dù không phải lớn lao gì nhưng tôi sẽ cố gắng làm tất cả để góp phần để ngành điện ảnh thoát khỏi đáy”.
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ VH-TT&DL những ý kiến đóng góp của các nghệ sĩ điện ảnh và sắp tới sẽ tiến hành xây dựng quy chế đãi ngộ, xây dựng cơ chế mới cho ngành gấp để có ngay trong năm tới.

Dù rất hăng hái phát biểu ý kiến, nhưng khi buổi tọa đàm kết thúc, không ít nghệ sĩ tỏ ra hoài nghi về chuyện ý kiến của mình được lắng nghe. Như nhận định của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì “không hy vọng gì nhiều vào việc lời của các nghệ sĩ nói sẽ đến tai các cơ quan hữu trách, nhưng chúng tôi tin vào bà Cục phó. Chí ít là tin vào trình độ và lương tâm của bà. Bởi từ trước đến nay bà Ngô Phương Lan chưa bao giờ kiếm tiền từ ngành điện ảnh”.

Cũng theo bà Nhã thì chuyện mổ xẻ vấn đề của ngành điện ảnh đã nói mãi rồi, vấn đề ở đây không phải là mổ xẻ mà là: “Nhà nước có cần ngành điện ảnh nữa hay không? Nếu nhà nước cần thì mọi chuyện sẽ được giải quyết, thậm chí là rất nhanh chóng”.

Việt Anh (VTC.vn)

.
.
.


No comments:

Post a Comment