Saturday, August 27, 2011

CỰU HỌC SINH TRƯỜNG LÊ VĂN DUYỆT CHAN CHỨA ÂN TÌNH (Giao Chỉ, San Jose)





Những mái trường xưa

Các nhà giáo dục tại Việt Nam thế kỷ thứ 20 khi bàn định đặt tên trường không bao giờ nghĩ tới những chuyện gì đã xẩy ra mấy chục năm sau tại San Jose, Hoa Kỳ.

Sau bao nhiêu dâu bể thanh niên Quốc Học đất Thần kinh vẫn chung thủy với cô gái Đồng Khánh.
Và Đồng Khánh không còn là danh hiệu của nhà vua mà đã trở thành tên họ của cô nữ sinh xứ Huế.

Từ Hà Nội, cậu Chu văn An theo cô Trưng Vương vào Saigon rồi tiếp tục viễn du với con cháu ra hải ngoại đem theo Khung cửa mùa Thu.

Tại thủ đô của miền Nam, thầy thông ngôn Petrus Trương Vĩnh Ký cũng chẳng ngần ngại khi xin bàn tay của vua Gia Long. Bây giờ đến lượt các mái trường gốc Gia Định nhắc lại lời thề non hẹn biển tại miền Bắc California. Nếu nói ông Quốc Học, thầy Chu văn An hay Me sừ Petrus Ký có con cái đầy nhà còn nghe được.

Nhưng ở Gia Định có trường nam Hồ Ngọc Cẩn và trường nữ Lê văn Duyệt mà có nhiều con cháu thì quả là chuyện lạ lùng.

Thực vậy đức giám mục Hồ ngọc Cẩn kết duyên với vị tổng trấn độc thân Lê văn Duyệt đã có một đàn con trở thành tiên nữ múa bài ca Hoa Bướm vào đêm hội ngộ lần thứ hai tại San Jose tháng 08-2011.

Đó là đêm hội ngộ của 3 thế hệ nữ sinh Lê văn Duyệt chan chứa ân tình.

Ân tình toàn thế giới

Kể từ khi bước chân vào thế kỷ thứ 21, cuộc sống của người Việt hải ngoại ổn định, người ta nhớ nhiều hơn về quê hương cũ, mái trường xưa và các đơn vị trong tình chiến hữu.
Các hội ái hữu thành lập để tìm về với nhau trong một khung trời kỷ niệm. Bao nhiêu là chuyện vui buồn tuổi học sinh phá phách giận hờn. Tình yêu, tình bạn, tình thầy trò đem chân trời kỷ niệm từ quá khứ kéo về hiện tại. Trung tân của các cuộc xum họp toàn thế giới thường tổ chức tại hai miền Nam Bắc California. Mùa nắng ấm, ánh sáng chan hòa khắp miền duyên hải Thái Bình Dương, các danh lam thắng cảnh, rồi gặp gỡ bà con thân quyến. Tất cả đều là lý do chính đáng để gọi nhau về họp đoàn. Đại hội Nhẩy dù toàn thế giới, đại hội Thủy quân lục chiến toàn thế giới. đại hội Hải quân toàn thế giới. Đại hội Gia Long toàn thế giới. Rồi bây giờ là đại hội trường nữ Lê văn Duyệt cũng toàn thế giới.

Trên lầu 2 của đại sảnh tửu lầu vương giả Dynasty vào chiều chủ nhật, các nữ sinh con cháu của ngài tổng trấn Gia định thành đã mặc áo xanh rực rỡ múa cây quạt tím để chào mừng quan khách.Trên cây quạt là các địa danh được viết lên và được đọc lên xem người về từ nơi nào. Người về từ Việt Nam, từ các tiểu bang Hoa Kỳ, từ các nước năm châu, lục địa và sau cùng người về từ California.

Ba thế hệ trình diễn

Khán giả hết sức ngạc nhiên khi thưởng thức một chương trình văn nghệ công phu dù cây nhà lá vườn. Đây là một buổi văn nghệ có thể nói văn vẻ là chim sơn ca hát ở vỉa hè trước sân nhà và hoa vàng nở ở vườn sau. Đôi khi sân khấu của nhà hàng dường như quá nhỏ bé và chật chội với số lượng các nghệ sĩ tài tử trình diễn hết sức sống động nhiệt thành.
Ban tổ chức dành cảnh mái trường xưa Lê văn Duyệt làm nền chính cho các bản đơn ca, song ca, tam ca và hát cộng đồng liên tục. Những lời giới thiệu phần lớn nói trực tiếp bằng những tấm lòng qua câu chuyện đơn giản thay vì đọc văn hoa trên giấy in sẵn.
Ba thế hệ văn nghệ được giới thiệu từ tiếng hát 70 của các giáo sư đến tiếng hát 50 của nhiều lớp cựu nữ sinh cho đến tiếng hát của con cháu thuộc thế hệ 20.

Ban tổ chức, ban văn nghệ và các thành viên ai nấy đều nỗ lực để chương trình được phong phú và khác biệt. Từ các màn văn nghệ cho đến trình diễn thời trang tây phương phối hợp với nón lá Việt Nam. Rồi tặng hoa trao quà cho thầy và cô giáo.

Chuyện ông thầy toán

Một trong số các nam giáo sư là ông thầy dạy toán của Lê văn Duyệt đã có dịp hội ngộ với học trò. Thầy là nhà mô phạm bị động viên rồi biệt phái về tiếp tục gõ đầu trẻ.
Sau 1975 thầy bị tù cải tạo 3 năm. Vợ thầy trước 1975 thì làm ăn buôn bán. Cô nói rằng khi thầy đi tù thì cô chỉ bán chứ không có buôn. Toàn thể của cải đồ đạc trong nhà đem ra bán hết. Ông thầy toán Lê văn Duyệt sau khi ra tù đã giải được bài toán của cuộc đời. Thầy vượt biên với con trai năm 1980 rồi vào Mỹ. Chín năm sau đoàn tụ được với cô và con gái còn lại. Bây giờ 36 năm sau, thầy cô là những khách danh dự của Lê Văn Duyệt. Trong lễ cắt bánh kỷ niệm của các học trò nhỏ bé năm xưa nay cũng đã là bà nội bà ngoại, ông thầy toán chợt thấy nghẹn ngào.

Bà giáo Việt văn còn lên nói lời hoa mỹ. Bà giáo dạy hát còn cất tiếng ca. Riêng ông thầy toán thì vui mừng thấy bài toán của cuộc đời thầy trò đã giải xong. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, gia đình và học đường nào cũng cộng trừ nhân chia. Chiến tranh, sống chết tù đầy, vượt biên theo phân số. Có cả tử số lẫn mẫu số chung.Từ Bắc vào Nam. Từ miền Nam trôi giạt bốn phương trời chẳng theo một phương trình nhất định. Trời cao biển rộng, ai mà biết được đâu là hàm số âm dương.

Không bao giờ ông thầy toán hiền lành nghĩ rằng có ngày gặp lại các cô học trò cũ bây giờ đã gần lục tuần mà còn nhí nhảnh như con nít, để các cậu Hồ Ngọc Cẩn lăng xăng chạy quanh như một lũ học trò nhất quỷ nhì ma.Thầy nói rằng cái ân tình sâu xa nhất là lũ trẻ ngày xưa khi đã thành ông nọ bà kia, vẫn còn nhớ đến câu “Nhất tự vi sư” mà gửi quà về cho thầy cô tại quê nhà. Những món quà chan chứa ân tình.

Nhưng rồi những giây phút xúc động đã qua đi. Tinh thần học sinh trẻ trung lại trở về trong ngày hội ngộ. Với tiếng hát hết sức mạnh mẽ và truyền cảm của ca sĩ Diễm Liên, con trai đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn mặc đồ tây ôm con gái quan tổng trấn Lê Văn Duyệt mặc áo dài xanh, mắt phượng mày ngài, cả hai nhảy nhót tưng bừng.

Ba mươi sáu năm trước, vẳng nghe như có tiếng ve kêu khi hoa phượng nở ở sân trường Gia Định, và có cả tiếng hát bản Hè Về.
Ba mươi sáu năm sau, dù ân tình chan chứa nhưng sân khấu về khuya ở San Jose vẫn còn vang lên điệu cha cha cha với lời ca que sera sera.

© Giao Chỉ San Jose
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments:

Post a Comment