Wednesday, June 29, 2011

TỪ A PHÚ HÃN QUA PAKISTAN (Nguyễn Xuân Nghĩa)



Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 201110628
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

2011-06-28

Nghệ thuật dời cột mốc – và đánh bùn sang ao....

Hý họa của Michael Ramirex trên nhật báo tài chánh IBD ngày 28 Tháng Sáu:
"Dồn quân vào - rút quân ra - đôn quân tới - chạy lòng vòng - nói là muốn thắng rồi lại muốn rút. Hóa ra chỉ là một vũ điệu chính trị!"

Tuần truớc, ngày 22 Tháng Sáu, Tổng thống Barack Obama long trọng công bố lịch trình rút quân khỏi A Phú Hãn để chấm dứt một cuộc chiến sẽ được coi là lâu dài nhất lịch sử Hoa Kỳ, gần 10 năm và còn lâu dài hơn cuộc chiến Việt Nam.

Ông Obama thông báo rằng "trên thế mạnh", từ nay đến cuối năm Hoa Kỳ sẽ rút khoảng 10.000 quân qua hai đợt và sang năm tới sẽ rút thêm, tổng cộng chửng 30.000 quân cho đến Tháng Chín, tức là ngay trước bầu cử. Tháng 11. Sau đó Hoa Kỳ có thể tiếp tục triệt thoái khi chính quyền Hamid Karzai tại Kabul có thể thay thế dần việc bảo vệ an ninh lãnh thổ bằng lực lượng an ninh bản xứ. Đến năm 2014 việc chuyển giao này hoàn tất và dân A Phú Hãn sẽ lãnh trách nhiệm tự vệ.

Lại một quyết định chính trị xuất phát từ cuốn lịch tranh cử Hoa Kỳ trong một vấn đề chiến lược cho nước Mỹ và các quốc gia khác.

Tuần trước, khi ra điều trần trước Quốc hội hôm 23, lãnh đạo Quân lực Hoa Kỳ là Đô đốc Mike Mullen và Đại tướng David Petraeus, Tư lệnh Chiến trường A Phú Hãn, tỏ vẻ dè dặt hơn.

***

Khi tranh cử năm 2008, Nghị sĩ Barack Obama kịch liệt chống quyết định tham chiến tại Iraq của chính quyền tiền nhiệm và cũng nói rõ, rằng nếu chiến trường Iraq thiếu chính nghĩa quốc tế thì chiến trường A Phú Hãn có chính nghĩa và là chuyện chính đáng về mục tiêu và phương thức quốc tế. Sau khi đắc cử Tổng thống, ông Obama quyết định sẽ đôn quân vào A Phú Hãn, như quyết định ông Bush tại Iraq vào đầu năm 2007. Đó là dồn quân tạo động lượng chính trị hầu dàn xếp một giải pháp liên hiệp cho việc triệt thoái. Ngày mùng một Tháng 12 năm 2009, ông thông báo tại trường Võ bị West Point việc đưa thêm 30.00 quân vào A Phú Hãn.

Truyền không chú ý đến việc quân số Mỹ trên chiến trường A Phú Hãn đã tăng gấp ba, từ hơn 30 ngàn lên tới 100.000. Dư luận ít chú ý đến sự kiện đó nhờ quân số đã giảm tại Iraq do chiến lược dồn quân đánh tới của Bush. Bây giờ, việc giảm quân sẽ bắt đầu tại A Phú Hãn vì đa số dân chúng lại sốt ruột và không còn ủng hộ cuộc chiến nữa.

Cuộc chiến bùng nổ tháng 10 năm 2001 vì vụ khủng bố 9-11. Chính quyền Bush quyết định tấn công A Phú Hãn để lật đổ chế độ Taliban tại Kabul và phá vỡ mạng lưới khủng bố al-Qaeda do chế độ này chứa chấp. Chiến dịch hoàn thành mục tiêu mỹ mãn vì quân Taliban bị đẩy lui khỏi thủ đô Kabul, và đầu não của al-Qaeda bị tê liệt.

Nếu chỉ xét tới mục tiêu thuần túy quân sự ban đầu thì coi như Hoa Kỳ đã thắng với 30 ngàn quân: al-Qaeda không tái diễn trò khủng bố 9-11 trong lãnh thổ Mỹ và không chế độ Hồi giáo nào bị lật đổ theo lời kêu gọi của al-Qaeda. Nhưng, thật ra tiêu diệt kẻ thù vẫn chưa giải quyết vấn đề vì nhiều lý do. Mâu thuẫn của Chính quyền Bush nằm ở đó.

Các lý do ấy là: thứ nhất lực lượng Taliban tránh giao tranh và chuyển qua chiến tranh du kích, bảy năm sau thì tiến lên hình thái chiến tranh nổi dậy. Thứ hai, lực lượng đầu não của al-Qaeda phải dạt vào các khu vực hiểm yếu của A Phú Hãn và Pakistan, nhưng cũng phát triển mạng lưới khủng bố trong các nhóm "Thánh chiến" cực đoan của các quốc gia khác. Thứ ba, A Phú Hãn chưa có chính quyền đủ mạnh để kiểm soát an ninh bên ngoài một số khu vực và chưa thể thâm nhập sâu rộng vào xã hội. Thứ tư, việc xây dựng nền móng quốc gia và phát triển dân chủ cho chính quyền Hamid Karzai tại Kabul không hoàn tất nhanh chóng. Đó là mâu thuẫn giữa khả năng quân sự rất mạnh của Mỹ và thực tế chính trị rất yếu tại một xứ có quá nhiều vấn đề.

Cho nên, rút tỉa bài học từ Iraq, ông Obama dồn quân vào A Phú Hãn và coi như đã hoàn thành mục tiêu để nói đến việc rút quân.

Nhưng nếu nhìn trên toàn cảnh thì chiến trường A Phú Hãn là cơn ác mộng vì xứ này bị khoá trong lục địa ở giữa một vùng hiểm trở nên việc tiếp vận đòi hỏi nhiều tốn kém.

Về kinh tế, muốn đưa một lít xăng vào đó, quân lực Mỹ tốn cỡ 100 đô la, thả một chiến binh thì tốn một triệu, huấn luyện và trang bị để nuôi một chiến binh A Phú Hãn thì tốn ngàn Mỹ kim một tháng. Việc tranh thủ và tuyển mộ để huấn luyện binh lính địa phương thay thế lực lượng Hoa Kỳ là một đòi hỏi khách quan! Nhưng cũng đòi hỏi nhiều điều kiện về ngoai giao, chính trị và quân sự.

Về ngoại giao, Hoa Kỳ cần đến sự hợp tác có điều kiện của Liên bang Nga để có thể lập cầu không vận từ các nước Baltic trên mạn Bắc của Âu Châu qua lãnh thổ Nga và các nước Trung Á thân Nga. Chiến trường A Phú Hãn khiến Mỹ nợ Nga nhiều chuyện, có khi phải trả giá ở nơi khác, do người dân xứ khác hứng chịu!

Cũng trong mục tiêu tiếp vận, về chính trị, Hoa Kỳ không thể đưa quân từ lãnh thổ một đồng minh là Turkey vì Chính quyền Ankara từ chối việc đó, mà phải gây sức ép cho Pakistan thành đồng minh để có hai hành lang tiếp tế. Đó là một vấn đề khi vào - và nay sẽ còn là vấn đề khi ra.

Pakistan là một xứ hiếm hoi đã công nhận chế độ Taliban năm xưa và là nguồn tiếp vận đã huấn luyện lực lượng Taliban thời nội chiến A Phú Hãn từ khi Liên Xô rút quân năm 1989 cho đến khi Taliban vào Kabul năm 1996. Việc Pakistan yểm trợ cho các lực lượng võ trang và thậm chí khủng bố là do sự khuyến khích và tài trợ của Hoa Kỳ và Saudi Arabia để làm suy yếu đạo quân viễn chinh của Liên Xô.

Bây giờ, sau gần 10 năm, cuộc chiến A Phú Hãn trở thành gánh nặng cho một nước Mỹ đang bị bội chi và mắc nợ vì giấc mơ cải tạo xã hội của Obama. Ông phải định nghĩa lại mục tiêu và kết quả để rút quân, và vì nhu cầu tranh cử, muốn rút mạnh và nhanh hơn dự kiến của các tướng.


***

Khi vụ khủng bố 9-11 bùng nổ và Mỹ mở chiến dịch A Phú Hãn, lãnh đạo Pakistan lâm thế kẹt.

Để có viện trợ và khỏi bị "đẩy lui vào thời kỳ đồ đá" như lời hăm một Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Pakistan phải đứng chung chiến tuyến "chống khủng bố" với Mỹ. Họ bèn gian dối: cho Mỹ tin tức về Taliban và al-Qaeda trong khi vẫn nuôi dưỡng các nhóm Taliban! Lý do là để tồn tại. Pakistan vừa dùng lực lượng Taliban khuynh đảo A Phú Hãn để Ấn Độ khỏi bành trướng ảnh hưởng vào đó, lại vừa tiêu diệt các nhóm xưng danh Taliban trong lãnh thổ của mình trên khu vực Tây Bắc.

Bây giờ, khi Hoa Kỳ quyết định rút quân, Pakistan lại rơi vào thế kẹt.

Mừng là vì có cơ hội bành trướng vào khoảng trống do Hoa Kỳ để lại, thậm chí dùng các nhóm Talian thân hữu làm phương tiện khống chế chính quyền Kabul. Nhưng lo là bị... cuốn hút vào lò lửa trong khi lãnh thổ vẫn bị các nhóm Taliban phá hoại. Và lại có Ấn Độ nay là đồng minh của Hoa Kỳ canh chừng phía sau.

Vì vậy, sau khi Chính quyền Obama quyết định triệt thoái, Pakistan nhất thời cái có thế mặc cả là tạo điều kiện cho các đơn vị Hoa Kỳ ra đi thong thả, dù chính nhân sự của họ đã giúp Osama bin Laden lẩn trốn trong hơn năm năm. Nhưng sau đó nghĩa là sau này, lãnh thổ A Phú Hãn và cả Pakistan cũng khó yên! Đâm ra thời hạn Hoa Kỳ triệt thoái hoàn toàn vào năm 2014 là chuyện mơ hồ và là bài toán của chính quyền sau.

Khi đôn quân vào A Phú Hãn, Chính quyền Obama áp dụng giải pháp "đàm phán với kẻ thù" cố hữu.

Tại Iraq, Hoa Kỳ đàm phán và huy động các lãnh tụ Sunni; tại A Phú Hãn thì muốn hòa đàm với các lãnh tụ Taliban trên thế mạnh về quân sự. Nhưng vì ông Obama lại định trước thời hạn rút quân, ông mặc nhiên khuyến khích Taliban nán đợi ngày Mỹ đi.

Nên họ vẫn đánh tỉa để gây thanh thế.

Bây giờ, khi tuyên bố rút 30 ngàn quân từ nay đến Tháng Chín năm tới, Chính quyền Obama tạo điều kiện cho Taliban lấy trớn: giao tranh sẽ gia tăng cường độ và việc huấn luyện quân đội chính quy của Kabul càng gặp trở ngại. Trước viễn ảnh phải sống chung với kẻ thù Taliban, Chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai càng có thái độ chống Mỹ để biểu dương tinh thần độc lập. Kết quả là ngoài đồng minh không đáng tin là Pakistan, Hoa Kỳ có thêm một đồng minh ghét Mỹ tại Kabul.

Nhìn từ bên ngoài vào nội tình của Hoa Kỳ, chúng ta thấy ra sự phân vân hai mặt của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà.

Chính quyền Obama trình bày sự thể là cuộc chiến chống khủng bố đã hoàn tất vì bin Laden bị hạ sát và al-Qaeda hết khả năng hành động. Thứ hai, cuộc chiến chống nổi dậy đã có kết quả. Chưa là chiến thắng - một chữ hoàn toàn không có trong bài diễn văn hôm 22 của ông Obama - nhưng cường độ giao tranh đã giảm. Nhờ thế mạnh này mà Hoa Kỳ đã có thể triệt thoái. Phe diều hâu bên đảng Cộng Hoà lâm thế kẹt y hệt như phe chủ hòa bên đảng Dân Chủ.

Ông Obama dời cột mốc ghi dấu sự thành công – là hết khủng bố - và hạ hàng rào thấp hơn: Mỹ đang rút trên thế mạnh. Lý do rất chính đáng của một chính khách trong mùa tranh cử.

Còn thực tế lại khác: A Phú Hãn và Pakistan sẽ khác xưa và khu vực từ Trung Á đến tiểu lục địa Nam Á còn dễ loạn hơn xưa. Khi ấy, tức là sau này, Hoa Kỳ vẫn phải đồn trú lại một số quân để kiểm soát tình hình. Chúng ta thấy lại một số mâu thuẫn đã gặp trong kịch sử cận đại và nên dự đoán rằng "thắng lợi A Phú Hãn" sẽ báo hiệu nhiều tai họa cho Pakistan.

Nhưng đó là vấn đề của chính quyền kế nhiệm của Hoa Kỳ.

Posted by Nguyễn Xuân Nghĩa at20:44
.
.
.


No comments:

Post a Comment