Wednesday, June 29, 2011

LÀM SAO ĐỐI PHÓ VỚI BẮC KINH Ở BIỂN ĐÔNG (Dana Dillon)




Countering Beijing in the South China Sea
Dana Dillon
Policy Review No. 167, June 2011
Hoover Institute – Standford University

Người dịch: Nguyễn Quốc Khải
26-06-2011

Tại sao Hoa Kỳ không thể để cho tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc tự do hoành hành?
Bà Dana R. Dillon là tác giả của cuốn sách “The China Challenge” (2007) và là một nhà bình luận thường xuyên về các vấn đề Á châu và an ninh quốc gia.

Nguồn bất ổn nguy hiểm nhất tại Á châu là một Trung Quốc đang vươn lên và đòi hỏi quyền lợi. Biển Đông sẽ là nơi mà Trung Quốc dám mạo hiểm nhiều nhất vào một cuộc xung đột võ lực. Lãnh hải ít yên lặng này đang nổi sóng vì những cuộc thao diễn hải quân và những lời tuyên bố hùng hồn. Nhiều học giả, chính trị gia, và những vị tướng lãnh hải quân nghĩ rằng Biễn Đông sẽ là một nơi cạnh tranh giữa những cường quốc.

Người ta bắt đầu suy đoán về những sự va chạm sắp xẩy ra khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố tại Diễn Đàn ASEAN vào tháng 7, 2010 rằng Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia tại Biển Đông. Bà xác định rằng Hoa Kỳ có quyền tự do lưu thông ở Biển Đông, ủng hộ một tiến trình hợp tác để giải quyết những cuộc tranh chấp về lãnh thổ ở khu vực này và bản tuyên ngôn của ASEAN và Trung Quốc vào năm 2002 về cách ứng xử của các quốc gia tại Biển Đông.

Mặc dầu lời tuyên bố của Bà Clinton ủng hộ thỏa hiệp của chính Trung Quốc với những nước Đông Nam Á, ngoại trưởng của Trung Quốc đã phản ứng một cách tiêu cực rằng lời tuyên bố của Bà Clinton “thật sự là một cuộc tấn công vào Trung Quốc”. Giới chức quân sự Trung Quốc tuyên bố chống lại việc quốc tế hóa cuộc tranh chấp giữa sáu quốc gia và tổ chức một cuộc thao diễn hải quân lớn lao khác thường tại Biển Đông vào ngay tuần sau.

Sự đòi hỏi về chủ quyền trên toàn thể khu vực ở Biển Đông và ý định ép buộc thi hành chủ quyền này của Trung Quốc là nguyên nhân của cuộc đối đầu ở biển cả. Nhưng sự xấc xược này của Trung Quốc bắt nguồn từ quan điểm rằng lịch sử ủy nhiệm Trung Quốc cai trị tất cả trên thế gian này. Bành trướng biên giới hàng ngàn dặm xuống Biển Đông chỉ là một cách biểu lộ tầm nhìn này về một trật tự mới của thế giới theo lối Trung Quốc. Phù hợp với tư tưởng “dĩ hoa vi trung” [lấy Trung Hoa làm rốn vũ trụ] (Sinocentric ideology), Bắc Kinh tin rằng quyền lực của Trung Quốc trên các nước nhỏ phải [là yếu tố] quyết định chính sách ngoại giao của những nước này. Sau khi Bà Clinton thử thách Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, ngoại trưởng Trung Quốc nhìn chăm chú vào một nhà ngoại giao Tân Gia Ba và tuyên bố rằng “Trung Quốc là một nước lớn và những quốc gia khác là những nước nhỏ, và đó là sự thật.”[1] Vào ngày thứ Hai tiếp theo, ngoại trưởng Trung Quốc công bố rằng “Quan điểm của Trung Quốc đại diện cho quyền lợi của những người bạn Á châu.”

Việc tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông đã xẩy ra từ vài thập niên trước, nhưng ngày nay chính quyền Trung Quốc cảm thấy đã đạt được nhiều thành quả và Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân có một ngân sách quân sự gia tăng nhanh nhất thế giới. Lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Clinton có thể là một phản ứng đối với những lời tuyên bố trước đây của ngoại trưởng Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc (Dai Bingguo) với chính Bà Clinton và được lập lại với một vài phụ tá Hoa Kỳ rằng việc tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là một quyền lợi cốt lõi ngang với Đài Loan và Tây Tạng. Mặc dù ông Đới Bỉnh Quốc ngưng không dùng từ “cốt lõi” để mô tả chủ quyền lãnh hải, những nhân vật quân sự vẫn sử dụng từ này. Vào tháng 1, 2011 mạng lưới của nhật báo Nhân Dân, một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã tham dò dư luận của độc giả về “Biển Đông có phải là quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc hay không?” 97% của 4,300 người trả lời nói có.[2]

Bảo vệ tự do lưu thông tại một trong những đường hàng hải bận bịu nhất thế giới không dựa vào súng đạn, đòi hỏi một giải pháp thân thiện của những phe tranh chấp. Để bắt đầu một tiến trình giải quyết hoặc trung lập hóa vấn đề đòi hỏi một sự lãnh đạo và sự quyết tâm của Hoa Kỳ. Một chiến lược ngoại giao cứng rắn được hỗ trợ bởi một lực lượng hải quân đáng kể và một sự lãnh đạo kiên nhẫn có thể duy trì được sự cân bằng trong vùng, bảo vệ được tự do lưu thông, sự toàn vẹn của luật quốc tế, và nền độc lập và chủ quyền của những nước Đông Nam Á.

Đối với quan điểm của Hoa Kỳ, giải pháp tồi tệ nhất đối với việc tranh chấp ở Biển Đông là những nước trong khối ASEAN lân cận với Trung Quốc mặc nhiên chấp nhận quan điểm của Bắc Kinh và toàn thể Biển Đông trở thành lãnh thổ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Quan điểm của Bắc Kinh cũng là giải pháp tồi tệ nhất đối với các nước ASEAN và mọi quốc gia liên hệ đến thương mại trên trái đất. Nhưng cũng sẽ là một giải pháp tệ hại nếu Hoa Kỳ đối đầu song phương với Trung Quốc mà không có hậu thuẫn vững chắc và cam kết đối với những hành động của Hoa Kỳ bởi những quốc gia ven biển đòi chủ quyền ở Biển Đông và bởi những đồng minh Á châu và Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Không có sự liên minh ở trong vùng, Hoa Kỳ sẽ mắc kẹt vào một chiến dịch ở cuối đường tiếp vận nhưng lại ở sâu trong tầm với của một cường quốc lớn đang vươn lên.

Một giải pháp lý tưởng đối với những nước ASEAN là chống lại lập trường của Trung Quốc và khẳng định về một giải pháp đa phương dựa trên Quy Ước về Biển của Liên Hiệp Quốc (U.N. Convention on the Law of the Sea – UNCLOS) và luật lệ ứng xử ghi rõ trong Hiệp Định Thân Hữu và Thương Mại mà Trung Quốc đã ký kết vào năm 2002. Giải pháp này không thể thực hiện được trừ khi các quốc gia ASEAN phát triển tài nguyên về chính trị, kinh tế và quân sự để thử thách ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong ngắn hạn, các quốc gia ASEAN có thể dựa vào Hoa Kỳ, và những sức mạnh khác trong vùng như Nhật Bản, Ấn Độ, và Úc Châu, trong khi những quốc gia ASEAN phát triển khả năng ngăn chặn của mình. Trong dài hạn, những nước này phải tự đối phó.

ASEAN sẽ lưỡng lự chấp nhận sự trợ giúp của Hoa Kỳ nếu đó chỉ là một phần của chính sách địa chính chống Trung Quốc của Hoa Kỳ. Trung Quốc không những chỉ là một nước láng giềng đối với Đông Nam Á, những cũng là một đối tác thương mại, đầu tư, và một đồng minh chính trị trong một số trường hợp. Xác nhận sự đe dọa của Trung Quốc và yêu cầu những nước ASEAN tham gia vào trong một liên minh chống Trung Quốc là một công thức sẽ đưa đến thất bại. Thay vào đó, Hoa Kỳ phải phát triển cho những nước Á châu một tầm nhìn rõ ràng trái ngược với sự áp đặt quyền bá chủ theo lối cổ xưa của Trung Quốc. Tầm nhìn cần phải bao gồm những nguyên tắc truyền thống của Tây Phương: tự do thương mại, độc lập chính trị, và chủ quyền về lãnh thổ.

Vấn đề Biển Đông

Sáu nước đòi chủ nguyền về các đảo ở Biển Đông là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Cộng Hòa Trung Hoa (Đài Loan), Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân, và Brunei. Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền ở Biển Đông bằng cách dựa trên di vật văn hóa, những ám chỉ văn học mơ hồ, hoặc xâm chiếm công khai. Việt Nam cũng đòi chủ quyền trên tất cả các đảo ở Biển Đông bằng cách dựa vào những tài liệu lịch sử, sự từ bỏ quyền sở hữu của Nhật Bản trên những hòn đảo ở Biển Đông, và những văn bản pháp lý về một vài hòn đảo từ thời Pháp đô hộ. Phi Luật Tân, Mã Lai, và Brunei đòi chủ quyền trên tất cả hoặc một phần của quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) bằng cách phần lớn dựa trên đặc khu vực kinh tế (exclusive economic zone – EEZ) và thềm lục địa. Theo Quy Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, một EEZ nới rộng 200 hải lý từ đường nước thấp ở bờ biển. Bản đồ Biển Đông của Trung Quốc cho thấy những đường chấm kéo dài xuống đặc khu kinh tế ở đảo Natuna của Nam Dương, và có tiềm năng lôi cuốn Nam Dương trở thành nước thứ bẩy trong vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Đây không phải là một vấn đề pháp lý khó hiểu mà là một sự đe dọa cận kề và nguy hiểm đến kinh tế toàn cầu và môi sinh của vùng. Những đường hàng hải qua Biển Đông nối liền Á châu với Âu châu làm cho Biển Đông là một khu vực bận rộn nhất thế giới. Gần một nửa dịch vụ chuyên chở bằng đường thủy của thế giới đi qua Biển Đông và từ Trung Đông một phần đáng kể dầu được chở đến miền Đông Bắc Á châu. Biển Đông cũng có rất nhiều khoáng chất hydrocarbons dưới nhiều dạng khác nhau. Vụ biên giới không giải quyết và sự đe dọa quân sự trắng trợn làm cản trở việc khai thác những tài nguyên này một cách hoàn toàn. Sau cùng vì việc đánh cá quá độ, mức cá thu hoặch giảm một cách đáng kể, khiến ngư dân phải dùng những kỹ thuật xông xáo hơn. Nếu không có một thỏa hiệp đa phương để quy định việc đánh cá ở Biển Đông, kỹ nghệ đánh cá và tình trạng sinh thái sẽ nhanh chóng trở thành một thảm họa.

Yêu sách của Trung Quốc

Tất cả những nước đòi chủ quyền ở Biển Đông đều chứng minh quyền sở hữu của mình bằng cách sử dụng định nghĩa của Quy Uớc LHQ. Chỉ có Trung Quốc sử dụng những phương tiện như sức mạnh về kinh tế, chính trị và quân sự, một lập trường ngoại giao không dung hòa; và đã biểu lộ thái độ hung hăng nhằm đạt được những mục tiêu của họ. Sự việc này làm cho Bắc kinh trở nên một nước quan trọng nhất trong việc giải quyết tranh chấp đất đai và cũng là một chướng ngại to lớn nhất cho việc tìm kiếm giải pháp.

Khi có những bàn cãi ngoại giao và thương thuyết để tìm giải pháp cho sự tranh chấp, Bắc Kinh luôn luôn nhắc nhở những quốc gia khác rằng Biển Đông là của Trung Quốc và từ chối không thương lượng ngoại trừ các nước chấp nhận chủ quyến không thể tranh cãi của Trung Quốc. Cho tới hôm nay, chiến thuật của Trung Quốc là chỉ chấp nhận thương thuyết song phương và tránh sử dụng Quy Ước LHQ hoặc bất cứ phe nào ở ngoài. Ngoài ra, Trung Quốc đã ra nhửng bản tuyên ngôn và định nghĩa làm tiến trình tìm kiếm giải pháp trở nên vô cùng phức tạp và đặt Trung Quốc vào vị đụng độ với tất cả mọi quốc gia trong thế giới hàng hải.

Đối với những nước có bờ biển phức tạp và cong queo, như Na Uy hoặc những quốc gia có nhiều đảo như Phi Luật Tân và Nam Dương, việc vẽ ranh giới duyên hải rất khó khăn. Thềm lục địa và những khó khăn này được thừa nhận bởi Quy Ước LHQ như Điều 7 (đường thẳng), Điều 47 (đường đảo cong queo), và Điều 76 và Điều 77 (thềm lục địa). Những điều khoản này cho phép những quốc gia vẽ ranh giới cho những vùng duyên hải phức tạp và chật hẹp và những hòn đảo miễn là những ranh giới này không cản trở tự do lưu thông thường lệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh nới rộng định nghĩa của nhửng điều khoản này và áp dụng cho những hòn đảo Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền và phần đất dọc theo đường biển.(3)

Ủy Ban Thường Trực của Quốc Hội Trung Quốc thông qua “Đạo Luật về Lãnh Hải và Những Khu Vực Lân Cận” (Luật Lãnh Hải) vào ngày 25 tháng 02, 1992. Luật này không nói rõ những phần đất nào Trung Quốc đòi hỏi, nhưng xác định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và Trường Sa (Spratly Islands). Ngoài ra, Trung Quốc phổ biến một bản đồ bao gồm toàn thể Biển Đông từ đảo Hải Nam đến đảo Natuna của Nam Dương trong một vòng lãnh hải kín. Vào năm 1993, bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc cam kết miệng với bộ trưởng ngoại giao của Nam Dương rằng Trung Quốc không đòi hỏi đảo Natuna đông dân cư và quan trọng về mặt kinh tế. Tuy nhiên từ đó đến nay, Bắc Kinh chưa chính thức xác nhận lời tuyên bố này.

Theo Quy Ước LHQ và thông lệ quốc tế, “lãnh hải” (“territorial waters”) trải rộng 12 hải lý từ đường bờ biển ở mực nước thấp nhất. Tuy nhiên khi ký Quy Ước LHQ Bắc Kinh đã đính kèm bản tuyên ngôn bao gồm định nghĩa về lãnh hải và quyền của những quốc gia giáp ranh với biển khác với những điều viết trong Quy Ước LHQ.

Ngoài ra, Trung Quốc còn tuyên bố rằng:

1. Theo những điều khoản của Quy Ước LHQ về Luật Biển, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc sẽ hưởng chủ quyền và quyền hạn pháp lý trên đặc khu kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa.
2. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc qua những cuộc tham khảo, sẽ ấn định ranh giới lãnh hải với những nước có bờ biển đối diện hoặc kế cận Trung Quốc lần lượt trên căn bản luật quốc tế và theo nguyên tắc công bằng.
3. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc tái xác nhận chủ quyền trên những quần đảo và đảo như đã liệt kê tại Điều 2 của Đạo Luật về Lãnh Hải và Những Khu Vực Lân Cận, đã được ban hành vào 25 tháng 2, 1992.
4. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc tái xác nhận rằng những điều khoản của Quy Ước LHQ về Luật Biển liên quan đến lưu thông qua lãnh hải không làm thiệt hại đến quyền của nước ven biển đòi hỏi, theo đúng luật lệ của nước này, một quốc gia khác phải xin sự chấp thuận trước từ hoặc báo trước cho nước ven biển để những chiến hạm của quốc gia này đi qua lãnh hải của nước ven biển.

Những tuyên bố này thay đổi đáng kể ý nghĩa của những điều khoản trong Quy Ước LHQ và trái ngược rõ ràng với luật biển thông thường. Trung Quốc đòi hỏi rằng đặc khu kinh tế không phải chỉ là ranh giới kinh tế (economic boundary) mà là ranh giới có chủ quyền (sovereign territory). Khi nới rộng ranh giới lãnh hải 200 hải lý, Trung Quốc cũng đòi hỏi rằng những hòn đảo không có người ở và những giải đá ngầm ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc và như vậy sẽ có đặc khu kinh tế 200 hải lý từ mỗi đảo và thềm lục địa sẽ được nới rộng ra xa theo như Bắc kinh muốn. Sau cùng những tuyên ngôn trên nới rộng đáng kể những đặc quyền của Trung quốc, một nước ven biển, bằng cách đòi hỏi các chiến hạm đi qua trước hết phải xin giấy phép của Trung Quốc. Đây là một vi phạm Quy Ước LHQ về Luật Biển và luật lệ thông thường.

Quan điểm của chính quyền Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vùng, vấn đề tự do lưu thông của phi cơ và thuyền bè, kể cả lực lượng hải và không quân Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc có quyền thi hành chủ quyền ở Biển Đông, tất cả những thương thuyền đi qua vùng biển này, bất kể mang cờ nào, cũng sẽ phải tuân theo luật lệ của Trung Quốc và bất cứ lệ phí nào, thuế và những giới hạn khác mà Trung Quốc chọn lựa để áp đặt. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ có quyền đánh cá và khai thác khoáng sản ở Biển Đông mà những quốc gia ven biển khác dựa vào đó một phần lớn để sinh sống. Sau cùng việc Trung Quốc đòi hỏi các chiến hạm đi qua Biển Đông phải xin phép đương nhiên triệt tiêu quyền tự do lưu thông vô hại của các chiến hạm này. Hơn nữa, các chiến hạm đi qua vùng biển này sẽ chịu những giới hạn về hoạt động.

Nếu áp dụng vào Biển Đông những giới hạn này sẽ thu hẹp nghiêm trọng hoạt động của Hải Quân Hoa Kỳ và cản trở khả năng bảo vệ vận chuyển hàng hải của Hoa Kỳ và quốc tế. Hơn nữa, căn cứ vào quan điểm của Trung Quốc, những việc xẩy ra sau đây không phải là tình cờ và biệt lập: (1) tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về hoạt động của phi cơ do thám EP-3 gần đảo Hải Nam vào tháng Tư, 2001; (2) những hành động quấy rỗi hai chiến hạm của Hoa Kỳ USNS Impeccable và Victorious vào mùa xuân 2009; (3) Sự đụng độ giữa một tầu ngầm của Trung Quốc và chiến hạm USNS John McCain vào tháng Sáu, 2009; và (4) tập dượt hải quân để phô trương lực lượng mới đây ở vùng Hoàng Hải (Yellow Sea). Những sự kiện trên đây nằm trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và rất có thể là vòng đầu trong trận đấu đang leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Yêu sách của Trung Quốc mạnh như thế nào?

Trong thế kỷ thứ IX, một chiếc thuyền buồm Ả Rập (dhow) chìm ở ngoài khơi của đảo Belitung, nay ở trong lãnh hải của Nam Dương ở phía nam của Biển Đông. Chiếc thuyền này chứa khoảng 60,000 di vật bằng vàng, bạc, và đồ sứ phát suất từ hải cảng ở miền nam của tỉnh Quảng Châu (Quangzhou) và đi đến các thị trường ở Đông Nam Á. Những ngư dân Nam Dương đã khám phá chiếc thương thuyền này vào năm 1998 và được xem như là một khảo cổ quan trọng được tìm thấy trong ngành hàng hải.

Con tầu bị đắm gần đảo Belitung không phải là thuyền của Trung Quốc (Trung Quốc dưới triều đại nhà Đường (Tang Dynasty) không có một nền văn hóa đi biển), nhưng nó là biểu tượng của tư tưởng “dĩ hoa vi trung” của Trung Quốc trong vùng Đông Á. Việc đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông một phần dựa vào những di vật cổ, tiền kim loại, những mảnh vỡ của đồ sứ, và những thứ tương tự rơi vãi trên những hòn đảo nhỏ trong Biển Đông. Những di vật này rất có thể không phải do thủy thủ Trung Quốc để lại. Sự kiện này xem ra không ảnh hưởng đến những yêu sách kỳ dị của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng không chứng minh được rằng dân Trung Quốc sống thường trực trên những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bởi vì những hòn đảo này không sống được. Nhiều hòn đảo bị ngập nước hoàn toàn hoặc một cách gián đoạn. Những đảo hầu hết khô ráo lại thiếu nguồn nước và chịu ảnh hưởng của gió mùa và mưa lũ. Ngày nay, nhân số của những đảo này đều là những đơn vị quân sự được duy trì bởi những chi phí lớn lao của những chính quyền liên hệ. Những binh sĩ này chịu nhiều rủi ro. Những hòn đảo này không thể gọi là có một đời sống kinh tế và không thể tạo ra được một đặc khu kinh tế theo Điều 121 của Quy Ước LHQ.

Trung Quốc cũng dẫn chứng một số văn bản mơ hồ, đáng ngờ vực, có tính cách lịch sử có từ hơn 2.000 năm trước đây để cố gắng chứng minh chủ quyền của mình trên Biển Đông.[4] Chắc chắn là những nhà thám hiểm và ngư dân Trung Quốc đi qua Biển Đông trong hai ngàn năm và một số người đã ghi chép lại kỳ công của mình, nhưng cũng rõ ràng rằng Trung Quốc theo truyền thống xem đảo Hải Nam là tiền đồn cuối cùng về phương nam của nền văn minh Trung Quốc, chắc chắn cho tới cuối thế kỷ XIX.[5]

Những tài liệu cổ của Trung Quốc không phủ nhận được những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, hoặc Nam Dương. Có nhiều tài liệu khảo cổ chứng minh rằng những người dân Đông Nam Á đã sống trên những quần đảo này trước khi có lịch sử Trung Quốc bằng văn bản. Có nhiều đợt sóng di dân đã đi đến hai quần đảo Nam Dương và Phi Luật Tân từ 250,000 năm trước. Những người này vượt qua Biển Đông để đến định cư tại những nơi mà con cháu họ ngày nay đang sinh sống. Mặc dầu, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa quá nhỏ để có thể sống thường trực ở đây, những người dân của những quốc gia ven biển đã đánh cá và khai thác những hòn đảo này trước khi Trung Quốc tồn tại.

Đối với những nước ven Biển Đông, yêu sách của Trung Quốc giống như yêu sách của một người hàng xóm đòi hỏi là con đường trước nhà của quý vị là tài sản cá nhân của họ. Ngoài ra, người hàng xóm này còn đòi hỏi cả vỉa hè, khúc đường lái xe vào nhà, vườn đằng trước đến tận những bậc thềm dẫn vào cửa nhà cũng thuộc về họ. Những kẻ bảo vệ có võ trang của người hàng xóm đậu xe trên khúc đường lái xe vào nhà của quý vị. Chúng cũng có thể ngắt những bông hoa trong vườn của quý vị. Nếu quý vị hay những người hàng xóm khác phản đối, chúng sẽ phủ nhận giá trị của quyền sở hữu của quý vị và từ chối giải quyết ở tòa án. Nếu có người nào khăng khăng đòi quyền sở hữu, họ sẽ bị những kẻ bảo vệ đánh đập.

Những tầm nhìn tranh đua

Cộng đồng thế giới, lãnh đạo bởi Hoa Kỳ, đang theo đuổi một tầm nhìn về tương lai của Đông Nam Á và một giải pháp cho cuộc tranh chấp về Biển Đông, cạnh tranh với quan điểm về thế giới của Trung Quốc. Tầm nhìn của thế giới về các quốc gia theo mô hình Westphalian về các nước độc lập với chủ quyền về lãnh thổ. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Quy Ước LHQ về Luật Biển là biểu hiện của mô hình này. Mặt khác, tầm nhìn của Trung Quốc là một trật tự thế giới theo kiểu Trung Quốc, một bộ mặt mới của một hệ thống chư hầu triều cống cổ xưa theo đó, Trung Quốc là một quyền lực ở trung tâm và Bắc Kinh là cực chính trị của thế giới.

Những quốc gia Đông Nam Á đã theo mô hình Westphalian và thành lập ASEAN để bảo vệ chủ quyền và nền độc lập của mỗi thành viên. Tuy nhiên, hệ thống chư hầu là một phần quen thuộc của lịch sử Đông Nam Á. Nó được chấp nhận với sự mất mát của nền độc lập như một giải pháp thay thế cho việc phải đương đầu với sức mạnh của Trung Quốc.

Trật tự thế giới theo kiểu Trung Quốc.

Cơ chế của hệ thống chư hầu thường được mô tả một cách tương đối nhân từ. Những ông vua của những nước [nhỏ] hoặc những sứ thần của những vua này nộp vật cống và quỳ lạy trước hoàng đế Trung Quốc, công nhận chủ quyền của hoàng đế. Ngược lại, những vua được hoàng đế ban cho những tặng vật đắt tiền và đặc quyền thương mại sinh lời. Theo những nhà sử học tán thành hệ thống chư hầu, những hoàng đế Trung Quốc ít khi nào can thiệp vào nội bộ của một nước và không ham lợi về đất đai.

Sự thật là những hoàng đế Trung Quốc xem những vương quốc chư hầu tương tư như những quốc vương Âu châu xem những thuộc địa của mình: Hoàng đế không do dự sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ tài sản của mình. Thí dụ vào thế kỷ XV, một vị vua chư hầu ở đảo Java của Nam Dương giết chết một vài sứ thần của hoàng đế Trung Quốc được gửi tới để công nhận lễ phong chức của một vua của vùng Palembang, một thuộc địa của Trung Quốc nhưng trước đó lệ thuộc vào Java. Hoàng đế Trung Quốc gửi một hạm đội lớn để đòi vua của Java nộp 60,000 lượng vàng để chuộc tội và do đó vua này có thể bảo tồn đất đai và dân. Nếu không quân Trung Quốc sẽ ra tay trừng phạt.

Sau khi lật đổ ngai vàng của hoàng đế Trung Quốc vào năm 1947, Đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm cách kiểm soát tất cả những vương quốc chư hầu. Học giả John K. Fairbanks chuyên về Trung Quốc đã mô tả quan điểm về thế giới của Trung Quốc bằng những vòng tròn đồng tâm với vòng bên trong gọi là “Vùng Trung Quốc” (Sinic Zone) bao gồm những nước có một nền văn hóa tương tự. Tiếp đến là “Vùng Nội Á” (Inner Asia Zone) bao gồm những nước chư hầu giáp ranh với lãnh thổ Trung Quốc, và một “Vùng Ngoài” (Outer Zone) bao gồm những giống dân man rợ. Vương quốc Kashgar trước đây đã là một nước chư hầu nằm trong Vùng Ngoài và Hàn quốc nằm trong Vùng Trung Quốc. Ngày nay, cựu vương quốc Kashgar là một phần của một tỉnh của Trung Quốc được đổi tên là Tân Cương (Xinjiang). Mặc dầu thuộc địa này đã hai lần tuyên bố độc lập là Cộng Hòa East Turkistan vào năm 1933 và 1944, Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân đã “giải phóng” nước này và sát nhập vào Trung Quốc vào năm 1949.

Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc thiếu sức mạnh để nới rộng ảnh hưởng trên tất cả các nước chư hầu cũ. Hàn quốc thoát khỏi số phận của Kashgar vì sự vươn lên của Đế Quốc Nhật. Hàn quốc trở thành trận địa giữa hai đế quốc Nhật Bản và Trung quốc. Nhật Bản đã chiến thắng vào năm 1895. Mặc dù thời gian Nhật chiếm đóng đã gây ra nhiều thảm họa nhưng, cùng với kết quả của Thế Chiến Thứ Hai, đã giúp Hàn quốc không bị Trung Quốc thôn tính như East Turkistan và Tây Tạng.

Nhận định rằng Hàn quốc có thể chia sẻ số phận của những nước chư hầu cũ không phải chỉ là một ước đoán mà là một ý kiến đã được cứu xét của Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc. Vào năm 2002 chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một dự án nghiên cứu gọi là Dự Án Đông Bắc. Vào năm 2004, những nhà nghiên cứu của Viện Khoa Học Xã Hội tuyên bố rằng cựu vương quốc Koguyo không phải là một vương quốc độc lập của Hàn Quốc mà là một tỉnh của Trung Quốc. Trong cùng năm đó, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã loại bỏ ra khỏi mạng của bộ tất cả những phần nói đến Koguryo trong lịch sử của Hàn Quốc. Chánh phủ Trung Quốc đã chủ xướng những chương trình nghiên cứu gọi là Dự Án Tấy Bắc và Dự Án Tây Nam lần lượt cho Tân Cương và Tây Tạng. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Viện Khoa Học Xã Hội đưa ra dự án nghiên cứu về các cựu vương quốc trong vùng Đông Nam Á.

Đ6ng Nam Á cũng có được nền độc lập nhờ vào sự chiếm đóng của ngoại quốc. Giữa hai thế kỷ XVII và XIX, những cường quốc Âu châu bành trướng đế quốc của mình đến những nước chư hầu của Trung Quốc ở Nam và Đông Nam Á châu, bao gồm cả Việt Nam và một vài vương quốc nằm trong vùng thuộc về Phi Luật Tân và Nam Dương ngày nay. Nhật Bản và Âu châu đã giành giật những nước này ra khỏi bàn tay của Trung Quốc lúc đó đang yếu kém bằng cái mà Trung Quốc ngày nay cho là những “thỏa hiệp bất công” và đã biến những thuộc địa của Trung Quốc thành những thuộc địa của Âu châu. Sau khi đế quốc Nhật bị phá hủy trong Đệ Nhị Thế Chiến và những đế quốc Âu châu rút khỏi Á châu nhưng đã để lại quan niệm về quốc gia độc lập và có chủ quyền. Trung Quốc quá yếu để có thể đòi lại quyền kiểm soát những nước chư hầu cũ trước sự chống đối của Âu châu và Hoa Kỳ, và nhiều quốc gia mới đã được xây dựng trên nền tảng của những thuộc địa cũ, được thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, ít nhất tạm thời.

Để theo đuổi tham vọng của Bắc Kinh, Trung Quốc bất kể những “thỏa hiệp bất công” đã thương lượng với Nhật Bản và Âu châu, và dựa vào những liên hệ chư hầu trước thời kỳ thuộc địa [Âu châu] để đưa những đòi hỏi chủ quyền hiện nay. Thí dụ, giữa 1992 và 2000 Trung Quốc và Việt Nam đã thương lượng về lãnh hải ở Vịnh Bắc Việt. Việt Nam dựa vào Thỏa Hiệp 1887 giữa Pháp và Trung Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc không công nhận giá trị của thỏa hiệp này hoặc những đòi hỏi của Việt Nam dựa vào lịch sử.[7] Sau cùng hai bên đồng ý ký kết thỏa hiệp [mới], nhưng hiển nhiên là quá bất công đối với Việt Nam khiến Hà Nội giữ kín trong nhiều năm. Sau cùng, một số điều kiện bị tiết lộ ra ngoài, kích động đến cảm súc quốc gia và đe dọa sự ổn định của chính phủ Việt Nam.

Vì biên giới hiện nay của mọi quốc gia ở Đông Nam Á đều dựa vào những thỏa hiệp từ thời thuộc địa [Âu châu] (kể cả Thái Lan, một nước không phải là thuộc địa của Âu châu nhưng cũng đã ký thỏa hiệp về biên giới với các đế quốc Âu châu), kinh nghiệm của Việt Nam là một cảnh cáo cho mọi nước ASEAN toan tính thương lượng song phương với Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi Việt Nam kết thúc thỏa hiệp biên giới, Tổng Thống Gloria Macapagal Arroyo của Phi Luật Tân đã ký kết một thỏa hiệp với Trung Quốc vào năm 2004 về việc khai thác dầu. Cũng giống như Việt Nam, bà đã cố gắng giữ kín những điều khoản của thỏa hiệp nhưng không thành công. Phụ lục “A” cho thấy rằng đường biên giới bao gồm một vùng khá lớn của đặc khu kinh tế của Phi Luật Tân. Trong khoảng gần 150.000 cây số vuông bao gồm trong thỏa hiệp, gần 24,000 cây số vuông lãnh hải trước đây chỉ có Phi Luật Tân là nước đòi hỏi chủ quyền. Khi những điều kiện của thỏa hiệp bí mật này bị tiết lộ, cảm súc quốc gia một lần nữa lại bừng lên. Ông Amado Macasaet, chủ nhiệm tạp chí được ưa chuộng và kính trọng Malaya đã nói rằng Tổng Thống Arroyo nên bị kết tội phản quốc vì đã ký thỏa hiệp mà theo ông có liên hệ tới một món tiền nợ “kèm theo hối lộ và tham nhũng”. Sau đó, ngay cả cựu Tổng Thống Marcos bị lật đổ cũng còn được ưa chuộng hơn là Bà Arroyo.

Đối với những thuộc địa cũ của Trung Quốc, có rất ít lý do để tin rằng làm hài lòng Trung Quốc ở Biển Đông sẽ thỏa mãn sự ham muốn về đất đai hoặc quyền bá chủ của Trung Quốc. Trong trật tự mới theo kiểu Trung Quốc, Trung Quốc không phải là một nước trong một cộng đồng mà là một quốc gia văn minh và lâu đời nhất giữa những nước mới mẻ. Chủ quyền của mọi quốc gia sau cùng đều nhờ vả vào Trung Quốc và mức độ độc lập tùy thuộc vào việc đánh giá “quyền lợi cốt lõi” của Bắc Kinh. Khi đặt những cột mốc để đánh dấu biên giới và tái xác nhận “chủ quyền không thể tranh cãi” về Biển Đông, Bắc Kinh dường như muốn ám chỉ rằng “Chúng ta có thể giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng, hoặc khó khăn, nhưng cũng vẫn là theo kiểu Trung Quốc”.

Những nhận thức trong vùng Đông Nam Á

Chính sách ngoại giao hung hăng của Hoa Kỳ nhằm quy tụ một số nước để thành lập một liên minh đối trọng với Trung Quốc chỉ làm cho Trung Quốc càng nghi ngờ về một chiến lược be bờ của Hoa Kỳ trong khi đó những hành động của Hoa Kỳ sẽ làm cho chính phủ của những quốc gia Đông Nam Á xa lánh. Những nước này lưu tâm đối với Bắc Kinh hơn là Hoa Thịnh Đốn và cũng chịu nhiều áp lực kinh tế và quân sự của Bắc Kinh, và do đó những nước này rất do dự không muốn gây thù hằn với Trung Quốc. Lý tưởng là những nước ASEAN muốn Hải Quân Hoa Kỳ hiện diện ở Biển Đông để duy trì hòa bình, trong khi đó những nước này đứng ngoài, tỏ vẻ bất đồng ý kiến và cam đoan với Bắc Kinh rằng ASEAN không liên quan đến hành động của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên về phương diện trí thức, những nước ASEAN có thể làm hơn thế. Tìm hiểu quan điểm của những nước này là bước đầu tiên để phát triển một chính sách quân bình và thích hợp.

Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, và Thái Lan thành lập khối ASEAN vào năm 1967 với một mục tiêu được công bố là nuôi dưỡng hòa bình và ổn định, nhưng mục tiêu quan trọng nhất là vận động mọi thành viên chấp nhận nguyên tắc giống như của mô hình Westphalian “tôn trọng lẫn nhau về nền độc lập, chủ quyền, công bằng, toàn vẹn lãnh thổ, và tính chất đặc thù cửa mỗi nước”. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ASEAN tiếp tục diễn tiến như một công cụ ngoại giao để ngăn cách sự cạnh tranh của các cường quốc trong vùng. Sau chiến tranh lạnh ASEAN tuyển mộ thêm Brunei, Cambodia, Lào và Việt Nam và tập trung vào việc phát triển kinh tế. Trong thế kỷ XXI, một lần nữa những vấn đề an ninh lại trở thành ưu tiên hàng đầu. Trước hết là vấn đề khủng bố quốc tế và cướp biển đã thúc đẩy ASEAN hợp tác, và nay là vấn đề Trung Quốc đang vươn lên.

Căn cứ vào ngân sách quốc phòng gia tăng của những nước Đông Nam Á, một số nhà phân tách tình hình thế giới ước đoán rằng những nước này đã chuẩn bị tranh đua về mặt quân sự với Trung Quốc. Thí dụ, Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Thế Giới ở Stockholm tường trình rằng võ khí nhập cảng vào Nam Dương, Tân Gia Ba, và Mã Lai lần lượt tăng 84%, 146%, và 722% trong năm năm vừa qua. Cùng trong khoản thời gian này, ngân sách quốc phòng của Thái Lan tăng gấp đôi. Một số nhà phân tách lập luận rằng chi tiêu quốc phòng gia tăng đáng kể là dấu hiệu cho thấy là Đông Nam Á lo ngại về mối đe dọa của Trung Quốc. Rất tiếc rằng ngoài những suy diễn dựa vào những con số, nội dung về những hoạt động của chính phủ có rất ít.

Thí dụ tại Mã Lai, chi phi hàng tỉ Mỹ kim để mua tầu ngầm của Pháp và nhiều võ khí đắt tiền khác liên hệ đến tham nhũng quá mức nhiều hơn là chiến lược quốc phòng.[8] Sự thật, lịch sử mua võ khí của Mã Lai xem ra dính với tham nhũng khá nhiều – một cách trang điểm quân đội với những võ khí mật độ thấp, đắt tiền làm vấn đề tiếp vận trở nên phức tạp mà không tăng giá trị chiến đấu.

Tại Thái Lan, việc tăng cường võ trang hiện tại chỉ bắt đầu từ sau cuộc đảo chính vào năm 2006 và một chính phủ phụ thuộc vào quân đội được thành lập. Ngoài ra, mặc dầu các vị tướng đều tán thành một chính sách quốc phòng thân Mỹ, nhưng Thái Lan lại mua võ khí của những công ty không phải là của Hoa Kỳ. Theo một quan điểm tiếp vận, một kho vũ khí đủ loại khác nhau rất khó và tốn kém để bảo trì. Mặt khác, sử dụng những công ty cung cấp vũ khí nhỏ và không phải Hoa Kỳ có thể giúp cho những sĩ quan Thái Lan có cơ hội được tiền lại quả.

Tại Phi Luật Tân, một quốc gia ở Đông Nam Á, thứ hai sau Việt Nam, phải đương đầu với mối đe dọa Trung Quốc, an ninh quốc gia không quan trọng bằng chính trị nội bộ. Kể từ ngày 11/9/2001, Hoa Kỳ giúp Phi Luật Tân cải tiến quân đội. Sự trợ giúp của Hoa Kỳ tăng từ khoảng $38 triệu vào năm 2001 lên gần tới $120 triệu vào năm 2010. Thêm vào đó là hàng triệu Mỹ kim, không tính vào số tiền trợ giúp trên, chi tiêu vào những cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp nhằm tăng cường khả năng của quân lực của Phi Luật Tân. Mặc dù Hoa Kỳ đã có những cố gắng thực lòng, rất tiếc là quân lực của Phi Luật Tân chỉ được cải tiến một cách không đáng kể.

Tình trạng thiếu cải thiện này liên hệ đến việc giảm ngân sách quốc phòng của Phi Luật Tân. Khi Hoa Kỳ tăng viện trợ, Quốc Hội Phi Luật Tân lại giảm ngân sách quốc phòng. Ngoài mối đe dọa từ Trung Quốc, Phi Luật Tân cũng bị bao vây bởi một số nổi loạn, tuy nhiên, phần lớn trang bị của quân đội Phi Luật Tân thuộc vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam và ngân sách quốc phòng chỉ bằng 1% của GDP, hoặc vào khoảng $1.16 tỉ vào năm 2009. Mặc dù hay có lẽ vì viện trợ của Hoa Kỳ không hạn chế, nhiều chính trị gia Phi Luật Tân, kể cả Tổng Thống Benigno Aquino III, cảm thấy rằng họ có quyền được nhiều hơn. Làm ngơ về việc thiếu tài trợ đối với những lực lượng an ninh của Phi Luật Tân, những chính trị gia này đòi hỏi cứu xét lại Thỏa Hiệp về Những Lực Lượng Thăm Viếng (thỏa hiệp này cho phép sự có mặt của quân nhân Hoa Kỳ để huấn luyện Quân Lực Phi Luật Tân). Họ chống đối vì cho rằng Hoa Kỳ không làm đủ để hiện đại hóa Quân Lực Phi Luật Tân và họ dùng Thỏa Hiệp về Những Lực Lượng Thăm Viếng để đòi hỏi thêm bao cấp của Hoa Kỳ.

May mắn là tình trạng an ninh ở Đông Nam Á không phải tất cả đều dễ mua chuộc bằng tiền và biếng nhác. Cả Việt Nam lẫn Nam Dương đều mua sắm nhiều võ khí nhắm vào việc tăng cường an ninh quốc gia. Ngoài ra, sau nhiều thập niên đầu tư khôn ngoan, quân lực Tân Gia Ba thuộc hạng quốc tế và cho tới nay có một sức mạnh lớn nhất trong khối ASEAN.

Trên giấy tờ, hải và không lực của toàn thể ASEAN có vẻ mạnh mẽ. ASEAN có 680 phi cơ chiến đấu với cánh cố định, 412 chiến hạm, và 8 tầu ngầm.[9] Những con số này không đủ để đánh bại Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân với 2,300 phi cơ chiến đấu, 65 tầu ngầm, và 256 chiến hạm, nhưng đủ để là một lực lượng ngăn chặn. Không may là ASEAN không phải là một tổ chức như NATO [North Atlantic Treaty Organization]: Không một nước nào ở trong vùng Đông Nam Á bị ràng buộc vào một thỏa hiệp chung để giúp đỡ một nước khác trong trường hợp bị tấn công. Tuy nhiên có một vài cố gắng ở địa phương để phối hợp hoạt động quân sự.

Nam Dương là một nước lớn trong vùng Đông Nam Á, chiếm khoảng 40% dân số của vùng, có một nền kinh tế lớn nhất và là một nước đang phát triển dân chủ. Tầm nhìn của Nam Dương về những hành động của Trung Quốc phản ảnh tầm nhìn của Nam Dương về chính mình. Phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Thuật và Quốc tế Vụ ở Washington-DC, ông Marty Natalegawa nói “Đối với những thành viên của ASEAN, điều đáng lo ngại hơn là Biển Đông có thể trở thành một sân khấu của sự đối nghịch”. Mục tiêu của Nam Dương, và cũng là của ASEAN, là cân bằng Hoa Kỳ để đối đầu với Trung Quốc nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập.

Chính phủ Việt Nam nhận thức Trung Quốc như một mối đe dọa cho sự sống còn, một lo âu được kiểm chứng bằng kinh nghiệm lịch sử. Việt Nam có một lịch sử được ghi chép lại khoảng 2,700 năm. Trung Quốc chiếm đóng Việt Nam trên một ngàn năm trong số những năm đó và Hà Nội phải chịu đựng một thân phận chư hầu trong phần lớn những thời gian còn lại. Mặc dù trải qua nhiều cuộc chiến khó khăn và lâu dài với Trung Quốc, Hà Nội được hưởng độc lập thực sự trong những giai đoạn ngắn ngủi.

Kinh nghiệm của Hà Nội đối với Trung Quốc sau khi vương quốc Trung Hoa xụp đổ là chủ quyền và nền độc lập của Việt Nam bị Trung Quốc coi thường. Vào năm 1979, Trung Quốc đã tấn công Việt Nam và chiếm đóng một phần của Việt Nam trong một thời gian ngắn để trừng phạt Việt Nam về những chính sách mà Bắc Kinh không thích. Ngoài ra, Hải Quân Trung Quốc trong nhiều trường hợp đã tấn công và đánh chìm chiến hạm của Việt Nam hoạt động ở ngoài khơi miền nam Việt Nam cách xa bờ biển của Trung Quốc hàng trăm dặm; binh sĩ Trung Quốc đồn trú trên những hòn đảo nhỏ và đảo san hô trong đặc khu kinh tế của Việt Nam; chiến hạm Trung Quốc thường xuyên quẫy nhiễu và bắt bớ ngư dân Việt Nam; Bắc Kinh cản trở những nỗ lực khai thác khí thiên nhiên nằm sâu trong đặc khu kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Hà Nội rất cẩn thận không khiêu khích Trung Quốc và tiếp tục theo đuổi quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.

Mặc dù Tân Gia Ba không là một thành phần trong vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, và 75% dân số thuộc gốc Trung Quốc, quan điểm của Tân Gia Ba về một Trung Quốc đang vươn lên chứng minh rằng ASEAN nghi ngờ về ý định của Trung Quốc. Tân Gia Ba là một quốc gia gồm nhiều sắc tộc, nhưng phần lớn dân số xuất thân từ những di dân từ Trung Quốc, phần lớn là những người lao động được tuyển mộ trong thời kỳ Anh đô hộ. Một số quốc gia trong vùng bực bội với Tân Gia Ba và thường nghi ngờ về sự trung thành của nước này, bởi vì dân là những người nhập cư và thành công về kinh tế. Mặc dù, Tân Gia Ba thiết lập liên hệ kinh tế với Trung Quốc trong nhiều thập niên, Tân Gia Ba là một nước cuối cùng trong khối ASEAN thiết lập bang giao chính thức với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vào năm 1990.

Để bảo đảm với những nước láng giềng (và thông báo cho Trung Quốc) rằng Tân Gia Ba không phải là một tỉnh của Trung Quốc, Thủ Tướng Lý Hiển Long trong buổi lễ mừng ngày quốc khánh trong tháng 8, 2010 đã mô tả nền văn hóa đặc thù của Tân Gia Ba, bao gồm việc chấp nhận tiếng Anh là một ngôn ngữ quốc gia và những thức ăn đặc thù của Tân Gia Ba. Để nhấn mạnh về thông điệp trên, một bài xã luận đăng trên tờ Straits Times, một tờ báo quốc gia và cơ quan ngôn luận của chính phủ vào ngày 6 tháng 9, 2010, đã nhấn mạnh rằng dân Tân Gia Ba không phải người Trung Quốc ở hải ngoại, bài báo viết “từ ‘người Trung Quốc hải ngoại’ giầy vò những người Tân Gia Ba thuộc tất cả mọi chủng tộc bởi vì nó ám chỉ rằng những người Trung Quốc ở Tân Gia Ba bằng cách nào đó là ở nước ngoài, tách biệt khỏi ‘lục địa’. Nó cũng ám chỉ rằng một nguyện vọng ‘trở về’ một ngày nào đó. Sự thật là phần đông những người Tân Gia Ba ở tại đây, không phải ở ‘nước ngoài’. Nguồn gốc của họ là ở đây”. Trong một bài xã luận vào mùa hè năm ngoái, tờ báo Straits Times chấp nhận phương pháp mới của Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề Biển Đông và cảnh giác Bắc Kinh rằng “những hành động của họ sẽ được theo dõi chặt chẽ về những gì Bắc Kinh đã nói về sự trỗi dậy hòa bình của một cường quốc đang phát triển”.

Một quan tâm lớn nhất của Tân Gia Ba liên quan đến chính sách mới của Hoa Kỳ không phải là lo sợ khiêu khích Trung Quốc nhưng là tính chất thiếu kiên định của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, một quan điểm phản ảnh vị thế của tất cả ASEAN. Theo quan điểm của ASEAN, mặc dù Trung Quốc rầm rĩ ra những tuyên ngôn và có những hành động quân sự có tính cách phô trương trong nhiều thập niên, Hoa Kỳ tránh xa cuộc tranh chấp; xem ra không biết đến hoặc không quan tâm đến tính tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông và ảnh hưởng đối với vùng Đông Nam Á và toàn cầu. Thí dụ, khi Phi Luật Tân, một đồng minh theo thỏa hiệp với Hoa Kỳ, khám phá một căn cứ hải quân của Trung Quốc trên đảo Mischief Reef, Washington đã không chia sẻ sự phẫn nộ của Manila và không có lập trường nào về sự tranh chấp, ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục bành trướng sự hiện diện của họ.

Nhưng những nước ASEAN vừa thương vừa ghét cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Họ yêu cầu sự yểm trợ trước sau như một và sự hiện diện của Hoa Kỳ để cân bằng với Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều nước ASEAN dè dặt cho Hoa Kỳ tiếp cận quá nhiều vì sợ tổn thương đến chủ quyền. Những nước ASEAN sợ sức mạnh quân sự và ý định chính trị của Trung Quốc, nhưng hoan nghênh đầu tư và cơ hội buôn bán trong thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
Sau hết, những nước ASEAN còn xa vời để thống nhất quan điểm về mối đe dọa của Trung Quốc. Bốn quốc gia trong số 10 thành viên của khối ASEAN là Miến Điện, Cam Bốt, Lào, và Thái Lan, không phải là thành phần trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Chính quyền Miến Điện, một chế độ hạ đẳng quốc tế, xem Trung Quốc là một trong một số ít chính quyền thân thiện với Miến Điện, sẽ dè dặt để bênh vực những đối tác ASEAN chống lại sự xâm lấn đất đai của ông chủ Trung Quốc. Thái Lan đang ở trong tình trạng phân ly chính trị nghiêm trọng và rất không có thể tham dự vào một cuộc phòng vệ chung. Ngoài ra, giai cấp tinh hoa và nhiều quyền lực hãnh diện về chính sách ngoại giao uyển chuyển như những cây tre của Thái Lan và không thấy có lý do nào để không uốn cong trước cơn gió từ Trung Quốc thổi xuống. Hoàng tộc ở Thái Lan và Cam Bốt có một liên hệ thân thiết với Trung Quốc. Sau cùng, tiến trình quyết định của ASEAN dựa trên sự đồng thuận có nghĩa là Bắc Kinh chỉ cần một lá phiếu chống để tránh được sự chỉ trích của ASEAN.

Tiến tới

Những quốc gia Đông Nam Á dùng tổ chức ASEAN để xây dựng một hàng rào ngoại giao quanh vùng. Tuy nhiên, như những biến cố vừa qua cho thấy, một Trung Quốc vươn lên đang đẩy tới ranh giới đó và ASEAN hiện nay đang mong đợi sự có mặt của Hoa Kỳ gia tăng để cân bằng với sự lấn đất của Trung Quốc. Sự thật khắt khe là ngay cả những thỏa hiệp an ninh cứng rắn và sự hiện diện của chiến hạm Hoa Kỳ cũng không đủ để bảo vệ những nước Đông Nam Á nếu những nước này không tự bảo vệ lấy chính mình. Những nước ASEAN phải hành động riêng rẽ và tập thể để một hàng rào ngăn cản chắc chắn để chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Nhà thơ Robert Frost nói “Hàng rào tốt tạo ra hàng xóm tốt”, và ASEAN thiếu sức mạnh cơ chế, sự liên kết, và sự thống nhất về mục đích để xây một hàng rào tốt.

Trung Quốc tạo ra mối đe dọa quân sự đáng kể và hiện hữu, nhưng bắt đầu sự trợ giúp của Hoa Kỳ bằng tăng cường lực lượng quân sự giống như xây dựng một căn nhà bằng cách bắt đầu với mái nhà. Ưu tiên thứ nhất cho mỗi nước phải là xây dựng nền nhà bằng cách dọn dẹp hệ thống luật pháp và giảm bớt tham nhũng. Ngoại trừ Tân Gia Ba, mọi quốc gia trong ASEAN đều có những hệ thống luật pháp mục nát. Tham nhũng tư pháp bị dân chúng cục kỳ chán ghét, ở Nam Dương được gọi là “tư pháp mafia” và Hoa Kỳ trợ giúp để chống lại những hệ thống này rất được hoan nghênh. Hoa Kỳ có những chương trình đặc biệt của hai Bộ Tư Pháp và Bộ Nội An có thể giúp những nỗ lực cải tổ hệ thống tư pháp của địa phương và đây phải là trợ giúp ưu tiên một.

Ưu tiên thứ hai để xây căn nhà của ASEAN là những bức tường và cột kinh tế để giữ mái. ASEAN đã đạt được những tiến bộ trong việc giảm bớt những giới hạn cản trở kinh doanh giữa các nước. Nỗ lực này cần phải được tiếp tục và những nước thành viên phải cải tổ nền kinh tế nội bộ để cho phép kinh tế phát triển. Một lần nữa, Hoa Kỳ có nhiều bộ và cơ quan có thể giúp phát triển kinh tế trong vùng Đông Nam Á. Đặc biệt, Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ có thể thương thuyết để thiết lập một thỏa hiệp thương mại giữa Hoa Kỳ và ASEAN, có thể theo mô hình của thỏa hiệp thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Thỏa hiệp này đã giúp rất nhiều cho việc cải tổ kinh tế ở Việt Nam.

Tại Đông Nam Á, Hoa Kỳ có thể bảo vệ an ninh cho những nước ASEAN trong một thời gian, nhưng cam kết này không thể là một bổn phận không đáy. Bao cấp về an ninh, cũng giống như bao cấp an sinh xã hội, thương mại hoặc công nghệ, có thể trở nên tốn kém và sau chót có thể đưa đến những hành động phản lại ý định ban đầu của trợ cấp.

Nếu có những cải thiện đáng kể trong những hệ thống luật pháp và trong lãnh vực phát triển kinh tế, sức mạnh về quân sự sẽ đến một cách tự nhiên. Trút khỏi gánh nặng mua những hệ thống vũ khí mà công dụng thực tiễn của chúng chỉ là làm giầu những chính trị gia hoặc những ông tướng, sẽ giúp gia tăng khả năng quân sự mà không tăng thêm một xu chi phí. Hơn nữa, với những nền kinh tế quốc gia lớn hơn và mạnh hơn, quân đội trong vùng sẽ có nhiều tài nguyên hơn cho chương trình hiện đại hóa mà không phải làm tăng gánh nặng của người đóng thuế. Ngũ Giác Đài đã có những chương trình trợ giúp quân sự mạnh mẽ trong vùng và quân đội quốc gia được cải tổ sẽ có nhiều khả năng hơn để lợi dụng sự trợ giúp của Hoa Kỳ.

Về phương diện ngoại giao, ASEAN nên bắt đầu cuộc thương thuyết giữa những thành viên về biên giới nội bộ. Bắt đầu tiến trình này có thể buộc Trung Quốc phải yêu cầu được tham gia vào trong tiến trình đa phương và cho phép ASEAN đặt ra những điều kiện để thương thuyết. Ngay cả nếu Bắc Kinh không tham gia, một thỏa hiệp về biên giới giữa những nước ASEAN sẽ phức tạp hóa chính sách ngoại giao và làm hư hỏng chiến thuật đe dọa song phương của Trung Quốc.

Về phương diện quân sự, ASEAN nên bắt đầu tiến trình cải tổ khả năng thực hiện phòng vệ quân sự chung. Xây dựng trên những bước nhỏ đã bắt đầu – chống khủng bố liên quốc gia, ngăn chặn cướp biển, và trợ giúp thiên tai – Quân đội của những nước ASEAN nên bắt đầu tìm kiếm cơ hội để cải thiện khả năng thực hiện những hành quân chung của liên minh. Mục tiêu ngoại giao và chính trị đã công bố của ASEAN là bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước thành viên. Xây dựng một lực lương quân sự ngăn chặn chung để bảo vệ những mục tiêu này chống lại mọi kẻ thù không phải là một hoạt động chống Trung Quốc.

Sau cùng, bài viết này không có mục đích để lập luận rằng Bắc Kinh sẽ cần phải thực hiện những đặc quyền cổ xưa của họ, nhưng tư tưởng “dĩ hoa vi trung” là một nền tảng lịch sử mà những nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ dựa vào để nhìn thế giới. Bắc Kinh cần phải được thuyết phục để trở thành một người nhiệt tình ủng hộ mô hình Westphalian. Cựu Phó Bộ Trưởng Ngoại Giao Robert Zoellick thường phát biểu rằng Trung Quốc cần là một “người chia sẻ trách nhiệm” (stakeholder) nhiều hơn trong hệ thống quốc tế và mục tiêu này cần được duy trì trong chính sách dài hạn của Hoa Kỳ. Trong nửa phần sau của thế kỷ XX, Trung Quốc được hưởng rất nhiều từ sự bảo vệ của mô hình Westphalian về một quốc gia độc lập có chủ quyền và một hệ thống quốc tế rộng lớn hơn. Ngày nay, Trung Quốc lớn đủ để ảnh hưởng đến trật tự thế giới, nước này không được phép thiết lập một cấu trúc với nhiều tầng lớp với Trung Quốc đòi hỏi nhiều quyền lợi to lớn hơn những quốc gia khác.

Những người làm chính sách ở Washington cần phải nhớ rằng Trung Quốc hiện tại không là một mối đe dọa cho bất cứ một nước nào. Mặc dầu có tiềm năng đáng kể để xẩy ra một cuộc đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chính sách ngoại giao tốt tại Washington và sự trưởng thành chính trị đang lớn mạnh ở Bắc Kinh có thể ngăn ngừa được sự đối đầu đó. Cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này là đưa Trung Quốc vào những tổ chức có luật lệ và khẳng định rằng Trung Quốc phải tuân theo những luật lệ đó. Thỏa hiệp quan trọng nhất về hàng hải là Quy Ước LHQ về Biển, nhưng Hoa Kỳ chưa phê chuẩn thỏa hiệp này và như vậy có ít quyền hành để ảnh hưởng đến việc thi hành hơn là Trung Quốc. Một cách duy nhất để Hoa Kỳ có một chổ ngồi tại hội nghị Quy Ước LHQ về Biển là thông qua Quy Ước LHQ về Biển và tham dự vào những ủy ban hướng dẫn việc thi hành.

Quyền lợi của Hoa Kỳ trong việc duy trì quyền tự do lưu thông ở Biển Đông và những vùng biển tranh chấp khác nên được bảo vệ bằng chính sách ngoại giao, hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự. Hoa Kỳ không được chùn bước hay thỏa hiệp, bởi vì bất cứ một nhượng bộ nào đối với những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc sẽ không nhận được sự biết ơn, nhưng sẽ trở thành một tiền lệ cho những đòi hỏi trong tương lai của Trung Quốc. Về hai mặt ngoại giao và quân sự, Washington phải tiếp tục triển khai lực lượng đủ để ngăn chặn những tham vọng đất đai không thể bào chữa được của Trung Quốc.

© Đàn Chim Việt
———————————-

Chú thích:
[1] John Pomfret, “U.S. takes a tougher tone with China,” Washington Post (July 30, 2010).
[2] Edward Wong, “China Hedges Over Whether South China Sea is a ‘Core Interest’ Worth War,” New York Times (March 30, 2011).
[3] Max Herriman, “China’s Territorial Sea Law and International Law of the Sea,” Maritime Studies 15 (1997). See also the discussion of China’s claim by Xavier Furtado in “International Law and the Dispute over the Spratly Islands: Whither unclos?” Contemporary Southeast Asia 21:3 (December 1, 1999).
[4] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, “Jurisprudential Evidence to Support China’s Sovereignty over the Nansha Islands” (2000).
[5] See the introduction to Edward H. Schafer, Shore of Pearls (University of California Press, 1970).
[6] Giovanni Andornino, “The Nature and Linkages of China’s Tributary System under the Ming and Qing Dynasties,” Global Economic History Network working paper 21 (2006).
[7] Zou Keyuan, “The Sino-Vietnamese Agreement on Maritime Boundary Delimitation in the Gulf of Tonkin,” Ocean Development & International Law 36 (2005).
[8] Asian Sentinel has published an excellent series of articles exposing the submarine scandal in Malaysia, but John Berthelsen’s individual piece provides a good synopsis: John Berthelsen, “Malaysia’s Submarine Scandal Surfaces in France,” Asian Sentinel (April 16, 2010).
[9] These numbers are based primarily on material published by the Center for Strategic and International Studies in “The Military Balance in Asia: 1990–2010.”


------------------------------------------

So sánh với bản dịch trên Viet-Studies :

Countering Beijing in the South China Sea (Policy Review June 1, 11)
viet-studies 27-6-11

.
.
.

No comments:

Post a Comment