Saturday, June 25, 2011

TRẦN KHẢI THANH THỦY : "KHOẢNG KHẮC TỰ DO LẠC BƯƠC ĐẾN QUÁ NHANH" (Người Viêt)



Ngọc Lan/Người Việt thực hiện
Friday, June 24, 2011 8:58:15 PM

WESTMINSTER (NV) - Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy trả lời phỏng vấn báo Người Việt sau khi được Việt Nam phóng thích nhờ sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ cùng sự vận động của Dân Biểu Loretta Sanchez và một số dân cử khác.

Cũng nhờ sự vận động đó, bà Trần Khải Thanh Thủy đã được đến Mỹ định cư tị nạn cùng với cô con gái út 14 tuổi.
Bà Trần Khải Thanh Thủy, 50 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ đánh nhau trước nhà ở Hà Nội năm 2009. Bà bị đưa ra tòa kết án tù 3 năm rưỡi tháng 2 năm 2010.
Giới quan sát nhận định vụ án đánh nhau chỉ là cái cớ để bỏ tù bà Trần Khải Thanh Thủy vì các hoạt động chính trị của bà.
Bà Trần Khải Thanh Thủy nói chuyện với Ngọc Lan báo Người Việt trong bài phỏng vấn dưới đây.

Ngọc Lan (NV): Chào mừng chị đã đến nước Mỹ. Chị đã quen với giờ giấc chưa?
Trần Khải Thanh Thủy: Mấy hôm nay đi máy bay ngồi bó gối không ngủ được, vừa xuống khách sạn thấy computer là lao vào xem quên hết thời gian, ngồi gần cả chục tiếng đồng hồ bên máy computer vì bao nhiêu tháng trời rồi, giờ lên xem coi có ai còn nhớ mình không, hay tên mình đã bị khuất lấp rồi.

NV: Ngồi trên máy bay chị không ngủ được vì nôn nao hay vì lý do gì?
Trần Khải Thanh Thủy: Tâm trạng bàng hoàng lắm vì khoảnh khắc tự do lạc bước đến với tôi quá nhanh, quá ngỡ ngàng. Tâm trạng tôi vẫn còn xáo trộn, đầu óc vẫn còn lâng lâng. Ở tuổi này thì bất cứ niềm vui quá độ hay nỗi đau quá độ đều gây ra những phấn khích cao độ khiến mình khó thích nghi ngay.

NV: Chị có thể diễn tả lại cảm xúc lúc bước xuống phi trường San Francisco không?
Trần Khải Thanh Thủy: Nói chung là không tin được đó là sự thực, là nước Mỹ đã hiện hình trước mắt mình rồi hay sao! Không tin được. San Francisco là thành phố của nhân quyền, trong khi 48 tiếng trước đó mình còn là người bị mất tự do hoàn toàn bị cấm đoán trong mọi mối quan hệ, bị coi như súc vật nói tiếng người. Nên khi đến phi trường vẫn còn không tin là mình đã được tự do.

NV: Xin vui lòng kể lại hành trình chị đã đến Mỹ như thế nào?
Trần Khải Thanh Thủy: Mình nhớ là họ giữ bí mật đến phút chót. Trước đó công an còn yêu cầu mình viết cảm tưởng về những ngày ở trong tù. Sau đó, tức Thứ Ba ngày 22 tháng 6, họ chính thức thông báo là cách đó một tiếng ông trưởng trại và nhiều người nữa, cả một đoàn, kéo nhau lên Hà Nội đến đại sứ quán Mỹ để chính thức giao mình cho phía Mỹ. Ðến sáng Thứ Tư mình sẽ ra tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa để gạch tên bãi miễn trách nhiệm hình sự của mình. Nếu may mắn thì đến cuối tuần mình sẽ đi được, còn chậm nhất là sang đầu tuần sau. Họ chỉ nói như vậy.
Nhưng đùng một cái thì chiều hôm sau, tức Thứ Tư, lúc khoảng 3 giờ rưỡi, lúc mình còn đang ngồi trong buồng giam nóng nực đến 38, 39 độ, còn đang mặc quần cụt và áo thun ba lỗ, thì một ông cán bộ trại đến bảo “chị Thủy mặc quần áo trại vào đi ra ngoài gặp cán bộ”.
Mình đi theo ra tưởng gặp cán bộ bình thường. Nhưng khi ra thì gặp cả bọn an ninh ở Hà Nội về. Mình nghĩ điệu này chắc là đi rồi. Rồi chúng bảo “thủ tục đã xong, chị vào chuẩn bị rồi chúng tôi sẽ đưa chị ra sân bay để bay thẳng đi luôn”. Mình rất ngỡ ngàng.
Nếu nói diễn tả tâm trạng lúc ấy thì bàn chân đi như không trọng lượng, bàn chân bước cứ lâng lâng như tỉnh như say. Không ngờ hạnh phúc lạc bước đến với mình nhanh như thế. Họ cho mình 5 phút chuẩn bị. Mình gấp các thứ rồi chạy ra phía ngoài cho họ kiểm tra đồ đạc.
Ðiều bực tức nhất là họ cướp trắng hết công sức lao động của mình suốt 21 tháng trời ở tù: 50 bài thơ, hàng chục bài viết, bao nhiêu ý tưởng mình đã gói ghém vào trong quyển sách của mình. Cả quyển truyện Kiều của Nguyễn Du mình chép lại, hiệu đính lại những từ cổ. Lợi dụng lúc mình đi thay đồ chúng đã lấy mất hết của mình.

NV: Lúc đó họ đưa chị đi luôn?
Trần Khải Thanh Thủy: Ừ, họ có mua sẵn cho bộ quần áo dân thường để mình mặc. Những người được tự do sẽ được mặc quần áo thường đi từ trong ra ngoài. Ðằng này có lẽ chúng không muốn ồn ào, nên chúng đã lừa mọi người đi lao động hết ngoài xưởng ngoài đồng, trong trại chỉ còn ít người ốm thôi, mà ngay từ sáng sớm thì chúng cũng đã cách ly mình với những người đó.
Mình rời khoảng đó lúc 4 giờ kém 10, lên ô tô. Chúng đón tiếp mình trịnh trọng như nguyên thủ quốc gia, có cả bác sĩ y tế đi kèm, có cả cán bộ nhưng không mặc quần áo cảnh sát mà mặc thường phục. Không kể lưc lượng an ninh của thành phố xuống, thì cũng đã là 3, 4 xe, cả một đoàn dài. Vừa chạy vừa hú còi ầm lên, có công an hú còi dẹp đường cho “đoàn công tác đi qua”. Long trọng quá!

NV: Lúc đó chị đã bình tĩnh lại chưa? Hay vẫn cảm xúc lâng lâng?
Trần Khải Thanh Thủy: Vẫn cảm xúc lâng lâng, nhưng chưa tin hoàn toàn vào bọn công an lếu láo này. Vì trong tù mình rất thích câu nói trong tác phẩm “Người Tù khổ sai” là “bây giờ tôi đã rút ra kết luận là chớ có tin bọn quản giáo, bọn công an” nên mình cũng cảnh giác cao độ.

NV: Tức là chị vẫn không tin 100% là mình sẽ được đi, được tự do?
Trần Khải Thanh Thủy: Vẫn sợ là có một biến cố nào đó chăng thì nó lại giữ mình lại.
4 giờ kém 10 đi một lèo đến 8 giờ kém 10 thì đến sân bay Nội Bài. Rồi nó đưa mình lên phòng khách rất sang trọng. Bọn an ninh Việt Nam thay nhau mấy đợt đến quay phim. Rồi gia đình mẹ mình, em trai, em dâu, chồng mình, cả bà chị dâu, các cháu cũng đến. Chúng cho gặp khoảng 30 phút, trong sự giám sát của chúng nó. Trong lúc đó chúng vẫn quay camera liên tục. Rồi chụp ảnh, đến mức con bé lớn con mình hỏi “quay để đưa lên ti vi à?” Thì có một cô bé trả lời là “quay để làm tư liệu”.

NV: Mấy giờ thì chị bắt đầu rời khỏi sân bay Nội Bài?
Trần Khải Thanh Thủy: Ngồi chờ rất lâu. Sau khi đó thì có một phiên dịch người Việt ở đại sứ quán Mỹ và một ông Mỹ đến nói chuyện các thứ với mình và bọn công an Việt Nam. Khi đó có một tay sếp công an đến nói mình được đi là do chính sách nhân đạo của nhà nước chứ không phải là do bị Mỹ ép. Khi đó, với công an vây xung quanh, thì ông Mỹ cũng nói đánh giá cao sự hợp tác giữa hai bên Mỹ và Việt Nam. Nhưng sau khi tụi nó tản đi thì ông ấy nói là ông ấy buộc phải nói thế vì còn nhiều trường hợp như mình cần được giải thoát. Người đưa mình đi sang Mỹ đã nói trong chặng đường bay là suốt cả 7, 8 tháng trời giằng co, rất vất vả, bọn chúng nhất định không chịu nhả mình. Ðến khi đồng ý thì chỉ trong vòng 9 ngày làm hộ chiếu là bay.

NV: Lúc họ báo cho chị biết tin sẽ đi qua Mỹ thì chị có bất ngờ không hay chị đã biết trước rồi?
Trần Khải Thanh Thủy: Vẫn rất bất ngờ. Mình biết được thông tin Mỹ can thiệp là từ trước Tết cơ. Khi chúng đưa mình ra khỏi trại giam Hỏa Lò là đi trong đêm mà, nên không ai biết hết. Khi đó em trai mình phải lùng khắp các trại tìm ra mình để báo tin là “chắc chúng chỉ giam chị đến hết năm nay thôi, chứ bên ngoài đấu tranh cho chị mạnh lắm”. Thế là mình có niềm tin hy vọng từ đó.
Ðến khoảng cuối tháng giêng, em mình lại đến thăm báo rằng có lẽ chị sẽ bay trong tháng này, chúng chẳng thể giữ chị lâu đâu. Mình lại nuôi hy vọng.
Nhưng mãi đến tận 23 tháng 3 thì một tay tên Khải vào báo mình sẽ được đi xuất cảnh ra nước ngoài và nó khuyên mình nên đi “vì tương lai con cái mình hơn nữa là chị sẽ chữa được bệnh”. Thì mình nhất trí thôi.
Nhưng mãi đến mấy tháng chờ đợi khắc khoải, chờ đợi đến tận 12 tháng 6 thì chúng nó mới quay trở lại kêu mình khai tờ đơn làm hộ chiếu. Ðến chiều lại có một bà đại diện phía Mỹ đến gặp mình trong trại khoảng 30 phút. Sau đó thì mình biết là cơ hội sẽ đến với mình.
Mình cứ nghĩ mình sẽ được ở lại Hà Nội vài hôm vì buổi chiều lúc chúng đưa mình ra sân bay, tuyên bố tha bổng mình. Trong tờ giấy tuyên bố tha bổng có ghi “phải có mặt tại Hà Nội trước ngày 29 tháng 6”. Cứ ngỡ sẽ được ở lại vài ngày ai ngờ bọn chúng bảo phải đi ngay.

NV: Gia đình chị được công an thông báo cho biết trước đó bao lâu?
Trần Khải Thanh Thủy: Công an thì chẳng thông báo gì cả. Chỉ có đại sứ quán Mỹ thông báo đến cho gia đình từ hôm Thứ Bảy rằng Thứ Tư mình sẽ bay nên gia đình đã có chuẩn bị trước.

NV: Theo chị hiểu thì việc chị có mặt tại Mỹ được xem là hành động trục xuất hay là tị nạn chính trị?
Trần Khải Thanh Thủy: Cả hai khái niệm đó đều đúng cả. Thì chúng trục xuất mình ra khỏi Việt Nam thì mình sang Mỹ xin tị nạn chính trị. Nhưng mà nó lại đặt dưới chiêu bài cộng sản là do sự nhân đạo khoan hồng của chính phủ Việt Nam nên mình được đi chữa bệnh. Chúng yêu cầu mình là không được chống đối, coi như phải thay đổi quan niệm các thứ đi, chúng cho đi vì tinh thần nhân đạo chứ không phải vì phía Mỹ ép buộc.

NV: Chồng chị không được đi cùng chị sao?
Trần Khải Thanh Thủy: Thực ra Mỹ chấp nhận cho cả gia đình mình đoàn tụ bên Mỹ, ông xã được phép đi theo vợ. Nhưng có điều ông ấy nhận thức chưa đầy đủ. Ông ấy sợ sang đây bất đồng ngôn ngữ, vì không biết tiếng Anh, sợ thất nghiệp nên ông ấy muốn ở lại thu xếp công việc nhà cửa, không đi. Lại thêm ông ấy sợ kéo cả bầu đoàn thê tử đi thì phía Mỹ sẽ kéo dài thời gian làm hồ sơ hơn, nên ông ấy vì thương vợ nên bảo thôi để ông ấy ở lại, 2 mẹ con đi. Nhưng suy nghĩ ấy rất sai lầm. Khi sang đây mình biết là ông ấy đã bỏ mất một cơ hội quý báu rồi. Giờ muốn đoàn tụ thì cũng phải 2 năm sau.

NV: Ðến giờ chị nghĩ như thế nào về những gì chị đã làm, đã viết? Chị vẫn sẽ tiếp tục chứ?
Trần Khải Thanh Thủy: Mình cũng sẽ vẫn như thế. Bởi vì mình có được một chút hiểu biết về xã hội, mình không chịu đánh mất nhân cách trong một xã hội dối trên lừa dưới. Mình vẫn tiếp tục nói thật. Vẫn chống chúng tới cùng nếu chúng cứ tiếp tục giở những trò mị dân đê tiện, làm chậm bước tiến của xã hội Việt Nam. Mình không có gì ân hận cả, mà vẫn sẽ tiếp tục con đường tranh đấu cho nhân quyền.

NV: Chị có muốn chia sẻ thêm điều gì cùng độc giả nhật báo Người Việt không?
Trần Khải Thanh Thủy: 13 tháng ở trại và 6 tháng 21 ngày ở Hỏa Lò có rất nhiều điều mình muốn chia sẻ với mọi người. Trước hết là phải vực sức khỏe lên bởi sức khỏe như con thuyền giúp mình vượt qua đại dương cuộc đời. Khi có sức khỏe rồi mình sẽ bắt tay lại viết những điều đang ôm ấp...
Suốt những ngày trong trại mình biết ơn báo Người Việt ghê lắm vì đã không bỏ rơi mình trong những lúc khó khăn, nếu không có sự tiếp sức ấy thì có khi mình đã ngã quỵ trong tù rồi.

NV: Thay mặt báo Người Việt xin gửi đến chị lời chúc sức khỏe. Chúc chị sớm hòa nhập vào cuộc sống để sớm thực hiện những ước mơ của mình.

Những Bài Liên Quan:

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đến Mỹ tị nạn (Thursday, June 23, 2011 8:22:16 PM)
Nhà văn, nhà báo tự do Trần Khải Thanh Thủy được nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích nhờ sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ và Dân Biểu Loretta Sanchez và một số dân cử khác.



.
.
.

No comments:

Post a Comment