Saturday, June 25, 2011

KINH TẾ MỸ CÒN CHƯA LÊN (Ngô Nhân Dụng)



Ngô Nhân Dụng
Thursday, June 23, 2011 7:06:09 PM

Ngày hôm qua giá dầu thô trên thế giới đã giảm, nhưng đó không phải là một tin mừng. Giá dầu hạ thấp một phần vì có 60 triệu thùng dầu được lấy từ các kho dự trữ quốc tế được đưa ra thị trường.

Nhưng 60 triệu thùng dầu không đủ làm cho giá tụt xuống mất 4.4%. Nguyên nhân chính yếu và ảnh hưởng lâu dài là những nhà buôn dầu tiên đoán kinh tế thế giới sẽ giảm tốc độ tăng trưởng, do đó sẽ bớt sử dụng dầu; đặc biệt là hai nền kinh tế dùng nhiều năng lượng nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Một ngày trước, Thứ Tư, 22 tháng 6, chủ tịch Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (tức Ngân Hàng Trung Ương Mỹ) báo tin chấm dứt chương trình Q2 kích thích kinh tế bằng tiền tệ; mặc dù ông cũng tiên đoán nỗi khó khăn kinh tế sẽ còn tiếp tục ít nhất qua năm 2012. Trong ba tháng qua, rất nhiều tin đáng lo, cả số tiêu thụ và các nhà sản xuất công nghiệp đều không gia tăng hoạt động như mọi người trông đợi. Hai triệu chứng xấu nhất là số nhà cửa mới xây bán được vẫn tiếp tục xuống và tỷ lệ người thất nghiệp vẫn nhấp nhỉnh ở mức 9%. Tại Trung Quốc, chính quyền cố kìm hãm khối lượng tiền tệ để giảm nhiệt độ lạm phát đã lên trên 5%; các ngân hàng bớt đổ tiền ra cho các xí nghiệp vay trong lúc việc xuất cảng cũng trì trệ; cả hai hiện tượng đó khiến cho trong tháng 6 số sản xuất công nghiệp không gia tăng được, một dấu hiệu rất đáng lo cho một nước còn đang phát triển với tình trạng lúc nào cũng có vài trăm triệu công nhân đi tìm việc.

Những tin tức kinh tế từ khu vực Âu Châu cũng không lạc quan, các nhà lãnh đạo đang báo trước sẽ giảm bớt chi tiêu và tăng lãi suất, đặc biệt là Hy Lạp phải tăng thuế để được cho vay thêm nợ. Trận động đất và sóng thần ở Nhật khiến cho sức sản xuất tê liệt cũng là một sức kéo kinh tế thế giới cùng xuống; tất cả cho thấy rất đáng lo ngại. Riêng tại Mỹ, đã có báo động về một hiện tượng kinh tế “Xuống Hai Lần,” theo hình chữ W có thể xẩy ra như những năm 1936, 37.

Kinh tế Mỹ thực sự suy thoái từ cuối năm 2007 khi tổng số sản xuất giảm chứ không tăng; nhưng đến tháng 6 năm 2009 đã chính thức chấm dứt; nghĩa là bắt đầu tăng lên. Nhưng đó chỉ các số thống kê; khi tổng số sản xuất trong nước tăng lên được 1% hay 2% thì coi như cơn suy thoái đã hết rồi. Nhưng trên thực tế, người dân không đọc các con số đó mà chỉ quan tâm đến công việc làm. Cho nên khi thấy trong tháng 5 cả nước Mỹ chỉ tăng thêm được 54,000 công việc làm mới (đáng lẽ phải tăng thêm 200 ngàn), con số này thấp hơn cả 2 tháng trước; đồng thời số người nộp đơn xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp lần đầu đã tăng lên; thì ai cũng lo lắng. Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang đã hạ thấp dự đoán tỷ lệ tăng trưởng cho cả năm 2011, kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng với nhịp độ từ 2.7 đến 2.9% chứ không phải trên 3% như tiên đoán lạc quan trước đây; và tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm nay sẽ vẫn giữ mức 8.9%.

Trong một chu kỳ kinh tế bình thường, một năm sau khi chấm dứt suy thoái thì kinh tế Mỹ đã phải tăng lên với tốc độ 3% trở lên để lấy lại cái đà đã mất. Theo kinh nghiệm, lúc suy thoái xuống càng sâu thì khi lên đà gia tăng càng mạnh. Nhưng điều này đã không xẩy ra trong chu kỳ này. Mặc dù kinh tế Mỹ đã xuống rất nặng nề trong năm 2008, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đà lên đủ mạnh. Lý do chính là cuộc suy thoái vừa qua do một cuộc khủng hoảng tín dụng gây nên; không như những cuộc suy thoái phần lớn do chênh lệch cung cầu gây nên.

Phần lớn các vụ suy thoái kinh tế khởi sự khi số cung tăng lên quá so với số cầu, vì các nhà sản xuất hoạt động mạnh hơn trong khi giới tiêu thụ không tăng nhu cầu cùng một tốc độ. Cơn suy thoái bắt đầu khi một số nhà sản xuất phải ngưng hoạt động, gây ra cảnh thất nghiệp khiến giới tiêu thụ càng giảm số cầu xuống nữa. Suy thoái là một hiện tượng tự nhiên để bắt buộc nền kinh tế phải tự điều chỉnh.

Nhưng khi một cơn suy thoái lại do thị trường tín dụng gây ra thì tốc độ điều chỉnh rất chậm chạp. Hệ thống ngân hàng gây nên cơn khủng hoảng vì cho vay bừa bãi không đúng tiêu chuẩn đưa tới cảnh nhiều người vỡ nợ vì sau đó không đủ sức trả tiền lãi và vốn. Các ngân hàng đã tung tiền vào thị trường, và trong một thời gian gánh chịu hậu quả. Hiện tượng này đã diễn ra trong năm 2007, 2008 ở nước Mỹ; chính phủ Gorges W. Bush đã phải dùng 700 tỷ tạm cứu các ngân hàng lớn trên đà phá sản. Nhưng sau đó, hoạt động của cả hệ thống các ngân hàng rơi vào cảnh trì trệ. Những luật lệ mới đặt ra với mục đích buộc các ngân hàng phải làm ăn cẩn trọng hơn để tránh những cuộc khủng hoảng tương lai; nhưng vì thế mà chính các ngân hàng càng trở nên càng dè dặt hơn, không dám cho vay như trước nữa. Cùng trong thời gian này, hệ thống ngân hàng ở nước láng giềng Canada vẫn không bị khủng hoảng, chỉ vì họ theo những quy tắc bảo thủ và dè dặt khi cho vay nợ; nhờ thế cơn suy thoái ở Mỹ lần này không ảnh hưởng tới Canada như thường xẩy ra trong quá khứ.

Khi số tiền đổ vào nền kinh tế Mỹ bị ngưng trệ, không lưu hoạt và năng động nữa, thì cả nền sản xuất và hoạt động tiêu thụ cũng trì trệ. Trong những chu kỳ kinh tế bình thường, guồng máy sản xuất tự điều chỉnh nhanh hơn. Còn tốc độ tự điều chỉnh của hệ thống ngân hàng chậm hơn. Chúng ta có thể hiểu là việc thanh toán những kho hàng hóa ế không bán được tương đối dễ dàng hơn việc thanh toán những món nợ không đòi được! Năm 2000, tổng số nợ của dân chúng Mỹ lớn bằng 100% tổng số lợi tức kiếm được của họ trong năm đó; đến năm 2005, tỷ số Nợ trên Lợi tức tăng lên thành 120% và qua năm 2007 vượt lên gần 140%! Cho tới nay, tổng số nợ của dân Mỹ đã giảm xuống nhưng mới xuống tới tỷ số 120% như năm 2005!

Khi tổng số nợ của dân chúng giảm bớt, chính quyền liên bang và Ngân Hàng Trung Ương đã phải đứng ra đóng vai con nợ để thay thế, miễn sao cho đồng tiền tiếp tục lưu thông. Chính phủ Obama đã đưa vào nền kinh tế Mỹ khoảng 1,200 tỷ đô la với các chương trình kích thích kinh tế; Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang đã in thêm tiền để bơm vào hệ thống tài chánh tổng cộng 2,300 tỷ đô la, hiện đang chấm dứt chương trình gọi là Q2, mua 600 tỷ công trái từ các ngân hàng trong nửa đầu năm 2011.

Nhưng các nỗ lực “kích thích” của chính quyền Obama và Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (độc lập với chính phủ) hiện vẫn chưa thúc đẩy được cho nền kinh tế chạy với một tốc độ nhanh hơn để thoát khỏi cảnh trì trệ. Nhiều người cho rằng đáng lẽ chính phủ Obama phải gia tăng chi tiêu để kích thích kinh tế ngay từ năm ngoái, thay vì giới hạn ở con số 700 tỷ. Tổng số người đang làm việc ở Mỹ đã giảm xuống rất nhanh trong những năm từ 2007 đến 2009; và cho tới nay vẫn chưa tăng lên được trên mức thấp nhất đó. Muốn giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp thì phải thêm một chương trình kích thích kinh tế nữa! Nhiều người cũng chỉ trích ông Ben Bernanke, chủ tịch Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang, không mạnh dạn tiếp tục với một chương trình Q3 để thúc đẩy tiền tệ lưu hoạt hơn.

Tuy nhiên, trong đời sống kinh tế người ta luôn luôn phải lựa chọn, và phải lựa chọn trong khi không biết chắc chắn hậu quả của các chính sách mà mình theo đuổi.

Trong lúc chính quyền Mỹ có thể gia tăng số chi để kích thích kinh tế thì thế nào cũng phải đồng thời tăng số khiếm hụt ngân sách, tăng số nợ của quốc gia, cả hai sẽ khiến cho mức độ tín nhiệm của thế giới vào nền kinh tế Mỹ giảm bớt. Khi Ngân Hàng Trung Ương Mỹ in thêm tiền đẩy qua cho ngân hàng thì họ cũng biết một hậu quả có thể làm cho giá cả gia tăng, lạm phát sẽ khó tránh được. Khi lạm phát tăng, thí dụ từ 2% lên 4%, tức là toàn thể dân chúng bị “tăng thuế” thêm 2% một cách gián tiếp! Những người quyết định về kinh tế luôn luôn phải lựa chọn, giữa các giải pháp với các hậu quả đối nghịch với nhau. Hiện nay ông Bernanke không đồng ý với một chương trình Q3 nhưng cũng chưa hoàn toàn gạt bỏ đề nghị này.

Ðiều đáng lo là chương trình 700 tỷ kích thích kinh tế của Tổng Thống Barack Obama sẽ chấm dứt vào cuối năm nay và cả hành pháp và các nhà lập pháp Mỹ hiện vẫn chưa thỏa hiệp được về những việc cần làm tiếp. Ðảng Cộng Hòa kêu gọi phải chú ý giảm bớt khiếm hụt ngân sách; đảng Dân Chủ quan tâm đến nạn thất nghiệp hơn. Phó Tổng Thống Joe Biden đang họp bàn với sáu nghị sĩ thuộc cả hai đảng để quyết định việc nâng cao mức trần của tổng số nợ quốc gia lên trên con số 14,300 tỷ đô la. Cuộc mặc cả này là một cơ hội để hai đảng thỏa hiệp. Các đại biểu Quốc Hội cũng như ông tổng thống đều biết rằng sang năm 2012 cử tri sẽ đánh giá họ qua tình hình kinh tế, một thước đo khách quan và giản dị nhất, khi quyết định có bỏ phiếu cho họ nữa hay không.

Trong khi chờ đợi, người ta có thể thấy vài niềm hy vọng. Kinh tế thế giới sẽ không xuống nữa mà có thể vươn lên, khi giá dầu lửa giảm xuống; đồng thời nền kinh tế Nhật Bản sẽ hồi phục lại sau những ảnh hưởng nhất thời của cuộc động đất và sóng thần. Khi giá xăng dầu xuống thì người dân Mỹ thấy có thêm tiền tiêu thụ vào những sản phẩm và dịch vụ khác, thay vì đem tiền nộp cho các quốc gia sản xuất dầu lửa! Khi người tiêu thụ chịu chi tiền ra, tự nhiên các nhà sản xuất sẽ chạy theo, họ sẽ tuyển dụng công nhân, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ thấp xuống. Bao giờ sẽ thấy cảnh đó? Theo ông Ben Bernanke nhìn, thì ít nhất chúng ta phải đợi tới nửa cuối năm 2012!
.
.
.

No comments:

Post a Comment