Thursday, June 30, 2011

THÔNG BÁO của CHỦ BLOG



THÔNG BÁO

Chủ blog xin thông báo cùng bạn đọc thân mến,

Tháng 7 nghỉ hè nên trang blog không còn được cập nhật đầy đủ tin tức như thường lệ, rất mong quý độc giả thông cảm cho sự bất tiện này.

Hẹn bạn đọc vào tháng 8 tới.

Kính báo,



.
.
.

KHẢ NĂNG MỸ CAN DỰ VÀO BIỂN ĐÔNG (RFA)



Việt Hà, phóng viên RFA
2011-06-30
Trước những căng thẳng gia tăng tại biển Đông, đã có nhiều tiếng nói từ các nước có liên quan trong khu vực và từ cơ quan lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu Mỹ tham gia một cách tích cực hơn vào việc tìm ra giải pháp cho tranh chấp này.

Vai trò của Mỹ
Thời gian gần đây, người ta thấy ngày càng nhiều những lời kêu gọi Mỹ phải can thiệp nhiều hơn vào khu vực này để đóng vai trò như một lực lượng cân bằng với một Trung Quốc có tiềm năng quân sự áp đảo đối với các nước đòi chủ quyền khác trong ASEAN.
Trong buổi tọa đàm về biển Đông vào ngày 13 tháng 6 tại Washington, thượng nghị sĩ Jim Webb đã nói:
“Tôi nghĩ chính phủ đã có những phản ứng quá yếu trước vấn đề này. Chúng ta nói không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền có nghĩa là chúng ta đã tỏ rõ lập trường. Theo tôi chúng ta nên làm việc trong một diễn đàn đa phương để giải quyết vấn đề.
Đây không chỉ là vấn đề chủ quyền mà còn nhiều tương lai kinh tế ở đó. Vì vậy Hoa Kỳ cần phải tham gia như một lực lượng cân bằng để đưa vấn đề này ra thảo luận. Việc Mỹ đứng lên và cho thấy khả năng lãnh đạo của mình để đưa vấn đề ra bàn thảo là hết sức quan trọng.”

Ngay các nước có chủ quyền trên biển Đông thuộc khối ASEAN là Philippines và Việt Nam cũng đã bày tỏ mong muốn có sự tham gia của Mỹ vào vấn đề này. Tổng thống Philippines hồi đầu tháng sáu đã lên tiếng kêu gọi Mỹ giúp kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông vì khả năng quốc phòng của Philippines quá yếu so với Trung Quốc.
Trong hội thảo về an ninh biển Đông diễn ra tại Washington hôm 20 tháng 6 vừa qua, các học giả Việt Nam cũng cho rằng Mỹ nên tham gia để giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển Đông bởi Mỹ cũng có những lợi ích trong khu vực. Luật sư Nguyễn Duy Chiến, thuộc học viện Ngoại giao Việt Nam nói:
“Vấn đề Biển Đông có những khía cạnh rất là quan trọng mà tất cả các nước đều có lợi ích, ví dụ duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, hoặc là thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các nước về Biển Đông thì cái này nó cũng đáp ứng lợi ích của nhiều nước.
Và ví dụ như Mỹ thì họ cũng có lợi ích trong vấn đề duy trì hòa bình ở Biển Đông, và có lợi ích trong vấn đề tự do hàng hải. Do đó sự đóng góp của tất cả các nước, trong đó có Mỹ, vào việc duy trì và tăng cường hòa bình và ổn định ở Biển Đông là rất cần thiết, và cái này hoàn toàn là đáng hoan nghênh.”

Mối liên hệ kinh tế - chính trị
Đã có những lo ngại căng thẳng trên biển Đông có thể dẫn đến xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Nhưng nếu xung đột có xảy ra, liệu Mỹ có thể can thiệp?

Theo giáo sư Renato Cruz De Castro, thuộc trường đại học De La Salle của Philippine thì điều này cũng rất khó nói bởi những khó khăn từ chính nước Mỹ.
“Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là cùng nhau tìm cách hạn chế Trung Quốc, và tất nhiên là phải dựa vào sức mạnh của Mỹ. Tuy nhiên nếu nhìn vào những gì mà nước Mỹ đang phải đối mặt, nhất là thâm hụt ngân sách thì chúng ta không thể không đặt câu hỏi là liệu Hoa Kỳ sẽ vẫn còn là cường quốc trên biển Thái Bình Dương trong vòng 3 cho tới 5 năm tới hay không?
Và trong trường hợp đó thì chỉ còn cách là chấp nhận những cái gì không tránh khỏi một học thuyết Monroe của Trung Quốc đối với Đông Á.”

Tất nhiên Philippines đã có một hiệp ước quân sự với Mỹ mà theo đó nếu như tàu hay lãnh thổ của Philippines bị tấn công thì Mỹ sẽ phải bảo vệ đồng minh của mình. Nhưng nếu tấn công xảy ra đối với các khu vực đang tranh chấp giữa nhiều nước thì Mỹ lại không thể ra tay bảo vệ Philippines theo hiệp ước quân sự đã ký.
Theo một phân tích gia Đông Nam Á là tiến sĩ Ian Storey thì Mỹ có thể can thiệp tích cực hơn bằng cách gia tăng sự có mặt của mình trong khu vực.
“Mặc dù đúng là thực tế nước Mỹ đang phải đối mặt với khó khăn về kinh tế và ảnh hưởng tới ngân sách của họ. Nhưng Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nói rõ là Mỹ cam kết về mặt quân sự trong khu vực, sẽ tăng thêm sự có mặt của mình tại khu vực, và thắt chặt quan hệ với các nước khác trong khu vực.”

Hồi giữa tháng sáu, Mỹ đã điều tàu chiến USS Chung Hoon, là tàu chiến hiện đại nhất của mình đến biển Đông và biển Sulu phía tây Philippines để theo dõi các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực.
Mỹ cũng tham gia diễn tập với hải quân Philippine vào hôm 28 tháng 6 tại biển Sulu vốn chỉ cách biển Đông bởi đảo Palawan.

Lập trường của Mỹ?
Tuy nhiên lập trường của chính phủ Mỹ từ trước tới nay đối với vấn đề biển Đông vẫn là không đứng về bất cứ bên nào đòi chủ quyền tại biển Đông.
Vì vậy, sự can thiệp của Mỹ vào việc giải quyết tranh chấp là rất hạn chế. Giáo Sư Donald Emmerson, Giám đốc diễn đàn Đông Nam Á của đại học Stanford, Hoa Kỳ nhận xét:
“Mỹ không nên can dự bằng bất cứ cách nào cho thấy là Mỹ đang ủng hộ một bên nào đó trong tranh chấp này, vì việc này sẽ có tác dụng ngược, sẽ làm tình hình thêm xấu và sẽ làm cho việc giải quyết vấn đề thêm khó khăn. Tôi cũng không thấy có bằng chứng nào cho thấy là Mỹ sẵn sàng làm điều này.
Đây là một trường hợp vô cùng phức tạp, và Mỹ không nên tham gia bằng bất cứ cách nào để có thể làm cho người ta hiểu là Mỹ bênh vực một bên nào đó.”

Theo giáo sư Emmerson thì ngay cả đề nghị để Mỹ làm trung gian cho các đối thoại giữa các bên liên quan cũng là không nên.
Việc Mỹ không phê chuẩn công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) hiện cũng bị coi là một cản trở cho việc Mỹ can thiệp tích cực hơn vào vấn đề biển Đông. Giáo sư Emmerson giải thích:
“Việc không phê chuẩn công ước này có nghĩa là nếu trong trường hợp Mỹ phải có lập trường nào trong vấn đề tranh chấp đi chăng nữa thì cũng phải tuân thủ theo công ước về luật biển mà Mỹ không tham gia, và điều này cực kỳ quan trọng.”

Đã có những thượng nghị sĩ kêu gọi việc phê chuẩn công ước này nhưng theo các phân tích gia thì điều này khó có thể xảy ra vì phe bảo thủ của Mỹ sẽ không muốn những hoạt động trên biển của Mỹ bị hạn chế bởi công ước này.
Mặt khác, mặc dù chính phủ của tổng thống Obama rất muốn được phê chuẩn công ước này nhưng với cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào năm tới thì, theo giáo sư Emmerson, những nỗ lực chính trị trong chính trường Mỹ sẽ được dồn vào các cuộc vận động tranh cử.
Và cuối cùng, tất nhiên dù Mỹ có muốn tham gia tích cực hơn nữa vào vấn đề biển Đông thì cũng không thể quên là Trung Quốc vẫn luôn có thái độ cứng rắn trong vấn đề này, tức là không muốn Mỹ can thiệp vào các tranh chấp trên biển Đông.

Cho đến lúc này, những gì mà người ta có thể nhìn thấy từ phía Mỹ vẫn chỉ là những lời tuyên bố về lợi ích của Mỹ trên biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế và ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tranh chấp này.
Tuy nhiên, rõ ràng với những diễn biến gần đây trên biển Đông, những hành động này của Mỹ dường như vẫn không đủ để trấn an các nước trong khu vực đang bị lấn lướt bởi sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

--------------------------------

Việt-Long- RFA
2011-06-29

Tình hình biển Đông trong tuần này có vẻ lắng dịu về mặt ngoại giao, nhưng công luận người Việt chú ý tới phản ứng của Trung Quốc sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết về những biến cố tại biển Đông trong thời gian gần đây.
Cùng được chú ý tới, là lập trường của Mỹ và Trung Quốc trong vòng đầu cuộc đối thoại song phương thường niên tại Hawaii, cùng với hoạt động của hải quân Hoa Kỳ trong vùng biển Đông sóng gió.

Nghị quyết biển Đông từ Washington.

Thượng viện Mỹ hôm thứ hai đã thông qua nghị quyết liên quan đến việc Trung Quốc sử dụng vũ lực trong khu vực tranh chấp ở biển Đông cũng như quyền tự do lưu thông. Thượng Viện Hoa Kỳ kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp qua một tiến trình đa phương và hòa bình. Đặc biệt, nghị quyết nhấn mạnh rằng những hoạt động thường xuyên của hải quân Hoa Kỳ mới có thể bảo đảm quyền tự do lưu thông trong hải phận và không phận biển Đông. Điều đó xác định sự hiện diện quân sự thường xuyên của Hoa Kỳ trong khu vực trọng yếu này tại Đông Nam Á. Sự hiện diện quân sự liệu có là dấu hiệu cho sự can thiệp quân sự của Mỹ một khi xảy ra xung đột vũ trang ở biển Đông?
Câu trả lời được nhiều người đồng ý là: không, nhất là đối với Việt Nam. Việt Nam không có liên minh quân sự hay hiệp ước an ninh chung với Mỹ như Philippines hay Nhật Bản. Đối với Philippines thì Trung Quốc hẳn nhiên không thể gây hấn vì theo hiệp ước 1951, mọi cuộc tấn công quân sự với Philippines đều được coi là tấn công nước Mỹ. Sự hoạt động thường xuyên của hạm đội 7 tại biển Đông chỉ nhằm nói lên sự quan tâm của Mỹ đến khu vực trọng yếu này. Bộ quốc phòng và nhiều tư lệnh quân sự của Hoa Kỳ nhiều lần xác định rằng Hoa Kỳ không ủng hộ một giải pháp quân sự hay hành động quân sự nào tại biển Đông, và hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực này chỉ với tính cách can ngăn để khuyến khích không dùng vũ lực. Tuy nhiên với sự hiện diện như vậy một khi xảy ra cuộc đối đầu quân sự Việt Nam-Trung Quốc, tàu chiến Trung Quốc cũng không thể phớt lờ sự có mặt của hạm đội 7 như một nhân chứng được phái đến, để mà tiếp tục uy hiếp Việt Nam.

Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên Hồng Lỗi của bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ngay sau khi phổ biến nghị quyết, nói rằng nghị quyết không có cơ sở, bộ ngoại giao Trung Quốc lưu ý các nhà lập pháp Mỹ nên thận trọng, và chỉ các nước có liên quan mới nên dự phần trong cuộc tranh chấp ở biển Đông. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh muốn loại Washington ra ngoài, cho là Hoa Kỳ không liên quan. Trung Quốc còn xác định chỉ muốn giải quyết vấn đề trong một tiến trình song phương, cụ thể là đàm phán tay đôi với từng quốc gia liên quan, nóng bỏng nhất là Việt Nam, và Philippines, rồi đến Malaysia, Brunei vân vân...

Việt Nam và Philippines: hãy tự kiềm chế!
Trong khi đó tại Hawaii, Hoa Kỳ và Trung Quốc mở đầu vòng tham vấn về khu vực Châu Á- Thái Bình Dương hôm thứ hai với vấn đề ở biển Đông. Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương sự vụ, ông Kurt Campell, họp báo hôm qua, xác nhận điều này. Ông nói Hoa Kỳ muốn tình hình bớt căng thẳng. Hoa Kỳ rất mong muốn duy trì hòa bình, ổn định và đang tìm cách tạo lập sự đối thoại chính thức giữa các bên liên quan với nhau. Ông Kurt Campell cho biết phái đoàn Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng sự bành trướng quân sự của Trung Quốc đã gây quan ngại. Ông nói nếu Trung Quốc minh bạch hơn và tham dự những cuộc đối thoại thì sẽ giúp giảm bớt những mối quan ngại đó.

Phía Trung Quốc, Thứ trưởng ngoại giao Thôi Thiên Khải không xuất hiện trong cuộc họp báo, nhưng hồi đầu tuần, ông này đã tuyên bố là Trung Quốc không hề gây nên bất cứ vụ việc nào ở Biển Nam Trung Hoa và nếu Hoa Kỳ muốn có vai trò thì phải yêu cầu các bên tranh chấp tự kiềm chế. Rõ ràng đó là cách nói của Trung Quốc, không những phủi tay mà còn đổ trách nhiệm cho phía bên kia. Những việc như Trung Quốc hăm dọa tàu cá của Phi, cắt dây cáp tàu thăm dò Bình Minh 2 và Viking 2 của Việt Nam, và những vụ tàu cá Trung Quốc bị phi cơ, tàu chiến Philippines đuổi khỏi hải phận quanh Trường Sa, Bắc Kinh đều cho là họ chỉ hoạt động trong hải phận hay vùng đặc quyền kinh tế của họ, đâu có gây hấn với ai, và nói rằng chính Việt Nam với Philippines mới là kẻ gây sự để chiếm hải phận. Thậm chí giáo sư Tô Hạo từ Bắc Kinh dự cuộc hội thảo về biển Đông ở Washington còn nói ông ngạc nhiên trước sự phẫn nộ và phản ứng mạnh của Việt Nam và Philippines.

Nhắc tới Philippines, Hoa Kỳ và Philippines thao dượt hải quân phối hợp hôm thứ ba. Philippines tuyên bố đó chỉ là hoạt động quân sự phối hợp thường niên giữa hai nước, không liên quan gì đến vấn đề biển Đông. Tuyu nhiên giới quan sát cho là cuộc thao dượt này mang lại cho Manila sự tự tin trong những cuộc thương thảo trên bàn cờ ngoại giao, khi Philippines có thể tin chắc Hoa Kỳ còn đứng về phía mình.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

THÁNG 6-2011 LÀ CÁI MỐC LỊCH SỬ : ĐẢNG CHỐNG LẠI NHÂN DÂN ! (Âu Dương Thệ)

 (07/01/2011)

Biển Đông dậy sóng: Ý chí đấu tranh cương quyết của nhân dân và thái độ cúi đầu, ba phải của nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị !

 Tình hình khẩn trương và nổi bật nhất ở VN và Đông Nam Á trong mấy tuần qua là việc nhà cầm quyền Bắc kinh đã có những hành động xâm lược rất ngang ngược ở biển Đông. Chỉ trong vòng hai tuần ban lãnh đạo Cộng sản Trung quốc đã hai lần cho hải quân Trung quốc công khai và trắng trợn tấn công các tầu thăm dò địa chấn của Tập đoàn dầu khí VN ngay trên những khu vực thuộc lãnh hải của VN theo Công ước Quốc tế về Luật biển. Thật vậy, ngày 26.5 ba tầu hải giám Trung quốc (một lực lượng hải quân trá hình dân sự) đã xâm nhập hải phận VN và cắt dây cáp của tầu Bình minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí VN chỉ cách Phước tuy 120 hải lí. Nhưng hải quân và không quân của Quân đội Nhân dân VN đã không được phép can thiệp và ngăn cản. Nên chỉ hai tuần sau, ngày 9.6, các tầu ngư chính và các tầu đánh cá của Trung quốc đã mở cuộc tấn công thứ hai vào tầu Viking II. Lần này họ còn ngang ngược cho tầu hải quân đội lốt đánh cá chạy thẳng để phá cáp của tầu Viking II.

Các hành động có chủ ý này của Bắc kinh theo đuổi hai mục tiêu rõ rệt: Coi biển Đông là thuộc Trung quốc và tìm cách độc chiếm tài nguyên ở biển Đông, trong đó phải kể tới trữ lượng rất lớn về dầu khí và khí đốt. Rõ ràng đây là những hành động thù nghịch của nhà cầm quyền Bắc kinh, xâm phạm chủ quyền và an ninh của VN và vi phạm Công ước về biển của Liên hiệp quốc.

Từ khi nổ ra các cuộc tấn công ngang ngược của Bắc kinh cho thấy phản ứng và thái độ rất đối chọi nhau giữa một bên là đại đa số nhân dân VN, dư luận quốc tế và bên kia là nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị ở VN!

1. Sự phẫn uất của đại đa số nhân dân và lòng can đảm của giới trẻ.
Trước chính sách xâm lăng ngang ngược của Bắc kinh coi biển Đông như cái ao của Trung quốc, trong khi ấy nhóm cầm đầu CSVN vẫn giữ thái độ im lặng, không dám cho các lực lượng Quân đội Nhân dân bảo vệ chủ quyền ở biển Đông, chỉ cho Phát ngôn viên Bộ ngoại giao nhai lại những ngôn ngữ nhàm chán, cho nên đại đa số nhân dân VN rất bất bình với Bắc kinh và bất mãn với nhóm cầm đầu CSVN.
Suốt bốn tuần qua vào các ngày Chủ nhật, mặc dầu bị công an mật vụ cấm cản, hàng ngàn người đã tham dự các cuộc biểu tình trước sứ quán Trung quốc ở Hà nội và Toà Tổng lãnh sự Trung quốc ở Sài gòn giương cao các khẩu hiệu, biểu ngữ tố cáo chính sách xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh. Phần lớn là những người trẻ, sinh viên học sinh. Đặc biệt có cả những giáo sư, chuyên viên, văn nghệ sĩ tên tuổi và cả nhiều cán bộ cao cấp đã về hưu của đảng CSVN đã nhập cuộc các đoàn biểu tình để cùng chia xẻ lòng can đảm và bất mãn của giới trẻ. Ở đây chỉ nêu ra ba trường hợp tiêu biểu: Điển hình như cựu Đại sứ Nguyễn Trung đã viết bài phân tích kết án những sai lầm của Hà nội trong suốt hai thập niên qua khiến cho VN đang bị lệ thuộc Trung quốc cả tư tưởng, chính trị lẫn kinh tế. GS Nguyễn Huệ Chi dù đã trên 70 tuổi và là một trong những người chủ trương báo điện tử Bauxite VN, một tờ báo đang được sự hậu thuẫn của hàng trăm ngàn trí thức trong nước và hàng triệu độc giả theo dõi, cũng đã tham dự cuộc biểu tình ở Hà nội ngày 12.6. Ông Lê Hiếu Đằng, một thời đã gắn bó với chế độ và từng giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc ở Sài gòn cũng đã tham dự cuộc biểu tình trước toà Tổng lãnh sự Trung quốc ở Sài gòn ngày 5.6 đã nói thẳng với công an mật vụ tìm cách ngăn cản cuộc biểu tình và được hiểu cũng muốn nhắn những người cầm đầu chế độ là “Anh đứng về phía nào, Việt Nam hay Trung Quốc?”. Đặc biệt nữa là ngày 25.6 cả hàng trăm nhân sĩ tên tuổi trong nước đã cùng kí tên trong Tuyên cáo Đặc biệt yêu cầu những người cầm đầu chế độ phải để cho nhân dân thực hiện quyền tổ chức biểu tình chống xâm lược Trung quốc.

2. Đa số dư luận quốc tế bất bình với Bắc kinh và chia xẻ sự lo ngại với nhân dân ta.
Không chỉ nhân dân VN tỏ lòng căm phẫn trước chính sách xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh, mà ngay cả nhiều chính khách trên thế giới và các nhà khoa học quốc tế đã công khai lên tiếng trước sự đe doạ an ninh khu vực và quốc tế của nhà cầm quyền Bắc kinh. Tại cuộc Hội thảo quốc tế củaTrung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế vào hai ngày 20-21.6 tại Washington, chính Thượng nghị sĩ McCain, từng là ứng cửa viên Tổng thống Hoa kì đã cảnh cáo Bắc kinh, các đại diện của Asean, Ấn trong cuộc Hội thảo này và nhiều nước khác phê bình những luận cứ thiếu khoa học của một số nhà nghiên cứu Trung quốc và kết án các hành động đe doạ hoà bình ở Đông Nam Á của Bắc kinh.
Mới đây, ngày 22.6 Tổng thống Phi luật tân B. Aquino- là nước cùng với VN đang có tranh chấp trực tiếp với Trung quốc về quần đảo Trường sa, cũng đã công khai cảnh cáo nhà cầm quyền Bắc kinh không được phép tiếp tục các hành động lấn chiếm xâm lược ở biển Đông. Đặc biệt nữa là ngày 27.6 Thượng viện Mĩ đã ra Quyết nghị kết án chính sách bành trướng và gây hấn của Bắc kinh tại biển Đông.

3. Nhưng cho tới nay nhóm cầm đầu CSVN, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, vẫn buộc chặt với kẻ thù dân tộc.
Phải nói là ngạc nhiên đến mức sửng sốt, vì cho tới nay những người cầm đầu chế độ độc tài toàn trị ở VN vẫn giữ thái độ ba phải đối với chính sách xâm lược ngang ngược của Bắc kinh. Trong khi thanh niên, sinh viên học sinh, trí thức và cả cán bộ đảng viên dám can đảm biểu tình chống xâm lược Bắc kinh thì nhóm cầm đầu CSVN đã cho Thông tấn xã VN, một cơ quan trực thuộc Ban bí thư đảng CSVN, xuyên tạc các cuộc xuống đường của nhân dân VN. Không những thế, giữa lúc hải quân Trung quốc xâm phạm hải phận VN và phá hoại tài sản trên biển của VN thì họ còn cho phép hải quân VN tổ chức tuần tra chung với hải quân Trung quốc vào 2 ngày19-20.6, rồi sau đó lại cho tầu hải quân VN sang thăm Trung quốc từ 21.6 mà họ gọi là “thăm thân hữu“.  

Khó hiểu hơn nữa là, sau khi tờ Hoàn cầu thời báo, một bộ phận của Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc, công bố bài bình luận ngày 21.6 chính thức đe doạ dạy cho VN bài học lần thứ hai:”Thương thuyết với Việt Nam về một giải pháp hoà bình, hay trả lời sự khiêu khích bằng cách phản kích về chính trị, kinh tế, hay thậm chí cả quân sự. Chúng ta phải minh bạch về khả năng lựa chọn thứ hai, để Việt Nam phải tỉnh táo về vấn đề Biển Nam Trung Hoa.“
Nhưng trong Bản Thông tin chung Trung quốc-VN ngày 25.6 sau các cuộc hội đàm của Thứ trưởng ngoại giao CSVN Hồ Xuân Sơn - trong tư cách là “Đặc phái viên của Lãnh đạo VN“- với Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đã vẫn nhắc lại “16 chữ vàng“ và “4 tốt“ : “Hai bên nhấn mạnh cần phải kiện trì bất di bất dịch thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Việt không ngừng phát triển lên phía trước theo phương châm " Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần " Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Trong cuộc phỏng vấn của Thông tấn xã VN ngày 27.6 với cái tựa “Thông điệp của lãnh đạo cấp cao Việt Nam về Biển Đông“, Hồ Xuân Sơn ngay trong điểm đầu cũng lập lại: ”Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.“ Người ta không thể hiểu được lập trường rất quái gở và sai lầm của lãnh đạo CSVN, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng: Tại sao Bắc kinh đang thực hiện các chính sách xâm lấn và thù nghịch với VN một cách công khai và ngang ngược đến như thế, nhưng ông Trọng vẫn coi như không có chuyện gì xẩy ra và còn tiếp tục buộc VN “hợp tác chiến lược toàn diện“ với kẻ thù của dân tộc? Và thậm chí vô tri đến mức ngớ ngẩn vẫn lập lại hai câu vừa giả dối vừa lừa bịp của Bắc kinh đã mớm cho là “16 chữ vàng“ và “bốn tốt“.
Nguyễn Phú Trọng hãy thử hình dung, một người láng giềng của ông đã công khai chiếm đất, lấn sân và còn đánh đập giết con cái của ông, nhưng ông vẫn hớn hở ca tụng người láng giềng là người tốt !!!Những gì mà một người bình thường không thể tưởng tượng được, nhưng người đứng đầu chế độ độc tài toàn trị Nguyễn Phú Trọng lại không cảm thấy như vậy. Chả thế mà năm trước ông Trọng đã cấm Quốc hội bàn về căng thẳng trên biển Đông với câu nói bất hủ: Tình hình biển Đông không có gì mới! Và mới đây Nguyễn Phú Trọng vẫn tỏ ra kính nể và hãnh diện được Hồ Cẩm Đào chiếu cố:“Chưa bao giờ ngay sau Đại hội, một số đảng anh em như … Đảng Cộng sản Trung quốc cử đặc phái viên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước sang gặp Tổng bí thư ta để trực tiếp chúc mừng thành công của Đại hội”.

Bắc kinh đã ngang ngược công khai xâm phạm chủ quyền và phá hoại sinh hoạt kinh tế của VN như thế, nhưng nhân dân VN không thể hiểu được, tại sao nhóm cầm đầu CSVN lại vẫn chỉ nhai lại những lời toàn toàn sai trái của Bắc kinh. Rõ ràng họ đã tự thể hiện thái độ hèn nhát và cúi đầu. Cũng vì thế nên quốc tế không thể ủng hộ VN tích cực trong cuộc tranh chấp với Trung quốc trên biển Đông, vì thái độ ba phải, không rõ ràng và không dứt khoát với Bắc kinh của nhóm cầm đầu CSVN.
Trong các tuần lễ vừa qua Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện nhiều dịp trong các hội nghị lớn ở trong nước cũng như trong chuyến thăm Lào vào cuối tháng 6, nhưng tuyệt đối không một lần nào kết án các hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh.  

Thái độ câm như hến của Nguyễn Phú Trọng giải thích điều gì? Có phải ông ta sợ là, nếu công khai lên tiếng chống Bắc kinh thì Hồ Cẩm Đào sẽ huỷ việc mời ông Trọng sang thăm Trung quốc như hai bên đã dự tính? Hay Bắc kinh sẽ dùng sức ép kinh tế, vì Bắc kinh đang kiểm soát cả cái bụng của VN nữa, vì số ngoại tệ dự trữ của VN không đủ để trả nợ mức nhập siêu rất cao với Trung quốc?  

Những hành động xâm lấn vô cùng trắng trợn như thế của Bắc kinh, nhân dân ai cũng phẫn uất, dư luận thế giới rất lo âu, nhưng thật là vô cùng quái đản là, người đứng đầu chế độ là Nguyễn Phú Trọng lại vẫn yên lặng, câm như hến. Như thế ông Trọng đã tự chứng tỏ trước nhân dân VN và thế giới về thái độ bất lực và vô trách nhiệm trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và danh dự tổ quốc!* * *

Trong khi đất nước đang phải đối diện trước nguy cơ xâm lăng của phương Bắc thì các hoạt động chính của Nhà nước CSVN lại không đặt trọng tâm vào việc đoàn kết dân tộc nhưng lại chỉ lo củng cố quyền hành cho những người có quyền lực. Thật vậy, trong khi đất nước đang phải đối đầu với những hành động xâm lấn của Bắc kinh và nhân dân rất căm phẫn thì trong thời gian gần đây ban lãnh đạo mới của đảng CSVN vừa được thành lập từ Đại hội 11(1.2011) đã giao cho Ban bí thư Trung ương và quan trọng nhất là Ban Tuyên giáo Trung ương mở hàng loạt các hội nghị quan trọng nhằm mục tiêu được họ gọi là “ học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội 11“. Điều dư luận chú ý là, trong các hội nghị này Đinh Thế Huynh, tân Uỷ viên Bộ chính trị và tân Trưởng ban Tuyên giao trung ương đã được coi là người quán xuyến và bao thầu, là cái đinh trong các hội nghị liên quan tới tư tưởng và đường lối của nhóm cầm đầu mới. Ai cũng biết, ngay một ngày trước khi Đại hội 11 khai mạc thì Đinh Thế Huynh đã họp báo nói thẳng là, VN không cần có dân chủ đa nguyên! Lập trường bảo thủ và sai lầm của Đinh Thế Huynh chỉ lập lại các tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng!

 Sau ba Hội nghị cấp miền Bắc, Nam và Trung vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 với sự tham dự của hàng ngàn cán bộ cao cấp tư tưởng và tuyên giáo trong cả nước, trong các tuần lễ gần đây hàng loạt hội nghị Tuyên giáo cấp bộ, ngành, thành phổ và các tỉnh cũng đã được triệu tập. Trong số này đáng chú ý là, tại Hội nghị của Quân uỷ Trung ương và Đảng uỷ Công an Trung ương Đinh Thế Huynh cũng là người chỉ đạo. Ngoài ra, ngày 21.6 là ngày kỉ niệm “báo chí Cách mạng“ Đinh Thế Huynh cũng đã ra chỉ thị cho báo chí của chế độ trong tình thế mới.

Trong các hội nghị này họ nhấn mạnh những gì và tránh những vấn đề nào? Mặc dù các hội nghị do Bộ chính trị giao cho Ban bí thư và Ban tuyên giáo thực hiện vào đúng thời điểm đất nước đang sôi sục phải đối đầu với các hành động xâm lấn của Trung quốc, nhưng trong các hội nghị này tuyệt nhiên không thảo luận tới vấn đề cực kì bức xúc của đất nước. Trái lại các cán bộ chủ chốt tham dự chỉ được Trương Tấn Sang và nhất là Đinh Thế Huynh giải thích một chiều về các Nghị quyết của Đại hội 11 là: Cương lĩnh Chính trị 2011, Chiến lược kinh tế trong thời gian tới và Điều lệ Đảng.

Nhưng ai cũng biết, thi hành các Nghị quyết này là chỉ để duy trì và củng cố chế độ độc đảng theo tư tưởng Mác-Lênin đã hoàn toàn bị thực tế phủ nhận, đề cao vai trò chủ đạo của Kinh tế Nhà nước nhằm phục vụ quyền lợi của những phần tử có quyền lực và cũng để duy trì các ổ nuôi tham nhũng và đục khoét ngân quĩ quốc gia. Cụ thể khủng khiếp nhất là vụ Tập đoàn Vinashin đã gây ra một khoản nợ trên 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD). Nhưng sau đó các uỷ viên Bộ chính trị đã họp kín và tự tha bổng cho nhau!

Chính vì thế nhiều chuyên viên trí thức và cán bộ cao cấp đã về hưu đã và đang công khai phê bình các văn kiện sai lầm của Đại hội 11. Đáng chú ý nữa là, trong các hội nghị này, không thấy Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Đinh Thế Huynh phân tích và phê bình các hành động ngang ngược của Bắc kinh. Ngược lại họ chỉ nhấn mạnh là phải bẻ gẫy những hoạt động “diễn biến hoà bình“ của nhân dân mà họ gọi là các lực lượng thù địch, đồng thời phải cảnh báo trước tình hình “tự diễn biến“ của cán bộ đảng viên!

Cho nên không có gì ngạc nhiên là trong thời gian qua, khi các hội nghị này được rầm rộ tổ chức thì ngay báo chí của chế độ cũng bị ngăn cấm tường thuật về biến cố 26.5 - ngay cả các tờ điện tử Cộng sản, Nhân dân và Quân đội Nhân dân cũng im lặng trong một số ngày đầu! Trong khi ấy nhiều nhà dân chủ bị giam giữ và bị theo dõi, nhiều Blog điện tử bị phá hoại, trong đó phải kể tới tờ Bauxite VN vừa bị tin tặc phá hoại từ ngày 18.6. Theo thông cáo của tờ Bauxite thì lần này có tới “78% là máy của “người quen“ từ VN “ đã tham gia vào việc phá hoại tờ Bauxite VN. Việc này đã tự nói rõ, ai và cơ quan nào ở VN đã ra lệnh phá hoại và phục vụ ý đồ gì!

Như vậy rõ ràng là Ban bí thư và Ban Tuyên giáo trung ương mở hàng loạt các hội nghị trong các tuần vừa qua để cưỡng ép cán bộ, đảng viên học tập như con vẹt các văn kiện vừa sai lầm vừa lỗi thời cùa Đại hội 11, đồng thời còn “định hướng“ cho báo chí, tức là bắt các nhà báo phải viết gì, viết như thế nào có lợi cho những kẻ có quyền lực. Như thế những việc làm đó chứng tỏ rằng, nhóm cầm đầu mới của CSVN đã đặt ưu tiên bảo vệ quyền lợi của những người có quyền lực cao hơn là nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ và danh dự tổ quốc!

* * *Có thể rút ra kết luận gì về tình hình VN trong thời gian vừa qua?
Kể từ Đại hội 11 mà điểm cao là từ cuối tháng 5 sau hai hành động xâm phạm lãnh hải VN và tấn công ngang ngược của hải quân Trung quốc vào các tầu của VN, chiều hướng nổi bật nhất là lòng dân và ý đảng đã trở thành đối nghịch với nhau. Trong khi giới chuyên viên trí thức, thanh niên và đại đa số nhân dân rất phẫn uất với Bắc kinh thì nhóm cầm đầu mới của chế độ độc tài toàn trị ở VN lại im hơi ngậm miệng với kẻ thù dân tộc, nhưng lại tìm mọi cách xuyên tạc cuộc tranh đấu của nhân dân và đàn áp những người dân chủ yêu nước.

 Nếu hiểu ý nghĩa thâm thuý của câu “chở thuyền là nước và lật thuyền cũng là nước“, nói tới quan hệ giữa nhân dân và chính quyền thì chúng ta thấy rằng, hiện nay nước không còn muốn chở thuyền nữa. Bởi vì những người đang ngồi trên con thuyền chỉ toàn những phần tử hèn nhát với kẻ thù của dân tộc, nhưng lại vô cùng tàn ác với dân và cực kì tham nhũng!
 
Tháng 6. 2011 là một khúc quanh lịch sử cận đại của VN, trong đó lòng dân đang đối nghịch với các ý đồ đen tối của nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị! Nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, đang chống lại nhân dân; chống lại thanh niên, các giới trí thức và chuyên viên; chống lại cả những cán bộ đảng viên còn biết giữ lòng tự trọng và danh dự tổ quốc! ?

Mục Thời sự
Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử
.
.
.