Saturday, May 28, 2011

NHÀ TÙ CALI và BỎ PHIẾU Ở NEW YORK (Ngô Nhân Dụng)

Ngô Nhân Dụng
Thursday, May 26, 2011 7:52:10 PM

Chính trị là việc lựa chọn. Những lựa chọn chung cho một đám đông cùng sống trong một nước, một tỉnh, hay một làng. Không phải chỉ là lựa chọn giữa thiện và ác, giữa cái tốt và cái xấu. Phần lớn các vấn đề chính trị là lựa chọn giữa nhiều thứ cùng tốt cả.

Thí dụ tiểu bang California nước Mỹ được lệnh của Tòa án Tối cao phải giảm bớt số tội phạm trong các nhà tù, vì họ đang sống chật chội quá. Tiểu bang phải chọn, hoặc xây thêm phòng cho tù nhân, hoặc phải thả họ ra.

Thẩm phán Tối cao Anthony Kennedy đã đưa ra quyết định trên nhân danh Hiến Pháp Mỹ và ông thống đốc California sẽ phải tuân theo lệnh quan tòa. Hiện nay các nhà giam ở California giữ 142,000 tù nhân. Ba vị quan tòa kháng án liên bang đã ra lệnh phải giảm xuống còn 110,000 trong hai năm tới, và bị kháng án lên tòa trên. Nay Tòa án Tối cao Liên bang chấp thuận quyết định của tòa dưới, yêu cầu tiểu bang phải giảm bớt trên 30,000 tù nhân; vì tình trạng nhà tù hiện nay thiếu những điều kiện tối thiểu để các tù nhân sống xứng đáng với phẩm giá con người mà bản Hiến Pháp Hoa Kỳ nói rõ ràng cần phải bảo vệ. Các Thẩm phán Tối cao đã được coi ba tấm hình cho thấy những cảnh trong nhà tù rất chật chội: Có nơi chưa đủ giường ngủ phải nhốt riêng một người tù trong cái chòi ổ chuột. Có nơi 200 tù nhân chỉ có vài người lính gác. Có tù nhân bị bệnh tâm thần đứng giữa bãi nước tiểu của mình. Ðối với người Mỹ, khi chính quyền để cho một người dân, dù là tội phạm, sống trong cảnh như vậy, là vi phạm Hiến Pháp.

Nhưng California không thể xây thêm nhà tù vì ngân sách đang thiếu hụt. Các chương trình cải huấn các can phạm cũng sẽ tốn tiền, có khi tốn hơn là giữ họ trong nhà tù. Có quận nào muốn lãnh thêm tù nhân về nhà giam nhỏ của mình không? Tiền đâu ra? Mỗi năm California chi tiêu khoảng 10 tỷ đô la trong việc giam giữ các tù nhân (trung bình giam mỗi người tù tốn trên 70,000 đô la một năm). Vậy thì phải thả họ ra sớm hơn? Người dân sẽ lo lắng nhà mất trộm, mất xe, an ninh không được bảo đảm!

Tại sao California nhiều người bị tù như vậy? Một phần vì luật lệ rất gắt gao. Mà luật gắt gao không phải vì nhà nước khó tính, mà vì dân chúng muốn như vậy. Thí dụ, dân California đã bỏ phiếu ủng hộ một đề án “Quá tam ba bận,” theo đó thì ai phạm tội đến lần thứ ba là nhốt luôn, không còn hy vọng ân xá nữa. Ý kiến này hay quá, nhiều tiểu bang đã bắt chước làm theo. Nhưng khi thi hành luật này thì một người phạm một tội nhỏ ba lần, thí dụ ăn cắp vặt hay bị bắt với một chút ma túy nhỏ, cũng có thể bị giam giữ suốt đời. Luật lệ tiểu bang về tạm tha cũng rất gắt gao, một vi phạm nhỏ trong thời gian “parole” là trở lại nhà tù chờ ngày xét xử lại.

Sự thể đưa tới tất câu chuyện này là do những lựa chọn của người dân California từ nhiều năm trước. Một mặt họ bỏ phiếu cho những luật lệ nghiêm khắc để ngăn ngừa tội phạm, đó là một ý kiến rất tốt. Ðồng thời, ai cũng muốn các tù nhân phải được đối xử như xứng đáng với phẩm giá con người, một ý rất tốt nữa. Ở một xứ tự do dân chủ người ta không thể đem hàng trăm ngàn người bỏ lên rừng mặc cho sống chết sao cũng được! Nhưng nếu bây giờ California muốn thực hiện cả hai thiện ý trên thì phải tăng thuế. Mà người dân ở đâu cũng vậy, ai cũng muốn giảm bớt gánh nặng thuế má, đó là một ý tốt khác. Khi lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu, chúng ta nhờ đạo đức, tôn giáo chỉ đường. Nhưng ở đời chúng ta cũng hay phải lựa chọn giữa nhiều cái tốt như nhau; khi lựa chọn có tính chất tập thể thì gọi là chính trị!

Một biến cố chính trị khác mới diễn ra ở Mỹ cũng đặt ra trước người dân những lựa chọn khó khăn. Hôm Thứ Ba vừa rồi, bà Kathy Hochul (Dân Chủ) đã thắng bà Jane Corwin (Cộng Hòa) trong một cuộc bầu cử điền khuyết một ghế dân biểu trống ở đơn vị bầu cử số 26, tiểu bang New York (viết tắt là NY 26). Bà Kathy Hochul được 47.1% số phiếu, bà Jane Corwin được 42.5%, người về thứ ba là ông Jack Davis được 9.2% số phiếu, ông này trước thuộc đảng Dân Chủ năm nay ứng cử với tư cách “Ðảng Tiệc Trà,” Tea Party. Tin tức về cuộc bỏ phiếu này chắc không được quý vị chú ý lắm, nhưng đã gây một cơn sóng gió trên các diễn đàn chính trị. Vì đơn vị NY 26 trong 58 năm qua luôn luôn bầu cho các ứng cử viên Cộng Hòa. Các ông Tổng Thống Georges W. Bush, Nghị Sĩ John McCain đều đã được dân ở đây ủng hộ (năm 2008 McCain hơn Obama 6 điểm ở vùng này).

Nhưng lý do chính khiến mọi người bàn luận sôi nổi về cuộc bỏ phiếu nhỏ này là vì họ không đồng ý nó đang báo trước, hay sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội sang năm như thế nào. Bên đảng Dân Chủ thì vui mừng tuyên bố là kết quả cuộc bỏ phiếu ở NY 26 chứng tỏ nhiều cử tri độc lập đang chống lại chính sách của đảng Cộng Hòa về vấn đề Medicare. Phía Cộng Hòa thì nhún vai vạch ra rằng ứng cử viên Davis thuộc Tea Party đã chiếm mất nhiều phiếu bảo thủ đáng lẽ đã bỏ cho bà Jane Corwin.

Chúng tôi sẽ không tham dự vào cuộc tranh luận trên mà chỉ muốn nêu ra một điểm lựa chọn căn bản trong đó. Sở dĩ vấn đề Medicare, y tế cho các người về hưu ở Mỹ, trở thành quan trọng trong cuộc bỏ phiếu này vì Hạ Viện Mỹ đã thông qua một bản ngân sách do Dân Biểu Paul Ryan đề nghị. Trong dự thảo ngân sách này, ông Paul Ryan chủ trương trong tương lai sẽ thay thế chương trình Medicare hiện nay, bằng cách phát cho mỗi người về hưu một số phiếu (vouchers) để trả các chi phí chữa bệnh. Ðây là một hình thức tư nhân hóa, vì mọi người có thể dùng vouchers trực tiếp trả cho các công ty bảo hiểm hoặc cung cấp dịch vụ y tế, không còn do chính phủ chi trả như hiện nay nữa. Bản ngân sách Paul Ryan cũng đề nghị giảm thuế cho những người giầu nhất nước Mỹ, từ 36% xuống 25%.

Dự thảo ngân sách Paul Ryan đã cẩn thận chỉ áp dụng sự thay đổi về Medicare cho những người từ 54 tuổi trở xuống mà thôi, để tránh cho các người đang hoặc sắp được hưởng Medicare không bị thay đổi. Nhưng trong dư luận người ta vẫn lo sợ, những người tuổi 40 cũng lo ngại. Bởi vì người ta không biết khi họ đến tuổi về hưu thì chi phí y tế ở Mỹ sẽ tăng lên như thế nào, và số tem phiếu mà chính phủ sẽ phát cho họ có tăng lên kịp với tốc độ của chi phí hay không. Vì biết ông Paul Ryan đang gây ra mối lo đó, nhiều lãnh tụ đảng Cộng Hòa cũng lên tiếng phản đối dự thảo ngân sách của ông, như Nghị Sĩ Scott Brown tiểu bang Massachusetts, và ông Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ Viện và có thể sẽ tranh cử tổng thống sang năm.

Tại đơn vị NY 26, bà Jane Corwin đã ủng hộ Dự thảo ngân sách Paul Ryan, trong khi bà Kathy Hochul thì kịch liệt chống lại, và nêu vấn đề Medicare làm đề tài tranh cử chính. Trong đơn vị này, cứ 4 cử tri độc lập thì có một người coi vấn đề Medicare là yếu tố quyết định việc bỏ phiếu. Ðảng Cộng Hòa đã nhìn thấy mối nguy bị thua trong đơn vị trung thành cố hữu này, đã giúp 400 ngàn đô la cho quỹ tranh cử của bà Corwin. Tổ chức chính trị của ông Karl Rove, cố vấn chính trị của Tổng Thống Bush đã góp thêm 700 ngàn đô la. Nhưng cuối cùng bà Jane Corwin đã thua. Sau đó 2 ngày, Thượng Viện Mỹ đã bác bỏ Dự thảo ngân sách của Hạ Viện với số phiếu 57-40. Một số nghị sĩ Cộng Hòa đã bỏ phiếu giống các đồng viện Dân Chủ, như các bà Olympia Snowe và Susan Collins, tiểu bang Maine, Scott Brown của Massachusetts và Lisa Murkowski thuộc Alaska, một người đã bị bà Sarah Palin chống nhưng vẫn đắc cử.

Chúng tôi không bàn về những đề nghị thay đổi của ông Paul Ryan về Medicare mà chỉ chú ý đến vai trò của nó trên kết quả cuộc bầu cử ở đơn vị NY 26. Rõ ràng, nếu không có Ngân sách Ryan thì chưa chắc đảng Dân Chủ đã thắng ở đó. Cử tri tại NY 26 đứng trước một lựa chọn: có muốn thay đổi chương trình Medicare theo đề nghị của Ngân sách Paul Ryan hay không?

Nhưng nói như vậy là quá giản dị. Bởi vì các đề nghị của Ngân sách Paul Ryan có những lý do sâu xa, không thể chỉ tóm tắt trong một câu được. Chương trình Medicare sẽ phá sản nếu cứ tiếp tục chi tiêu như tốc độ hiện nay, thế nào cũng phải thay đổi. Ngân sách Paul Ryan có một thiếu sót là không bảo đảm các tem phiếu y tế phát cho người về hưu đuổi theo kịp chi phí y tế leo thang; cũng không đưa ra những biện pháp để giảm tốc độ các chi phí đó. Ðưa ra một biện pháp làm giới trung lưu lo sợ sẽ bị thiệt hại trong khi lại muốn bớt thuế cho giới giầu có, đó cũng là một điều khiến nhiều cử tri bất bình. Nhưng cuối cùng, nước Mỹ sẽ phải đối diện với vấn đề chương trình Medicare (cùng nhiều chương trình khác như An Sinh Xã hội, MediCal-Medicaid, vân vân). Bảo vệ sức khỏe và lợi tức của người về hưu, đó là một bổn phận của cả xã hội. Nhưng làm cách nào thực hiện được điều đó trong khi không ai muốn tăng thuế? Một mặt dân Mỹ muốn thu nhỏ vai trò của chính phủ lại để bớt phải đóng thuế, mặt khác lại muốn chính phủ phải lo bảo vệ những người già và người yếu kém. Cử tri bỏ phiếu ở đơn vị NY 26, cũng như Thượng Viện Mỹ, chỉ trì hoãn chưa thay đổi chương trình Medicare, chứ không giải quyết gì cả trong những lựa chọn lớn như trên!

Cũng như các cử tri ở California trong mấy chục năm qua. Họ biết có vấn đề các nhà tù chật chội, nhưng vẫn muốn luật pháp phải nghiêm khắc để bảo vệ an toàn cho đời sống. Bây giờ Tòa án Tối cao đã ra lệnh tiểu bang phải giải quyết.

Cuối cùng, các vấn đề chính trị trên đều đặt ra trên những lựa chọn tập thể. Tăng thuế hay không? Bảo vệ sức khỏe người già như thế nào? Ai sẽ đóng góp, cho ai hưởng? Mọi vấn đề chính trị đều là những lựa chọn kiểu đó. Ở các nước tự do dân chủ thì chính người dân đứng ra lựa chọn, qua lá phiếu. Chúng ta biết lựa chọn nào cũng có thể lầm lẫn, hoặc có thể đúng trong một thời gian rồi lại sai khi hoàn cảnh thay đổi, kể cả những lựa chọn tập thể. Vì thế chế độ dân chủ tự do đặt ra những “luật chơi” cho việc lựa chọn tập thể; nếu có sai thì tất cả cùng chịu trách nhiệm. Dù sao cũng hơn là phải sống trong chế độ độc tài, mọi lựa chọn đều do một nhóm người quyết định, không một người dân nào được quyền tham dự.


.
.
.

No comments:

Post a Comment