Monday, May 2, 2011

NHÀ BÁO BÙI TÍN NÓI VỀ NGÀY 30-4 (Đàn Chim Việt)



Đàn Chim Việt phỏng vấn:
LTS: Vài năm trước đây, chúng tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này với nhà báo Bùi
Tín, một trong những người đầu tiên có mặt ở Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. Hơn 20 năm nay ông Bùi Tín sống tại Pháp và là cây bút quen thuộc của Đàn Chim Việt. 36 năm đã trôi qua, nhiều thứ đã thay đổi nhưng 30/4 vẫn là một ngày quan trọng với cả phía vui và phía buồn.
Qua trao đổi với nhà báo Bùi Tín, chúng tôi đăng tải lại bài phỏng vấn này vì tính thời sự vẫn nguyên vẹn của nó.

——————————————————–
Mạc Việt Hồng: Thưa ông, nhân dịp ngày 30/4, Đàn Chim Việt chúng tôi muốn có cuộc trao đổi cùng ông với tư cách là một cựu đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam, một nhà báo, về cuộc chiến đã qua. Xin ông cho biết, ông thường hay nghĩ về cuộc chiến 32 năm trước không và cảm giác của ông khi nghĩ về nó như thế nào?
Bùi Tín: (cười) Chiến tranh kết thúc đã lâu lắm rồi nhưng làm sao có thể quên được. Cảm giác của tôi là Đảng Cộng Sản (ĐCS) đã bỏ lỡ một cơ hội sau khi hòa bình thống nhất đất nước, bỏ lỡ cơ hội hòa hợp, hòa giải dân tộc để xây dựng một đất nước giầu đẹp hơn. Đó là điều hết sức đáng tiếc vì đó là cơ hội ngàn năm một thuở. Lúc đó chúng ta có điều kiện hòa giải dân tộc, thống nhất anh em sau nhiều năm chia rẽ.

Mạc Việt Hồng: Ông muốn nói tới những sai lầm của ĐCS sau khi thống nhất đất nước?
Bùi Tín: Đúng. Nếu ĐCS khôn ngoan, thông minh, có trách nhiệm với dân tộc thì phải tận dụng cơ hội này để thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc, thống nhất lòng người, xóa bỏ hận thù, không được áp đặt chính sách ta – địch, chính – tà nữa… ĐCS phải chịu trách nhiệm về chính sách “học tập cải tạo” đối với những người thất trận mà thực chất là giam cầm không xét xử hàng mấy trăm ngàn người, rồi sự ra đi của cả cả triệu người Việt Nam mà hàng trăm ngàn người đã chết chìm dưới biển cả. Càng nghĩ tôi càng lấy làm tiếc vì ĐCS đã tin vào một học thuyết vô lý, đề cao sự đối kháng giai cấp dẫn đến chia rẽ dân tộc, chia rẽ lòng người, chia rẽ gia đình… Nếu ĐCS biết tận dụng cơ hội đó thì đâu đến nỗi chúng ta thua kém Thái Lan, thua kém Đại Hàn… đến như vậy.
Tôi mong lãnh đạo sẽ tỉnh lại để “còn nước còn tát”, nhìn thẳng vào những sai lầm trước kia mà sửa chữa để hàn gắn lại đoàn kết dân tộc.

Mạc Việt Hồng: Thưa ông, những người Việt Nam vượt biên vào những năm sau khi chiến tranh kết thúc, trước kia bị Đảng cho là “con cháu của tàn quân Ngụy”, là đám “đĩ điếm chây lười lao động”, “chạy theo cơm thừa, sữa cặn của Đế Quốc Mỹ”… Nay, tuy ĐCS không nói lời xin lỗi nhưng trên thực tế Nghị quyết 36 đã gọi họ là những Việt Kiều, là “bộ phận không thể tách rời của dân tộc”. Sắp tới đây, có thể Đảng còn miễn visa, chấp nhận song tịch… Vậy có thể nói là ĐCS đang sửa chữa sai lầm?
Bùi Tín: Tôi không thấy thế đâu cô à. Cách đặt vấn đề của ĐCS vẫn là kiểu trịch thượng của người chiến thắng, không thấy hết múc độ sai lầm đáng tiếc của mình. Đó là thái độ ban ơn, coi người Việt Nam ở nước ngoài ở một tầm rất thấp, chủ yếu nhìn vào cái túi Đô-la của họ thôi. Vì vậy có được bao nhiêu người hưởng ứng lời kêu gọi của đảng đâu. Theo thống kê chính thức của Hà Nội, bà con Việt Kiều mới đầu tư được trên 200 triệu Đô-la. Đó là chưa kể tới hàng mấy trăm ngàn trí thức Việt Kiều mà không mấy ai hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng cả. Bởi vì, đa số bà con Việt Kiều thấy không chấp nhận được nghị quyết 36 này.

Mạc Việt Hồng: Xin phép ông được quay lại với ngày 30/4 của chúng ta. Cách đây 32 năm, ông đang say sưa với niềm vui chiến thắng, cảm giác của ông khi đó như thế nào?
Bùi Tín: Vâng, ngày 30/4 khi chúng tôi vào Sài Gòn có thể nói là vui vô cùng. Vì sau mấy chục năm bao nhiêu hy sinh, nay hòa bình, thống nhất, đất nước đứng trước bao nhiêu triển vọng làm sao không vui được.

Mạc Việt Hồng: Khi nào thì ông bắt đầu thấy thất vọng hay thấy kém vui đi?
Bùi Tín: Từ khi tôi thấy những người lính miền Nam hay những người làm việc cho chế độ cũ bị đi “học tập cải tạo”. Là một nhà báo nên tôi đến các trại cải tạo đó. Thực chất đó là những trại giam do Cục Quản lý Trại giam của Bộ Công an quản lý. Ở đó có cả xà lim, phòng giam… Lúc đó tôi cũng nông nổi. Tôi nghĩ chắc chỉ học tập vài ba tháng, tôi biết đâu là người ta dử vào đó rồi không xét xử, bỏ tù vô thời hạn… Nếu là học tập thì phải tiếp thu một cách tự do, bình đẳng chứ.
Từ đó tôi bị hẫng, hàng triệu người bị hẫng. Hiện nay ĐCS vẫn không muốn nói một điều đáng tiếc về chuyện đó. Ngay cả ông Võ Văn Kiệt cũng không dám nói ra, mặc dù những người chủ trương đường lối phi dân tộc, phi nhân tính đó đều đã chết.
Rồi việc giải thể không kèn không trống Chính phủ Lâm thời, Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam… Đáng ra nên để lại để giữ quan hệ với phương Tây để giữ sự hòa hợp giữa hai miền Nam- Bắc.
Tôi đã từ bỏ tất cả những huân huy chương của tôi vì tôi cho rằng nó không có gì là vinh hạnh cả. Mấy triệu người VN chết mà toàn là anh em giết lẫn nhau. Cuộc chiến vừa qua là một trang đen tối trong lịch sử VN, không có gì để kiêu ngạo, để hãnh diện cả.

Mạc Việt Hồng: Để có những huân huy chương đó, ông đã tham gia những công việc cụ thể gì trong chiến tranh?
Bùi Tín: Tôi vào quân đội lúc 19, 20 tuổi, lúc đó còn hăng hái lắm. Lúc đầu là lính thôi, rồi tham gia cách mạng Tháng Tám, hoạt động ở mặt trận trong những năm 1945-1949. Sau Điện Biên Phủ tôi vào Hà Nội, rồi chuyển sang làm báo chí tuyên truyền. Sau đó tôi về báo Nhân Dân. Trong những năm chiến tranh (1965-1975), tôi làm báo là chính, tôi cũng vẫn tiếp tục làm báo cho tới năm 1990 khi tôi sang Pháp. Sau 44 năm trong ĐCS, hơn 37 năm trong quân đội, bây giờ tôi là nhà báo tự do để tham gia một cuộc đấu tranh mới giành lại tự do dân chủ cho đất nước mình.

Mạc Việt Hồng: Thưa ông, thế hệ của các ông, thế hệ của những người:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Là một người cầm bút, một nhà báo, ông đã cổ vũ động viên những nam thanh nữ tú đó đi vào chiến trường mà thực chất là đi vào nơi chết chóc với “lòng phơi phới”. Chắn chắn trong sự viết lách của các ông khi đó, có những thông tin sai sự thật. Ông có thấy mình phải chịu trách nhiệm ít nhiều trong sự “phơi phới” đó hay không?
Bùi Tín: Có chứ, cô Việt Hồng. Cho nên tôi vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân tham gia vào những hướng sai lầm đó. Một con người không thể thoát khỏi hoàn cảnh lịch sử được.
Nếu tôi ở Miền Nam, có khi số phận tôi đã khác. Ở Miền Bắc, tôi phải theo cái xu hướng lịch sử như thế. Lúc đó, tôi nghĩ rằng cuộc kháng chiến là đúng đắn, rằng hòa bình, thống nhất sẽ có độc lập, tự do… Dù sao cũng may mắn là tôi đã tỉnh lại!

Mạc Việt Hồng: Ký ức mãnh liệt nhất về cuộc chiến của ông là gì?
Bùi Tín: Tôi thường hay nghĩ tới những người đồng đội của mình. Đồng đội của tôi chết nhiều lắm! Tôi vuốt mắt cho hàng trăm người, khi tôi là Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng. Thương lắm! Đau lắm! Tôi cứ suy nghĩ mãi, những người chết hình như là những người thông minh nhất, dũng cảm nhất… Nhiều anh trong đó đã thi đỗ đầu vào các trường đại học vậy mà vẫn xung phong vào chiến trường, rồi 10 đi thì 7, 8 không trở lại. Cả hai bên đều là những người đã xả thân vì lá cờ của mình, về những giá trị mà mình cho là thiêng liêng.

Mạc Việt Hồng: Thưa ông, ông vừa nhắc tới những người lính phía bên kia chiến tuyến. Ở chiến trường ông đã coi họ là những kẻ thù. Vậy xin ông cho biết từ khi nào nhận thức của ông về họ thay đổi?
Bùi Tín: Đó là khi tôi gặp họ trong các trại giam, tôi hỏi kỹ họ. Dần dần tôi nhận ra. Đến khi tôi ra nước ngoài, tôi gặp họ và bây giờ tôi kết thân với nhiều người lắm. Ví dụ như tướng Lý Tòng Bá, rất thân với tôi và còn nhiều anh em tướng tá khác. Do hoàn cảnh lịch sử thôi, nếu tôi ở Miền Nam, chắc tôi cũng cùng cầm súng với họ. Nếu họ ở Miền Bắc, có khi cũng cùng cầm súng với tôi. Nhưng một số người thì có quan điểm cực đoan, quá khích, họ không tin tôi, cho tôi là cộng sản nằm vùng…

Mạc Việt Hồng: Còn với vong linh của những người lính đã mất, ông có muốn nói điều gì không?
Bùi Tín: Tôi coi họ ngang nhau, không hơn không kém với cả hai phía. Tôi thương khóc họ như nhau. Tôi tôn trọng tất cả các liệt sỹ của cả hai miền Nam – Bắc, cả những đồng bào đã mất trong cuộc chiến, dù Nam hay Bắc đều là những người ruột thịt của tôi.

Mạc Việt Hồng: Tôi nghĩ rằng, lịch sử của một dân tộc cũng giống như số phận của một con người. Đặt ra vấn đề “nếu như thế này…”, “giá như thế kia…” đều không giải quyết được gì cả. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng, nếu ông Hồ Chí Minh (HCM) không đem học thuyết cộng sản vào Việt Nam thì đã không xảy ra một cuộc chiến mấy chục năm, thiệt hại vài triệu mạng người như vậy. Ông nghĩ sao về giả định này?
Bùi Tín: Đúng là ông Hồ đã đem chủ nghĩa Cộng Sản tới Việt Nam, nhuộm đỏ cả Bắc Việt Nam, muốn nhuộm đỏ cả Lào và Miên…, rồi còn muốn nhuộm đỏ cả Đông Nam Á, châu Á và tham gia vào việc nhuộm đỏ cả Thế giới. Đó là mục tiêu của ĐCS lúc bấy giờ, một mục tiêu được cho là rất cao cả (cười).
Việc đánh giá về ông Hồ phải rất thận trọng. Về việc này thì tôi có viết trong một cuốn sách. Việc coi ông Hồ là tội đồ của dân tộc, ngu dốt… hay việc đề cao ông quá đều không đúng. Nhưng nếu ông Hồ không tiếp thu chủ nghĩa CS từ Lenin, Stalin, không sang tận Nga để học tập… thì sẽ không có đảng CSVN, không có mặt trận Việt Minh, có thể cũng không có cuộc chiến tàn khốc và nước Việt Nam không bị nhuộm đỏ tới bây giờ. Chúng ta có thể sẽ như Thái Lan, Philippines…, tức là một nước dân chủ. Nhưng những sai lầm đó, tôi cho rằng HCM không cố tình mà đó là sai lầm mang tính lịch sử. Ông Hồ đã tưởng rằng chủ nghĩa Marx-Lenin là tốt đẹp
Trên hình thức thì ĐCS đã lãnh đạo kháng chiến thành công nhưng thực tế thì họ áp dụng học thuyết CS, thực hiện cương lĩnh của Quốc Tế III. Trong đó sai lầm nhất phải kể tới việc đấu tranh giai cấp. Từ việc theo học thuyết này, VN tự đặt mình đối lập với thế giới dân chủ….

Mạc Việt Hồng: Xin được hỏi ông một câu cuối cùng, hơi riêng tư một chút. Việc ông từ bỏ hàng ngũ ĐCS, tranh đấu cho tự do dân chủ, ĐCS cho ông là phản bội, còn ngay ở hải ngoại, một số người không tin tưởng ở ông, cho ông là nằm vùng… dùng những lời lẽ có thể nói là xúc phạm tới ông. Ông có buồn không?
Bùi Tín: Ồ, tôi cũng không có gì buồn cả vì khi dấn thân, tôi đã lường trước những khó khăn rồi. Sẽ có lúc tôi bị kẹt giữa 2 làn đạn. Trong nước họ bảo tôi là bất mãn, phản động nhưng tôi rất mừng là số đó ít thôi và ngày càng ít đi, chỉ có một số trong bộ máy tuyên truyền của công an, ban tư tưởng thôi. Còn tôi nhận được không biết bao nhiêu thư từ, e-mail của đồng bào trong nước, của thế hệ trẻ, người ta bày tỏ sự thông cảm, chia sẻ với tôi. Ở ngoài nước có một số người họ nhìn tôi cũng quá đáng, họ cho rằng tôi vẫn mang lập trường CS. Thậm chí cho rằng tôi là nhân viên tình báo làm việc cho CS, dân chủ cuội, nhưng tôi tin rằng đông đảo mọi người hiểu tôi. Tôi có ngày càng nhiều bạn, những người bạn tốt họ thông hiểu mình. Rồi những bài báo mà tôi viết ra, trong và ngoài nước họ thi nhau phổ biến đó cũng là an ủi lớn với tôi khi xa những người ruột thịt.

Mạc Việt Hồng: Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn mà ông đã dành cho Đàn Chim Việt.
Bùi Tín: Cám ơn Đàn Chim Việt đã đăng rất nhiều những bài viết của tôi. Tôi cũng đã đi dự cuộc gặp mặt ĐCV năm ngoái và được gặp anh em toàn những người trẻ tuổi khắp 5 châu. Xin cám ơn cô về những câu hỏi rất thú vị hôm nay.

© Đàn Chim Việt (2007)
.
.

------------------------------

Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Bảy, 30 tháng 4 2011

36 năm đã qua, kể từ ngày 30-4-1975, ý nghĩa thật sự của ngày lịch sử này vẫn còn là vấn đề tranh luận.
Ngày 30-4 năm nay gợi lại cho mỗi người Việt Nam chúng ta những suy nghĩ và tình cảm ra sao? Sau 36 năm vẫn còn những suy nghĩ và tình cảm khác biệt, thậm chí trái ngược nhau. Đã đến lúc tòan dân ta, Bắc và Nam, trong và ngoài nước, có thể đi đến một lập trường thống nhất đối với ngày lịch sử này hay không ?

Phải chăng đó là ngày Toàn thắng, ngày Giải phóng miền Nam, ngày Thống nhất Tổ quốc, ngày Hòa bình trở lại sau 30 năm chiến tranh, ngày Đỉnh cao lịch sử, dân tộc ta đánh thắng 3 đế quốc: Nhật Bản ở châu Á, Pháp ở châu Âu và Hoa Kỳ ở châu Mỹ. Có thật thế không?

Phải chăng đó là ngày Quốc hận, ngày Quốc thù. ngày Quốc nhục, ngày Phục thù, ngày gãy súng, tan hàng, ngày Mất nước, ngày bị đồng minh phản bội, bỏ rơi, ngày chống Cộng, ngày Cộng sản thôn tính miền Nam. Có phải thế không?

Sau 36 năm, sự chia rẽ Bắc Nam vẫn còn đó, dai dẳng, nặng nề. Tùy theo chỗ đứng, tùy theo lập trường chính trị, nhận thức và tình cảm đối lập, tưởng như không thể hòa giải, điều hòa được giữa những người Việt với nhau. Sẽ chia rẽ, khác biệt, đối lập đến tận bao giờ?

Danh xưng đất nước, lá cờ đất nước, quốc ca đất nước cũng vậy.
Một bên là danh xưng vĩnh viễn, dứt khoát là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là lá cờ đỏ sao vàng, là bài Tiến quân ca.
Một bên là danh xưng Việt Nam Cộng hòa, là cờ vàng 3 sọc đỏ, là quốc ca «Này công dân ơi» …
Hai lập trường đối lập, không thể nhân nhượng, hòa giải. Ai cũng nhận mình là đúng, là phải, là có lý.

Thật ra đã có những dấu hiệu, những suy nghĩ, những tình cảm khác, tuy còn tản mạn, nhưng có chiều phát triển, cần thúc đẩy để lan rộng mạnh mẽ thành lập trường chung.
Đó là: trong chiến tranh, tuy có người thắng kẻ thua, nhưng thật ra người thật sự thua, thật sự thất bại là nhân dân, là nhân dân cả 2 miền. Con em nhân dân 2 miền chết trận hàng mấy triệu trên chiến trường, nhân dân 2 miền chết vì bom đạn cũng hàng triệu khắp cả nước.

Thất bại lớn nhất trong ngày 30-4-1975 là không thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc, vì đảng Cộng sản Việt Nam đã «ăn quỵt» lời hứa danh dự hòa giải và hòa hợp dân tộc. Thay vào đó đảng Cộng sản đã thực hiện trên thực tế chính sách chiếm đóng miền Nam, trả thù Việt nam Cộng hòa bằng tù đầy trong hàng trăm trại tù thảm khốc mang tên «trại cải tạo».

Trong chiến tranh và sau chiến tranh, đảng Cộng sản đã thực hiện nền chuyên chính vô sản, thực tế là nền chuyên chính của đảng Cộng sản, nền chuyên chính của Bộ Chính trị áp đặt lên miền Bắc rồi lên toàn bộ đất nước sau ngày 30-4-1975.

Điều ngày càng rõ ràng là nhân dân cả 2 miền Bắc và Nam đều chung một số phận bị tước quyền tự do, bị mất quyền công dân, đều như bơ vơ trên đất nước mình, ngày càng hiểu nhau, thương yêu đùm bọc nhau, chung một đối tượng đấu tranh là ách thống trị của đảng Cộng sản, cụ thể là của Bộ Chính trị (mà ông nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An gọi là Vua tập thể 14 vị ), chung một đòi hỏi là thay đổi hệ thống cai trị sang đa nguyên đa đảng, sang nền pháp trị nghiêm minh, sang một xã hội công dân thật sự trong toàn quốc.
Đã đến lúc thống nhất ý chí, nguyện vọng nhân dân cả nước, nhân dân trong và ngoài nước, cùng chung khẩu hiệu và mục tiêu đấu tranh, chấm dứt chia rẽ Nam - Bắc, chia rẽ trong - ngoài nước, tìm ra mẫu số chung, từ đó nhân lên gấp bội thế và lực, đi đến một tập hợp lực lượng chính trị chung để đọ sức với đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn đang diễn ra.

Nhìn xa và trông rộng, nhân dân ta cần chung sức tìm ra phương cách thống nhất nhận thức và hành động, tìm ra danh xưng của chế độ mới sẽ xây dựng (nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam chẳng hạn), một lá cờ mới (cờ vàng có hoa sen 5 cánh trắng hay màu hồng ở giữa chẳng hạn), một quốc ca mới… sẽ do một Quốc hội mới được một cuộc tổng tuyển cử thật sự tự do bầu ra quyết định.

Hiện nay khẳng định một danh xưng, một lá cờ, một quốc ca cho tương lai gần hay xa đều là quá sớm, không có lợi cho cuộc đấu tranh chung.

Tình hình mới đang đặt Đoàn Viết Hoạt cạnh Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Đan Quế cạnh Vi Quốc Hồi, Nguyễn Tiến Trung cạnh Lê Thị Công Nhân, linh mục Chân Tín cạnh linh mục Nguyễn Văn Lý và linh mục vùng Xã Đoài Nghệ An, cô sinh viên Huỳnh Thiện Vy cạnh cô Phạm Thanh Nghiên, anh Điếu Cày bên Người buôn gió…, chuyện khai thác bauxite ở Tây Nguyên, làm nhà máy điện nguyên tử ở Bình Thuận, chuyện phá sản của Vinashin, chuyện nguy cơ đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn, chuyện cực lớn xây dựng chế độ dân chủ chân thực…là vấn đề của cả nước, của cả cộng đồng dân tộc, cần được quan tâm bàn luận rộng rãi, không phân biệt trong Nam ngoài Bắc, trong với ngoài nước.

Làn sóng dân chủ tự do ở Bắc Phi lan rộng sang Tây Phi, lan vào Trung, Cận Đông, tác động đến cục diện toàn cầu thúc đẩy nhân dân Việt Nam ta chung lòng chung sức sáng suốt nắm bắt thời cơ, thống nhất dân tộc trong một cuộc đấu tranh rộng lớn chưa từng có cho độc lập, dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển, xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc, với truyền thống nhân ái yêu thương đùm bọc lẫn nhau từ ngàn xưa.
Xin chớ mãi nhìn về phía sau, hãy chú mục vào toàn cục hiện tại và nghĩ đến tương lai, với tấm lòng rộng mở, trí tuệ minh mẫn và tình tự dân tộc trong sáng.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments:

Post a Comment