Monday, May 2, 2011

KỂ CHUYỆN 30-4 (Huỳnh Ngọc Tuấn)



Vậy mà đã 36 năm rồi kể từ ngày Miền Nam bị bức tử. Không ai nghĩ rằng cái chế độ độc tài phi nhân tàn bạo và mất lòng dân này lại sống đến ngày hôm nay.

Ngày 15 tháng 3 năm 1975 tôi và gia đình di tản ra Đà Nẵng để tìm đường vào Sài Gòn.

Những ngày cuối tháng 3 khi thị xã Tam Kỳ sắp thất thủ,một dòng người hỗn loạn chạy khắp nơi để tìm đường sống. Có gia đình chạy ra Đà Nẵng như gia đình tôi và hai cô tôi. Có người chạy xuống biển Kỳ Phú để tìm đường “chạy giặc”. Tại biển Kỳ Phú có một sân bay trực thăng nhỏ. Cái sân bay thì nhỏ, thỉnh thoảng một hai giờ mới có chuyến bay ra hạm đội Mỹ đậu ở ngoài biển khơi, mà dòng người “chạy giặc” thì như một dòng sông bất tận đổ về.

Vì có quá nhiều người muốn ra đi mà phương tiện thì thiếu nên mọi người tự cứu mình bằng chính khả năng của mình vậy. Không đi di tản bằng trực thăng được, những gia đình có tiền tìm mua những chiếc ghe máy còn tốt và đủ lớn cho chuyến hải hành đầy mạo hiểm. Họ mua với bất cứ già nào. Vậy là cơ hội cho một số ngư dân hốt vàng.


Có nhiều gia đình chạy xuống cảng Kỳ Hà để tìm đường lánh nạn cộng sản. Tại cảng Kỳ Hà mọi việc hỗn mang và tang tóc hơn một trăm lần ở bãi biển Kỳ Phú, những chiếc tàu to lớn cũng “quá tải” vì lượng người quá lớn. Vậy là những bi kịch xảy ra: Tàu chìm vì quá tải, vì tranh nhau (ai cũng muốn ra đi). Một số trường hợp tàu chìm vì “ai đó” ném lựu đạn xuống tàu. Người chết bị nước cuốn trôi mãi mãi

Gia đình tôi chạy ra Đà Nẵng – Đà Nẵng mấy ngày trước khi thất thủ thật hỗn loạn, dòng người chạy giặc đổ về (nhất là từ Huế vô) làm cho Đà Nẵng bị tắt nghẽn, con đường nào cũng bị kẹt xe. Từ chổ tôi ở (gần bệnh viện Đa khoa Đà nẵng) tôi cùng một người anh (con rể cô tôi) đi xuống bến Bạch Đằng để tìm một cơ hội và xem xét tình hình, vậy mà sáng đi, chiều tối mới về đến nhà vì bị kẹt xe phải chạy lòng vòng .

Lúc đó tôi 17 tuổi, chưa hiểu CS là gì nên cũng không sợ họ. Chỉ có mấy người lớn là sợ đến khủng hoảng. Ông anh rể con bà cô hai tôi là một sĩ quan cảnh sát vì vợ bị kẹt lại Tam Kỳ nên anh vẫn nấn ná chờ đợi. Cô hai tôi buộc anh phải đi, cô chửi :
-Mầy muốn VC nó xâu tay mày bằng dây thép gai hả ?”. Trong nhà tôi có lẽ cô hai tôi là sợ Việt cộng nhất. Cô chỉ là một người phụ nữ buôn bán lẻ tại sao phải sợ VC ?. Đó là vì kinh nghiệm, vì những gì cô đã chứng kiến, đã trải qua.

Năm 1967 Chị tôi (con cô hai) có chồng là sĩ quan cảnh sát, anh ấy công tác ở Huế nên cô ra sống ở đó từ năm ấy. Tết Mậu Thân (1968), cô chứng kiến cảnh VC thảm sát dân thường, những hố chôn người tập thể được tìm thấy và khai quật sau đó. Cô chứng kiến tận mắt nên từ đó cô sợ CS, sợ đến bệnh hoạn,đến mất khả năng phán đoán. Cô tiếp tục sống trong sợ hãi cho đến khi từ trần năm 1995.

Cô út tôi cũng sợ CS đến mụ cả người. Khi tôi từ nhà tù Nam Hà trở về. Lúc làm việc với mấy tay an ninh Quãng Nam, cô chứng kiến tôi tranh luận nãy lửa với họ. Sau đó cô kêu tôi qua nhà, xuống tận nhà bếp để rỉ tai tôi: “Họ nói chi kệ họ, cứ dạ dạ vâng vâng cho qua chuyện – Mình ở trong tay họ, họ giết mình lúc nào cũng được. Hồi chiến tranh, ở những vùng mất an ninh, Cô từng chứng kiến nhiều người (bị họ tình nghi thôi), tối đến, họ gõ cửa rồi dẫn đi biền biệt luôn, xác họ bỏ đâu đó trong rừng sâu núi thẳm, con đừng có dại mà thiệt thân”.

Tôi hiểu cô nhưng không biết giải thích với cô thế nào đây cho cô an tâm – mà an tâm làm sao được khi một không khí khủng bố vẫn bao trùm lên xã hội VN ngày nay !.

Mấy ngày sau khi Đà Nẵng thất thủ, gia đình tôi lục tục kéo nhau về Tam Kỳ. Về tới Tam Kỳ một cảnh tượng lạnh giá buồn thảm hiện ra trước mắt. Tôi đạp xe qua những con phố nhỏ, không một bóng người, chỉ có những con chó hoang mất chủ gầy đói chạy xớn xác,lấm lét nhìn tôi. Tam Kỳ hoàn toàn hoang vắng, là một thị xã “ma”. Rất tiếc không có máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc lịch sử đó cho hậu thế hiểu người dân miền Nam sợ và chống cộng như thế nào. Họ đã từ chối CS, xa lánh CS, tẩy chay CS chứ không phải như luận điệu của CS là người dân miền nam mong CS vào “giải phóng” họ. Họ chiếm được Miền nam bằng một cuộc chiến tranh ăn cướp, nó hoàn toàn chà đạp lên ý chí và nguyện vọng của người dân. Và sau khi họ hoàn toàn làm chủ cả nước lại một dòng thác người liều mạng ra đi,bất chấp hiểm nguy

Chính vì vậy chế độ CS hiên nay hoàn toàn không có chính nghĩa và chính danh. Cho nên không thể có cái gọi là “chính quyền nhân dân “như người CS rêu rao
Đó là chuyện cũ.

Còn câu chuyện tôi muốn trình bày với độc giả hôm nay là câu chuyện của ngày 30/4/2011.

Ngày 25 tháng 4- 2011, các con tôi vào Buôn Mê Thuộc để thăm cậu và dì. Tôi không yên tâm khi để Thục Vy và Trọng Hiếu vào đó, nhưng cậu Lĩnh, mợ Tâm và dì Thu các cháu khẩn khoản hoài nên tôi đồng ý.
Ngày 26/4/2011- vẫn là Thuyết, An ninh tỉnh Quảng Nam “đến thăm”, vì sau khi “ lệnh” cho CA xã Tam Phú (nơi tôi tạm trú) mời tôi đi làm việc và bị tôi từ chối vì không có việc gì để tôi phải làm việc với CA xã Tam Phú.
Thuyết nói là muốn được thẩm vấn Thục Vy và xác minh hai bài viết trên Đàn Chim Việt có đúng là của Huỳnh Trọng Hiếu con trai tôi không. Tôi xác định với họ hai bài viết đó là của Huỳnh Trọng Hiếu con trai tôi. Và tôi thông báo là hai cháu đi thăm người thân rồi, không có ở nhà. Thuyết về khi không hỏi được gì nữa.

Tại xã Hòa Khánh- Buôn Mê Thuộc lúc 11h đêm, ngày 29/4/2011.Một lực lượng hùng hậu gồm 1 an ninh của Bộ CA, một an ninh tỉnh DakLak, hai công an xã Hòa Khánh và 4 dân phòng đến nhà anh rể tôi là Trần Hồng Lĩnh để kiểm tra hộ khẩu. Anh Lĩnh và chị Tâm (vợ anh Lĩnh) rất ngạc nhiên, từ trước đến nay nhà vẫn có khách (vì gia đình anh buôn bán lớn, quan hệ rộng nên khách đến nhà ở lại rất nhiều và thường xuyên) nhưng có bao giờ trong vòng 25 năm nay có công an đến kiểm tra hộ khảu đâu!.
Sau khi họ (CA) nghe anh chị tôi báo là có hai đứa cháu ruột từ Tam Kỳ vào thăm, nếu các anh cần thì ngày mai tôi xuống đăng ký tạm trú vài ngày.
Tên an ninh chỉ huy bảo anh:
- Phải đích thân hai người đó xuống đồn CA làm thủ tục
anh Lĩnh hơi ngạc nhiên và khó hiểu
- Cần gì phải thế, các anh cứ quan trọng hóa vấn đề,hai cháu nó mới vô,còn lạ nước lạ cái, có gì tôi là chủ hộ, là cậu mợ xuống đăng ký là được rồi.
Tên an ninh vẫn nằng nặc đòi hai con tôi phải đến đồn CA vào ngày mai – 30/4/2011.
Anh Lĩnh nói: “Ngày mai nghỉ lể có ai làm việc đâu ?”
Tên an ninh nói: “chúng tôi sẽ làm việc”
Họ ra về, anh Lĩnh gọi điện cho tôi báo là An ninh đến kiểm tra hộ khẩu, anh thấy việc này lạ quá, bất thường quá.
Tôi hiểu ra vấn đề là họ đang có một âm mưu gì đó với các con tôi. Nên tôi nhờ anh chị tôi thu xếp để ngày mai các cháu về lại Tam Kỳ.

Cả nhà tôi: Anh Lĩnh – chị Tâm, Chị Thu – anh Thông và các cháu anh chị em cô cậu -bạn dì rất bất bình nhưng cũng phải chuẩn bị chu đáo cho Thục Vy và Trọng Hiếu ra về.
Sáng ngày 30/4, gia đình anh Lĩnh làm buổi tiệc nhỏ để tiễn hai cháu
Các con của anh Lĩnh, chị Thu thì đi tìm xe vì ngày 30/4 rất ít xe chạy.
Tìm kiếm cả ngày mà không có xe. Tại Tam Kỳ tôi hơi lo lắng. Rất may là 6,30h chiều có một chuyến xe đi Đà Nẵng
Dì Thu và mợ Tâm khóc khi tiễn các cháu – Thục Vy cũng khóc
Hai mươi năm mới vào thăm Cậu – Dì một chuyến mà cũng không xong, người dân VN ngày nay thật là “Hạnh phúc”? !.
Các cháu ra về trong đêm với tâm trạng gần như bỏ chạy khỏi Buôn Mê Thuộc

Ngày 30/4/1975 trong ký ức của tôi là một ngày tang tóc.
Ngày 30/4/2011 đối với các con tôi là một ngày nặng nề
6h sáng ngày 1/5/2011 tôi gọi điện để thông báo cho anh Lĩnh biết là các cháu đã về đến Tam Kỳ bình an. Anh Lĩnh thở phào nhẹ nhõm.
- Anh nhẹ cả người, không thể tin “mấy ông” này được nữa rồi.
Tôi nói với anh Lĩnh:
- CSVN về đối nội họ đàn áp – khủng bố người dân nhất là những ai bất đồng quan điểm với họ.
Về đối ngoại, nói như nhà văn Dương Thu Hương, họ chỉ làm được mỗi một việc là “Ngửi rấm Bắc triều”.

Tam kỳ :2/5/2011
© Huỳnh ngọc Tuấn
© Đàn Chim Việt

------------------------

Cùng một tác giả :




.
.
.

No comments:

Post a Comment