Friday, April 1, 2011

TỐ CÁO "NHÀ NƯỚC TAM QUYỀN NHẤT LẬP", TS CÙ HUY HÀ VŨ PHẢI RA TÒA (Hà Dình Sơn)

Hà Đình Sơn
1/04/2011

Ngày 04/4/2011, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ theo điểm c, khoản 1, điều 88 Bộ luật hình sự “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trong số 10 bài viết, trả lời phóng vấn của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội sử dụng làm chứng cứ để cáo buộc ông là bài (“Tam quyền nhất lập” đồng lòng hại dân) được đăng trên trang mạng điện tử Bauxite Việt Nam.

Khái niệm Nhà nước pháp quyền theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
“Nhà nước pháp quyền là vị thế pháp lí hay một hệ thống thể chế, nơi mỗi người đều phải phục tùng và tôn trọng luật pháp, từ cá nhân đơn lẻ cho tới cơ quan công quyền. Nhà nước pháp quyền như vậy liên hệ chặt chẽ với sự tôn trọng trật tự thứ bậc của các quy phạm, tôn trọng sự phân chia quyền lực và tôn trọng các quyền căn bản. Nhà nước pháp quyền là nhà nước nơi những người được ủy giao trọng trách thông qua phiếu bầu phải có trách nhiệm với những luật lệ mà họ ban ra. Lý thuyết phân quyền của Montesquieu vốn là nền tảng cho phần lớn Nhà nước phương Tây hiện đại khẳng định sự phân chia 3 quyền (lập pháp, hành pháp và tư pháp) và những giới hạn của 3 thứ quyền lực này. Ví dụ trong mô hình dân chủ nghị viện, quyền lập pháp (Nghị viện) hạn chế quyền lực của phía hành pháp (Chính phủ) : Như vậy chính phủ không thể tự do hành động theo sở thích của mình và phải luôn có được sự hậu thuẫn của Nghị viện, nơi thể hiện ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Cũng như thế, tư pháp cho phép tạo ra sự đối trọng đối với một số quyết định của Chính phủ. Như vậy, Nhà nước pháp quyền đối lập với các thể chế quân chủ tuyệt đối với thứ quyền lực thần thánh (Trong các chế độ trước, Hoàng đế có quyền lực tối thượng, giống như Louis 14 đã từng nói : Ta chính là Nhà nước) và cũng đối lập với các thể chế độc tài, nơi chính quyền hành động bất chấp các quyền căn bản”.

Khái niệm Nhà nước pháp quyền là một giá trị phổ quát, đã được ghi nhận tại điều 2 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 và sửa đổi bổ sung năm 2001: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Do nghề nghiệp tư vấn luật pháp nên tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã gặp vô số các vụ việc mà trong Bài (“Tam quyền nhất lập” đồng lòng hại dân) là một vụ việc xảy ra thực tế ở ngay thủ đô mà thân chủ của ông gặp phải. Những người dân trong vụ việc này vi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nên đã khiếu nại, tức là đã “kêu lên” với cơ quan hành pháp nhưng không được cơ quan này giải quyết. Theo pháp luật họ kiện ra tòa án tức cơ quan tư pháp nhưng tòa án trả lời đơn kiện của họ không thuộc thẩm quyền của tòa. Để giúp cho thân chủ của mình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bằng văn bản của Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã gửi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp quốc hội Lê Thu Ba là cơ quan có thẩm quyền bên nhánh lập pháp của Nhà nước nhưng cũng không nhận được trả lời.

Hệ lụy của nó là pháp luật không được thực thi, công lý đã trở thành thứ “xa xỉ”.

Thực tế trên ở Việt Nam được Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ làm chứng cho bài viết (“Tam quyền nhất lập” đồng lòng hại dân). Đây là một lời “ai thán !” hay một lời tố cáo của bất cứ ai nếu gặp được hay biết được là lẽ thường tình và nhất lại là một người hành nghề tư vấn pháp luật như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.

Việc làm trên của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ công khai giữa ban ngày, được gửi tới các cơ quan thuộc 03 nhánh quyền lực của Nhà nước, bàn dân thiên hạ đều biết cả. Nhưng việc làm đó lại được chính các cơ quan tiến hành tố tụng coi là chứng cứ để cáo buộc Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong phiên tòa hình sự sơ thẩm 04/4/2011 tới đây.

Đòi hỏi thực thi Nhà nước pháp quyền tức là đòi hỏi “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Để khước từ chân lý đó, phải chăng bằng thủ pháp rút cây đũa cứng nhất trong bó đũa để bẻ, rồi sẽ bẻ vụn được cả bó đũa hay sao? Một bản án nếu có của phiên tòa này đối với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thì không gì khác chính là bản án cho Nhà nước pháp quyền đó.

Một đốm lửa cũng có thể thiêu đốt cả cánh rừng khô. Bất cứ một hy sinh nào của hôm nay cũng đều không vô ích cho mùa xuân đất nước đang tới gần.

Thăng Long – Hà Nội 31/3/2011,
H.Đ.S

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.

No comments:

Post a Comment