Friday, April 1, 2011

LÝ LẼ QUANH VỤ XỬ TS CÙ HUY HÀ VŨ (BBC)

BBC
Cập nhật: 10:19 GMT - thứ sáu, 1 tháng 4, 2011

Trong một loạt các vụ xử những luật sư tranh đấu mấy năm qua, Toà án ở Việt Nam thường viện dẫn lý do các hoạt động của họ hoặc là "chống nhà nước, chính quyền nhân dân", hoặc chống lại hiến pháp.
Các điều 79 và 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam đã được viện ra trong các vụ xử những luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, và Lê Công Định cũng như vụ xử tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tới đây.
Bên cạnh đó, việc những người này có liên lạc với những những người Việt Nam ở hải ngoại, hoặc trả lời đài báo nước ngoài cũng thường được cho là "chứng cớ" chống lại bị cáo.

Về điều 88
Đánh giá vụ xử TS Cù Huy Hà Vũ sắp tới, một luật sư tại Việt Nam xin được giấu tên cho BBC hay ý kiến của ông:
"Tất cả các cáo buộc này đều sai vì đã dựa trên một sự ngộ nhận về tính duy nhất của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và dựa vào những suy luận, võ đoán, gán ghép vô căn cứ và phi thực tế về một số cá nhân và tổ chức ở trong và ngoài nước."
Dù không được mời tham gia bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ, ông  Vũ Đức Khanh, một luật sư từ Canada gửi thư ngỏ lên Quốc hội Việt Nam, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích điều 88 trong Bộ Luật Hình sự.

Luật sư Khanh, hành nghề tại Ontario, viết:
"Điều 88 Bộ Luật Hình sự có xung đột, mâu thuẫn với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Chính phủ Việt Nam đã long trọng ký kết tham gia."
BBC đã liên hệ với một số đại biểu Quốc hội nhưng chưa lấy được ý kiến về thư của luật sư Khanh.

Cũng về điều luật này, ông Lê Quốc Quân, một luật sư thường nêu cao chủ đề dân chủ hoá cho Việt Nam cũng viết:
"Một điều về luật học rất quan trọng là theo luật pháp Việt Nam thì Đặc điểm cấu trúc tội phạm ở Điều 88 cho thấy khách thể mà anh Vũ xâm hại là An ninh quốc gia.
"Bởi vậy không thể xét xử được nếu như không chứng minh là hành vi đó xâm hại đến an ninh quốc gia và được lượng hóa. Không thể có tội ăn cắp nếu như không có ai mất bất cứ thứ gì.
"Ngược lại, cần phải tiến hành điều tra khẩn cấp về việc bắt giữ anh Vũ có làm phương hại đến An ninh quốc gia hay không? Nếu có thì kẻ bắt anh mới là người có tội."

Một ngày sau khi ông Hà Vũ bị bắt, hôm 6/11/2010, trả lời họp báo về vụ việc, Trung tướng công an Hoàng Kông Tư nói rằng:
"Các chứng cứ, tài liệu do các cơ quan chức năng thu được đã chứng minh ông Cù Huy Hà Vũ có những hành vi phạm luật theo Điều 88 Bộ luật hình sự."

Luật sư Khanh cũng viết:
"Là một công dân Việt Nam từ lâu mến mộ những cử chỉ và việc làm đáng kính của Luật gia Cù Huy Hà Vũ, tôi vô cùng bức xúc trước việc Chính phủ Việt Nam bắt tạm giam trái luật ông Vũ và đang chuẩn bị đưa ông ra tòa với cáo trạng vi phạm điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam,"
"Tôi xem hành động này của Chính phủ Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quyền hiến định công dân của ông Vũ theo tinh thần Hiến pháp 1992, đồng thời vi phạm cả Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết và thông qua vào ngày 24/09/1982."

Nghịch lý nghề luật

Ông Lê Quốc Quân, người vừa bị loại khỏi vòng tranh cử Quốc hội Việt Nam khóa 13, trong thư gửi cho các diễn đàn mạng đã nhắc lại vụ xử chí sĩ Phan Bội Châu thời trước và thái độ của báo chí thời đó và thời nay, ông Quân viết:
"Một lời cho những phóng viên đưa tin phiên tòa sắp mở là trong vụ án Phan Bội Châu, khi đó chưa hề có Đảng Cộng Sản, các tờ báo đã được rầm rộ đưa tin, cung cấp các góc nhìn khác nhau, tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi về chính trị, vừa mang học thuật vừa nồng nàn lòng yêu nước,"
"Nếu như hôm nay chúng ta có tự do báo chí, chắc chắn sẽ có nhiều tranh luận, bút ký bài báo trực tiếp, huyên náo và đầy sáng tạo."

Nói về số phận của TS Cù Huy Hà Vũ, người bị bắt cuối năm 2010, ông Lê Quốc Quân cũng nêu ra một nghịch lý về nghề luật tại Việt Nam:
"Vì cũng như anh, chúng tôi đều tin rằng pháp luật được sinh ra để cho con người ta dựa vào đó mà hành xử. Nó là nền tảng, là đường kẻ, là rường cột và là sợi dây buộc chúng ta tuân theo,"
"Thế nhưng khi chúng ta chân thành “tin vào lời” mà không tỉnh táo để nhìn “việc nó làm” thì dễ mắc nạn."

Nhắc lại chuyện ông Hà Vũ từng kiện Thủ tướng Việt Nam về vụ khai thác bauxite, LS Quân cho rằng:
"Là luật sư chúng ta tin rằng thủ tướng cũng là công dân như muôn vàn công dân khác và chúng ta có quyền kiện. Chúng ta tin rằng Nhà nước đang thực tâm muốn chống lại tham nhũng để rồi các luật sư lại mày mò đi tìm chứng cứ để khởi xướng những hoạt động vì những mục tiêu chung thì sẽ bị bắt."

Còn luật sư Vũ Đức Khanh thì nêu ra ý kiến đánh giá từ bên ngoài về tác động của vụ đưa TS Cù Huy Hà Vũ ra xử:
"Ngoài ra, việc bắt giữ và truy tố ông Vũ không những là một tổn thất rất lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tư tưởng nhà nước pháp quyền tại Việt Nam mà còn làm mất đi thể diện, uy tín cũng như ảnh hưởng của Việt Nam trên chính trường quốc tế."

Sau khi công an bắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ngày 5/11/2010 ở thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 17/12, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố ông Cù Huy Hà Vũ về tội tuyên truyền chống Nhà nước.
Báo chí Việt Nam đưa tin theo cáo trạng, từ năm 2009 đến tháng 10/2010, ông Vũ đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn đăng tải trên mạng internet "có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước".

Là con của cố thi sỹ, Bộ trưởng Cù Huy Cận, ông Hà Vũ có quan hệ rộng trong giới trí thức, con em lãnh đạo cao cấp tại Hà Nội.
Được biết chỉ có hai nhà báo nước ngoài sẽ được vào xem phiên xử ông, dự kiến vào ngày 4/4 tới tại Hà Nội nhưng không được mang theo phiên dịch.


----------------------------------


LS Vũ Đức Khanh
Ontario, Canada
Cập nhật: 09:28 GMT - thứ sáu, 1 tháng 4, 2011

Kính gửi quý vị Đại biểu Quốc hội các ông: Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Lân Dũng
Kính thưa quý vị Đại biểu Quốc hội,

Tôi, Vũ Đức Khanh, Luật sư thuộc Luật sư đoàn tỉnh bang Ontario, Canada nay xin được phép gửi đến quý vị thỉnh nguyện thư này - thứ nhất, liên quan đến vụ án Luật gia Cù Huy Hà Vũ - thứ hai, về việc đề nghị quý vị kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích điều 88 trong Bộ Luật Hình sự có xung đột, mâu thuẫn với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Chính phủ Việt Nam đã long trọng ký kết tham gia không.

Là người thường xuyên theo dõi tình hình thời sự trong nước, tôi nhận thấy nơi quý vị có những cử chỉ và hành động phi thường, là lực lượng nghị sĩ thực sự tâm huyết với đất nước, luôn anh dũng, hiên ngang, tiên phong trong việc chứng tỏ bản lãnh, khí phách và can đảm tại nghị trường, là các nghị sĩ đối lập phản biện xây dựng trong việc tranh luận về các vấn đề cấp bách, hệ trọng của quốc gia, cho nên tôi mạo muội kính thỉnh nguyện thư này với mong ước được sự chiếu cố của quý vị trong việc đem lại Công lý và Lẽ phải, thứ nhất cho cá nhân ông Cù Huy Hà Vũ nói riêng, thứ hai cho toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung và thứ ba, cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và cường thịnh.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng bè bạn quốc tế năm châu qua vụ việc này cũng sẽ ngưỡng mộ và tri ân sự đóng góp lớn lao của quý vị vì sự tiến bộ nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam và bè bạn trên toàn thế giới về những giá trị cao quý, phổ quát mà toàn nhân loại cùng quyết tâm phấn đấu.

Là một công dân Việt Nam từ lâu mến mộ những cử chỉ và việc làm đáng kính của Luật gia Cù Huy Hà Vũ, tôi vô cùng bức xúc trước việc Chính phủ Việt Nam bắt tạm giam trái luật ông Vũ và đang chuẩn bị đưa ông ra tòa với cáo trạng vi phạm điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Tôi xem hành động này của Chính phủ Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quyền hiến định công dân của ông Vũ theo tinh thần Hiến pháp 1992, đồng thời vi phạm cả Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết và thông qua vào ngày 24/09/1982.

Ngoài ra, việc bắt giữ và truy tố ông Vũ không những là một tổn thất rất lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tư tưởng nhà nước pháp quyền tại Việt Nam mà còn làm mất đi thể diện, uy tín cũng như ảnh hưởng của Việt Nam trên chính trường quốc tế.

Vì những luận điểm nêu trên, tôi mạo muội đệ trình lên quý vị thỉnh nguyện thư kèm theo sau đây với hy vọng được sự chiếu cố của quý vị để cố sức can thiệp với cơ quan hữu trách Việt Nam về vụ án Cù Huy Hà Vũ, đồng thời với tư cách Đại biểu Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích điều 88 trong Bộ Luật Hình sự có xung đột, mâu thuẫn với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Chính phủ Việt Nam đã long trọng ký kết tham gia không.

Trong khi chờ đợi, xin trân trọng kính gửi đến quý vị những lời chào tin tưởng và thân ái nhất và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa nhất của tôi cũng như của những người yêu chuộng Tự do, Công lý và Lẽ phải.
Kính thư,

Luật sư Vũ Đức Khanh
Khanh VU DUC, LL.L., LL.B., MPA

Barrister, Solicitor & Notary Public
VDK LAW OFFICE
Integrity - Competence - Excellence
838 Somerset Street West, Suite 30, Ottawa Ontario K1R 6R7 Canada
Tel: (613) 867-2071 or (613) 238-8889 - Fax: (613) 238-8890
.
.
.

No comments:

Post a Comment