Wednesday, April 27, 2011

NỖI NIỀM CỦA CẢNH SÁT GỐC VIỆT Ở LITTLE SAIGON (Đỗ Dzũng/Người Việt)

Ðỗ Dzũng/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Thỉnh thoảng ra khu Little Saigon, ở Westminster cũng như ở Garden Grove, và nhiều khi ở những thành phố xa xôi hơn nữa, không ít lần đồng hương gặp cảnh sát mang những tên họ gốc Việt, như Nguyễn, Trần, Lê, Ðinh, Vũ... nhưng có thể không biết nhiều lắm về họ.

Michael Nguyễn, cảnh sát điều tra của Sở Cảnh Sát Westminster. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)

Nhân một lần tham dự buổi họp mặt của Hiệp Hội Cảnh Sát Gốc Châu Á Quận Cam (Orange County Asian Peace Officers Association - OCAPOA), tôi gặp một số cảnh sát viên gốc Việt, chuyện trò với họ và biết thêm một phần nào về công việc của những đồng hương này.
Ða số cảnh sát viên gốc Việt phải trải qua một thời gian làm việc thử thách trước khi được nhận làm việc chính thức cho sở cảnh sát. Một cảnh sát viên phải tuyên thệ trung thành với luật, với hiến pháp, nên được gọi là “sworn officer”.
Cảnh sát viên Michael Nguyễn, làm công tác điều tra của Sở Cảnh Sát Westminster, kể: “Tôi phải tình nguyện làm việc cho cảnh sát 4 năm khi còn đang học đại học UCI, trước khi được mướn chính thức hồi năm 2004.”
Công việc hiện nay của Michael Nguyễn là điều tra các vấn đề liên quan đến bạo hành gia đình và hành hạ trẻ em.
“Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ mình làm cảnh sát. Nhờ mẹ tôi làm việc ở thành phố, tôi dần dần quen biết công việc của họ, công việc trả lương cao, tôi cũng biết khá nhiều về cộng đồng chúng ta, nên tôi chấp nhận,” cảnh sát viên Michael Nguyễn nói.
“Họ đối xử rất tốt với tôi. Phần tôi, đây cũng là cách để phục vụ cộng đồng mình, vì mình biết được hai thứ tiếng. Thời gian đầu vào nghề, ngồi trong xe ban ngày nóng lắm. Còn ban đêm thì rất lạnh,” cảnh sát viên Westminster nói tiếp.
Nữ cảnh sát viên Natalie Nguyễn, cũng làm công tác điều tra, nhưng cho Sở Cảnh Sát Tustin. Cô là cảnh sát viên gốc Việt duy nhất tại cơ quan công lực này.


Natalie Nguyễn, cảnh sát viên điều tra Sở Cảnh Sát Tustin. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Cô tâm sự: “Ðây là một nghề mà tôi học được nhiều kinh nghiệm cuộc sống, giúp cộng đồng, cho dù mình gốc Châu Á, nhỏ con, lại là phụ nữ.”
Cô cho biết, ban đầu, khi có ý định vào cảnh sát, gia đình cô không hài lòng chút nào.
“Hầu hết người lớn không đồng ý và không ủng hộ chuyện tôi vào cảnh sát. Nhưng tôi nghĩ, sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nếu làm việc chăm chỉ, không có gì là mình không làm được. Có người nghĩ tôi không làm cảnh sát được. Nhưng tôi chứng minh là họ sai,” cô Natalie nói tiếp.
Sau khi tốt nghiệp trường Golden West College, Natalie được vào làm cảnh sát Tustin, với nhiệm vụ tuần tra. Bảy năm sau, cô được thăng chức lên làm điều tra viên, phụ trách điều tra bạo hành gia đình.
Hiện nay, Natalie là thành viên HÐQT OCAPOA.
Tại Sở Cảnh Sát Garden Grove, tôi gặp hai trong ba cảnh sát viên gốc Việt duy nhất trong một cơ quan có một lực lượng lên tới 170 người.

Hai cảnh sát viên Steve Trần (trái) và Kevin Ðinh của Sở Cảnh Sát Garden Grove. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Cảnh sát viên Steve Trần, mới làm cảnh sát được hai năm bốn tháng, kể: “Ban đầu, cha mẹ tôi không cảm thấy an tâm lắm khi biết tôi chọn nghề này. Họ thấy nguy hiểm quá. Họ muốn tôi trở thành bác sĩ,” cảnh sát viên này kể.
Anh nói tiếp: “Tôi bắt đầu tình nguyện làm việc cho sở cảnh sát trong hai năm, rồi thuyết phục cha mẹ, rồi học về tội phạm học tại đại học Cal State Fullerton. Sau khi ra trường, tôi nộp đơn tại Sở Cảnh Sát Garden Grove, được họ nhận ngay. Bây giờ tôi làm công việc tuần tra, phụ trách khu vực giữa đường Garden Grove và Katella.”
Cảnh sát viên Kevin Ðinh thì trải qua quân đội trước khi vào làm cho cảnh sát.
“Tôi tham gia hải quân sáu năm rưỡi, từng công tác tại Kuwait, Hy Lạp và Barain. Tôi làm cảnh sát ba năm nay, với công việc tuần tra khu vực gần góc Westminster và Brookhurst,” cảnh sát viên này kể.
“Tất nhiên, ban đầu cha mẹ tôi không đồng ý cho tôi làm cảnh sát, nhưng sau đó họ hiểu điều tôi muốn và để tôi quyết định cho tương lai của tôi,” anh Kevin nói tiếp. “Cho tới nay, tôi làm cảnh sát được gần ba năm rồi. Và mọi chuyện vẫn tốt đẹp.”
Làm cảnh sát Mỹ gốc Việt có lợi là biết được hai ngôn ngữ, giúp được sở cảnh sát và cả đồng hương không biết tiếng Anh.
“Tôi may mắn biết tiếng Việt đủ để có thể nói chuyện với đồng hương khi phải chặn họ lại,” cảnh sát viên Michael Nguyễn, một trong tám cảnh sát viên gốc Việt của Westminster, tự hào nói. “Nhưng trong trường hợp phức tạp, tôi vẫn cần sự giúp đỡ của người khác.”
Anh kể, có lần được phái đến một nhà Việt Nam, gặp một thanh niên bị bệnh tâm thần, cầm dao, chửi bới, đòi giết cảnh sát. Dù không biết người này nói gì, anh quyết định không bắn, mà gọi mẹ của mình đến để thông dịch trong lúc kêu thêm đồng đội đến hỗ trợ.
“Nhờ mẹ tôi nói anh ta hiểu. Sau đó, anh bị bắt đưa về sở cảnh sát và không bị bắn một cách oan uổng,” cảnh sát viên Michael Nguyễn kể.
Với Natalie Nguyễn, dù sinh trưởng ở Mỹ, cô cũng biết một ít tiếng Việt nhờ có đi học tiếng Việt, theo lời cô.
Cô kể: “Tustin có người Việt cư ngụ, nhưng không nhiều. Nhưng mỗi khi cần, tôi là người duy nhất họ thường nhờ thông dịch.”
Cảnh sát viên Steve Trần nói: “Biết tiếng Việt rất có lợi, nhất là khi gặp đồng hương lớn tuổi, vì họ rất ngại gặp cảnh sát Mỹ. Mỗi khi họ gọi 911, thấy tôi đến, họ hỏi ngay ‘anh là Việt Nam?’ và rất mừng.”
“Tôi rất tự hào mình biết tiếng Việt, có thể nói chuyện với đồng hương để kêu gọi họ tuân thủ luật pháp.”
Tuy nhiên, cảnh sát viên gốc Việt cũng có khi gặp phiền toái vì “đồng hương”.
Cảnh sát viên Michael Nguyễn kể: “Hồi còn đi tuần tra, mỗi khi chặn một đồng hương phạm luật, tôi phải giải thích với họ là mọi người được đối xử như nhau, không phân biệt. Không phải vì tôi là cảnh sát gốc Việt nên tôi phải nhẹ tay với người Việt. Luật không cho phép làm như vậy. Nhưng dường như rất ít ai hiểu cho chúng tôi.”
“Có lần tôi phải nói quý vị là người Việt, nếu nhẹ cho quý vị, những người Việt khác thì sao?”
Cảnh sát viên Kevin Ðinh từng bị đồng hương gọi là “kẻ phản bội” vì không tha cho một ông Việt Nam vi phạm luật.
“Ông nói tôi là đồng hương với ông, phải thông cảm. Tôi không chịu. Thế là ông nói tôi ‘mày là kẻ phản bội,’” cảnh sát viên Kevin kể.
“Cũng có khi biết là đồng hương, tôi nói tiếng Việt, họ lại nói tiếng Anh với tôi. Tôi không hiểu nổi,” cảnh sát viên này nói tiếp.
Dù với trường hợp nào, cảnh sát viên gốc Việt vẫn phải làm việc theo luật Mỹ. Ðó là thông điệp những nhân viên công lực này muốn cộng đồng hiểu.
“Luật được áp dụng cho tất cả mọi người. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm theo luật,” cô Natalie Nguyễn khẳng định.
Cảnh sát viên Michael Nguyễn nói: “Mọi người phải hiểu luật. Nếu không biết, có thể nhờ người khác giải thích. Nên hợp tác với cảnh sát khi có việc, để họ làm công việc của họ, thay vì khó chịu, làm cho tình thế tệ hơn.”
“Ðừng ngại gọi cho cảnh sát khi có việc cần. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp đỡ mọi người tuân thủ luật, cho dù là đồng hương hay người Mỹ. Và chúng tôi làm một cách công bằng,” cảnh sát viên Kevin Ðinh khẳng định.
Về OCAPOA, trong số năm người trong ban điều hành, có tới bốn người là gốc Việt. Ðó là các cảnh sát viên Tim Vũ (Westminster), Minh Nguyễn (Anaheim), Khả Bảo (Costa Mesa) và Nicholas Trần (Westminster).

Muốn biết thêm chi tiết về OCAPOA, có thể vào trang web www.ocapoa.org.
.
.
.

No comments:

Post a Comment