Wednesday, April 27, 2011

HỌP MẶT CỰU TÙ QUẢNG NINH - THANH HÓA (Nguyên Huy/Người Việt)

Nguyên Huy/Người Việt
Tuesday, April 26, 2011 6:13:58 PM

“Bao nhiêu năm trong ngục tù cải tạo của cộng sản, chúng ta đã có nhau nương nhau mà quyết sống thì nay trong hoàn cảnh thuận lợi chúng ta không thể bỏ nhau.”

Cùng nhớ đến nhau trong bức hình này.

Ðó là lời mở đầu của ông Trần Ðình Duất, chủ nhân căn nhà trên đường Woodburry thành phố Garden Grove được dùng làm nơi hội họp cho khoảng gần 100 anh em cựu tù Quảng Ninh-Thanh Hóa và gia đình, trong buổi gặp gỡ hàng năm của anh em vào chiều hôm Chủ Nhật, 24 tháng 4.

Cựu tù Trần Ðình Duất cũng cho biết sở dĩ có tên là nhóm anh em cựu tù Quảng Ninh-Thanh Hóa vì số anh em này chủ yếu ở hai trại tù trên.

Vào năm 1978 sau hơn 3 năm bị giam giữ tại Quảng Ninh, lúc Trung Cộng đánh sang cho VN một bài học trên 6 tỉnh biên giới thì các trại tù cải tạo rải rác trên các miền phía Bắc, Tây Bắc Bắc Việt nhà cầm quyền CS Hà Nội đã phải chuyển tất cả các trại đó, phần lớn về phía Tây tỉnh Thanh Hóa, nơi giáp giới với biên giới Lào trong mạng lưới nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt là Ðầm Ðùn, Thanh Phong, Thanh Lâm, Thanh Hóa, Thanh Cầm... Vào năm 1981 các trại tù cải tạo này lại phân chia nữa, một số được cho về, một số được chuyển về Nam Hà, một số lớn được chuyển vào Nam tại các trại tù lớn là Z 30A Xuân Lộc và Z30D Hàm Tân.

Phải 18 năm sau, Quân Cán Chính VNCH mới được CSVN cho về gần hết để đáp ứng đòi hỏi của Hoa Kỳ về việc tái định cư cho những cựu tù chính trị tại Hoa Kỳ.

Có thể nói không khí họp mặt của bất cứ một tổ chức cựu tù cải tạo nào cũng nhộn nhịp, vui tươi khó tả. Những cái bắt tay siết chặt, những vòng tay ôm ấp ân tình, những đôi mắt rực sáng lên khi nhận được thằng bạn tù đã lâu không gặp lại, và, những giọng nói nghẹn ngào khi nhắc lại những ân tình riêng tư với nhau khi còn ở trong tù của cộng sản. Những ân tình ấy có thể là một cuộc giúp đỡ trốn trại hay nhỏ bé như một khúc sắn (khoai mì công nghiệp) vừa “cải thiện” (lấy trộm từ những nương rẫy do công lao của tù cải tạo dựng lên). Ðúng như ông bà ta nói, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Miếng khoai mì có khi chưa được nấu vì phải giấu diếm nhưng nó lại ngon ngọt biết bao nhiêu. Có lẽ vì miếng khoai mì ấy đã được chấm bằng đất mặn VN do từ những giọt mồ hôi và nước mắt của tù đã đổ xuống nơi những nương rẫy nơi rừng thiêng nước độc này. Khúc khoai mì ấy của người bạn cho đã giúp cho anh Châu hồi phục sau cơn say nắng để tiếp tục đào cho đủ chỉ tiêu 80 hố sắn một buổi lao động! Ðó là câu chuyện của người cựu tù Bùi Minh Châu với người cựu tù đã chia ngọt sẻ bùi với anh ngày đó.

Ðể mở đầu buổi gặp nhau hàng năm này, ba vị niên trưởng Hoàng Xuân Hào, Vũ Long Mão và cựu Dân Biểu Nguyễn Hữu Thời đã lên niệm hương trước bàn thờ được đặt trong khu vườn căn nhà. Anh em ai nấy đều đứng lặng tưởng nhớ đến những bạn tù đã bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc ngoài Bắc, trong Nam hay miền Trung đất cầy lên sỏi đá, nhất là với những người đã từng bị nhốt chung trong các trại tù Quảng Ninh và Thanh Hóa ở ngoài Bắc.

Tiếp đó chủ nhân Trần Ðình Duất đã giới thiệu từng người một với nhau. Có một anh lặn lội từ Sacramento về. Ðó là anh Vũ Quí Ðạn. Chiếc xe của anh vừa táp vào lề đường trước nhà là tiếng reo mừng của anh em đã rộn lên. Anh Ðạn cho biết, anh đã lái xe từ sáng không nghỉ để đến kịp giờ hội họp với anh em. Người cựu tù phương xa thốt lên: “Giờ thì thấy mặt nhau rồi, ai nấy đều khỏe mạnh cả, mừng quá.”

Các niên trưởng Hoàng Xuân Hào, Nguyễn Hữu Thời và Vũ Long Mão đang niệm hương trước bàn thờ để nhớ đến những bạn tù đã mất trong các trại tù của CS.

Từng nhóm từng nhóm quây quần lại với nhau kể chuyện ngày xưa “Ngày xửa ngày xưa có lần Diêm Vương cho bọn Quỉ Ðỏ lên cai trị con dân VN vì con dân Việt bị cái tội chia rẽ... Bọn Quỉ Ðỏ chúng đã tiêu diệt tất cả những văn minh, phong hóa hơn 4 ngàn năm của con dân Việt, đốt sách, giam giữ cải tạo những ai không theo chúng kéo lùi văn minh VN lùi xuống hàng chục năm...”

Nhà văn Phạm Quốc Bảo, tác giả cuốn sách Cùm Ðỏ ghi lại khá chi tiết cuộc đời tù tại các trại Quảng Ninh-Thanh Hóa, cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ này. Nhà văn cho biết: “Anh em chúng tôi năm nào cứ vào dịp tháng 4 này là có buổi gặp lại nhau để biết tình trạng của nhau. Chúng tôi đã từng qua những năm tháng trong ngục tù cộng sản, nay chúng tôi phần lớn đều đã ổn định được cuộc sống, đây là lúc phải nghĩ đến nhau.”

Nhớ lại trại tù Quảng Ninh này, người cựu tù Bùi Minh Châu kể: “Nó là một trại binh của Pháp thời xưa trong vùng núi thuộc tỉnh Quảng Ninh. Ðứng trên cao có thể nhìn thấy Vịnh Hạ Long. Trại tù có hai dẫy nhà, một lợp ngói đã cũ dành nhốt tù quốc gia, một dẫy lợp tranh giành cho tù hình sự. Sở dĩ tù quốc gia được ở khu nhà gạch là vì trại sợ tù khoét vách đất trốn trại. Thường tù quốc gia có khoảng trên 1 ngàn người, cũng phải lao động cật lực cho đủ chỉ tiêu như bất cứ một trại tù CS nào. Khi chúng tôi được chuyển về Thanh Hóa được gặp lại nhiều anh em ở các trại khác mới hiểu thật rõ mạng lưới tù ngục đã trải khắp miền Bắc để giam giữ Quân Cán Chính VNCH. Lúc đó ai cũng nhớ đến những cuốn sách đã được đọc như cuốn Quần Ðảo Goulag của Solzhenitsin. Cho nên từ đó dù đã sau 3, 4 năm trong tù cải tạo rồi nhưng ai nấy đều không còn nghĩ được ngày về nữa là khi nào nữa.”

Cuộc vui gặp mặt đã được san sẻ cho nhau bằng một bữa ăn do các chị khoản đãi. Bữa ăn được dọn ra, ai nấy đều nhắc nhở lại công lao nuôi tù của các chị. Câu chuyện tù được đổi sang đề tài những gian lao vất vả, cực nhục của người vợ tù ròng rã hàng chục năm trời, thay chồng giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ già...

Mãi đến chiều tối, phố xá đã lên đèn một lúc lâu, anh em cựu tù Quảng Ninh-Thanh Hóa mới bùi ngùi nắm tay nhau hẹn ngày tái ngộ vào dịp khác.
.
.
.

No comments:

Post a Comment