Wednesday, March 30, 2011

SAMURAI và HOA ANH ĐÀO (Trần Mộng Tú)

Trần Mộng Tú
Saturday, March 19, 2011

Khi nói đến nước Nhật, người ta liên tưởng ngay đến những ngôi chùa cổ kính, với mái ngói xanh lam phủ rêu xanh ngọc, ẩn hiện trong những rừng tùng xanh biếc của mùa xuân, hay những nóc chùa thấp thoáng trong mơ hồ của một rừng tuyết trắng xóa mùa đông. Nước Nhật với cầu kỳ trang trọng của trà đạo; nghệ thuật mang thiền tính trong hoa đạo; lãng mạn với những chiếc gáy gợi tình của các cô gái hé ra ở cái cổ áo kimono hơi trễ về phía sau, trong những ngày quốc lễ hay ngày hội hoa Anh Đào và vẻ quyến rũ của ngọn Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ đã lôi cuốn du khách khắp nơi trên thế giới hàng năm đến Nhật. Nhưng bên trên những vẻ đẹp nên thơ và nặng về văn hóa đó là một nước Nhật với tinh thần Võ Sĩ Đạo dũng cảm.

Sau đệ nhị thế chiến, bước ra khỏi một nước Nhật với chế độ quân phiệt là một nước Nhật khác, với những sắc thái đặc biệt ít có nước nào trên thế giới theo kịp. Tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật cộng đồng,lòng tự trọng của con cháu Thái Dương Thần Nữ đã làm cho cả thế giới khâm phục. Tất cả tinh thần đó gói ghém trong chữ Samurai. Samurai viết theo chữ Hán là
(đọc là th, âm Hán Vit) gm có ch Nhân () đứng trước ch T (), mang hình nh mt người đứng trước cng chùa (Người canh gác chùa). Trong thi đại Mc Ph Đằng Nguyên (thế kỷ 12),Samurai được dùng như chiến binh, thị vệ để bảo vệ Tướng Quân (Shogun). Những Samurai này được huấn luyện, thử thách để hấp thụ đủ ba điều kiện: trung thành, can đảm và danh dự. Samurai còn có nghĩa là “Người phục vụ” (thị = người phục vụ). Về sau, Samurai gần như đồng nghĩa với chữ bushi (武士), tc là võ sĩ” và nhng người võ sĩ đó phi tuân th nhng nguyên tc rt nghiêm ngt, gi là Bushidō, tc là Võ Sĩ Đạo ( 武士道). Hu hết nhng nguyên tc ca Võ Sĩ Đạo đều da trên căn bn triết lý của đạo Phật và Thần đạo. Thần đạo thiên về khía cạnh tích cực, hướng dẫn con người thăng hoa vật chất, phát huy tối đa sự sáng tạo, xây dựng một xã hội vượt bực bằng tất cả khả năng của mỗi cá nhân. Trong khi đó Phật giáo giúp cho con người nhìn thấy cái phù du của đời sống, cái hư ảo của mất còn.

Hai tôn giáo này đã nằm trong máu người dân Nhật. Nên với những phẩm hạnh đó, các Samurai hành xử qua sự thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo, đặc biệt tinh thần an nhiên của Phật Giáo Thiền Tông, đơn giản và tĩnh lặng. Họ trở thành những anh hùng đơn giản và bình tĩnh trước mọi tình huống. Samurai tự coi mình mang vẻ đẹp thanh cao và lý tưởng của hoa Anh Đào. Khi nắng xuân ấm áp những nụ hoa Anh Đào đang khép, nở bung ra, nó khoe tất cả những nét đẹp tuyệt vời của từng cánh hoa. Nhưng khi một trận gió, một cơn mưa xuân đến thổi tung cánh hoa lìa cành, nó cũng dâng hiến một trận mưa hoa ngoạn mục trong không gian, để mọi người đứng ngẩn ngơ chiêm ngắm. Sống và chết, hoa Anh Đào cùng khoe vẻ đẹp dù mong manh ngắn ngủi. Samurai cũng sẵn sàng sống đẹp và chết đẹp như hoa Anh Đào.


Người võ sĩ đạo luôn luôn mang hoài bão chết trong danh dự hơn là chết trong ô nhục. Giai cấp Samurai cuối cùng đã tan rã hơn 130 năm nay, nhưng tinh thần Samurai vẫn mãi mãi tồn tại với dân Nhật, đó là: tinh thần cao với trách nhiệm xã hội. Không phải dân tộc nào cũng có được tinh thần này trong một sớm một chiều.

Khi một chiếc máy bay dân sự rớt xuống sân trường làm chết học sinh, không phải chỉ mình ông tổng giám đốc hàng không từ chức mà ông hiệu trưởng của ngôi trường đó cũng từ bỏ chức vụ của mình. Họ tự trách mình không làm tròn chức năng và chia xẻ cái đau khổ với gia đình nạn nhân. Chuyện từ chức vì nhiệm sở mình làm người lãnh đạo bị tai nạn, hay thất bại vì một lý do nào đó là chuyện rất tự nhiên của dân Nhật.

Liên tiếp trong vòng chưa đầy một tuần lễ. Bắt đầu từ ngày thứ sáu mồng 4 tháng 3 năm 2011, nước Nhật nhận liên tiếp ba tai nạn khủng khiếp: động đất, tsunami và nguy cơ tan chẩy lò phản ứng hạt nhân, gây ra cái chết của hàng chục ngàn người và sự thiệt hại ước tính hàng chục tỷ Mỹ kim vì còn lây lan ảnh hưởng đến cả thế giới. Đây là một thiên tai nặng nhất của Nhật trong lịch sử của 140 năm qua. (Trong vòng một thế kỷ Nhật Bản có tới 24 vụ động đất mạnh ở mức 6.độ Richter trở lên).

Trong cơn nguy khốn của quốc gia, tinh thần kỷ luật, danh dự và lòng tự trọng của người dân Nhật được nhìn thấy từng ngày.

Tinh thần Võ Sĩ Đạo của 130 năm về trước được thể hiện ngay trong lửa, nước, khói và phóng xạ nguyên tử trước những con mắt khâm phục của những người tham gia cấp cứu ở nơi khác đến, của những phóng viên trên thế giới. Họ ngạc nhiên vì ngay trong hoang tàn đổ nát đó, tư cách của mỗi cá nhân người Nhật thể hiện một cách rõ rệt. Chết chóc, đói lạnh, thất vọng không làm họ đánh mất truyền thống. Họ không tranh nhau một chỗ đứng ở bến xe, dù ai cũng muốn lên ngay cái xe đó để chạy về nhà mình, chạy đi tìm thân nhân; không chen lấn khi nhận thực phẩm dù là một cậu bé lên chín tuổi hay ông lão chín mươi, dù họ đang đói và lạnh. Không lợi dụng cảnh hỗn loạn mà trộm cắp, hôi của ở những siêu thị, công, tư xưởng mở ngỏ, không hiếp đáp phụ nữ cô thế ở chỗ vắng người. Ai cũng có lòng hy sinh cho đám đông, cho sự sống còn của người khác trong cùng một cảnh ngộ như mình. Những câu chuyện nói lên cái phong cách hiếm có của người Nhật được báo chí trên thế giới ca ngợi, bạn bè chuyển cho nhau tới tấp trên máy điện toán. Vẻ đẹp của một dân tộc làm gương cho cả thế giới. Cho ta hình dung ra được vẻ đẹp đến bàng hoàng khi ta bước vào khu rừng hoa Anh Đào trong mùa xuân, đứng dưới một tán cây, ngửa mặt lên chiêm ngắm ngàn cánh hoa một lúc.

Khi những lò phản ứng nguyên tử lần lượt phát nổ, dân chúng được di tản, một đội ngũ nhỏ kỹ thuật viên cảm tử đã ở lại Lò Phản Ứng Nguyên Tử (Fukushima Daiichi Nuclear Power Station). Họ bò trong một cái vòng xoáy ốc như mê cung (labyrinths),với những cây đèn pin soi thủng bóng tối, họ thở qua cái bình dưỡng khí mang nặng trên lưng. Họ giấu mặt, giấu tên, họ mặc một bộ quần liền áo, liền mũ mầu trắng để ngăn chặn phần nào phóng xạ thấm qua da thịt họ. Dù họ tình nguyện hay họ được tuyển chọn, thì họ cũng là 50 cảm tử quân, họ đối diện với cái chết trong danh dự, trong tinh thần võ sĩ đạo, dù họ biết chết vì nhiễm phóng xạ là một cái chết ghê rợn, xấu xí, nhưng đối với họ đó là một cái chết cho kẻ khác, cái chết đó sẽ đẹp như những cánh hoa Anh Đào lìa cành,bay lã chã dưới gió xuân. Cái chết của những Samurai.


Nhật đã nhận sự giúp đỡ về vật chất từ Mỹ như thực phẩm, trực thăng, vòi rồng, xe chữa lửa chuyển tới nhà máy hạt nhân, các máy bơm với công xuất cao. Tổng cộng đã có 17.000 binh sĩ hải quân và thủy quân lục chiến tham gia vào việc cứu trợ. Nhưng cho đến hôm nay (3/17)Mỹ vẫn chưa nhận được lời mời tham dự vào việc chữa chạy cơ sở hạt nhân Fukushima và Nhật còn yêu cầu lực lượng Hoa Kỳ đứng cách xa Fukishima 80 cây số, tức gấp bốn lần khoảng cách của khu vực di tản 20 cây số. Mặc dù Ngũ Giác Đài đã ngỏ lời: Chúng tôi được huấn luyện và trang bị nguồn lực có thể vận hành trong mọi điều kiện môi trường. Chúng tôi biết cách đo đạc, trắc nghiệm, ứng phó và đề phòng.

Thủ Tướng Nhật Naoto Kan nói ông sẽ tự vẫn nếu không cứu vãn được tình trạng nguy kịch của phóng xạ lan xa từ nhà máy Fukushima.

Phải chăng dân tộc Nhật muốn được chính mình thể hiện những cái chết mang tinh thần Samurai và đẹp như hoa Anh Đào khi lìa cành cho đất nước mình.

Trần Mộng Tú
3/17/11


*Tài liệu: VOA, The New York Times, Du Học Nhật Bản.
.
.
.

No comments:

Post a Comment