Wednesday, March 30, 2011

NHẠC SĨ NGUYỄN ĐỨC QUANG (Phan Tấn Hải)

 (03/29/2011)

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã ra đi. Nhạc sĩ đã đóng góp quá nhiều cho lịch sử, cho văn hóa, và cho âm nhạc Việt Nam -- nhiều hơn những gì mà một đời người có thể làm.

Tôi tin rằng nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là một người tiền định. Thời như thế, vận nước như thế, dân mình đau thương như thế... tất phải có một người như Nguyễn Đức Quang tới để hát lên những đau thương đó, và để ngợi ca những ước mơ và hy vọng về một ngày mai bình an, thương yêu, hàn gắn...

Anh đã trở thành một phần của lịch sử Việt Nam. Những ca khúc của anh tuy đang còn bị cấm hát tại Việt Nam hiện nay, nhưng điều chắc chắn có thể thấy rằng nhạc của Nguyễn Đức Quang sẽ không thể bị biến mất, bởi vì những dòng nhạc của anh đã len khuất sâu vào tim người nghe, bởi vì đó là những ước mơ đẹp nhất của tuổi trẻ Việt một thời nội chiến.

Tôi đã mơ hồ thấy như thế từ thời học trò. Lúc đó là sau Tết Mậu Thân 1968. Tôi trong nhóm các học sinh thiện nguyện trung học Chu Văn An nhận xây cất một phần trong khu tạm cư Lý Thái Tổ, một vùng đất nằm giáp giới quận 3 và quận 5, Sàì Gòn – nơi đây, phụ trách xây cất gồm học sinh nhiều trường trung học, và nhiều hội đoàn như Hướng Đạo, Nghĩa Sinh...
Giữa những ngổn ngang của cây, của ván, của các tấm bạt che mưa nắng, giữa các gia đình dân Việt mất nhà cửa vì các trận giao chiến Tết Mậu Thân... tuổi trẻ học trò đang ra sức dựng nhà tạm cư cho đồng bào. Chính trong những đêm thức lửa trại và rồi ngủ vì mệt vùi ở trại này, nhạc Nguyễn Đức Quang là những âm thanh không rời với một thời tuổi trẻ của tôi.

Sau năm 1975, khi còn trong nước, có những lúc đi xe đạp trên đường Sương Nguyệt Ánh, ngang qua ngôi nhà từng làm trụ sở Phong Trào Du Ca, tôi vẫn thắc mắc tự hỏi, không biết nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đang ở đâu và có vượt biên được không. Lúc đó, nhạc Nguyễn Đức Quang tất nhiên là bị cấm ở quê nhà, ai cũng hiểu như thế. Thế đấy, quê nhà lúc đó đã cấm mọi thứ.

Có những lúc lòng tôi xao xuyến, lo ngại về một tương lai bất định, lại bất chợt thoang thoảng trong đầu những lời nhạc Nguyễn Đức Quang:
“Hy vọng đã vươn lên
trong màn đêm bao ưu phiền
Hy vọng đã vươn lên
trong lo sợ mùa chinh chiến
Hy vọng đã vươn lên
trong nhục nhằn tràn nước mắt
Hy vọng đã vươn dậy
như làn tên
đang rực lên trong màn đêm...”

Thực sự, những lúc đó, tôi mở mắt thật to, nhưng vẫn không thấy hy vọng nào “đang rực lên trong màn đêm” như lời ca, chỉ thấy quê nhà đầy những bạo lực căng thẳng. Nhưng cũng ở những giây phút đó, lòng tôi mang ơn người đã viết lên những dòng nhạc đó; không mấy ai nói về một “hy vọng” đầy tha thiết như Nguyễn Đức Quang.

Nhiều năm sau, vào nghề báo, được gặp và quen với anh Nguyễn Đức Quang tại Quận Cam, California; tuy vẫn nhìn anh như một nghệ sĩ đàn anh, tôi vẫn không kể những chuyện thời học trò như thế. Nói ra, “thì là hơi cải lương,” tôi tự nhủ như thế, mỗi khi nghĩ về những gì cảm động. Thêm nữa, tôi biết rằng nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là một người đơn sơ, không bận tâm những chuyện linh tinh, thậm chí không ưa kiểu có vẻ như chiều chuộng, xu nịnh...

Nguyễn Đức Quang là người phục vụ đồng bào, và không hề bận tâm chuyện khác.
Một điều nữa, đã có quá nhiều người ca ngợi nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Ca ngợi thật tâm, không phảỉ khách sáo. Mà nói cho cùng, cũng không cần phải chọn lời trau chuốt nào cả, chỉ cần trung thực kể những việc mà anh Nguyễn Đức Quang đã làm, thế cũng là một cách ca ngợi tuyệt vời. Đơn giản, những việc anh làm đã nhiều hơn một đời người có thể làm, bất chấp rằng có rất nhiều năm anh đã gác đàn vào một góc, như dường là “một kiểu nhập thất của nhạc sĩ.”

Trong bài “Viết cho Du Ca Nguyễn Đức Quang” mới hồi tháng 2-2011, nhà văn Giao Chỉ, San Jose, đã viết:
“...Du ca trở thành con đường lý tưởng của thanh niên. Tuổi 20 đi trên “Đường Việt Nam. Đi dựng lấy huy hoàng, giống da vàng này là vua đấu tranh.”
Ai cũng có thể vào một buổi sáng thức giấc nghêu ngao : “Đường Việt Nam ôi vô cùng vô tận, Đường ngang tàng ngoài biển Nam, giữa Trường Sơn”.
Nguyễn Đức Quang là người viết nhạc hùng với những lời ca lý luận hết sức thực tế. Đó là bài “Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề.” Hãy đứng dậy đón chào bình minh với “Hy vọng đã vươn lên. Trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong mồ sâu quá ưu sầu.”...”(hết trích)

Tương tự, nhà báo Phạm Trần cũng nhận xét về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang: “Anh Nguyễn Đức Quang là người hoạt động và dấn thân cho tuổi trẻ Việt Nam rất tích cực và đáng ghi nhớ với những đóng góp cho Phong trào Du ca. Nếu không có bước đi khởi đầu của Nguyễn Đức Quang thì chưa chắc đã có những ca khúc gắn liền tuổi trẻ thành phố với xóm làng miền Nam trước năm 1975.”

Trong tiểu sử ngắn gọn về Nguyễn Đức Quang, trang nhà Du Ca www.ducavn.com  viết:
“Tên thật Nguyễn đức Quang, sinh năm 1944 tại Sơn Tây.
Theo gia đình vào Nam năm 1954.
Sinh sống tại Ðà Lạt từ năm 1958.
Tốt nghiệp đại học Ðà Lạt phân khoa Chính Trị Kinh Doanh khóa 1.
Bắt đầu sáng tác nhạc năm 1961. Ca khúc đầu tay dành cho Hướng đạo với tên  ươm Thiêng Hào Kiệt.
Sau biến chuyển chính trị lớn ở miền Nam năm 63, bắt đầu cảm hứng về nhạc Thanh niên và những vấn đề đất nước.
Năm 1964, chuyển qua hẳn những ca khúc có chủ đề Tuổi trẻ, Quê hương, Dân tộc.xây dựng những đề tài mới cho tập Trầm Ca, hát nhạc tranh đấu xã hội và nhạc sinh hoạt thanh niên và thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam năm 1966.
Năm 1979 cùng gia đình đến Hoa Kỳ, hoạt động liên tục trong nghành truyền thông tại hải ngoại. Hiện vẫn định cư tại Little Saigon, California USA.”(hết trích)

Trong tiểu sử Nguyễn Đức Quang ở Wikipedia (http://vi.wikipedia.org ), cũng ngắn gọn gần như thế.

Một điều để suy nghĩ, trong cả 2 tiểu sử ở 2 trang nhà này, đều tránh nói tới những năm phục vụ trong quân lực VNCH của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang -- thời mà nhạc sĩ là một sĩ quan chiến tranh chính trị. Tại sao các trang này tránh nói tới thời nội chiến của một nhạc sĩ lớn như Nguyễn Đức Quang? Có phải là để cho trang web không bị tường lửa? Hay có phải, dòng nhạc của anh lớn hơn những biên giới chính trị? Không thể đoán chính xác các chuyện này.

Hôm Chủ Nhật 27-3-2011, Hướng Đạọ VN đã thực hiện nghi lễ Trao Bắc Đẩu Huân Chương đến nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tại Quận Cam.
Bản văn của Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam giảỉ thích:
“...Bắc Đẩu Huân Chương là huy chương cao quý nhất của phong trào Hướng Đạo Việt Nam được trao tặng cho quý Trưởng Hướng Đạo có công gìn giữ và xây dựng một phương pháp giáo dục thanh thiếu niên do Huân Tước Baden Powell thành lập từ năm 1907 tại Anh Quốc.
Quý Trưởng nhận được Bắc Đẩu Huân Chương có những thành tích phục vụ tha nhân và luôn đeo đuổi lý tưởng Hướng Đạo. Quý Trưởng này còn là những nhân tố góp phần trực tiếp vào công cuộc gầy dựng các thế hệ thanh niên Việt Nam nối tiếp nhau dấn thân vào các công xã hội từ tromg nước cho đến sau này tại hải ngoại.
Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang gia nhập Hướng Đạo năm 1956, thuộc Đội Voi, Thiếu Đoàn Lê Lợi, Đạo Lâm Viên, là đội sinh của Trưởng Hoàng Kim Châu. Trưởng Hoàng Kim Châu hiện đang sinh hoạt với Liên Đoàn Đất Việt và Tráng Đoàn Nguyễn Trải Hướng Đạo tại Houston Texas. Sau này Trưởng Nguyễn Đức Quang thay Trưởng Châu và trở thành Đội Trưởng Đội Voi....”(hết trích)

Nghi lễ trao đã diễn ra xúc động. Một người con của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã thay cha vừa từ trần để nhận Bắc Đẩu Huân Chương.

Một sự thật để nhìn thấy rằng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang vẫn không hề rời cõi này. Bởi vì dòng nhạc của anh vẫn còn âm vang, còn ẩn tàng trong tim chúng ta. Và đã trở thành một phần của lịch sử dân tộc, bất kể rằng nhà cầm quyền có muốn hay không.
Cũng tương tự như thơ Nguyễn Du đã trường tồn, đã trở thành tài sản văn hóa của dân tộc, bất kể không mấy ai nhớ chính xác rằng Nguyễn Du có “lập trường chính trị” thế nào trong thời Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, thời Lê Mạt, thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, thời Nguyễn Ánh Gia Long, thời mà chàng trai trẻ Nguyễn Du dấy binh làm loạn và rồi trốn về quê vợ, ăn rau tới xanh cả mặt...


Cũng y hệt như thơ Nguyễn Du, như bài “Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán, như cuốn “Nhật Ký Rồng Rắn” của Tướng Trần Độ, như tác phẩm “Viết Cho Mẹ và Quốc Hội” của Nguyễn Văn Trấn... nhạc của Nguyễn Đức Quang sẽ còn mãi. Bởi vì, những gì viết bằng trái tim sẽ không thể biến mất, bất kể mọi trở lực của lịch sử.

Nguyễn Đức Quang đang trở thành tài sản văn hóa cho cả nước. Du Ca và Hướng Đạo có thể đang bị xóa sổ trên cả nước, nhưng dòng nhạc của Nguyễn Đức Quang vẫn được nghe trân trọng trên YouTube, và cả trong các buổi cắm trại tại quê nhà của Gia Đình Phật Tử, Thiếu Nhi Thánh Thể... Và rồi, chế độ cộng sản hiện nay chắc chắn sẽ biến mất, nhưng tôi tin rằng nhạc Nguyễn Đức Quang sẽ vẫn còn được hát.

Những ca khúc lưu trữ nơi đây:
chắc chắn là sẽ còn được hát nhiều thập niên sau, thậm chí nhiều thế kỷ sau...

Và dòng chữ cuối bài này, xin thành kính chia buồn cùng gia quyến nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, người đã trao cho các thế hệ trẻ quá nhiều ước mơ và hy vọng.
.
.
.

No comments:

Post a Comment