Tuesday, February 1, 2011

THỬ PHÂN TÍCH BẢN CÁO TRẠNG BUỘC TỘI TS CÙ HUY HÀ VŨ (Hồng Lạc)


Hồng Lạc
Thứ Ba, 01/02/2011

Sau khi đọc Cáo trạng vụ án Cù Huy Hà Vũ tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội (VKSHN), chúng ta sẽ lần lượt điểm qua từng bài để tìm được một ý nào đó nhằm có thể khẳng định rằng, TS Cù Huy Hà Vũ (TSCHHV) tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN như bản cáo trạng nêu ra.

Cáo trạng căn cứ vào 10 bài viết (theo thứ tự từ 1 đến 10 từ trên xuống) có trong máy tính xách tay, 2USB và tại tư gia của TSCHHV trong đó có bài thứ 10 không do TS viết và bài thứ 8 thì chưa được đăng vì TS chưa đồng ý.

Chúng ta sẽ xem xét từng bài một theo những dòng chắt lọc nhất để luận tội mà VKSHN nêu ra:

Bài 1:Phải đa đảng mới chống được lạm quyền Vũ trả lời phỏng vấn đài Châu Á tự do (RFA) ngày 01/2/2010, Vũ xuyên tạc, phỉ báng chính quyền bằng lời lẽ: “hiện nay ở Việt Nam người ta sử dụng ngân sách vô tội vạ và rất nhiều tiền từ ngân sách Nhà nước chi vào những việc thậm chí là Mafia... để có được chế tài đối với những kẻ cướp ngày... thì tôi Cù Huy Hà Vũ khẳng định: Cách duy nhất là phải có chế độ đa đảng tại Việt Nam
Có hai ý chính mà tiến sĩ luật CHHV đã nêu ra:
- TS nhắc đến việc chi ngân sách vô tội vạ và những việc mà TS gọi là “mafia”, điều này thì không chỉ TSCHHV biết và nêu ra mà đã có rất nhiều người từng đề cập đến. Các “nhóm lợi ích” hoạt động ngầm và liên kết thành những bè mảng lớn với nhau cũng tương tự như những băng đảng mafia. Việc TSCHHV nêu vấn đề này thể hiện ông là một công dân nắm được thông tin, dám nói ra và đó là trăn trở của một công dân có trách nhiệm.
- TS nêu ra cách chế tài là phải đa đảng để có thể giải quyết được vấn đề trên, đây là một đề nghị hợp lý và đề nghị này không chống ai cả, kể cả ĐCSVN.

Bài 2:Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ”. Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA ngày 29/ 4/2010 với nội dung xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược bằng lời lẽ: “...Tóm lại, việc duy trì cho Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nước không khác hơn là để phục vụ lợi ích phi pháp một nhóm nhỏ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đi ngược lại với lợi ích của đại đa số nhân dân trong đó có hàng triệu đảng viên cộng sản và vì vậy quyết không thể kéo dài hơn được nữa”. “Nhân đây, một lần nữa tôi kêu gọi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mau chóng thực hiện chế độ đa đảng ở Việt Nam bởi nếu không, hòa hợp, hòa giải dân tộc sẽ trở thành lừa dối dân tộc với hậu họa đã có thể nhìn thấy trước...”.
Gồm 2 ý chính sau:
- TSCHHV nhấn mạnh đến sự lãnh đạo đất nước bởi chỉ ĐCSVN là chỉ phục vụ cho một nhóm nhỏ trong ĐCSVN. Ý kiến mà ông nêu ra cho ta thấy TSCHHV chỉ nhấn mạnh ý thứ hai trong bài 1 mà thôi và ông đang nêu ra điều này để bảo vệ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân và hàng triệu đảng viên của ĐCSVN. Như vậy thì nếu nói TSCHHV chống ĐCSVN ở đây cũng không đúng vì ông đang lên tiếng bảo vệ cho đại đa số đảng viên của ĐCSVN và ông chỉ nêu rõ là chỉ một nhóm nhỏ trong ĐCSVN là có lợi ích khi duy trì chế độ độc đảng. Toàn bộ ý này hoàn toàn không chống lại nhà nước CHXHCNVN.
- Ông nêu bật sự cần thiết phải đa đảng vì thực tế, “hòa hợp, hòa giải” dân tộc mà từ trước tới nay, ĐCSVN nói và làm đều không thể hiện được sự hòa hợp và hòa giải, mặc dù chiến tranh đã kết thúc 35 năm. Trong lời kêu gọi này thậm chí cũng không chống ĐCSVN, nói gì đến chống nhà nước.

Bài 3:TS Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp”. Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA khoảng tháng 6/2010, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp với lời lẽ: “...Dứt khoát là sự mạo nhận của Đảng Cộng sản Việt Nam, không phải do bầu cử mà có nên quyết không thể là “chính danh”. Mà Đảng đã không “chính danh” thì không thể lãnh đạo bất kì ai”. Vũ khẳng định: “Tóm lại, điều 4 Hiến pháp Việt Nam là hoàn toàn phi lý và vì vậy dứt khoát phải xóa bỏ...
Đây là một điều mà bất kỳ ai có suy nghĩ đến vai trò của một công dân đều có thể hiểu được vì nếu như ĐCSVN là đảng của dân thì phải do dân bầu ra nhưng điều này là không có được. Các đảng viên đều được chi bộ cơ sở giới thiệu, học lớp đối tượng Đảng, sau đó là quá trình phấn đấu, rèn luyện, theo dõi, kết nạp đều do đảng viên theo dõi và chi bộ cơ sở thực hiện. Như vậy có thể thấy là người dân không hề được cầm lá phiếu để bầu ra các đảng viên và các thành viên của đảng càng lên cao thì ngay cả đảng viên cấp cơ sở cũng không được bầu chọn nói chi đến là người dân. Điều này thì ngay nhiều đảng viên đã lên tiếng là “không có dân chủ ngay trong Đảng”. Vì vậy, ĐCSVN thực sự không có tính chính danh trong lãnh đạo đất nước và điều 4 Hiến pháp 1992 đã mặc định sự lãnh đạo của Đảng và đại đa số người dân và hầu như toàn bộ giới trí thức, học giả, chủ doanh nghiệp, những người làm công tác nghệ thuật v.v… nếu không vào ĐCSVN đều không có quyền lợi chính trị trong thiết chế chính trị - xã hội do ĐCSVN lãnh đạo và như vậy thì điều 4 Hiến pháp 1992 rõ ràng là phi lý và cần thay đổi như TSCHHV đã đề cập. Bài này hoàn toàn không có ý nào có thể buộc tội chống nhà nước mà chỉ nói lên một thiết tha của một người dân muốn đất nước có dân chủ và bất cứ người dân nào cũng có quyền lợi chính trị ngang nhau, có như vậy thì những tài lực quốc gia mới được hội tụ, những con người tài năng của đất nước mới có cơ hội ganh đua để nhân dân chọn được “mặt” để “gửi vàng”.

Bài 4: Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy “ Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc”. Vũ trả lời phòng vấn đài RFA ngày 31/8/2010, đồng thời gửi lên trang “Bauxite Vietnam”. Vũ bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Phê phán Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây chia rẽ, thù hằn dân tộc bằng lời lẽ: “ ...Tiếc thay cho ban lãnh đạo nhà nước Việt nam thống nhất đã không làm được như thế mà ngược lại - phải nói thật - còn sát muối vào vết thương chiến tranh chưa kịp lên da bằng việc tập trung cải tạo trong hàng năm trời cả trăm nhìn quân nhân viên chức VNCH,.... đẩy không ít người Việt thuộc chính quyền cũ vào vòng xoáy thù hận, dẫn đến một số quay ra chống chính quyền mới để rồi bị kết tội xâm phạm An ninh quốc gia.
Vấn đề trong bài này nếu là cái khó chấp nhận của “những người vẫn ngất ngây men say chiến thắng” thì chính là một điều còn gây trăn trở, suy tư cho những ai đã hiểu được cái giá của sự thù hận, ngay cả những con người khác chủng tộc, khác quốc gia thì cũng không lâu sau khi kết thúc chiến tranh, họ cần hàn gắn vết thương đó vì nếu không, những người thiệt thòi nhất, chính là những người dân. Những người lính bất cứ ở chế độ nào, họ đều phải cầm súng chiến đấu, người lính không thể nào hiểu được những người đang xui khiến mình cầm súng có đúng hay sai, tốt hay xấu, ở đâu cũng vậy, họ chiến đấu, hy sinh thầm lặng và họ đâu có biết là những người thân còn lại của họ lại bị đối xử bất công ngay trên mảnh đất mà biết bao đời, tổ tiên họ từng sinh sống. Suy tư của TSCHHV là xuất phát từ ưu tư và đó là tiếng nói của nhân bản. Con người của những thế hệ hôm nay phải quên đi dấu vết đau thương để cùng nhau xây dựng lại cuộc sống, đó mới là điều cần có. Hãy nhìn lại những cuộc chiến tranh khác thì chúng sẽ thấy, ở đâu mà nỗi đau chiến tranh được quên đi nhanh chóng, cả hai chiến tuyến cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh thì ở đó sẽ có một tương lai tốt đẹp. Hãy nhìn vào cuộc chiến Nam – Bắc Mỹ sẽ thấy phe chiến thắng đã hành xử vô cùng cao thượng và khôn khéo để có được một sự hòa hợp sau chiến tranh và chúng ta sẽ thấy được ẩn đằng sau đó là những con người vĩ đại biết chế ngự cơn say, biết khiêm nhường trong chiến thắng, biết cởi bỏ sự nghịch thù bằng một tinh thần hòa hợp và biết nép mình vì quyền lợi chung của cả dân tộc.
Như vậy có thể thấy rằng, TSCHHV đã có những tiếng nói xây dựng và hàn gắn chứ không phải là gây chia rẽ, thù hằn dân tộc như cáo trạng đã đưa ra.

Bài 5: Bài phóng viên Trâm Oanh phỏng vấn Cù Huy Hà Vũ vào tháng 10/2010 theo bản cáo trạng là có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê Nin, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam bằng lời lẽ: “...chính quyền dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay đang ngày càng trở lên thối nát...", “...Đại hội Đảng lần thứ XI là Đại hội cuối cùng của ĐCSVN...
Trong bài này, sẽ thấy cái nhìn của TSCHHV cũng giống như cái nhìn của ông Trần Phương – cựu Phó Thủ tướng, ông Vũ Khoan - cựu Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Văn An – nguyên Chủ tịch Quốc hội và rất nhiều cán bộ cao cấp của ĐCSVN và của nhà nước CHXHCNVN đã lên tiếng trước đại hội ĐCSVN lần thứ XI chỉ có cách thể hiện là khác nhau. Nếu TSCHHV dám nêu lên sự thối nát của ĐCSVN và ông tiên đoán đại hội XI là đại hội cuối cùng còn các vị trên cũng nói đến một lỗi nghiêm trọng gây ra sự thối nát của chế độ đó là “lỗi hệ thống” hay nói chính xác hơn là hệ thống sai cơ bản, sai hoàn toàn. Cái sai đã được các vị viện dẫn về các tài liệu chuẩn bị cho đại hội Đảng đều không có một điều gì mới mẻ và đều là sai sót cơ bản trong các định hướng chiến lược. Từ kiên định CN Mác – Lê Nin, tư tưởng HCM đến định hướng XHCN đều lỗi thời và nếu không có sự thay đổi cần thiết thì chỉ dẫn đến sự suy vong không thể tránh khỏi và bản thân những người đóng góp ý kiến cũng đã nói tới việc “phải nói ra để nhân dân còn thấy được là họ cũng không đến nỗi dốt nát”. Trong việc nói tới những “nguy cơ” của ĐCSVN thì ngay cả ông Nông Đức Mạnh cũng đã từng nhắc đến là nếu không chống được tham nhũng thì nhân dân sẽ mất lòng tin vào chế độ. Vì vậy, việc TSCHHV nói tới đại hội cuối cùng cũng dựa vào sự thối nát và nạn tham nhũng hoành hành ở cả toàn bộ hệ thống và ĐCS không thể tự sửa chữa được. Mặt khác việc TSCHHV tiên đoán về đại hội cuối cùng hay không phải cuối cùng không thể khép tội chống ĐCSVN được và hiển nhiên là không chống lại nhà nước CHXHCNVN như quy định ở phần 1 khoản C điều 88.

Bài 6: Tam quyền nhất lập” đồng lòng hại dân. TSCHHV viết và gửi cho trang “Bauxite VietNam” có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với lời lẽ: “...Vậy là cả Chính phủ, Tòa án, Quốc hội, cả hành pháp, tư pháp và lập pháp đồng lòng hại dân. ngược lại 180 độ với Hiến pháp tại điều 2...ai chỉ ra được cách nào để cứu những người dân “ côi cút làm ăn” kia khỏi sự bức hại tập thể “ tam quyền không phân lập” hay “Tam quyền nhất lập” nói trên ở Việt Nam... “.
Như TSCHHV đã nói rõ trong bài viết, rõ ràng là Việt Nam chưa có “tam quyền phân lập”, điều này thì không ai hiểu biết luật pháp mà lại từ chối và TSCHHV gọi đó là “tam quyền không phân lập” hay “Tam quyền nhất lập”. Chính sự không phân lập của các cơ quan công quyền nói trên đã dẫn đến việc họ cùng nhau thỏa thuận những vụ việc sau những bức tường và một trong những nạn nhân là 4 trong 11 hộ dân ở 218 Đội Cấn – Hà nội liên quan đến việc giải tỏa để xây dựng cơ sở hạ tầng sau KS La Thành của Văn phòng Chính phủ và các hộ dân đã trực tiếp gửi đơn thư đến các cơ quan nói trên nhưng đều bị trả lại hoặc rơi vào im lặng, không hồi thư. Như vậy, ở những cơ quan được coi là cơ quan đại diện của dân mà lại không chịu giải quyết khiếu nại của dân thì như vậy rõ ràng là họ đã cùng nhau bức hại nhân dân, đúng như lời của TSCHHV.
Ở bài này thì đối tượng mà TSCHHV nhắm đến là các cơ quan công quyền gồm hành pháp, lập pháp và tư pháp và điều này chắc chắn là không chống lại nhà nước mà chính là muốn điều tốt đẹp cho đất nước.

Bài 7:Bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích và dấu hiệu bẫy người khác phạm tội . Vũ viết sau khi một số báo đưa tin về việc Trần Khải Thanh Thủy và Đỗ Bá Tân bị bắt; nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền trong việc bắt giữ, điều tra Trần Khải Thanh Thủy về tội cố ý gây thương tích với lời lẽ: “...mới chỉ qua nguồn tin “một bề” do Công an quận Đống Đa cung cấp cho báo chí nhà nước, vụ bà Trần Khải Thanh Thủy “cố ý gây thương tích” đã có dấu hiệu rõ rệt của một vụ khiêu khích hay bẫy người khác phạm tội thực hiện bởi chính cơ quan trấn áp tội phạm”
Trong bài viết của mình, TSCHHV đã nêu ra 8 điểm xác đáng liên quan đến việc bắt giữ hai ông bà nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và Đỗ Bá Tân sau vụ ẩu đả trước cổng nhà ông bà với sự chứng kiến của con gái họ. Những gì liên quan thì nhiều trang báo đã đề cập và qua vụ án CHHV thì có lẽ nếu điều tra lại vụ án “cố ý gây thương tích” này, hai ông bà nhà văn TKTT cũng sẽ được trắng án vì những ai đã theo dõi sẽ thấy những gì mà TSCHHV nêu là không thể chối cãi.

Bài 8: “Đường sắt cao tốc Bắc Nam - Dự án tham nhũng”, Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA thời gian năm 2010, nhưng Vũ chưa đồng ý nội dung nên đài VOA chưa đăng tải. Tài liệu này Vũ lưu giữ trong máy tính xách tay, USB. Nội dung phỉ báng chính quyền, thực hiện dự án chỉ nhằm mục đích tham nhũng bằng lời lẽ: “ ... tuy nhiên tham nhũng, giữa hai chính quyền có điểm này khác biệt một cách cơ bản: Chính quyền Sài Gòn chỉ tham nhũng vào viện trợ không hoàn lại hay là “cho không của Mỹ”, còn chính quyền cộng sản thì “ăn” ngay vào tài sản của nhân dân Việt Nam, từ đồng tiền của người dân, đất đai tài nguyên cho đến các khoản vay nước ngoài của chính phủ dẫn đến con cháu sau này phải oằn lưng trả nợ
Bài này do TSCHHV viết nhưng như cáo trạng đưa ra là ông chưa đồng ý đăng tải, điều này có nghĩa là bài viết chưa được hoàn thiện hoặc TSCHHV nhận thấy không có đủ cơ sở (hoặc cả hai), vì vậy, bài viết này chưa có giá trị trên thực tế. Mặt khác vấn đề mà ông nêu ra cũng là bức xúc của nhiều người dân lo cho tương lai của đất nước và hoàn toàn ngược lại với việc chống lại nhà nước CHXHCNVN như trong bản cáo trạng.

Bài 9: Bàn về Đảng cầm quyền”, Vũ đang viết, chưa xong. Nội dung phỉ báng, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam bằng lời lẽ: “... Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền hay độc tài?... chế độ chính trị ở Việt nam trên thực tế là chế độ độc đảng hay độc tài
Cũng như bài viết trên, bài này chưa có giá trị thực tế vì nó chưa hoàn thiện và chưa đăng tải, đó là ý thứ nhất, ý thứ hai là việc đặt câu hỏi về ĐCSVN chẳng liên quan gì đến việc chống phá đất nước cả, đảng là đảng và Nước là Nước, không thể lẫn lộn hai khái niệm hoàn toàn khác nhau này. Về các câu hỏi để ngỏ này thậm chí cũng không thể khép vào tội phỉ báng, xuyên tạc hay chống ĐCSVN vì nếu phỉ báng xuyên tạc hay chống sẽ phải nói tới những lời mạt sát, yêu cầu giải thể Đảng, hô hào lật đổ Đảng hay nói có thành không, không thành có, đằng này TSCHHV chỉ đặt câu nghi vấn chứ không phải là câu trả lời, không phải là một câu khẳng định. Việc gán cho TSCHHV những tội danh trên là hoàn toàn vô căn cứ.

Bài 10:Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình do tác giả Nguyễn Thanh Ty viết, Vũ lưu giữ tại nhà, nội dung xuyên tạc Đảng cộng sản Việt Nam, phỉ báng chính quyền.
Bài này là bài được TSCHHV tải về, việc lưu trữ những tài liệu này là chuyện bình thường mà ai cũng có thể làm. Mặt khác nếu nội dung của bài viết xuyên tạc ĐCSVN và phí báng chính quyền như cáo trạng nêu thì điều này cũng không thể khép cho TSCHHV tội chống lại nhà nước CHXHCNVN như quy định ở phần 1, khoản C của điều 88 được.

Từ 10 bài viết trên, nếu ai có cố “bới lông tìm vết” thì cũng đành chịu là không có bất cứ một lời lẽ nào, một từ ngữ nào cho thấy, TSCHHV chống lại nhà nước và đất nước cả mà nó thể hiện ông là một con người có nhiều ưu tư, trăn trở với từng hoàn cảnh của người dân đến tương lai và vận mệnh của đất nước. Với khả năng của một TS luật đã tu nghiệp ở nước ngoài, đã cho ta thấy, ông đã thực hiện đúng trách nhiệm của một người am hiểu luật pháp, sẵn sàng giúp những người dân khiếu kiện về đất đai, tài sản và ông không hề có bất cứ câu nói hớ hênh nào để có thể khép tội chống lại đất nước mình. Những yêu cầu với lời lẽ đanh thép của TSCHHV đã không miễn trừ ai, kể cả Thủ tướng, Quốc hội đã cho thấy mong muốn của một con người hiểu được tầm quan trọng của luật pháp trong công tác điều hành và quản lý xã hội cũng như tầm quan trọng của “tam quyền phân lập” là điều không thể thiếu ở mỗi quốc gia nếu muốn đất nước trở nên minh bạch trong quản lý xã hội. Về việc nói đến tính chính danh hay sự độc tôn của ĐCSVN cũng được ông đặt ra trong hoàn cảnh mà sự thối nát của chế độ đã khiến cho cả những người từng là công bộc của chế độ cũng phải thừa nhận và điều cần thiết chỉ có thể là việc cho phép đa đảng để đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tham nhũng, suy đồi đạo đức…và đây thực sự là yêu cầu không thể chối từ trên con đường dân chủ hóa đất nước.

Từ những điểm trên đã cho ta thấy, TSCHHV chẳng những vô tội mà còn là một công dân yêu nước và những ý kiến của ông chính là yêu cầu của thời đại.
Trên cơ sở đó, đề nghị VKSND thành phố Hà Nội hủy bản cáo trạng vừa nêu và trả tự do vô điều kiện cho TSCHHV, đó chính là “những việc cần làm ngay” của quý vị.

Sài Gòn 1/2/2011
Hồng Lạc

.
.

No comments:

Post a Comment