Tuesday, February 1, 2011

GIỚI TRẺ VIỆT NAM NGHĨ VỀ SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ AI CẬP (RFA)

Khánh An, phóng viên RFA
2011-01-31

Giữa lúc cả dân tộc Việt Nam đang chuẩn bị cho dịp Tết Tân Mão 2011 thì tình hình thời sự thế giới cũng đang nóng bỏng với những diễn biến đang xảy ra tại Ai Cập.
Sự kiện này diễn ra theo sau cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền độc tài thành công của người dân Tunisia trước đó.
Trong kỳ Café Wifi cuối năm này, Khánh An có dịp gặp lại một số khách mời của chương trình trong năm qua để tìm hiểu xem sự kiện thời sự nóng bỏng trên có khiến các bạn trẻ tại Việt Nam quan tâm không, đặc biệt ngay tại thời điểm mà nhà nhà đang chuẩn bị chào năm mới như hiện nay.

Khánh An: Nào bây giờ thì  mời quý vị và các bạn đến Hà Nội và gặp gỡ Tuấn, một khách mời trong chủ đề “1000 năm Thăng Long – Hà Nội” trước đây. Xin chào Tuấn, bạn đang làm gì đó, chuẩn bị ăn Tết có vui không?
Tuấn: Vui lắm, đang gói bánh chưng với gia đình đây. Gói để lấy không khí Tết ấy mà. Ra mua ở ngoài cũng không thành vấn đề nhưng mà muốn cả nhà cùng nhau gói bánh chưng cho vui và gặp mặt nhau nữa.
Khánh An: Trên thế giới đang diễn ra một sự kiện rất nóng, đó là sự kiện Ai Cập. Không biết Tuấn có nghe tin về sự kiện này không?
Tuấn: Mấy vụ đánh bom, chiến tranh đúng không?
Khánh An: Không phải, Ai Cập là vụ biểu tình đó, không biết bạn có nghe không?
Tuấn: Có. Tuấn thỉnh thoảng vẫn hay lên BBC để cập nhật thông tin ở trên mạng?
Khánh An: Ừ, Khánh An định hỏi xem các bạn ở Việt Nam có quan tâm đến những tin tức trên thế giới không, hay là do mùa này là mùa Tết nên các bạn lo bánh chưng, bánh tét nhiều hơn? (cười)
Tuấn: Về mấy vấn đề đấy thì không biết mọi người thế nào nhưng mà Tuấn vẫn cập nhật thường xuyên, vẫn xem trên thời sự, xem báo mạng và có trao đổi với một số bạn bè nữa. 

Tin từ báo chí

Khánh An: Vâng. Cám ơn bạn. Bây giờ thì Khánh An mời quý vị vào Nha Trang để gặp một nhân vật khá nổi tiếng ở đây là blogger Mẹ Nấm, tức Như Quỳnh. Quỳnh cũng làm một khách mời của Café Wifi trong chủ đề “Giới trẻ với blog và mạng xã hội”. Chào Quỳnh, khỏe không?
Như Quỳnh: Khỏe, mới vừa đi Đà Nẵng về.
Khánh An: Đang nói về Ai Cập, Khánh An muốn hỏi xem các bạn ở Việt Nam các bạn có biết tình hình đó không và các bạn nghĩ như thế nào vì đây là sự kiện nóng lắm?
Như Quỳnh: Nhưng mà ở Việt Nam có thấy “nóng” gì đâu?! Thật sự ai quan tâm thì mới thấy thôi chứ Quỳnh nói thật là mọi người cứ nói là cuộc cách mạng hoa lài chừng nào lan đến Việt Nam, Quỳnh nói thật với Khánh An, Facebook nó chặn kinh lắm. Quỳnh ra Đà Nẵng, vào bao nhiêu quán mà không vào được Facebook. Quỳnh thì Quỳnh đọc tin trên báo thì nó cũng đưa tin giống như là bạo loạn thôi, chứ hoàn toàn không có lật đổ chính quyền đâu, không có cuộc cách mạng mới đâu, chỉ là bạo loạn và mất ổn định thôi, sau đó là tái thiết lập và thiết lập chính phủ mới giống như ở Thái Lan, đưa tin trung dung lắm, cũng có đưa tin vì chẳng lẽ CNN đưa tin ầm ầm mà Việt Nam không đưa thì cũng kỳ, nhưng đưa theo kiểu cho biết thế thôi.
Nhưng ở thời điểm này thì Khánh An biết rồi, người ta lo thịt mỡ dưa hành củ kiệu các thứ, ai mà chú ý đến “cuộc cách mạng hoa lài”, nếu không phải là xài facebook thì cũng khó.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn bạn. Và tiếp theo, Khánh An mời quý vị gặp lại Thái Học, khách mời trong chương trình chủ đề về Đại hội Đảng 11. Xin chào Thái Học, Tết đến rồi, bạn có chương trình gì vui không?
Thái Học: Thiệt ra thì không khí ở đây cũng buồn lắm Khánh An. Nhóm bạn thân của mình thì nó lại không quan tâm đến vấn đề thời sự. Còn nhóm bạn trên mạng thì mỗi người mỗi nơi, đâu có biết mặt đâu.
Khánh An: Các bạn có theo dõi vụ Ai Cập không?
Thái Học: Có, vụ Ai Cập, Tunisia, có. Nhưng mà ở bên này, phần lớn facebook còn bị chặn nặng lắm. Thành phần lên (facebook) được rất ít.
Khánh An: Nhưng các bạn không theo dõi được vụ này ở trên báo chí bình thường à?
Thái Học: Ôi, làm gì có. Mình cũng đang thắc mắc đây. Cho nên mình nhận được tin nào là mình đưa lên tường (Wall) của mình hết. Còn ở ngoài ti vi lại có nhưng đưa một tin làm giật mình. Mình coi ti vi luôn, là có 15.000 người biểu tình thôi mà có tới 20.000 cảnh sát. Ti vi đưa vậy đó, à đúng rồi, báo có đưa luôn nhưng mà người ta đưa ra giống như để dằn mặt chứ không phải đưa ra để cần sự ủng hộ.

Khánh An: Vâng. Bây giờ thì Khánh An mời quý vị gặp lại Hải, sinh viên Luật, đã từng tham gia Café Wifi trong chủ đề “Giới trẻ với tình hình đất nước”. Xin chào Hải, bạn chuẩn bị đón Tết chưa?
Hải: Cũng chuẩn bị sơ sơ à, cũng lên kế hoạch ăn chơi dữ lắm (cười).
Khánh An: Khánh An định hỏi Hải là bạn có nghe biết về những tin về Ai Cập hay Tunisia không?
Hải: Mình coi thời sự thì cũng thấy là tại vì bây giờ bên đó bão giá đang lên nên họ biểu tình để yêu cầu chính phủ giải thể để thành lập một chính phủ mới, cũng là về chính phủ, giá cả…
Khánh An: Cái đó là bạn theo dõi ở đâu?
Hải: Mình theo dõi chủ yếu là truyền hình vì về quê thì không có mạng, không đọc báo được, chủ yếu là coi truyền hình.

Khánh An: Và bây giờ là gương mặt cuối cùng, bạn Hà Thanh, trong chủ đề “Kỳ vọng của giới trẻ trước Đại hội Đảng”. Chào Hà Thanh, không khí Tết ở quê bạn hiện nay thế nào?
Hà Thanh: Ở đây là quê nên người ta sắm sửa Tết cũng sung túc lắm.
Khánh An: Và câu hỏi tiếp theo mà Khánh An muốn hỏi các bạn là những thông tin chi tiết từ báo chí, truyền hình trong nước về cuộc cách mạng ở Tunisia và biểu tình đang diễn ra tại Ai Cập hiện nay là như thế nào? Các bạn có được những thông tin cập nhật thường xuyên không?
Thanh: Báo chí truyền thống thì cũng có nhắc tới, như ở trên ti vi, tin tức thế giới, chỉ đưa tin tương tự như cuộc biểu tình ở Thái Lan thôi. Thường thì báo chí Việt Nam đưa tin về những cuộc biểu tình ở những nước khác thì đưa một cách khiến người ta có cảm giác là người Việt Nam may mắn khi không gặp phải những cuộc biểu tình “dầu sôi lửa bỏng” như vậy. Việt Nam còn may mắn, yên bình.
Giống như ở Thái Lan, chủ yếu người ta đưa tin xoáy quanh chuyện biểu tình, bạo động, rồi những tin tiêu cực như số người thiệt mạng, số thương vong này nọ. Nhưng người ta không phân tích sâu cái lý do, nguồn gốc tại sao có cuộc biểu tình và cuộc biểu tình đó nó thể hiện quyền tự do dân chủ của người dân nước đó như thế nào. Người ta không có phân tích rõ những cái đó.

Liên tưởng đến VN

Khánh An: Cảm ơn các bạn. Như vậy, sau khi theo dõi thông tin từ báo chí trong và ngoài nước thì  nhận định riêng của các bạn về tình hình ở Ai Cập là thế nào và các bạn có thấy có sự liên hệ nào với tình hình ở Việt Nam không?
Thái Học: Theo mình nhận định thì (tình hình) đang rất là nóng. Một số bạn trên mạng, không biết là người trong nước hay nước ngoài, nói là “ngọn lửa này bao giờ lan truyền tới Việt Nam?” thì mình có nói với thiên hạ là “làm gì có, không cháy tới Việt Nam nổi đâu” (cười). Có bao nhiêu người nhận được thông tin đó đâu mà cháy tới Việt Nam.
Bởi vì bao nhiêu người nếu nhận tin tức từ báo hay truyền hình thì không có cảm hứng đâu, nhận được tin trên đài thì thấy sợ thôi, mình nghĩ là chắc chắn người ta đưa theo hướng đó. Còn mình thấy ở bên đó, cái cảm hứng người ta nhận được là từ trên mạng, đa số là trên facebook. Nhưng mà facebook như mình nói hôm qua vẫn còn bị chặn và người xài facebook ở Việt Nam chưa chắc nhiều, đa số là ở TPHCM và Hà Nội thôi, chứ đâu phải là cả nước đâu. Cho nên cái đó mình thấy còn lâu lắm, chưa tới đâu, chưa tới Việt Nam mình đâu. 
Hải: Mình cũng thấy là nếu mà nhà nước mà không có chính sách thì mình nghĩ sẽ có một ngày nào đó Việt Nam có thể nào giống như Ai Cập không? Bất ổn về chính trị, an ninh thì rất là khó tại vì khi biểu tình như vậy thì kết quả có liền không. Nếu cứ kéo dài thì đời sống của mình sẽ rất khó khăn. Cho nên mình nghĩ là cần phải có chính sách kịp thời.
Tuấn: Theo Tuấn thì việc đó (biểu tình) ảnh hưởng rất nhiều đến chính đất nước Ai Cập. Nó làm đình trệ kinh tế, sản xuất… sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng mà mặt lợi của việc đó là người dân được hưởng lợi. Họ sẽ phải xem xét lại và người dân được hưởng lợi, bởi vì quá bất công và họ không chịu được và phải đứng lên, không khác gì Việt Nam những năm về trước cũng có những cuộc nổi dậy, đòi lại công bằng cho dân… Cái đó thì Tuấn cũng chỉ hiểu và biết được tới đấy thôi.
Thanh: Cái thứ nhất là nếu như có được những điều kiện tương tự như vậy thì chưa chắc gì ở Việt Nam có cuộc lật đổ như vậy tại vì hiện giờ ở Việt Nam cũng có đôi chút giống nhưng mà có lẽ người Việt Nam cái sức chịu đựng hơn những nước đó, ví dụ như ở những nước đó họ cấm tự do báo chí, kiểm duyệt gắt gao, tương tự như Việt Nam, rồi ở những nước đó thì mấy tay độc tài cũng cấm những đảng phái khác hoạt động… Nói chung là có những điều kiện tương tự như Việt Nam nhưng theo mình nghĩ thì còn lâu lắm.
Khánh An: Vâng, xin cảm ơn các bạn trong chương trình hôm nay nói riêng và tất cả các khách mời của Café Wifi trong năm qua đã đóng góp tiếng nói, quan điểm, mối ưu tư, trăn trở của quý vị đối với những vấn đề liên quan đến cuộc sống của thanh niên nói riêng và tình hình đất nước nói chung. Khánh An xin cảm ơn và kính chúc quý vị và các bạn một năm mới Tân Mão an vui và thành công.

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments:

Post a Comment