Monday, January 31, 2011

TÌNH TRẠNG LIÊN BANG HOA KỲ QUA BÀI DIỄN VĂN CỦA TỔNG THỐNG OBAMA (Trần Bình Nam)

Trần Bình Nam
Posted on 30/01/2011 by Doi Thoai

            Tổng thống Obama đã đọc một bài diễn văn về “Tình trạng Liên bang” đầy màu sắc trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ hôm Thứ Ba 25/1/2011 (Obama’s-State-Of-The-Union-Address). Trên bàn chủ tọa không còn khuôn mặt quen thuộc của bà Nancy Pelosi. Thay vào đó là ông John Boehner, tân chủ tịch Hạ nghị viện  ngồi bên cạnh Phó tổng thống Joe Biden, chủ tịch Thượng nghị viện theo Hiến pháp .
            Bài diễn văn của tổng thống Obama văn chương chải chuốt và được chuyển đến quốc dân qua truyền hình một cách tự tin,  thỉnh thoảng được điểm bằng những tràng pháo tay khích lệ. Nhưng không rôm rả như những lần bà Nancy Pelosi ngồi ghế chủ tọa. Bà Pelosi chịu khó đứng dậy vỗ tay gần như sau mỗi chương mỗi đoạn của tổng thống Obama.
            Không khí tại điện Capitol khá căng thẳng với đảng Cộng Hòa vừa chiếm lại đa số tại Hạ nghị viện sau cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua. Các dân biểu và nghị sĩ đăm chiêu, “đồng sàng dị mộng”. Không ai phấn khởi nghe tổng thống nói, ngoại trừ khi ống kính truyền hình lướt qua. Họ đã biết nội dung qua báo in và truyền hình do Tòa Bạch Ốc tiết lộ có chọn lựa và đã có lập trường đối với những chương trình tổng thống trình bày.
            Nhưng các vị đại diện dân không khỏi lo lắng. Quá nhiều vấn đề trước mắt: Kinh tế suy thoái; thất nghiệp cao; ngân sách thâm thủng nặng; cuộc chiến chống khủng bố hao tốn; hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan còn dùng dằng; Trung quốc đang đe dọa thế siêu cường của Hoa Kỳ….
            Bản tường trình về tình trạng Liên bang của tổng thống Obama điểm qua tất cả các vấn nạn trên với chương trình giải quyết của ông. Và ông tổng thống kêu gọi đảng Cộng Hòa hợp tác để cùng giải quyết.  

            Tại Âu châu, Nam Mỹ, Á châu nhất là tại các nuớc độc tài, các nhà lãnh đạo thường động viên tinh thần yêu nước của dân qua sinh hoạt chính trị hằng ngày. Người Mỹ thì khác. Báo chí ít khi bàn chuyện  yêu tổ quốc yêu quê hương, và các chính khách không hề động viên tình yêu nước qua sinh hoạt hằng ngày nếu không muốn bị mang tiếng mỵ dân.
            Người Mỹ để dịp đó cho ông tổng thống động viên quần chúng, thanh niên, sinh viên, binh sĩ  mỗi năm một lần khi đọc diễn văn báo cáo quốc dân về tình trạng liên bang.
            Theo thông lệ bất thành văn đó, tổng thống Obama kêu gọi sự tự hào của một dân tộc từng vượt qua bao khó khăn trong suốt chiều dài lịch sử để lần này cũng vươn lên phát huy nội lực giải quyết các vấn đề quốc gia đang đương đầu.     

            Mở đầu tường trình tổng thống Obama nhắc thoáng đến vụ dân biểu Gabrielle Giffords (Dân chủ, Arizona) bị bắn tại Tucson hôm 8/1 để tạo không khí đoàn kết nội bộ. Ông cho rằng thắng thua trong hai năm tới không phải là vấn đề. Vấn đề là cùng nhau chúng ta có bổn phận làm cho Hoa Kỳ vẫn là bó đuốc soi đường cho toàn thế giới chứ không phải chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ thế giới .
            Tổng thống Obama nói rằng cuộc khủng hỏang kinh tế tài chánh bùng nổ hai  năm trước đây đã đi qua, thị trường chứng khoán đang khởi  sắc. Nhưng ông nói trọng tâm của “chúng ta”  là giúp cho mỗi công dân  Mỹ thành công trong xã hội. Nói theo lối Việt Nam là “Nước mạnh, Dân giàu”.
            Tổng thống Obama nhắc đến vụ Liên bang Xô viết phóng vệ tinh nhân tạo (Spunik) đầu tiên cách đây nủa thế kỷ đã làm Hoa Kỳ tỉnh giấc. Và với khả năng tiềm tàng 10 năm sau Hoa Kỳ đã vượt Nga đưa người lên cung trăng.
            Ông nói với khả năng truyền thống, Hoa Kỳ sẽ giải quyết vấn đề năng lượng để không còn lệ thuộc dầu thô của nước ngoài. Khả năng đó  sẽ cho phép Hoa Kỳ đầu tư vào giáo dục để mỗi công dân Mỹ đều có thể bước vào cỗng trường đại học. Ông nói mục tiêu của ông –và kêu gọi sự tiếp tay của đảng Cộng Hòa – là huy động khả năng thiên phú của người Mỹ để phát huy sáng kiến hơn bất cứ quốc gia nào (out-innovation); đào tạo nhiều nhà khoa học hơn bất cứ nước nào (out-educate) và trang bị phương tiện vật chất hơn bất cứ nước nào (outbuild) để phát triển .
            Sau đó ông Obama nói về chính sách đối với số người di dân đang sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ. Ông dựa chính sách di dân của ông vào câu hỏi: rất vô lý nếu chúng ta tốn công tốn của đào tạo con cái những người định cư bất hợp pháp rồi đuổi nguồn chất xám này về nước. Cho nên chính sách di dân (immigration policy) hợp lý, hợp tình có lợi cho quốc gia là tạo điều kiện cho những thành phần có thiện chí ở lại Hoa Kỳ một cách hợp pháp. Họ sẽ là những công dân tốt. Đây là điểm tế  nhị nhất vì chính sự khác ý kiến về chính sách đối với di dân bất hợp pháp giữa Dân Chủ và Cộng Hòa tại bang Azizona là nguyên nhân của vụ bắn trọng thương dân biểu Giffords và làm thiệt mạng 5 công dân khác trong đó có một quan tòa Liên bang và một bé gái 9 tuổi.
            Về thuế má, tổng thống Obama kêu gọi quốc hội lấp các khe hở trong luật thuế để thêm tiền cho ngân sách quốc gia, và để có thể giảm thuế một cách hợp lý cho các công ti làm ăn đàng hòang .
            Về quyền và khả năng kiểm soát của các định chế kiểm soát ông nói ông sẽ điều chỉnh những điều lệ làm trở ngại cho các nhà kinh doanh.  Nhưng ông cương quyết thi hành và thêm những điều khoản cần thiết để bảo vệ người dân.
            Qua lĩnh vực sức khỏe, tổng thống Obama đề cập đến luật cải tổ bảo hiểm sức khỏe ban hành ngày 24/3/2010 (và đảng Cộng Hòa quyết liệt phản đối đòi hủy bỏ). Ông hứa sẽ làm việc với đảng Cộng Hòa để điều chỉnh những gì cần điều chỉnh. Nhưng ông sẽ không bỏ luật cải tỏ này.       
            Sau cùng tổng thống Obama nói về cách giải quyết thâm thủng ngân sách và nợ nần quốc gia. Ông đề nghị  ngưng tăng chi tiêu cho các chương trình trong nước trong 5 năm để tiết kiệm 400 tỉ mỹ kim trong vòng 10 năm tới. Và cần tăng thuế đánh vào các nhà triệu phú để có tiền giúp mở mang trường học, và cấp học bổng cho học sinh giỏi.
            Kết thúc bài diễn văn tổng thống Obama kết luận, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ vẫn mạnh. Tinh thần nước Mỹ luôn còn đó thúc đẩy chúng ta tiến tới nắm lấy tương lai tươi sáng.

***
            Nội dung bài diễn văn về tình trạng Liên bang không có gì đặc sắc. Tổng thống Obama không đưa ra chương trình nào mới mẻ. Ông cố giữ những gì ông đã làm trong 2 năm qua, đặc biệt chương trình cải tổ sự săn sóc sức khỏe (Healthcare Reform). Đánh giá sức mạnh của đảng Dân Chủ: còn nắm đa số tại Thượng nghị viện và quyền phủ quyết trong tay,  ông sẵn sàng làm việc với đảng Cộng Hòa trong thế mạnh.
            Ông tìm con đường trung dung như ông đã áp dụng từ tháng 11/2010 . Ông làm vừa lòng thành phần bảo thủ bằng hứa hẹn giảm thuế cho các đại công ti sau khi lấp các lỗ hổng trong luật thuế và cắt xén các chương trình trong nước. Ông vỗ về  thành phần bên tả với hứa hẹn đưa ra luật di trú nâng đỡ người định cư bất hợp pháp, bảo vệ chương trình An Sinh Xã Hội  (Social Security Program),  duy trì các chương trình giúp đỡ thành phần yếu kém trong xã hội và tăng thuế đánh vào các nhà gìàu, và rút dần quân ra khỏi Afghanistan vào mùa hè năm 2011 này.
            Cái khó của các chương trình trên là sự khác biệt căn bản giữa hai triết lý của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Nhưng out-innovation, out-educate & outbuild  dù cho hai đảng nắm tay nhau để giải quyết cũng không phải dễ. Outbuild cần tiền; out-innovation cần phải out-educate, và out-educate cũng cần tiền để đào tạo gíáo viên Trung học và giáo sư đại học giỏi.
            Năm mươi (50) năm trước khi tổng thống Kennedy tuyên bố Hoa Kỳ sẽ đưa người lên cung trăng, Hoa Kỳ đang sung mãn về kinh tế, ngân sách dồi dào, khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất và một đội ngũ khoa học gia, kỹ sư đông đảo nhất thế giới. Hôm nay, tháng 1/2011, tổng thống Obama đứng trước một ngân sách thâm thủng lớn chưa từng có (1.4 trillion – hay 1400 tỉ mỹ kim) Hoa Kỳ không có điều kiện để vẫn -  về lâu về  dài –  đi trước Trung quốc một khoảng cách an toàn. Cái khó nó bó cái khôn của ông tổng thống.
            Các dân biểu nghị sĩ đều biết hai vấn nạn chính của quốc gia là nạn thất nghiệp và ngân sách thâm thủng. Cộng Hòa muốn giải quyết thâm thủng trước. Trong khi tổng thống Obama muốn giải quyết nạn thất nghiệp trước. Giải quyết thâm thủng sẽ khó giải quyết nạn thất nghiệp hơn. Trong khi đầu tư để tạo công ăn việc làm trước sẽ khó giải quyết nạn thâm thủng ngân sách.
            Đứng trước những ưu tiên khác nhau như vậy hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ không có một kế hoạch chung, nên triển vọng giải quyết đã khó lại càng khó hơn.
            Tình trạng quốc gia không sáng sủa gì. Nhưng tổng thống Obama không thể có một kết luận nào khác hơn là quét lên nó một lớp son màu hồng của hy vọng.
            Cứ theo hiện tại để phóng nhìn về tương lai, thì tương lai trước mắt  của Hoa Kỳ là tranh chấp lưỡng đảng không khoan nhượng để nắm quyền lãnh đạo Tòa Bạch Ốc trong cuộc bầu cử năm 2012.
            Cuộc tranh chấp chính trị: Cộng Hòa khởi thế công, Dân Chủ phát huy thế phòng vệ có thể dẫn tới những kết quả tích cực, nhưng cũng có thể dẫn đến bế tắc quốc gia .
            Nhưng đó là trong khung cảnh một thế giới không có biến động. Cuộc nổi dậy của dân chúng Ai Cập hiện nay nếu là cái mồi lửa cho một phong trào dân chủ trong khối A Rập thì toàn cầu sẽ trải qua một biến động lớn, buộc Hoa Kỳ phải duyệt lại toàn bộ chính sách đối ngoại cũng như đối nội.
            Chuyện nhức đầu là Hoa Kỳ vẫn kêu gọi dân chủ cho khối A Rập . Nhưng nghịch lý là một khối A- Rập dân chủ có thể ít quá khích hơn chưa  chắc sẽ là người bạn thân thiết của Hoa Kỳ.
Trần Bình Nam
Jan 31, 2011

----------------------------------


Bản dịch của BS Hồ Hải





.
.
.

No comments:

Post a Comment