Monday, December 27, 2010

TIN THÊM VỀ NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO CỘNG SẢN VIỆT NAM NAY MAI

Dec 26, '10 1:35 AM

Ít ngày nay, trên các trang mạng trong và ngoài nước hé lộ thông tin không chính thức về các nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam sau khi Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành TW ĐCS Việt Nam nhóm họp hôm 13/12/2010…Đặc biệt trên BBC đăng tải bài nhiều bài phân tích khá đầy đủ và chi tiết về sự kiện này. Tuy nhiên thông tin do báo này đưa không hẳn đã chính xác về danh sách 4 vị đứng đầu nhà nước cộng sản.

Vấn đề nhân sự luôn được coi là nhạy cảm và cần được giữ bí mật tới phút chót, điều đó tạo nên nhiều phỏng đoán và bình luận đa chiều trong xã hội. Để giúp Đảng cộng sản sớm công khai các chức danh lãnh đạo trước khi tiến hành Đại hội đảng lần thứ XI, Dongsongxanh sẽ điểm lại tên tuổi những vị đã được bầu thông qua tại Hội nghị 14 vừa qua.

1. Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội khóa XII sẽ lên làm Tổng bí thư thay thế Nông Đức Mạnh. Điều này là đương nhiên đối với một người từng nắm giữ cương vị Chủ tịch hội đồng lý luận TW của ĐCS, người được coi sẽ lèo lái con thuyền ý thức hệ chính trị độc tài giữa biển sóng dân chủ trên thế giới. Nếu không phải là con người bảo thủ giáo điều đến mức cùng cực như ông Trọng thì không còn nhân vật nào thích hợp hơn để có thể giữ vững chế độ cộng sản đang đến hồi suy vong tại Việt Nam. Thêm vào đó, ông này còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phương Bắc xa xôi để giữ vững cái gọi là 16 chữ “vàng” và tinh thần 4 tốt thực chất đó chỉ là tấm bình phong để người hàng xóm khổng lồ này có lý do hợp pháp tiếp tục gia tăng sự o ép cả về kinh tế và chính trị, gói trọn Việt Nam vào vòng cương tỏa những năm tới.

2. Trương Tấn Sang, nhân vật dư luận xã hội vẫn đồn đại là Phó Tổng Bí thư sẽ thay thế Nguyễn Minh Triết để leo lên ghế Chủ tịch nước mà bây lâu nay tham vọng cá nhân chưa thực hiện được. Chính Sang muốn hất cẳng Nguyễn Tấn Dũng khỏi chiếc ghế Thủ tướng vì lý do quản lý kinh tế đất nước yếu kém, tuy nhiên thế lực và vây cánh của Nguyễn Tấn Dũng còn mạnh, cộng với tiềm lực tài chính hùng hậu do thâu tóm hàng loạt các Tổng công ty nhà nước vào trong tay, cùng sự hình thành một mạng lưới doanh nghiệp sân sau của mình nên không dễ dàng hạ bệ được Dũng.

3. Nguyễn Tấn Dũng, đương kim Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục ở lại đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng như đã nói ở trên.

4. Còn chức danh Chủ tịch Quốc hội sẽ do ai đảm nhận? có phải ông Phạm Quang Nghị, Bí thư thành ủy Hà Nội thay thế ông Trọng như thông tin rò rỉ ra gần đây hay với phỏng đoán khác là ông Hồ Đức Việt, người từng xuất thân từ một Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội sẽ rời chức Trưởng ban Tổ chức TW quay trở lại nơi ông từng ra đi?
Thế nhưng tất cả những suy đoán đó đều không phải, người thay thế ông Trọng lại là đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Đây chính là một sự bất ngờ “thú vị” mà Trung ương ĐCS, Bộ chính trị muốn dành tặng cho tất cả những ai quan tâm tới chính sự Việt Nam. Quả đúng như báo chí nước ngoài loan tin ban đầu dự kiến ông Phạm Quang Nghị sẽ lên làm Chủ tịch Quốc hội. Thế nhưng khi ông ra đi thì phải có một người thay thế ông để quản lý cái đô thị đang hết sức rối ren về mọi mặt này. Người được quan tâm thay thế ông Nghị để tiếp quản cái ghế nóng ở Hà Nội là ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng với nhiều kinh nghiệm về quản lý đô thị. Tuy nhiên đến phút chót số phiếu bầu cho ông vào Bộ Chính trị không đủ, vậy là ông không vào được BCT thì cũng không lấy đâu ra người thay thế ông Nghị. Một kế hoạch bổ sung được đưa ra vào phút chót ông Hùng sẽ về Quốc hội. Có lẽ người hoan hỉ nhất trong vụ này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người vừa thoát hiểm ngoạn mục trong vụ đắm tàu Vinashin, đồng thời đạt luôn nguyện vọng một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất vẫn giữ được phe cánh của mình, thứ hai điều động Nguyễn Sinh Hùng sang làm Chủ tịch để bịt miệng Quốc hội, bịt những cái miệng phát biểu không đúng lúc đúng chỗ. Trong tương lai Chính phủ sẽ thêm vây thêm cánh, còn Quốc hội trở về đúng nghĩa của nó là nơi thể chế hóa các nghị quyết của Đảng.

Người đau đớn nhất trong cuộc đua này có lẽ là đồng chí Trưởng ban Tổ chức TW Hồ Đức Việt, sinh năm 1947, còn đang sung sức và khá trẻ so với các đồng chí khác, vốn là hậu duệ của các bậc cách mạng tiền bối từ nay sẽ từ giã chính trường, từ giã những bổng lộc do chiếc ghế quyền uy mang lại để lui về ẩn dật vui thú điền viên. Thay thế ông Việt sẽ là ông Ngô Văn Dụ, Chánh văn phòng TW hiện nay. Ông Việt đã quá chủ quan trong cuộc đua này để rồi bị hất cẳng không thương tiếc, âu cũng là bài học cho các đồng chí khác suy nghĩ phòng bị.

Nói thêm một chút về chức danh Phó Chủ tịch nước, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội đang trên đà thăng tiến với số phiếu đủ vào BCT và sẽ thay thế bà Doan trong thời gian tới. Xuất thân từ dân tộc Thái, BCT muốn đưa bà vào vị trí này cũng là để cơ cấu vùng miền, lại được cái tiếng với thế giới rằng coi trọng phụ nữ và đề cao người dân tộc thiểu số.

Như vậy, đến giờ phút này con bài nhân sự chiến lược mà bấy lâu nay chúng ta phỏng đoán đã sáng tỏ. Nhìn vào danh sách nhân sự không thấy có sự đột phá, vẫn bình mới rượu cũ. Thể hiện tư duy chính trị sáo mòn trống rỗng hiện nay trong ĐCS, đặt quyền lợi của đảng lên cao nhất thông qua hệ thống bầu bán khép kín thiếu dân chủ, công khai bất chấp những đòi hỏi chính đáng của dân tộc và thời đại.

Cảm nhận chung từ dư luận xã hội khi thông tin hé lộ ông Trọng lên làm Tổng Bí thư là một bầu không khí bất an và lo lắng.
Với kết quả này, người dân Việt Nam sẽ hy vọng gì ở tương lai?
.
.
.

No comments:

Post a Comment